• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Du mục” cùng loài ong

Nguồn tin: Báo Thái Bình, 27/06/2016
Ngày cập nhật: 28/6/2016

Người làm nghề nuôi ong lấy mật tự nhận mình là dân “du mục”, quanh năm tìm đến những vựa hoa để cho ong hút mật. Lúc lên rừng, khi xuống biển, vào Nam, ra Bắc, công việc của họ cũng cần mẫn, chăm chỉ như loài ong kiếm mật.

Công việc hàng ngày của chủ trại ong là kiểm tra các cầu ong để biết chất lượng đàn ong.

Đi tìm "lộc trời"

Cứ độ tháng 4 về, người nuôi ong lấy mật khắp các tỉnh lại về hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy để đánh mật vụ hoa sú, hoa vẹt ngoài cánh rừng ngập mặn ven biển. Họ tập trung nhiều ở xã Thụy Trường (Thái Thụy) bởi nơi đây có rừng sú, vẹt rộng hàng chục nghìn héc-ta. Sau vụ hoa, họ lại "du mục" đến những vùng đất mới, nơi bắt đầu một vụ hoa như: Hưng Yên, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Bình Phước, Gia Lai...

Là một trong hai trại ong đóng đô dưới tán rừng phi lao ngoài đê biển xã Nam Phú (Tiền Hải), trại ong 200 đàn của anh Vũ Thanh Lâm, quê xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đang háo hức chờ đến vụ hoa vẹt sắp tới. Kể cho chúng tôi nghe về hành trình anh đưa ong nhà mình đi "du lịch" từ đầu năm đến nay, anh Lâm cho biết: Đầu năm tôi cho ong lên huyện Sông Mã (Sơn La) đánh vụ hoa rừng cũng là thời điểm để dưỡng cho ong khỏe sau quãng thời gian dài di cư từ miền Nam ra. Tháng 4, tôi cho ong xuống biển Tiền Hải để đánh vụ hoa sú, vẹt. Khoảng tháng 11 thì tôi chở ong vào Bình Phước đánh vụ hoa cà phê, cao su, keo...

Với anh Lâm, đến với nghề nuôi ong không phải tình cờ mà anh nối nghiệp từ bố mình, người có kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó với những trại ong. Bố anh từng là công nhân ở Công ty Cổ phần Ong Nam Định. Sau khi nghỉ chế độ, ông không dứt được tình yêu với con ong nên cùng với anh trai chung vốn mua giống, gây dựng lên trại ong của gia đình. Còn anh Lâm, học công nghệ thông tin, từng làm việc ở Sơn La nhưng đồng lương eo hẹp nên anh về theo bác, theo bố nuôi ong lấy mật đã gần 10 năm. Cái thứ "lộc trời" mà người nuôi ong cần ấy chính là phấn hoa, nhờ những con ong chăm chỉ mà làm nên những giọt mật thơm ngon, hội tụ tinh túy của đất trời. Cũng chính nhờ ong mà cây cối được thụ phấn, đơm hoa kết trái, sinh sôi nảy nở "trả công" cho con người. Dân "du mục" như anh Lâm chính là người thủ lĩnh nắm trong tay cả triệu quân tí hon hành quân trên mọi nẻo đường để kiếm tìm mật ngọt.

Có đắng cay mới có ngọt bùi

Chúng tôi về Thái Thụy thời điểm này, tính sơ trên khu vực rừng phi lao xã Thụy Trường có ngót chục trại ong (tương đương hơn 3.000 đàn). Các chủ trại ong ở đây chủ yếu đến từ các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, có người trong miền Nam cũng đưa ong ra đây. Anh Hà Văn Thường, quê ở huyện Chư Păh (Gia Lai) ra đây từ tháng 4. Trải qua quãng đường hơn 1.000 cây số, 250 thùng ong của anh đang trong thời gian nghỉ dưỡng, chờ vụ hoa vẹt. Học nghề từ gia đình vợ, để tự chủ một trại ong tương đối như thế này, anh Thường phải có một thời gian dài theo bố vợ học nghề. Trong suy nghĩ của anh Thường: Nghề nuôi ong giống như đánh bạc với trời, tìm được nơi nhiều hoa, gặp thời tiết tốt thì chẳng mấy chốc trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, không may gặp phải thời tiết nắng mưa thất thường, hoa chưa kịp nở đã rụng hoặc mưa làm trôi phấn hoa không thể khai thác, đàn ong không có thức ăn, gặp phải chủ non kinh nghiệm không bổ sung kịp thời thức ăn thì ong yếu dần và tản mát đi, năng suất thu hoạch mật ong sẽ giảm, coi như là mùa ấy thất thu.

Anh Thường cũng như nhiều người nuôi ong đều mong muốn một năm mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, có như vậy công sức họ bỏ ra mới được đền đáp xứng đáng. "Cứ như năm 2015, tôi trúng mấy vụ mật, lúc đó giá mật lại cao, vợ chồng tôi thu lãi gần 300 triệu đồng, gom góp mua cái nhà hơn 200 triệu đồng ở Chư Păh để vợ chồng yên tâm làm ăn; năm nay thì chưa biết thế nào vì giá mật còn bấp bênh lắm. Chưa thu được mẻ mật nào mà đã phải chi phí mấy chục triệu để mua nguyên liệu làm thức ăn cho ong rồi", anh Thường trầm ngâm.

Các thùng ong được sắp xếp và đánh số theo thứ tự để tiện theo dõi.

Còn với ông Vũ Đình Khương, thôn Hoành Sơn, xã Thụy Văn (Thái Thụy), nuôi ong lấy mật không khó, chỉ giống như chăm sóc con mọn, cần sự cẩn thận, tỉ mỉ. Tuy mới vào nghề được 3 năm nay nhưng tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng về nghề nuôi ong nên ông Khương cũng tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm. Trại ong của ông có 130 thùng, vật liệu làm thùng nuôi được thay thế thùng gỗ bằng thùng nhựa công nghiệp. Nhờ nuôi ong, cuộc sống gia đình ông khá giả hơn trước đây. Ông Khương tâm sự: Công việc hàng ngày của người nuôi ong là thường xuyên kiểm tra từng thùng ong xem ong có khỏe mạnh, lấy đủ lượng phấn hoa cần thiết. Vào thời gian ong luyện mật, thường xuyên đảo cầu để mật lên đều. Mọi sự thay đổi về thời tiết sẽ ảnh hưởng đến lượng thức ăn của ong.

Khó khăn, vất vả đối với nghề nuôi ong không chỉ ở sự rủi ro về thời tiết mà còn có nhiều nguyên nhân từ con người. Có những trại ong bị xóa sổ hoàn toàn do ong ăn phải thuốc trừ sâu cho hoa, rồi bị người dân xua đuổi là chuyện không hiếm gặp. Anh Bùi Xuân Cương, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) kể: Có lần cả đêm lo đưa ong từ xe ô tô xuống địa điểm đặt thùng, đến sáng người dân kéo nhau ra xua đuổi. Chúng tôi phải nhờ chính quyền xã can thiệp, giải thích cho họ hiểu rõ ngọn ngành. Nghề nuôi ong cực là thế. Rồi cũng có chủ trại ong vì lợi ích kinh tế trước mắt, ganh tị nhau mà dùng thủ đoạn để hãm hại nhau bằng cách đập phá thùng ong, đầu độc ong bằng hóa chất...

Nuôi ong thời bão giá

Theo như các chủ trại ong, giá mật ong năm nay bị chững lại do thị trường xuất khẩu mật ong bị ngưng trệ, trong khi chi phí để duy trì đàn ong thì ngày một tăng cao. Ngoài chi phí thức ăn để dưỡng ong, chi phí vận chuyển, bảo trì thùng, cầu nuôi ong thì còn chi phí sinh hoạt, kiểm dịch khi vận chuyển… Hiện nay, hầu hết các hộ nuôi ong đều là những hộ gia đình tự phát, không được bảo hộ nên họ chịu mọi rủi ro với những diễn biến bất thường của thời tiết và phải tự tìm thị trường tiêu thụ cho chính mình. Nghề nuôi ong giúp kinh tế của người dân được cải thiện tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro khó lường. Theo anh Thường, chi phí cho mỗi lần vận chuyển ong đến nơi mới phải từ 15 - 30 triệu đồng, tùy thuộc vào địa hình, quãng đường xa hay gần. Đi kèm với đó là chi phí khuân vác... Hiện nay, việc vận chuyển ong đi các tỉnh, có nơi đã "nâng cấp" thành dịch vụ trọn gói. Bên cạnh đó, chi phí giống vào thời điểm chính vụ lên tới 1 triệu đồng/thùng. Anh Phạm Thành Quyết, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường (Nam Định) cho biết: Ngoài việc đầu tư vốn để "bảo dưỡng" đàn ong khỏe mạnh và các chi phí khác, ngay chính việc tiêu thụ nguồn mật cũng bị tư thương ép giá. Nếu chúng tôi không bán thì không có vốn để duy trì đàn ong, nếu bán thì chịu thiệt thòi đủ đường. Bên cạnh việc khai thác mật ong thì chúng tôi còn bán giống cho những chủ trại ong muốn mở rộng đàn hoặc mới vào nghề.

Ở cái thời buổi người khôn của khó, người ta coi trọng chữ tín là hơn cả nên các chủ trại ong tuyệt đối không dám pha chế thêm bất kỳ loại chất nào vào mật ong để kiếm lợi bất chính. "Nghề nuôi ong lấy mật bây giờ không còn là nghề "hot" nhưng nó vẫn là nghề làm giàu nếu kiên trì theo đuổi. Ngoài hình thức nuôi ong "du mục" thì hiện nay có nhiều công ty, xí nghiệp nuôi ong theo hình thức công nghiệp. Nếu ai vì đồng tiền mà đánh đổi chữ tín thì sẽ không được lâu dài", anh Quyết khẳng định.

Chia tay các anh, vẳng bên tai chúng tôi còn tiếng vo ve của hàng triệu triệu con ong đang tỏa đi muôn hướng tìm hoa hòa lẫn với tiếng người cười nói rộn rã trong những túp lều tạm. Trước mắt chúng tôi là cánh rừng sú, vẹt trải dài ngút ngàn và chắc chắn rằng ở đó có những con ong vẫn đang cần mẫn tìm hoa luyện mật.

Tất Đạt

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang