• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo Lâm (Lâm Đồng): Mở hướng chăn nuôi bò thịt

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 11/07/2016
Ngày cập nhật: 12/7/2016

Để “tháo gỡ” sự mất cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi, trong nhiều năm qua, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã có chủ trương phát triển, nhưng thiếu các giải pháp đồng bộ, nên ngành chăn nuôi không theo kịp với ngành trồng trọt. Trong khi đó, Bảo Lâm vẫn hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Bước sang giai đoạn 2016 - 2020, huyện Bảo Lâm tiếp tục mở hướng phát triển chăn nuôi; trước mắt, là tập trung nuôi bò thịt.

Bò sữa hậu bị tại Trại bò Kobe (xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm)

Hiệu quả kinh tế cao nhưng phát triển còn chậm

Theo ông Đậu Văn Xuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, lâu nay, huyện Bảo Lâm cũng đã khẳng định là có điều kiện để phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò. Bởi vì, huyện còn có quỹ đất để có thể quy hoạch phát triển trồng cỏ và diện tích đất phân bố đều ở các xã, thị trấn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần có các giải pháp như thế nào để đầu tư phát triển, vì thực tế ở địa phương còn có những khó khăn nhất định. Từ trước đến nay, bà con nông dân ở Bảo Lâm đã sản xuất ổn định cây chè, cà phê và các loại cây trồng khác. Bây giờ, nếu vận động chuyển sang trồng cỏ thì cũng là một vấn đề mà nhiều người còn băn khoăn, tính toán. Thêm nữa, muốn chăn nuôi bò đem lại hiệu quả cao thì phải nuôi bò sữa hoặc bò thịt cao sản. Tuy nhiên, nó đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn. Mặt khác, trong chăn nuôi, hệ số rủi ro cao hơn trồng trọt… Đây chính là những lý do đã tạo cho nông dân tâm lý “ngại” đầu tư phát triển chăn nuôi bò và trong thực tế, số người đã đầu tư chăn nuôi ít, không phổ biến như trồng trọt.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, đến thời điểm này, đàn bò trong toàn huyện chỉ có 4.600 con; trong đó, có 4.291 bò thịt và 309 bò sữa. Đàn bò được nuôi chủ yếu là ở xã Lộc Tân (822 con), thị trấn Lộc Thắng (773 con), xã Lộc An (498 con), xã Lộc Thành (455 con)… Chất lượng đàn bò còn thấp, vì bò thịt chủ yếu là giống bò vàng địa phương, tăng trọng chậm, tầm vóc nhỏ. Tỷ lệ bò lai sind và các giống khác còn rất khiêm tốn. Việc nuôi bò sữa chưa phổ biến, hiện chỉ có Trại bò Kobe (ở xã Tân Lạc) và một vài hộ nông dân ở xã Lộc Thành, xã Lộc Tân, thị trấn Lộc Thắng.

Mặc dù chăn nuôi bò phát triển chậm, phần lớn là tự phát, nhưng một số nông dân và trang trại nuôi bò ở Bảo Lâm đã đem lại hiệu quả khá cao. Chẳng hạn, ở thôn 1 (xã Lộc Lâm), từ 1 hộ nghèo, vào năm 2000, bà Ka Mìr vay 5 triệu đồng (từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm) mua 1 con bò giống. Dần dần, đàn bò của bà phát triển lên đến 10 con bò cái sinh sản. Bà Ka Mìr cho biết: “Mỗi năm, mỗi con bò cái sinh sản được 1 bò con. Nhờ nuôi bò, gia đình tôi mới có vốn và có thêm nguồn phân bón để đầu tư 2 ha trà, cà phê; đồng thời, mua sắm đầy đủ máy cày, máy kéo, máy tưới nước. Bây giờ, gia đình tôi đã thoát nghèo và thu nhập bình quân hàng năm được 200 triệu đồng”. Gia đình ông Lê Quang Niên (thôn 1, xã Lộc Quảng) đã trở nên khá giả cũng nhờ chăn nuôi bò sữa. Từ năm 2013, ông Niên đã mạnh dạn chuyển đổi 8 sào cà phê sang trồng cỏ và đầu tư 200 triệu đồng mua 4 con bò sữa. Hiện nay, đàn bò đã tăng lên 14 con (8 con khai thác sữa). Ông Niên cho biết, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, gia đình ông thu được 20 triệu đồng từ tiền bán sữa tươi.

Còn tại xã Tân Lạc, Công ty Cổ phần bò Kobe Việt Nam đã hình thành Trại bò Kobe (giống bò nuôi để lấy thịt chất lượng cao nổi tiếng của Nhật Bản). Trại nuôi bò thịt Kobe thế hệ F1 trong môi trường âm nhạc. Bò Kobe F1 là bò lai từ bò sữa Hà Lan với tinh bò Kobe (nhập từ nước ngoài). Để có được bò Kobe F1, ban đầu, trại nuôi đồng thời 100 con bò sữa Hà Lan (phần lớn là giống bò HF) để làm bò cái nền phối giống tinh bò Kobe. Theo ông Nguyễn Trí Đức Vũ, Giám đốc Công ty, qua mấy năm nuôi thử nghiệm rất khả quan, Công ty sẽ mở rộng quy mô trại bò. Dự kiến trong vài năm tới, trại sẽ tăng đàn lên 900 con (500 bò thịt và 400 bò sữa). Mặt khác, theo dự kiến, khi bò Kobe F1 sinh sản được 4 tháng tuổi, Công ty sẽ chuyển giao cho người dân địa phương nuôi trong giai đoạn trưởng thành. Đến khoảng 26 tháng tuổi, Công ty sẽ nhận bò lại để nuôi tiếp trong giai đoạn vỗ béo trước khi xuất bán.

Đẩy mạnh nuôi bò thịt cao sản

Thực hiện Quyết định số 2777/QĐ - UBND, ngày 24/12/2015, của UBND tỉnh về việc ban hành “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020” và Quyết định số 772/ QĐ - UBND, ngày 11/4/2016, của UBND tỉnh về phê duyệt “Đề án phát triển đàn bò thịt cao sản của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020”; mặt khác, sau khi khẳng định được vị trí con bò trên vùng đất Bảo Lâm, mới đây, UBND huyện đã có “Kế hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt cao sản giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, huyện sẽ tập trung khai thác các nguồn lực, thu hút đầu tư và vận động nhân dân phát huy nội lực để phát triển chăn nuôi bò thịt cao sản, theo hướng nuôi bò thịt lai với các giống cao sản (như giống bò Zêbu, Angus, Droughmaster, BBB). Mức độ tăng trưởng đàn phấn đấu đạt bình quân 5,5%/năm để đến năm 2020, đàn bò thịt trong toàn huyện có 6.500 con, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm trên 20% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện.

Theo UBND huyện Bảo Lâm, giải pháp mà huyện đề ra là tập trung vận động, khuyến khích nông dân phát triển và cải tiến chất lượng đàn bò thịt hiện nay bằng các bò thịt cao sản. Huyện sẽ đầu tư giống bò lai Zêbu và thụ tinh nhân tạo các giống bò Zêbu, BBB cho đàn bò cái nền có trọng lượng trên 300 kg. Trong 2 năm 2017 và 2018, huyện sẽ đầu tư tăng cơ học 130 bò giống lai Zêbu (100 con cái và 30 con đực) với mức hỗ trợ (từ ngân sách) 50% tiền mua bò giống. Về giải pháp tăng đàn tự nhiên, huyện sẽ hỗ trợ 100% tiền mua 5.500 liều tinh bò thịt giống cao sản (Zêbu, BBB) và một số phương tiện phối giống. Ngoài ra, huyện sẽ hỗ trợ 50% chi phí xây dựng 5 mô hình chăn nuôi bò thịt cao sản BBB và 100% chi phí mua giống cỏ chất lượng cao để trồng trên diện tích 50 ha.

Ngoài ra, để thực hiện tốt kế hoạch phát triển đàn bò thịt cao sản, UBND huyện Bảo Lâm còn có các giải pháp về đào tạo cán bộ thú y và khuyến nông viên cơ sở; giải pháp về tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; giải pháp về thị trường cung ứng “đầu vào” và tiêu thụ sản phẩm… Tổng mức đầu tư, huyện dự kiến trên 10 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 6,7 tỷ đồng; nông dân và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trên 3,3 tỷ đồng.

XUÂN LONG

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang