• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trang trại gà đẻ “trứng vàng” của ông Vượng

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 27/08/2016
Ngày cập nhật: 25/9/2016

Yêu thích chăn nuôi, ham học hỏi, ông Văn Hữu Vượng, thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã tìm tòi và áp dụng thành công phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn gà sinh sản. Cách làm này giúp tăng tỷ lệ trứng ấp nở, nâng chất lượng giống và hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Nuôi gà tốt vườn

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Vượng đúng vào ngày trời nắng nóng như đổ lửa. Vậy mà tới đây, cảm giác oi bức được xua tan bởi những tán cây ăn quả, cây lâm nghiệp xanh ngắt bao bọc. Ông Vượng có vẻ trẻ hơn tuổi 50 với giọng nói sang sảng và phong cách thân thiện. Bên chén trà đậm đà, chủ nhà cởi mở chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi gà. Trước đây, thu nhập của gia đình chỉ trông vào vài sào ruộng. Ông nghĩ đất ít dù có tần tảo cày xới, chăm sóc quanh năm cũng chỉ đủ ăn chứ chẳng bao giờ khấm khá lên được. Các con lại mỗi ngày mỗi lớn, gánh nặng cơm áo, gạo tiền thêm chồng chất khiến ông đau đáu nỗi niềm thoát nghèo. “Không có vốn lớn để buôn bán hay làm nghề phụ, người nông dân muốn có thêm nguồn thu thì phải có đất nên năm 2005 tôi nhận thầu khu đồi trọc rộng hơn 3 ha của xã để phát triển kinh tế vườn đồi. Thấy vậy nhiều người cũng bàn tán, ngăn cản nhưng tôi đã quyết tâm làm theo ý mình và tin tưởng sẽ thành công”, ông Vượng bộc bạch.

Trên vùng đất mới, ông trồng bạch đàn, vải thiều. Đất sỏi đá, bạc màu khiến cây còi cọc, bắt buộc phải cải tạo đất. Theo kinh nghiệm làm ruộng lâu năm, ông chọn nuôi gà để lấy phân bón cho cây. Hơn 300 con giống được thả trên đồng đất rộng, xa khu dân cư nên ít bệnh, lớn nhanh. Ông Vượng cho biết: “Lứa đầu tiên nuôi thành công, cây cối ngày càng tươi tốt, phủ xanh vùng đất sỏi đá đã giúp tôi nhận thấy hướng đi của mình đúng đắn. Từ đây, tôi chọn nuôi loài vật này để làm giàu”.

Sản phẩm chiếm lĩnh thị trường

Khi đầu tư sản xuất lớn, rủi ro sẽ nhiều hơn. Thế nên ông quan niệm làm gì cũng phải nắm chắc kỹ thuật, đầu tư bài bản. Ông khăn gói tìm đến các trang trại chăn nuôi nổi tiếng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình để tham quan, học hỏi kỹ thuật. Sau những chuyến “tầm sư, học đạo”, nhận thấy nhu cầu nguồn giống gia cầm ở trong và ngoài tỉnh rất lớn song chất lượng không bảo đảm, tỷ lệ trứng nở đạt thấp, năm 2006, ông dồn toàn bộ số tiền tích cóp được và vay mượn thêm xây dựng trang trại nuôi hơn 5 nghìn gà đẻ trứng để ấp nở cung cấp giống cho thị trường.

Chuồng nuôi được thiết kế khép kín gồm các dãy ngay hàng, thẳng lối, có hệ thống sưởi ấm vào mùa đông và làm mát trong mùa hè. Gà được nuôi trong lồng kẽm, không tiếp xúc với mặt đất, tránh mầm mống gây bệnh. Trong đó, mỗi lồng nhốt 15 con mái với một con gà trống. Ban đầu, lứa gà giống ra lò ông phải đi khắp nơi chào hàng, từ những người chăn nuôi nhỏ đến gia trại, trang trại lớn. Luôn đặt chữ tín lên hàng đầu cộng với chú trọng giới thiệu sản phẩm, bảo đảm chất lượng giống mà khách hàng biết đến cơ sở này ngày càng đông. Đến nay, ông có thị trường tiêu thụ rộng khắp miền Bắc, miền Trung.

Ông Văn Hữu Vượng kiểm tra trứng trong lò ấp.

Cùng đó, việc ra vào khu vực chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế cho người vào tham quan. Hằng tuần, ông phun thuốc phòng dịch cho toàn bộ khu trang trại; định kỳ phòng trị bệnh Newcatson, Gumboro, tụ huyết trùng. Ngày ngày chú ý quan sát, kiểm tra từng cá thể. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, đàn gà được chăm sóc đúng kỹ thuật ngày càng sinh sôi, phát triển. Lợi nhuận cao, ông tiếp tục mở rộng trang trại, tăng quy mô đàn. Hiện khu nuôi gồm 2 chuồng, 24 dãy với hơn 3 vạn con, trong đó hơn 1,5 vạn gà bố mẹ đang sinh sản còn lại là đàn hậu bị. Bình quân mỗi ngày cho ra lò hơn 8 nghìn quả trứng. Với 9 lò ấp tự động điều chỉnh nhiệt độ công suất lớn, mỗi ngày gia đình xuất bán hơn 5 nghìn con giống. Từ đầu năm đến nay, giá gà giống dao động từ 7-12 nghìn đồng/con, trừ chi phí thu lãi khoảng 15 triệu đồng/ngày. Năm nay, dự kiến ông thu về hơn 4 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với năm ngoái. Trang trại tạo việc làm cho 8 lao động địa phương với mức lương bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Cách làm sáng tạo

Dù tỷ lệ trứng ấp nở đạt khá nhưng ông Vượng vẫn chưa hài lòng. Nhìn những quả trứng bị hỏng phải bỏ khiến ông xót ruột. Cũng vì lẽ đó mà đầu năm 2016, ông nghĩ ra phương pháp táo bạo là thụ tinh nhân tạo cho gà. Ông Vượng chia sẻ: “Chúng ta đã áp dụng thành công thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò và một số loài khác thì cớ gì không thực hiện được cho gà. Với ý nghĩ đó, tôi làm thử nhiều lần và đã thành công”.

Để khách hiểu hơn, ông dẫn chúng tôi mục sở thị khu chăn nuôi tách biệt sau khi lội qua vũng nước vôi trong, tiếp đó đến lớp vôi bột khử trùng. Dù nhiệt độ ngoài trời 37-39 độ C nhưng khi bước vào đây cảm thấy như đang ở trong phòng có điều hòa nhiệt độ. Ông Vượng giải thích: “Nắng nóng gà dễ bị bệnh. Vì vậy, tôi lắp hệ thống ống nước phun trên những tấm giấy rồi bố trí quạt gió thổi luồng khí mát vào trong chuồng. Bằng cách này, nhiệt độ luôn ổn định khoảng 28-30 độ C. Ngoài ra tôi thường xuyên dùng chế phẩm sinh học để khử mùi”. Trong trang trại, gà trống, gà mái được nhốt riêng từng ô, dãy, có đánh số, ghi ngày khai thác và thụ tinh để không nhầm lẫn. Trước khi lấy tinh gà, người thực hiện phải chuẩn bị kỹ, làm quen và không để chúng hoảng sợ. Sử dụng dung dịch lấy từ gà trống pha loãng với nước theo tỷ lệ nhất định rồi dùng xi lanh thụ tinh cho gà mái. Bằng phương pháp này, tỷ lệ trứng ấp nở đạt 95%, cao hơn 30% so với phương pháp thông thường.

Với mục đích giảm chi phí, đề phòng mua phải thức ăn kém chất lượng, ông đầu tư máy móc và nguyên liệu tự sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thành phần chủ yếu gồm bột ngô, cám gạo, đậu tương, dầu ăn đáp ứng đủ khẩu phần dinh dưỡng. "Không phải nuôi gà lúc nào cũng xuôi chèo, mát mái. Năm 2006, dịch cúm gia cầm xảy ra, sản phẩm gia cầm không tiêu thụ được, sau đó lại có thời kỳ giá bán gà rẻ như cho khiến gà giống không bán được. Lúc khó khăn như vậy đôi khi tôi cũng nản nhưng nghĩ đến bao công sức, vốn liếng đã bỏ ra phải đổ sông, đổ bể thì lại có động lực để làm. Trải qua bao phen “hoạn nạn” trong nghề, tôi vẫn chọn con gà để phát triển kinh tế".

Làm chủ kỹ thuật chăn nuôi, say sưa, tâm huyết với những cách làm mới, ông Văn Hữu Vượng đã gặt hái thành công sau bao năm chinh phục vùng đất khó.

Trang trại của gia đình ông Vượng là cơ sở đầu tiên trong tỉnh áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để nâng cao chất lượng con giống gia cầm. Cách làm này rất hiệu quả và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới”. - Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Trịnh Lan

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang