• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tạo thêm thu nhập từ nuôi bò trên vùng cát

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 12/09/2016
Ngày cập nhật: 13/9/2016

Tìm hiểu về việc phát triển chăn nuôi gia súc tại các xã vùng biển bãi ngang của tỉnh sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, chúng tôi được ông Hoàng Văn Triển, một trong những hộ nuôi bò trên vùng cát đạt hiệu quả cao ở thôn 9, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chia sẻ: “Ở những vùng cát dọc triền biển bãi ngang, người dân chủ yếu đánh bắt thủy sản gần bờ. Ngoài ra, người dân còn trồng nhiều loại cây trồng cạn thích hợp với chất đất cằn cỗi và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, bò là loại gia súc lớn dễ nuôi, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt vùng cát nên được người dân nuôi nhiều”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Triển cho hay, nhà ông nuôi bò hơn 10 năm nay và ở Triệu Vân, thôn nào cũng có nhà nuôi bò. Nhà ít thì 1-2 con, nhà nhiều cũng trên 10 con. Theo ông, việc nuôi bò trên cát khá thuận lợi vì thức ăn cho bò ngoài nguồn cỏ tự nhiên, người dân còn tận dụng từ các phụ phẩm trồng trọt như rau, củ, quả nên tiết kiệm đáng kể chi phí thức ăn. “Từ khi bắt đầu nuôi bò tới nay, nhà tôi nuôi theo kiểu bán chăn thả, tức là ban ngày thả rông ngoài bãi cỏ gần nhà cho bò tự do gặm cỏ, còn buổi tối thì lùa bò về nhốt chuồng. Lúc đầu nhà tôi không có vốn mua bò nên phải nuôi “rẽ” cho người hàng xóm. Nghĩa là tôi mượn nhà người ta một con bò mẹ về nuôi. Khi bò mẹ đẻ bê con đầu tiên thì chủ bò được hưởng, đến bê con thứ 2 ra đời, nó thuộc về gia đình tôi. Vùng này nhiều hộ gia đình nuôi bò cũng nhờ cách đó. Sau một thời gian chăm bẵm, đến nay nhà tôi đã có 10 con bò khỏe mạnh, cho thu nhập ổn định. Việc nuôi bò khá nhẹ nhàng, chỉ cần sáng lùa bò đi, tối lùa bò về. Vào mùa mưa thì vất vả hơn vì phải đi cắt cỏ, ủ rơm cho bò ăn chứ không chăn thả được. Nuôi bò trên vùng cát như “lấy công làm lãi” vậy”, ông Triển nói.

Nhiều hộ dân xã Trung Giang (Gio Linh) có thêm nguồn thu nhập ổn định nhờ nuôi bò trên vùng cát

Trong lần trao đổi về việc phát triển đàn bò, anh Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết, người dân nuôi bò đại trà ở địa phương bắt đầu từ năm 1990. Hiện toàn xã có 210 hộ gia đình nuôi bò trên cát với tổng đàn bò là 525 con (tỷ lệ bò lai sind chiếm 35%), trong đó có khoảng 10 hộ nuôi trên 10 con, 30 hộ nuôi trên 6 con và còn lại là dưới 4 con… Hầu hết người dân nuôi theo hướng bán chăn thả và tận dụng nguồn cỏ tự nhiên có sẵn ở địa phương. Trung bình mỗi nhà nuôi một con bò gần 2 năm là có thể bán được. Để người dân nắm vững kỹ thuật chăn nuôi bò, xã Triệu Vân đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện và Trạm Khuyến nông mở lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò trên vùng cát. Được biết, trong đề án chuyển đổi kinh tế vùng cát sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, xã Triệu Vân đã và đang tiến hành quy hoạch đất để xây dựng 8 mô hình trồng cỏ voi cung cấp thức ăn cho đàn bò.

Huyện Gio Linh hiện có tổng đàn bò khoảng 9.129 con, trong đó đàn bò trên vùng cát có khoảng 2.303 con. Số xã vùng cát có số lượng bò lớn tập trung ở các xã Gio Mỹ, Gio Mai, Gio Hải, Trung Giang… Những năm qua, giá trị sản phẩm của ngành chăn nuôi hàng năm đều tăng khá trong cơ cấu ngành nông nghiệp huyện. Phát triển chăn nuôi gia súc lớn trong đó có chăn nuôi bò đã giúp tăng thu nhập, giải quyết nhiều việc làm cho nông dân. Tuy vậy, những năm trở lại đây, do việc mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp dài ngày, phương thức chăn nuôi quảng canh chậm được cải tiến, đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp, cùng với tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh và giá cả thị trường không ổn định, bất lợi cho người chăn nuôi. Do đó nghề chăn nuôi bò phát triển chậm lại về quy mô và chất lượng đàn. Trước thực trạng trên, huyện Gio Linh đã xây dựng đề án phát triển đàn bò theo hướng Zebu hóa nhằm giúp nghề chăn nuôi bò phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người chăn nuôi.

Ông Phan Văn Thông là một trong những hộ nuôi bò thành công trên vùng cát ở thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang (Gio Linh) với số lượng đàn bò lúc cao điểm trên 15 con. Ông Thông chia sẻ, đàn bò nhà ông nuôi thường xuyên từ 14-15 con, lúc cao điểm khoảng 17-18 con. Giống bò nhà ông nuôi gồm có bò vàng Việt Nam, bò lai sind, bò Zebu… Mặc dù nuôi đã gần 10 năm nay nhưng đàn bò nhà ông chưa lần nào bị dịch bệnh, bởi vì ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nên nắm rất vững kỹ thuật nuôi bò. Ông Thông cho biết thêm: “Tôi nuôi bò theo kiểu bán chăn thả, nguồn thức ăn thì phong phú vì bò là loài tạp ăn. Ngoài cỏ tươi, có thể tận dụng nguồn phụ phẩm như rau muống, rau khoai, sắn khô quanh vườn nhà. Vào mùa mưa, tôi ủ rơm khô, chuẩn bị nguồn tinh bột bổ sung vào bữa ăn hàng ngày cho bò. Ngoài ra, để đàn bò khỏe mạnh tôi luôn chú trọng việc tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng. Trung bình mỗi con bò nuôi khoảng 2 năm đạt trọng lượng trên 50kg là bán được với giá từ 13-18 triệu đồng. Đối với người nông dân thì đây là một khoản tiền không nhỏ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Quốc Lĩnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh cho biết: “Trong những năm qua, phương thức chăn nuôi bò từng bước được thay đổi, từ nuôi thả rông, tận dụng thức ăn tự nhiên, chuyển dần sang nuôi bán chăn thả và nuôi nhốt, bổ sung thức ăn tinh, trồng cỏ, nuôi vỗ béo...nên góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, mạng lưới thú y từ huyện đến cơ sở được kiện toàn, kịp thời phát hiện, dập tắt dịch bệnh, bảo vệ an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc và chủ động công tác thụ tinh nhân tạo. Công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò thường xuyên được chú trọng. Hàng năm, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức lồng ghép với các chương trình, dự án tổ chức được 30 lớp tập huấn và 10 lớp đào tạo nghề với 1.200 lượt người tham gia. Đáng chú ý là các lớp tập huấn, đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi bò như: đào tạo dẫn tinh viên kỹ thuật phối giống nâng cao tầm vóc đàn bò vàng Việt Nam thông qua việc thụ tinh nhân tạo với các giống bò lai Red Sind, Brahaman, thiến bò đực cóc tránh việc lai đồng huyết thống… Việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi ngày càng được mở rộng như sử dụng chế phẩm EM, Urê để ủ thức ăn, chăn nuôi trên đệm lót sinh học, xây dựng hầm biogas để xử lý môi trường chăn nuôi, sử dụng nguồn nguyên liệu tái tạo... hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học và bền vững”.

Để việc chăn nuôi bò trên vùng cát đem lại hiệu quả cao, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải tạo chất lượng nguồn giống đàn bò; quản lý chặt chẽ công tác thú y; đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, bệnh; chủ động tìm thị trường tiêu thụ cho người chăn nuôi; triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển chăn nuôi nói chung, chăn nuôi bò lai nói riêng. Có như thế, người chăn nuôi mới yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng và số lượng đàn bò để từng bước nâng cao thu nhập.

TRẦN TUYỀN

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang