• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hậu Giang: Chăn nuôi gia cầm thời hạn, mặn

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 16/05/2016
Ngày cập nhật: 17/5/2016

Ảnh hưởng của hạn, mặn kèm theo thời tiết nắng nóng kéo dài, bắt đầu tác động đến việc chăn nuôi, trước tiên là trên đàn gia cầm, thủy cầm. Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Anh Nguyễn Hoài Thanh, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, chăm sóc kỹ đàn gà.

Có rong ruổi theo người nuôi vịt chạy đồng mới hiểu được phần nào khó khăn mà bà con đang đối mặt. Trên những cánh đồng nứt nẻ, khô khốc, không chỉ riêng nỗi trăn trở về cây lúa mà còn dai dẳng mối lo của người nuôi vịt chạy đồng vì thiếu thức ăn và phát sinh dịch bệnh. Có thể thấy, một chuỗi mắt xích liên tiếp từ quá trình chăn nuôi ban đầu, nguồn thức ăn khan hiếm, rủi ro hao hụt, cho đến vấn đề đầu ra… tất cả như một lực đẩy vô hình đưa người chăn nuôi vùng hạn, mặn đứng trước bờ vực thua lỗ. Một thực tế là nông dân Hậu Giang đã và đang gồng mình chống chọi với hiện tượng thiên tai khắc nghiệt nhất trong lịch sử gần một trăm năm qua, khi thực trạng nền chăn nuôi đang bước đầu bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn.

“Cứu đói” vịt chạy đồng

Nuôi vịt hơn 15 năm, nhưng chưa bao giờ chị Hồ Thị Lệ Hằng, ở ấp Thạnh Lợi, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, lâm vào cảnh khó khăn như lúc này. Với tổng đàn trên 2.500 con, trung bình mỗi ngày chị bỏ ra khoảng 2 triệu đồng mua lúa và thức ăn cho vịt để cầm chừng qua ngày. Đây là biện pháp “cứu đói” tạm thời cho đàn vịt trong khi chờ lúa trên các cánh đồng thu hoạch.

Chị Hằng tâm sự: “Từ khi nước mặn tràn về, khắp nơi đồng khô cỏ cháy. Giờ không còn nơi di trú nên tôi phải cầm vịt tại nhà, thời gian đã gần 1 tháng nay. Tôi nhẩm tính lỗ khoảng 40 triệu đồng. Con số này với người nuôi vịt thì quả thật quá lớn. Chưa kể trước đó khi đem vịt sang huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho ăn, khi về hao hụt hơn 200 con. Nguyên nhân do nguồn nước mặn, nhiều con vịt sức đề kháng yếu không thích nghi được rồi chết khá nhanh”.

Cùng gặp tình trạng trên, ông Hồ Văn Dữ, ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Khi di chuyển đến vùng nước mặn, tôi thấy chúng yếu dần, chân co lại giống như bị què, đi không nổi. Nhiều con bỏ ăn, rồi không cứu được nữa… Thấy nhiều rủi ro nên tôi quyết định bán đàn, chỉ chừa lại một ít phòng lúc túng quẫn thì có cái đắp đổi qua ngày”.

Ông Dữ hiện đã mua thêm 1.800 vịt con về nuôi, mới được khoảng 15 ngày tuổi, nhưng cũng hao hụt khá nhiều bởi vịt nhỏ không thích nghi được với nguồn nước nhiễm mặn. Thấy vậy, người nông dân này nghĩ ra cách làm một cái ao nhân tạo trong chuồng rồi nhốt bầy vịt con vào đó. Ban ngày ông Dữ cho chúng xuống sông để quen nước mặn khoảng vài giờ, sau đó lùa vào bể nước ngọt được bơm từ cây nước lên để “xả mặn”. Trước cảnh hạn, mặn gay gắt, nông dân vùng bị mặn chỉ còn cách trông mưa và mong mỏi vào những giải pháp tình thế như vậy.

Từ câu chuyện tìm nguồn thức ăn đến quá trình chăn nuôi bị hao hụt đã khiến người nuôi vịt chạy đồng gần như điêu đứng. Giờ đây, thêm một lần nữa người nuôi vịt chạy đồng phải ngậm ngùi tiếc rẻ khi trứng vịt tươi thời điểm này có giá khoảng 19.000 - 20.000 đồng/chục, nhưng cũng không có để bán. Được biết, nguyên nhân do không tìm được đồng cho ăn nên vịt không thể đẻ sai, năng suất và chất lượng trứng cũng giảm rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Lá, ở ấp Tư Sáng, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Tôi phải chạy lo tiền mua lúa cả tháng nay cũng trên 15 triệu đồng. Cho ăn ít thì vịt không đẻ, còn cho ăn nhiều thì lỗ vốn. Lúc trước, tôi đếm trứng vịt tươi chỉ có 1.400 đồng/trứng, nhưng bây giờ gần 2.000 đồng/trứng mà không có hột bán, tiếc vô cùng! Không biết người chăn nuôi còn phải chịu cảnh này bao lâu nữa…?”.

Tiểu thương Huỳnh Thị Mỹ Linh, chuyên bán trứng gà, vịt tại chợ Vị Thủy, huyện Vị Thủy, thừa nhận: “Hồi trước, chỉ cần gọi điện thoại là người ta đem hột tới nơi đếm, còn bây giờ phải đặt trước từ các chủ vịt mới có. Nhiều lúc mình phải đi lấy hột ở xa, vì nguồn cung ngày càng ít. Thời buổi nước mặn đổ về, cả người bán lẫn người nuôi đều gặp khó”.

Nhiều rủi ro

Bà Trần Thị Trí, ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, nghẹn ngào chia sẻ trong lúc pha thuốc vào nước cho vịt uống: “Từ khi nước mặn tràn về, các cánh đồng cháy khô, đàn vịt không còn đồng để chạy nên đành lùa về mua lúa cho ăn cầm cự. Bây giờ vịt con thì èo uột, chết dần chết mòn, đàn vịt lớn có nhiều con chân bị co quéo lại phải nhốt riêng để điều trị thuốc men, tất cả là do nước mặn”.

Bà Trí cho biết thêm, tổng đàn ban đầu số lượng trên 1.700 con, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 1.400 con. Kể cả số vịt con gần 2 tháng tuổi thì mức độ thiệt hại và thua lỗ khoảng trên 40%, khiến gia đình bà Trí đổ nợ hơn 40 triệu đồng, chưa kể khoản tiền vay ngân hàng để mua con giống.

Cùng nỗi lo trên, anh Nguyễn Hoài Thanh, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cũng cho rằng việc chăn nuôi thời điểm này “khó trăm bề”. Là hộ nuôi gà lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, nhưng anh cũng chật vật trong khâu chăm sóc đàn. Anh Thanh cho biết: “Thời gian này, tôi phải nhốt gà lại chứ không thả rông như trước nữa, vì sợ chúng uống phải nước mặn làm hao hụt nhiều. Ngoài ra, phải chăm sóc kỹ lưỡng, làm chuồng thông thoáng và theo dõi sát tình hình dịch bệnh. Chăn nuôi bây giờ lắm rủi ro, hao hụt cũng nhiều hơn trước…”.

Còn tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, việc thất thoát gia cầm cũng bắt đầu xuất hiện rải rác ở một số đàn. Chị Ngô Thị Lẹ, ở ấp 5, xã Xà Phiên, cho hay: “Khoảng mấy ngày nay, đàn vịt nhà tôi nuôi dưới mé sông có biểu hiện bất thường, đột nhiên vài con bỏ ăn rồi chết không rõ nguyên nhân. Tôi đoán chắc do thời tiết thay đổi khi có một vài cơn mưa nhỏ đổ xuống đột ngột nên cơ thể chúng không thích nghi kịp, một phần do nhốt dưới sông nên bị nước mặn ảnh hưởng. Tôi định hốt thêm vịt về nuôi, nhưng bây giờ thấy rủi ro cao quá, chắc đợi thêm một thời gian nữa khi nồng độ mặn giảm mới tăng đàn”.

Hiện nay, khi một vài cơn mưa xuất hiện rải rác khiến nhiệt độ môi trường giảm đột ngột là điều kiện để các bệnh thông thường tấn công trên gia cầm, thủy cầm, tăng nguy cơ hao hụt. Ngành chức năng khuyến cáo, khi người chăn nuôi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên đàn gia cầm, hoặc trường hợp vịt bỏ ăn, chết bất thường, chân co lại không di chuyển được, cổ rúc… phải nhanh chóng đến trạm thú y gần nhất thông báo cho cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, giúp bà con kịp thời điều trị, góp phần hạn chế thất thoát trong quá trình chăn nuôi.

Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, tại thời điểm ngày 1-10-2015, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh là 3.694.140 con. Tuy nhiên, tính tới ngày 1-4-2016 giảm còn 3.304.763 con (trong đó có trên 1.100.000 con gà và trên 2.120.000 con vịt). Nguyên nhân một phần do diễn biến một số bệnh thông thường trên gà, vịt dẫn đến thất thoát, mặt khác trước tình hình chăn nuôi khó khăn, người dân không dám mạnh dạn tăng đàn.

NGUYỄN HẰNG

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang