• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tuột mất cơ hội vàng vì mật ong không nhãn mác

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 03/09/2016
Ngày cập nhật: 5/9/2016

Vì quá chăm chỉ, con ong có khi chết trên đường đi lấy mật. Người nuôi ong thì cần mẫn, thao thức sớm hôm cùng đàn ong để làm nên mật ngọt cho đời. Vậy mà giá mật ong từ đầu năm đến nay rơi từ 46.000 đồng/lít xuống còn 21.000 đồng/lít. Giá mật ong xuống thấp nhưng người nuôi ong không thể ăn mật trừ cơm. Đến khi được các doanh nghiệp uy tín đặt hàng với số lượng lớn, mặc dù đã thành lập hợp tác xã (HTX) nhưng người chăn ong ở Bình Phước vẫn “ngậm đắng” để tuột mất cơ hội bởi một lý do hết sức đơn giản là sản phẩm của họ chưa có nhãn mác!

Tiềm năng nguồn mật

Năm 2003, ông Trương Văn Quân ở ấp 5, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú bắt đầu nghề nuôi ong. Để nuôi được, ông mất cả năm trời đi nuôi ong không công. Sau 13 năm, từ 50 đàn ong ban đầu, ông đã nhân lên 250 đàn vào đầu năm 2016. Tùy theo giá thị trường, người nuôi ong có thể lời từ 100-200 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Không chỉ riêng ông mà cả con trai, con rể rồi anh em họ hàng cũng lao vào nghề nuôi ong. Hiện 12 gia đình trong dòng tộc cùng nuôi ong, cuối năm 2011 ông thành lập HTX nuôi ong xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú với số lượng 12 thành viên. Trên danh nghĩa chủ nhiệm HTX, năm 2013 ông sang Lào truyền nghề nuôi ong cho các nông hộ thuộc tỉnh Chămpasắk trong 6 tháng. Mỗi tháng truyền nghề ông được nhận tiền thù lao 17 triệu đồng. Trong quá trình truyền nghề, ông còn bán 120 thùng ong với giá 1,5 triệu đồng/thùng. Đó là những kỷ niệm đẹp sau 13 năm ông gắn bó với nghề nuôi ong.

250 đàn ong với sản lượng 13 tấn mật/năm của anh Trương Quốc Toàn thuộc HTX nuôi ong xã Tân Hưng chỉ bán được giá bình quân 20.000 đồng/kg (ảnh lớn). Sản phẩm mật ong của HTX nuôi ong xã Tân Hưng mỗi khi bán phải lưu mẫu để đảm bảo chất lượng cho khách hàng (ảnh nhỏ)

Không giống những trại ong truyền thống phải di chuyển địa điểm nuôi ong theo mùa trong năm, các thành viên trong HTX nuôi ong xã Tân Hưng chỉ đóng trại ở một chỗ. Nguồn mật chủ yếu từ điều, nhãn và cao su. Anh Lưu Quốc Dân, Phó chủ nhiệm HTX nuôi ong xã Tân Hưng cho biết: Nguồn mật tự nhiên trên địa bàn huyện Đồng Phú nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung rất lớn. Mùa nào Bình Phước cũng có cây cho hoa trái. Chính vì thế người nuôi ong Bình Phước không phải di chuyển đàn ong đến nhiều điểm như những trại ong ở các tỉnh, thành khác. Mặc dù ở một chỗ nhưng lượng mật của mỗi đàn ong đều đạt bình quân 70 lít/năm. Nếu nhìn ở góc độ an toàn vệ sinh thực phẩm thì không có loại mật nào sạch bằng mật cao su. Còn tính theo tiêu chuẩn thơm, đẹp thì mật nhãn bắt mắt nhất. Nhờ diện tích cao su, điều, nhãn cũng như các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh mà sản lượng mật ong của Bình Phước luôn cao hơn các tỉnh, thành trong khu vực.

Chắp cánh cho ong

Cuối tháng 7 vừa qua, Phó chủ nhiệm HTX nuôi ong xã Tiến Hưng Lưu Quốc Dân cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình hội chợ quốc tế thương mại du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông - Tây, Đà Nẵng 2016. Tham gia hội chợ có hơn 200 doanh nghiệp với 300 gian hàng thuộc 16 trung tâm xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành trên cả nước và các doanh nghiệp đến từ 4 nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Italia. Sản phẩm anh Dân giới thiệu tại hội chợ không có gì khác ngoài những lít mật ong do chính thành viên trong HTX sản xuất. Sau khi tham quan gian hàng của anh, nhiều du khách, đặc biệt là Công ty cổ phần ITIMEX Đà Nẵng đã đặt mua với số lượng lớn để phân phối trong hệ thống siêu thị thuộc khu vực miền Trung.

Khách hàng tham quan và tìm kiếm cơ hội tiêu thụ sản phẩm mật ong của HTX nuôi ong xã Tân Hưng tại Hội chợ quốc tế thương mại du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông - Tây, Đà Nẵng 2016

Đây là cơ hội hiếm có để tiêu thụ sản phẩm, nhưng rất tiếc anh Dân đã không thể tận dụng được. Lý do hết sức đơn giản là sản phẩm của anh không có nhãn mác để chứng minh nguồn gốc. Không nói ở đâu xa, mới đây một công ty dược tại Bình Dương đặt mua mật ong của HTX Tân Hưng nhưng cũng bất thành vì sản phẩm không có thương hiệu và nhãn mác.

Ông Trương Văn Quân cho biết: Từ trước đến nay các thành viên chỉ biết nuôi ong thế nào để lấy được mật ngọt, mật tốt. Còn chuyện thương hiệu hay nhãn mác sản phẩm thì không ai biết. Mặc dù mọi thành viên trong HTX đều mong muốn sản phẩm của mình có thương hiệu, có nhãn mác để chứng minh sản phẩm sạch nhưng không một ai biết quy trình, thủ tục như thế nào. Chính vì lý do này mà các thành viên trong HTX chỉ biết bán mật qua các thương lái. Mặc dù bán qua thương lái nhưng mỗi khi xuất hàng, các thành viên trong HTX đều phải lưu mẫu hoặc đem mẫu đi kiểm nghiệm. Mọi chi phí trong quá trình kiểm phẩm, người bán phải tự lo.

Bình Phước hiện có khoảng 85.000 đàn ong với sản lượng bình quân 3.500 tấn mật mỗi năm. Thế nhưng chưa một trại ong nào xây dựng được thương hiệu hoặc nhãn mác cho sản phẩm của riêng mình. Điều đáng quan tâm là người nuôi ong không nhận thức được việc xây dựng thương hiệu có ý nghĩa như thế nào để vươn ra thị trường rộng lớn, hay nói cách khác là đưa sản phẩm có chất lượng tốt nhất với giá thành tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Chỉ có các cơ quan hữu quan mới giúp được người nuôi ong nói riêng và nhà nông nói chung tạo nên thương hiệu cho từng sản phẩm nông nghiệp trong thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế.

Đông Kiểm

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang