• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đến Lâm Hà ghé trại dế Thiện An

Nguồn tin: Báo Gia Lai, 13/10/2016
Ngày cập nhật: 14/10/2016

Các bạn ở Hội Nhà báo Lâm Đồng đưa chúng tôi và các đồng nghiệp Thái Lan đến thăm mô hình chăn nuôi dế thương phẩm kết hợp với kinh doanh du lịch vào một ngày giữa thu cách nay chưa xa-trại dế Thiện An. Từ trung tâm TP. Đà Lạt đến Thiện An, Mê Linh-Lâm Hà chỉ khoảng chừng 20 cây số, vượt qua con đèo có cái tên rất Tây Nguyên-Tà Nung, độ dài của nó chiếm gần phân nửa con đường chúng tôi phải đi qua. Con đường đèo ấy cứ quanh co uốn lượn trong sương với ngàn thông xanh ngắt, với những thung sâu hun hút tầm nhìn.

Đón chúng tôi là một người phụ nữ đã luống tuổi nhưng nhanh nhạy, mến khách trong một căn nhà cấp 4 khá rộng, kê mấy chiếc bàn cũng khá đơn giản, bằng gỗ tạp và nhựa, chị vội pha trà mời khách... Chủ tịch Hội Nhà báo, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Lâm Đồng Nguyễn Thanh Nhân bảo: Chúng ta tranh thủ tìm hiểu công việc kinh doanh của gia đình chị Phạm Thị Hưởng đây-chủ trại dế Thiên An đấy nhé. Gọi trại, nhưng kỳ thực là chỉ với một dãy nhà dài, mái lợp tôn kẽm xen kẽ tôn nhựa sáng, cột và sườn nhà bằng trụ bê tông, sắt và gỗ, diện tích áng chừng khoảng trên dưới 300 mét vuông. Sàn nhà xây 2 dãy song song những ô xi măng với gạch men. Chị Hưởng hướng dẫn chúng tôi từng công đoạn khá chi tiết về nghề nuôi dế của gia đình chị. Chị cho biết, nghề nuôi côn trùng nói chung và dế hàng hóa nói riêng không còn xa lạ với nhiều người. Nhưng chăn nuôi loại côn trùng này kết hợp với làm dịch vụ du lịch lại khá mới mẻ, nhẹ nhàng mà kiếm tiền không khó. Chị cho hay nhờ biết học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, rồi sáng tạo từ công việc thực tế mình làm thì đúng là không khó làm giàu từ nghề nuôi dế, nhưng ngược lại, làm việc gì cũng khó tránh khỏi rủi ro, nhất là lĩnh vực nuôi, trồng trong nông nghiệp.

Chị Hưởng hướng dẫn kỹ thuật nuôi dế. Ảnh: Đ.M.P

Gia đình chị Hưởng bước vào nghề nuôi dế đã hơn 6 năm, cũng rất tình cờ, như là cái duyên, cái số. Con trai chị-Nguyễn Quang Huy, đèn sách bao năm ròng rã, ra trường với cái bằng cử nhân Anh văn, nhưng anh lại không tìm việc làm theo nghề đã học, chỉ muốn ở nhà lao động kiếm tiền mà không phụ thuộc ai. Từ ý tưởng đó, chàng trai Huy năm ấy, cách nay hơn 7 năm, lặn lội tìm kiếm kế sinh nhai, phụ giúp gia đình và say nghề... nuôi dế. Từ thành công của Huy, cả gia đình xứ quan họ đã yên tâm chọn Lâm Hà làm nơi định cư và phát triển nghề nuôi dế. Sáu, bảy năm thăng trầm gian khó, rốt cùng rồi “trời cũng có mắt”. Hồi ấy, cả gia đình rời quê Tân Yên, Bắc Giang vào nơi lạ nước, lạ cái, mấy năm sau thì bắt tay vào cái nghề cũng... “lạ cái lạ nước” không kém. Chị đang rất vui vẻ, hào hứng, chân thành kể chuyện nghề của mình, thì tôi bảo: “Nếu tôi xin học nghề nuôi dế, chị có giúp không?”. Có thể vì có chút nghi ngờ(?), chị chưa trả lời câu hỏi, tôi lại nói vui: “Chị yên tâm, tôi ở tận Gia Lai, không cạnh tranh với chị đâu. Chị cười hiền, bảo: “Học không khó đâu, chừng tháng, anh có thể biết cách làm thôi”. Con trai, “vị” cử nhân Anh văn truyền nghề cho chị, giờ “cháu nó giao cho vợ chồng tôi mọi việc, nó chuyển sang nghề trồng hoa”-chị bảo. Chị nói thêm, vòng đời con dế, từ khi còn là trứng nước cho đến khi kết thúc chỉ có 15 tuần, trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng nó cũng không phức tạp mấy, tùy theo khí hậu, thời tiết, điều kiện mà mỗi người có cách làm riêng của mình. Nghe chị Hưởng nói thì dễ, nhưng chúng tôi thấy cách làm công phu của chị, từ công nghệ cho dế đẻ, đến kỹ thuật ấp trứng, quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho đến cung cấp nguồn thức ăn, chế biến các sản phẩm phụ... nghe chị kể mà nghĩ là không dễ chút nào.

Theo chị Hưởng, ở quanh vùng Đà Lạt hiện có chừng 10 trang trại nuôi dế, quy mô không lớn lắm, vốn đầu tư ban đầu cũng rất nhỏ. Trại dế của chị đầu tư ban đầu chỉ với 300 triệu đồng. Tuy thế, “trời thương” thì cũng cho thu nhập khá, với sản phẩm chính, giá mỗi kg dế trưởng thành, xuất bán là 200 ngàn đồng, dế giống thì đắt hơn, gấp đôi hoặc có lúc hơn thế. Với quy mô nuôi cỡ như gia đình chị thì mỗi tháng thu nhập sau khi trừ chi phí cũng được chừng 30 triệu đồng. Thị trường hiện thời là khá ổn định, ngoài xuất bán dế trưởng thành để làm món đặc sản cho các nhà hàng, quán ăn ở khu vực Đà Lạt, Lâm Hà, trang trại của chị Hưởng còn bán sản phẩm của mình xuống tận thị trường TP. Hồ Chí Minh và một số khu vực lân cận.

Tiềm năng khai thác từ các sản phẩm phụ của dế cũng rất lớn. Hiện nay, gia đình chị đã nghiên cứu và cho ra đời mấy loại đồ nhấm từ dế, như dế sau khi sinh sản, hết thời kỳ “khai thác” và cũng là lần đầu tiên tôi biết là dế chỉ... Chị cho hay: “Sau khi chúng “đực/cái” một lần là kết thúc kiếp dương gian”; nên trước đó, chị đã “sáng kiến” chế biến chúng thành rượu. Loại rượu này chị bán với giá cũng khá mềm, được thị trường chấp nhận-160 ngàn đồng một lít. Sản phẩm snack từ dế của chị cũng được khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt là dế chế biến ướp tẩm khô cho dân ghiền lai rai được giới bình dân thích xài. Mấy đồng nghiệp Thái Lan có vẻ rất quan tâm đến chuyện nuôi dế. Trưởng đoàn nhà báo phía bạn Thái Lan Amnat Jongyotying và các thành viên trong đoàn vừa chụp ảnh, quay phim tất cả những công đoạn, quy trình nuôi dế, vừa hỏi chuyện cụ thể từng việc một. Các anh bảo, đây là nghề mới, bên tỉnh Chiang Mai của các anh chưa có mô hình này, hỏi kỹ để về phổ biến đến bạn bè, khuyến cáo họ sang Lâm Hà này học cách... làm giàu.

Chia tay chị Hưởng, chị có lời nhắn với các nhà báo chúng tôi, khi có điều kiện thì giúp chị quảng bá hộ với khách du lịch khi đến Đà Lạt đừng quên ghé thăm cơ sở nuôi dế của chị. Chị nói thêm, hàng ngày cũng có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm và mua sản phẩm từ dế của chị, nhưng theo chị thì vẫn chưa nhiều lắm, chị ước gì mỗi ngày có chừng vài trăm lượt người ghé thăm và mua hàng của chị-có nghĩa là lượng khách lúc ấy sẽ gấp đôi con số hiện nay...

Đoàn Minh Phụng

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang