• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thanh long phải đổ bỏ vì không theo quy hoạch

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 18/08/2016
Ngày cập nhật: 20/8/2016

Kỹ sư Võ Thanh Hùng, nguyên Phó ban Phân vùng kinh tế tỉnh Hậu Giang giai đoạn 1984 - 1992, vừa đi công tác các tỉnh miền Trung và ĐBSCL, lý giải việc thanh long phải đổ bỏ vì phát triển không theo quy hoạch.

Ông Võ Thanh Hùng giới thiệu quy hoạch ở ĐBSCL

Ông nói: "Từ năm 1979, Ban Phân vùng kinh tế Trung ương đã chia nước ta thành 8 vùng gồm: ĐBSCL, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Duyên hải Bắc Trung bộ, ĐB sông Hồng, Tây bắc Bắc bộ và Đông bắc Bắc bộ.

Căn cứ vào đó, Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NN-PTNT) tiến hành công tác quy hoạch nông nghiệp trên cả nước. Lúc bấy giờ, chúng tôi là những kỹ sư trẻ tham gia công tác phân vùng, quy hoạch nông nghiệp ở Đông Nam bộ và ĐBSCL, được lệnh tăng diện tích lúa ở ĐBSCL. Còn hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận nằm ven biển khô hạn nhất nước ta, được chú trọng cây thanh long có nguồn gốc từ Mexico".

Hồi đó, quy hoạch vùng ĐBSCL ngoài cây lúa, còn các loại cây gì?

Còn cây khóm (dứa), mía, cây ăn quả, cây đay. Cây công nghiệp ngắn và dài ngày có dừa, mè, đậu phộng, đậu nành. Vùng cát ven biển thì trồng hành tím, tỏi, củ cải; giồng cát nước ngọt trồng dưa hấu, củ cải, rau các loại. Còn lâm nghiệp, vùng đất trũng phèn nặng trồng tràm, đất ven biển ngập mặn trồng tràm nước, đước, bần.

Các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, lý do nào quy hoạch cây thanh long?

Vì thanh long là cây duy nhất có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên khô hạn vùng Bình Thuận và Ninh Thuận. Có nhiều tài liệu nghiên cứu về cây thanh long của Trường Đại học Cần Thơ, các viện nghiên cứu của Bộ NN-PTNT đưa tới những ứng dụng làm nên thành công trong thực tế chứng minh việc quy hoạch hồi trước đúng đắn cho đến nay.

Tại sao một cây chủ lực phù hợp với điều kiện khí hậu khô hạn, mà mấy năm gần đây không ít lần trái thanh long thu hoạch phải đổ bỏ?

Do công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch không nghiêm. Sự thay đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi có phần thả lỏng. Các cơ chế, chính sách, giải pháp ngành nông - lâm - ngư nghiệp thiếu tính đồng bộ. Theo số liệu thống kê sơ bộ hiện nay, không chỉ hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận trồng thanh long mà các tỉnh Đông Nam bộ, ĐBSCL và vùng khác cũng trồng thanh long. Cả nước đã có 32 tỉnh, thành phố trồng cây thanh long với diện tích trên 40.000ha, sản lượng một năm 600.000 tấn.

Tình hình trồng thanh long ở các tỉnh ĐBSCL, nơi quy hoạch không xác định cây thanh long, đang diễn ra như thế nào?

Các tỉnh Long An, Tiền Giang mỗi tỉnh có trên 1.500ha. Kể cả tỉnh Cà Mau ngập mặn mà người dân cũng đua nhau trồng cây thanh long ruột đỏ. Tôi vừa đi trên các con kinh 86, 87, 88 ở xã Khánh Hội (U Minh) và kinh Co Sáng (Trần Văn Thời, Cà Mau) thấy diện tích trồng thanh long ruột đỏ rất nhiều và nhiều hộ dân đang lên liếp trồng thêm.

Nông dân thu hoạch thanh long

Tình hình khiến những người từng tham gia quy hoạch nông nghiệp trước đây rất băn khoăn là ĐBSCL có thể trồng được nhiều cây nhiệt đới khác có giá trị kinh tế cao hơn, nhưng tại sao lại đi tranh giành trồng cây của những tỉnh có thời tiết khắc nghiệt như Bình Thuận và Ninh Thuận?

Chẳng hạn, tỉnh Tiền Giang có thể trồng được vài chục loại cây ăn trái nhiệt đới như xoài cát Hòa Lộc, bưởi ruột đỏ, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, ổi, mận, chanh, quýt.

Tỉnh Cà Mau tại sao không khôi phục lại rừng tràm nước để làm nền phát triển mật ong tự nhiên? Chúng ta biết, mật ong rừng tràm là một sản vật quý, hiện nay, một lít mật ong nguyên chất rừng tràm Cà Mau không dưới một triệu đồng. Cà Mau không phát triển tiềm năng lợi thế đó lại đổ xô trồng thanh long, chắc chắn có thế yếu hơn các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, vì không ngon bằng, chỉ có tác dụng gây dư thừa, làm giảm giá trị thanh long trên thương trường mà thôi.

Tuy nhiên, kinh tế thị trường, người nông dân có quyền trồng cây họ muốn để đáp ứng nhu cầu?

Mặc dù chúng ta phát triển ngành nông nghiệp theo cơ chế thị trường nhưng phải trên nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Sản xuất theo hợp đồng “đặt cọc” của thị trường nhưng phải là thị trường ổn định chứ không phải thị trường ngẫu hứng.

Tôi nghiên cứu thấy ở các nước tiến tiên, nếu thay đổi mục đích sử dụng đất mà không được cấp có thẩm quyền chấp thuận có thể bị khởi tố về hành vi hủy hoại tài nguyên đất. Một số nước thành lập viện nghiên cứu chiến lược trực thuộc Chính phủ để đề ra các giải pháp quy hoạch cụ thể, quản lý chặt chẽ chứ không chung chung, kém hiệu lực như ta.

Còn biện pháp hạ tầng kỹ thuật và chính sách khuyến khích có giá trị như thế nào trong quản lý quy hoạch?

Qui mô và cơ cấu đầu tư hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội cho nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại phải tương xứng và đồng bộ với quy hoạch từng vùng thì duy trì quy hoạch mới hiệu quả, bền vững. Cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư không tương thích với quy hoạch ngành nông nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến nền nông nghiệp manh mún và phân tán như hiện nay.

Tôi xin nhấn mạnh chỗ này, chúng ta không ngăn cản các tỉnh ĐBSCL trồng cây thanh long ruột đỏ, nhưng nếu Chính phủ có cơ chế, chính sách đầu tư cho cây thanh long ở Bình Thuận và Ninh Thuận thì cây thanh long ở hai tỉnh đó có ưu thế sản xuất lớn, chất lượng vượt trội. Khi đó, cây thanh long ở các tỉnh và thành phố khác khó cạnh tranh, sẽ không thể phát triển tràn lan để gây thiệt hại chung cho đất nước.

Xin cảm ơn ông!

SÁU NGHỆ

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang