• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giảm giá thành trong chăn nuôi: Yếu tố sống còn khi hội nhập

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 09/10/2016
Ngày cập nhật: 11/10/2016

Các trang trại chăn nuôi phải tìm cách giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh khi hội nhập. Trong ảnh: Một trang trại chăn nuôi heo ở Bình Giã (huyện Châu Đức)

Làm thế nào giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh là thách thức đặt ra cho người chăn nuôi khi nước ta ngày càng hội nhập sâu với kinh tế thế giới. Tại BR-VT, một số hộ chăn nuôi đã bắt đầu thay đổi quy trình chăn nuôi để từng bước giảm giá thành sản phẩm.

Ông Phạm Hữu Hà, chủ trang trại chăn nuôi heo tại xã Bình Giã (huyện Châu Đức) cho biết, cơ cấu giá thành chăn nuôi heo gồm các yếu tố như: giá con giống, thức ăn, thuốc thú y, điện nước, nhân công, khấu hao đầu tư chuồng trại, lãi suất vốn vay..., trong đó, chi phí thức ăn chiếm từ 70-80%. Với giá thức ăn bình quân 300 ngàn đồng/bao 25kg, để có được 1 tạ heo hơi xuất chuồng, phải tiêu tốn khoảng 3,7 triệu đồng, cộng tiền heo giống, tiền công, vắc xin phòng bệnh, khấu hao chuồng trại..., chi phí nuôi 1 con heo khoảng 4,4 triệu đồng. Giá bán heo hơi hiện nay từ 44 - 46 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người chăn nuôi thu lãi rất thấp, thậm chí khi giá giảm thì chỉ huề vốn hoặc không có lãi. “Do đó, muốn có lãi, người chăn nuôi phải tính toán đến việc tự trộn thức ăn bằng các nguyên liệu có sẵn như bắp, cám gạo, khoai mỳ... thay cho thức ăn công nghiệp bán sẵn trên thị trường”, ông Hà nói.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh các nguyên liệu như bắp, khoai mỳ, đậu… luôn có sẵn, nguồn cung dồi dào nên các hộ chăn nuôi không phải mua nguyên liệu ngoại nhập. Ông Phạm Hữu Hà cho biết, ông mua cám ở các cơ sở xay xát tại TP.Bà Rịa và huyện Xuyên Mộc với giá từ 10-11 ngàn đồng/kg, trộn với bắp, bã đậu, bột cá... thành thức ăn cho heo. “Việc sử dụng cám trộn thay cho thức ăn công nghiệp sẽ giảm chi phí rất nhiều, tiết kiệm được 20 - 25% so với dùng thức ăn công nghiệp”, ông Hà nói.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi trang trại, ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Bình Sơn (Châu Đức) tỏ ra lo lắng cho ngành chăn nuôi khi cánh cửa hội nhập đã rộng mở. Ông cho rằng, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi giảm về 0% thì sự yếu thế của ngành nuôi trong nước sẽ càng bộc lộ rõ hơn. Do đó, ngoài việc tự sản xuất thức ăn, các trang trại hiện nay áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, tự sản xuất con giống, học cách tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho heo, gà nhằm giảm chi phí chăn nuôi. “Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi đã tự sản xuất thức ăn chăn nuôi nhờ vậy giá thành giảm được khoảng 20%. Tới đây, chúng tôi tiếp tục tiến tới tự sản xuất con giống, thức ăn, xây dựng lò giết mổ và phân phối ra thị trường”, ông Nam cho biết thêm.

Tại hội nghị “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và tác động đối với Việt Nam” được tổ chức tại TP.Vũng Tàu tháng 6-2016, Tiến sĩ Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, khi TPP có hiệu lực, thách thức đối với ngành chăn nuôi trong nước là rất lớn và gay gắt bởi 5 yếu tố: giá thành sản phẩm cao hơn 25-30% so với các nước cùng tham gia TPP; chất lượng sản phẩm và ATVSTP còn kém; có quá ít trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao còn thấp; các trang trại chăn nuôi chưa chủ động tìm hiểu và hội nhập kinh tế; cơ chế chính sách đối với ngành chăn nuôi khi tham gia hội nhập còn thiếu và khó tiếp cận.

Tiến sĩ Đoàn Xuân Trúc cho rằng, hiện ngành chăn nuôi vẫn còn một khoảng thời gian để đẩy nhanh tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất. Nếu nâng cao được năng suất, tổ chức khép kín “sản xuất – tiêu thụ” theo chuỗi giá trị, chú trọng giảm chi phí, phòng chống dịch bệnh tốt sẽ giảm khoảng 25-30% giá thành sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trong chăn nuôi. “Trong đó, tự sản xuất thức ăn chăn nuôi bằng việc tận dụng nguyên liệu sẵn có góp phần quan trọng giúp giảm giá thành. Ngoài ra, các giải pháp như làm tốt khâu giống, kiểm soát dịch bệnh, tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ… cũng là yếu tố quyết định sự sống còn của ngành chăn nuôi trong nước”, Tiến sĩ Đào Xuân Trúc nói.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 154 trang trại chăn nuôi heo, với tổng đàn 367.048 con; 109 trang trại chăn nuôi gia cầm, tổng đàn 3.692.000 con. Theo Chi Cục thú y tỉnh, thời gian qua, ngành chăn nuôi đã tăng cường xây dựng vùng an toàn dịch bệnh nhằm từng bước tăng sức cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhất là khi TPP có hiệu lực. Với tỷ lệ 67,8% các trang trại chăn nuôi heo và 52,7% các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh thì hiện nay tỉnh BR-VT đã dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm.

LAM GIANG

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang