• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

"Hụt hơi" khi cạnh tranh với gà nhập khẩu

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 16/05/2016
Ngày cập nhật: 18/5/2016

Người tiêu dùng lựa chọn thịt gà dai Hàn Quốc đông lạnh tại siêu thị Lotte Vũng Tàu.

Những năm qua, các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, xu hướng chăn nuôi với quy mô lớn ngày càng tăng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành chăn nuôi gà đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thịt gà nhập khẩu với số lượng lớn, giá rẻ hơn nhiều so với gà nuôi trong nước.

Người chăn nuôi gà đang “hụt hơi”

Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi gà, chưa khi nào ông Trần Ngọc Châu (tổ 3, ấp Phong Phú, xã Long Phước, TP.Bà Rịa) lại thấy hoang mang, lo lắng mỗi lần thả nuôi lứa gà mới như lúc này. Trang trại gà của ông nuôi hơn 50.000 con, những năm trước với giá gà Tam hoàng 40.000 - 42.000 đồng/kg, sản phẩm tiêu thụ ổn định, ông Châu thu nhập từ 600 - 700 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, giá gà Tam hoàng giảm mạnh khiến việc chăn nuôi của ông gặp nhiều khó khăn.

Ông Châu cho biết, với một lứa gà khoảng 50.000 con, nuôi trong thời gian từ 55 - 57 ngày, ông đầu tư khoảng hơn 2,5 tỷ đồng, gồm chi phí con giống, cám thức ăn, thuốc thú y, nhân công, điện, nước… Khi xuất bán, với trọng lượng gà đạt từ 1,8 - 2 kg/con, giá từ 35.000 đồng/kg trở lên ông mới có lãi. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay, giá gà xuống thấp, chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg, ông lỗ gần 1,5 tỷ đồng. “Việc giá gà xuống thấp liên tục làm tôi không dám đầu tư, phải giảm đàn. Hiện trang trại của tôi đang thả 30.000 con gà được khoảng 1 tháng tuổi. Giá gà hiện đang ở mức 39.000 - 40.000 đồng/kg, không biết đến lúc xuất bán sẽ như thế nào. Nếu giá đợt này xuống thấp chắc tôi phải tìm phương án đầu tư khác” - ông Châu nói.

Tương tự ông Châu, anh Nguyễn Minh Lý, chủ trang trại nuôi gà tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành cũng rất lo lắng bởi giá gà luôn bấp bênh, thường xuyên giảm làm người chăn nuôi cũng lao đao theo. Với 2.000 con gà thả vườn, sau mỗi lứa từ 5 - 6 tháng, trước đây anh Lý thu khoảng 20% lợi nhuận so với tổng giá trị đầu tư, nhưng 1 năm trở lại đây chỉ còn khoảng 10%. “Với tình hình giá gà diễn biến theo chiều hướng giảm trong thời gian qua, chỉ những hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại mới có thể cầm cự, do nuôi nhiều lứa trong 1 năm bù lỗ qua lại, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải ngưng nuôi, “treo chuồng” vì không đủ vốn để tái đầu tư” - anh Lý nói.

Một số chủ trang trại nuôi gà trên địa bàn huyện Châu Đức cho biết, những năm trước, khi nuôi gà bị thua lỗ người chăn nuôi lựa chọn cách nuôi gia công cho các tập đoàn nước ngoài như CP, Emivest, Japfa… Lợi thế của hình thức này là chủ trang trại không phải đầu tư con giống, thức ăn, lại được bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định quanh năm. Tuy nhiên, giờ đây chăn nuôi gia công không còn thảnh thơi như trước. Một số DN nước ngoài thay đổi hình thức từ bao tiêu sản phẩm sang hình thức mua bán. Người nuôi gia công vẫn phải ký hợp đồng tiêu thụ giống, tiêu thụ cám nhưng DN không còn trực tiếp bao tiêu sản phẩm với mức giá cụ thể mà chỉ đóng vai trò trung gian kết nối giữa người chăn nuôi và một đơn vị thu mua khác. Theo đó, người nông dân phải gánh chịu mọi rủi ro về giá, về biến động thị trường. Trong khi đó, người nông dân lại luôn ở thế yếu trong hợp tác với DN nên thường rất khó đàm phán thay đổi điều kiện chăn nuôi, do đó kể cả những chủ trang trại có “thâm niên” trong nghề cũng không trụ được trong giai đoạn giá gà bấp bênh như hiện nay.

Qua tìm hiểu, một trong những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi gà của tỉnh gặp khó khăn thời gian qua là do gà trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm gà nhập khẩu từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… Khảo sát tại siêu thị Lotte Vũng Tàu, một số mặt hàng gà nhập khẩu có giá rẻ hơn nhiều so với gà “nội”. Cụ thể, gà dai đông lạnh Hàn Quốc giá chỉ 58.000 đồng/kg; gà dai đông lạnh Đài Loan hơn 80.000 đồng/kg; gà dai Hàn Quốc quay sẵn có giá dao động từ 76.000 - 96.000 đồng/kg… Trong khi đó, giá gà ta thả vườn nguyên con đông lạnh được bán tại siêu thị này có giá từ 110.000 - 120.000 đồng/kg; gà ta thả vườn quay sẵn 126.000 ngàn đồng/kg. Theo ghi nhận, các sản phẩm gà dai, gà đông lạnh nhập khẩu được người tiêu dùng lựa chọn do giá rẻ, phù hợp với túi tiền của công nhân lao động.

Để giảm lỗ, nhiều hộ chăn nuôi phải tính toán đến việc giảm giá thành như tự sản xuất con giống, phối trộn thức ăn chăn nuôi… Trong ảnh: Việc tự pha trộn thức ăn phục vụ chăn nuôi, trong 6 tháng, anh Nguyễn Minh Lý đã giảm 25 triệu đồng so với lúc mua thức ăn trộn sẵn của các công ty chế biến.

Cần có sự hỗ trợ cho người chăn nuôi

Theo ông Giao Văn Sỹ, Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Thú y tỉnh, việc giá gà trong nước khó cạnh tranh với gà nhập khẩu do giá thành chăn nuôi gà tại các trang trại ở mức quá cao. Đối với gà công nghiệp, phải mất từ 55 - 57 ngày mới đạt trọng lượng hơn 2kg, trong khi đó, bình quân một lứa gà của thế giới chỉ mất 31 ngày. Đặc biệt, 55 - 57 ngày là theo quy trình nuôi công nghiệp ở các trang trại lớn, chăn nuôi trong dân còn kéo dài hơn. Trong khi chi phí đầu vào về con giống, thức ăn, thuốc thú y lại cao dẫn tới sức cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi yếu. Trong chăn nuôi, giá thành thức ăn chiếm tới 65 - 70% chi phí trong khi đó so với các nước trong khu vực, giá thức ăn chăn nuôi ở trong nước luôn cao hơn khoảng 10 - 15%. Bên cạnh đó, người chăn nuôi không nắm bắt được nhu cầu thị trường để điều tiết sản xuất dẫn đến rủi ro rất lớn, cung luôn vượt cầu, đẩy giá gà giảm mạnh trong thời gian qua.

Ông Giao Văn Sỹ cho biết thêm, ngành chăn nuôi gà hiện dù phát triển nhưng vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết nên khó cạnh tranh với gà nhập khẩu. Đặc biệt, khi các Hiệp định thương mại tự do được thông qua, cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn khi hàng loạt các rào cản thuế quan sẽ bị dỡ bỏ, thuế nhập khẩu bằng 0% trong thời gian tới. Do đó, để chăn nuôi gà phát triển bền vững, người chăn nuôi phải tiến hành tái cơ cấu sản xuất theo hướng phát huy đặc tính của vật nuôi, nắm bắt nhu cầu thị trường để có định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo Chi cục Thú y tỉnh, một trong những giải pháp thời gian tới là người chăn nuôi phải tính toán để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm bắt được nhu cầu thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có HTX liên kết các trang trại chăn nuôi để cùng nhau hợp tác, tìm kiếm đầu ra cũng như hỗ trợ đầu vào về con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y với giá cả hợp lý, phù hợp. Do đó, ngành chức năng, các cơ quan liên quan cần xem xét hỗ trợ thành lập HTX, hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh các sản phẩm gà trong nước trên thị trường, giúp nông dân tránh được nhiều rủi ro khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 3,1 triệu con gà được nuôi thả, trong đó 80 trang trại với tổng đàn gần 2 triệu con; 2 trang trại công ty nước ngoài; khoảng 50 trang trại nuôi gia công cho các công ty nước ngoài như CP, Emivest, Japfa… và 26 trang trại nuôi tư nhân. Chủ yếu các trang trại chăn nuôi gà tam hoàng, gà công nghiệp. Do đó, đề xuất của cơ quan chức năng là trong thời gian tới, để cạnh tranh với gà nhập khẩu thì nên chăng, người chăn nuôi nên chọn sản phẩm lợi thế là gà ta thả vườn vẫn ổn định về giá cả.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2016, các lô hàng nhập khẩu gà đông lạnh từ Mỹ vào Việt Nam tiếp tục có xu hướng gia tăng, tăng đến 275%. Về giá cả, giá đùi gà đông lạnh nhập từ Mỹ ở mức 19.000 đồng/kg, má đùi có giá 17.500 đồng/kg, cánh gà có giá 55.000 đồng/kg và gà nguyên con (không đầu, cánh, chân) bán với giá 35.000 đồng/kg… Mức giá bán này hiện đang rẻ hơn giá gà tươi trong nước tới 30 - 50%, và rẻ nhất trong số các quốc gia xuất khẩu thịt gà vào Việt Nam.

Trong khi người chăn nuôi gà trong nước đang gặp nhiều khó khăn do giá giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn, gà giống dư thừa thì mới đây, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) lại có đề xuất với Chính phủ cho phép nhập khẩu gà giống từ Trung Quốc khiến không ít chủ trang trại lo lắng. Trong đó, lo ngại nhất vẫn là chất lượng gà Trung Quốc không bảo đảm yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh, kháng sinh, thuốc thú y trong sản phẩm, chưa kể sản phẩm gà Trung Quốc cũng rất khó cạnh tranh với các loại gà nhập khẩu từ các nước khác.

NGÔ THANH

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang