• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Năm Thân thăm trại khỉ lớn nhất Đông Nam bộ

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 09/02/20160
Ngày cập nhật: 12/2/2016

“Trang trại “khủng” này do ông Huỳnh Hữu Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh đầu tư. Ông cũng được xem là doanh nhân thành đạt và thức thời khi đi sâu vào lĩnh vực ít “đụng hàng”, đó là nuôi khỉ xuất khẩu”. Cán bộ thanh tra pháp chế và quản lý động vật hoang dã (ĐVHD) thuộc Trạm kiểm lâm Bình Long - Hớn Quản Phạm Thanh Hải khẳng định như thế khi đưa chúng tôi về thăm trại khỉ có khuôn viên rộng khoảng 5 ha đóng tại ấp 8, xã Đồng Nơ (Hớn Quản).

Năm Bính Thân - 2016 đang cận kề. Trong tiết trời chuyển mùa vào xuân, năm con khỉ cũng hiện diện trên từng chồi điều, cao su rụng lá sớm. May mắn hơn khi đúng năm con khỉ, chúng tôi tận mắt chứng kiến 1.700 cá thể khỉ và nghe nhiều mẩu chuyện thú vị liên quan đến chúng. Việc khai thác thương mại khỉ ở trang trại Đồng Nơ đang là cách nhân rộng bầy đàn phù hợp. Ở đây đang nuôi 2 loại khỉ chính là đuôi dài và đuôi lợn (heo). Ông Dũng còn mở thêm trang trại ở Tây Ninh và nước bạn Lào.

DUYÊN NỢ CÙNG KHỈ

Nhìn vẻ ngoài mộc mạc của Lâm Long, ít ai nghĩ cậu thanh niên 22 tuổi lại có tới 8 năm gắn bó với nghề nuôi khỉ. Long cho biết: “Giờ người dân trong thôn (thôn Sóc 5, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản - PV) không còn gọi em bằng tên cúng cơm mà toàn gọi là thằng khỉ đột không à!”, “Vậy em có buồn không?”, “Thích chứ buồn gì chị. Đó là nghề mà em yêu thích!”. “Vậy em có định tìm nghề khác lương cao hơn không?”, “Khi nào hết khỉ, em mới nghĩ tới chuyện đó!” - Long cười hiền. Nhìn đôi mắt lấp lánh ánh lên niềm vui của em, tôi hiểu những con khỉ ở trang trại này đã cuốn hút Long cỡ nào.

Là người quản lý trực tiếp công nhân ở trang trại nuôi khỉ nhưng vợ chồng anh Nguyễn Hùng Minh - chị Lâm Thu Dung, trú thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ 2 năm gắn bó với nghề nuôi khỉ. Theo anh chị, họ đến với việc chăm sóc khỉ cũng khá tình cờ nhưng là duyên nợ. Năm 2013, vợ chồng anh Minh đi lễ ở Tòa thánh Tây Ninh. Vô tình, chị Dung bị khỉ của nhà dân nuôi làm cảnh sổng chuồng cắn vào chân, phải khâu nhiều mũi, giờ vẫn còn sẹo. Về lại thành phố, vô tình vợ chồng chị gặp ông Dũng sống gần nhà ngỏ ý thuê anh chị lên làm quản công khi ông không có mặt ở trang trại. Vợ chồng chị nhận lời và gắn bó đến nay. Chị Dung chia sẻ: “Có việc quan trọng, giỗ chạp tôi mới về thành phố nhưng chừng 2 ngày là trở lại ngay. Xa bầy khỉ một ngày là nhớ không chịu nổi”.

Còn người lớn tuổi nhất là ông Lê Văn Minh (56 tuổi), ngụ ấp Sóc 5, xã Tân Hiệp, sau khi được Long “rủ rê” làm được hơn 2 năm cũng có ý nguyện gắn bó lâu dài với trang trại. Tuy kiệm lời nhưng ông không giấu được niềm vui: “Công việc nhẹ nhàng lại vui và phù hợp với sức khỏe nên tôi ở đây luôn”.

NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ TỪ 1.700 CÁ THỂ KHỈ

Đầu tiên là sự sạch sẽ. Nhiều người cho rằng, khỉ xuất thân từ thiên nhiên thì làm sao sạch? Nhưng anh Nguyễn Hùng Minh khẳng định: “Khỉ sạch lắm! Nếu thức ăn dính đất cát, bị mốc, thối... là không bao giờ nó ăn. Thức ăn rửa chưa khô mà đem vào chuồng thì có chết khỉ cũng không ăn. Còn sống ở môi trường tự nhiên, chúng cũng sẽ tự lau chùi đến khi nào cảm thấy sạch mới ăn. Đặc biệt không bao giờ ăn đồ chúng hái lượm đã bị rơi xuống đất. Thức ăn chính của khỉ ở trang trại là các loại rau, củ, quả... được rửa sạch, để ráo, ngày cho ăn 2 lần. Kèm theo đó là các loại bánh tương tự lương khô với đầy đủ dinh dưỡng. Mỗi ngày, 4 người chăm sóc khỉ ở đây chia nhau dọn vệ sinh chuồng trại 2 lần”.

Mỗi ngày, khỉ được cho ăn hai lần vào 9 giờ và 16 giờ

Điều thú vị thứ hai trong thế giới khỉ chính là mối quan hệ gia đình. Dãy chuồng trại của khỉ thường được chia thành nhiều chuồng nhỏ rộng khoảng 9m2 cho 1 khỉ đực và 5-6 khỉ cái cùng ở với khỉ con. Anh Minh kể: “Có nhiều con đực rất gia trưởng. Nó phải ăn xong thì khỉ cái và con mới được ăn. Đôi khi khỉ mẹ thương con lén khỉ đực mất tập trung chộp vội một miếng và chạy đi, chia sẻ cho con. Nếu khỉ đực phát hiện thì khỉ mẹ sẽ... bị đánh “dằn mặt”. Nhưng cũng có khỉ đực lại rất biết “chiều” khỉ vợ và con. Đến giờ ăn, nó ngồi giữa và bầy khỉ cái, khỉ con ngồi xung quanh hòa thuận, thể hiện một gia đình ấm áp, hạnh phúc. Đặc biệt hơn, trong số 5-6 con cái ở chung chuồng sẽ có 1 con đảm nhiệm vai trò “bà cả”. Các khỉ cái phải tuân thủ theo mệnh lệnh của “bà cả””.

Khỉ cũng rất nhạy cảm về thời gian. Anh Minh nói 9 giờ sẽ cho khỉ ăn nên trong lúc trò chuyện nhìn đồng hồ, chúng tôi giục “các anh chị cho khỉ ăn đi”, chị Dung cười “yên tâm đi, muốn quên cũng không được đâu”. Chúng tôi tròn mắt thắc mắc thì được biết, đến thời điểm đó, chúng sẽ la ó như trẻ con đòi mẹ cho ăn vậy. Quả đúng, chỉ vài phút sau, tiếng “chéc chéc” của khỉ đã vang lên từ các chuồng rồi lan dần ra toàn trang trại. Trước khi theo chân những người cho ăn đến tận chuồng, chị Dung còn dặn: “Đừng lại gần kẻo khỉ cào nhé!”. Đây là kinh nghiệm chị Dung tích lũy được, vì khỉ rất dữ với người lạ. Chúng rung chuồng ầm ầm mỗi khi thấy người lạ xuất hiện. Khi rửa chuồng, mọi người đều không dám nhìn thẳng mặt khỉ nếu không muốn bị chúng tấn công. Vậy mà khi cho ăn, sơ ý là bị chúng đùa nhảy vọt tới đấm một phát vào lưng đau điếng rồi bỏ chạy về cuối chuồng kèm cái cười nham nhở.

Không chỉ đúng giờ đòi ăn mà theo quan sát của những người nhiều năm gắn bó thì khỉ dự báo thời tiết rất chính xác. Mỗi khi cả bầy cùng la ó và chạy xung quanh chuồng vịn vào lưới sắt rung mạnh thì khoảng 2-3 giờ sau trời sẽ đổ mưa.

BÀI HỌC TỪ KHỈ

Trong thế giới hoang dã, khỉ là loài động vật có khả năng quan sát cùng một số đặc tính khiến con người vừa bất ngờ vừa thích thú. Không giống như các loài vật khác, khỉ không dành nhiều thời gian ăn và ngủ. Thay vào đó, chúng thường xuyên leo trèo, nhào lộn, khám phá thế giới xung quanh để thỏa mãn tính hiếu kỳ.

Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là văn bản pháp luật đầu tiên bảo vệ ĐVHD của Việt Nam. Theo nghị định này, các hành vi bao gồm săn bắn, vận chuyển, lưu trữ, quảng cáo, mua, bán và tiêu thụ các loài ĐVHD quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng hay các sản phẩm từ chúng là vi phạm pháp luật.

Khỉ thuộc nhóm IB và IIB. Trong đó, nhóm IB bao gồm các loài nguy cấp và cực kỳ nguy cấp. Đối với các loài này, bất kỳ hình thức khai thác thương mại nào đều bị nghiêm cấm, các công trình với mục tiêu nghiên cứu khoa học và bảo tồn yêu cầu phải có giấy phép. Nhóm IIB bao gồm các loài bị đe dọa và quý hiếm. Các chương trình với mục đích nghiên cứu khoa học, bảo tồn và khai thác thương mại các loài này yêu cầu phải có giấy phép.

Theo quan sát của chúng tôi, khỉ con thường bám chặt vào cơ thể mẹ khi khỉ mẹ leo trèo hay tìm kiếm thức ăn. Đến khi ngừng di chuyển, khỉ mẹ ôm con vào lòng để bảo vệ. Lâm Long cho biết thêm: “Loài khỉ có thời thơ ấu kéo dài khoảng 3 năm. Nhưng khi người nuôi tách đàn cho khỉ sẽ gặp khó khăn, khỉ bố sẽ vô cùng hung dữ để bảo vệ hai mẹ con. Vì thế, để tách được khỉ con trước hết phải nhốt riêng khỉ bố. Ngay khi rời khỏi vòng tay bố mẹ, khỉ con bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống bầy đàn mới. Dần dần, khỉ con cũng học được kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, như leo trèo, tự tìm thức ăn và bản năng che chở, bảo vệ con... khi chúng trưởng thành”.

Khi thể hiện tình cảm, khỉ có thể biểu lộ cảm xúc trên gương mặt tương tự như người. Anh Minh hào hứng kể tiếp: “Loài khỉ rất biết cách thể hiện tình yêu thương đồng loại. Chúng nằm co rúc vào nhau khi thời tiết lạnh, chải lông hay dùng tay vạch lông của nhau để bắt chấy, rận, thổi bụi đất... Nhìn lũ khỉ biểu lộ tình cảm âu yếm, chăm sóc lẫn nhau thương lắm! Nhìn sự thân thiện khỉ dành cho nhau mà chúng tôi cũng thấy động lòng”.

Đến chúng tôi mới gặp chưa lâu mà còn thấy bịn rịn, ấm lòng trước hình ảnh mẹ khỉ ôm ấp con vào lòng chuyền từ cây xà này sang cây xà khác, đút cho khỉ con ăn trong ánh mắt thiết tha trước sự bảo vệ quyền uy của khỉ bố thì những người gắn bó lâu năm với loài khỉ như ông Minh, vợ chồng anh Minh, Lâm Long... làm sao không dạt dào cảm xúc và muốn gắn bó lâu dài với nghề cho được.

Ngọc Tú - Hữu Dụng

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang