• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Bưởi da xanh, mãng cầu xiêm “được thời” sau hạn mặn

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 13/07/2016
Ngày cập nhật: 14/7/2016

Củi sầu riêng, chôm chôm chất đống ven nhiều tuyến đường tại huyện Châu Thành.

Sau đợt hạn mặn lịch sử 2016, diện tích cây ăn trái, đặc biệt là hai loại trái cây đặc sản Bến Tre là sầu riêng và chôm chôm giảm mạnh. Thậm chí có những xã bao đời nay kinh tế chính dựa vào 2 loại cây ăn trái trên cũng đang băn khoăn vì khó giữ lại được nếu hệ thống thủy lợi không được đầu tư sớm.

Theo báo cáo đánh giá của 2 huyện Châu Thành và Chợ Lách, đã có đến hàng ngàn héc-ta gồm sầu riêng, chôm chôm, măng cụt bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai hạn mặn. Được biết hiện nay, nhiều xã ở vùng “vương quốc trái cây” vẫn chưa đánh giá đầy đủ và thống kê hết diện tích cây bị ảnh hưởng. Và thực tế là đã có rất nhiều nhà vườn trong số này chặt bỏ vườn cây sầu riêng, chôm chôm để trồng loại cây khác chịu mặn tốt hơn như bưởi da xanh. Thậm chí một số nơi người dân đã chuyển qua trồng hoặc manh nha trồng cây mãng cầu xiêm - loại cây sống tốt ở vùng đất nhiễm mặn, phèn.

Chia tay... cây đặc sản

Một buổi trưa đầu tháng 7, chúng tôi đến xã Tiên Long, huyện Châu Thành. Địa phương này đang diễn ra mạnh mẽ phong trào đốn sầu riêng, chôm chôm để trồng bưởi da xanh. Hầu hết vườn cây ăn trái hai bên đường đều cháy lá rũ rượi, thậm chí có nhiều gốc to tướng hàng chục năm tuổi đã chết khô từ lâu. Đâu đâu cũng thấy củi sầu riêng, chôm chôm chất đống ven đường chờ xe đến chuyển đi. “Đã mấy tháng nay tôi không buồn vào vườn chôm chôm của mình. Vừa rồi tôi cũng đã gọi điện thoại cho người em trai kêu vào đốn hạ cây lấy củi bán. Tôi có ý định trồng bưởi da xanh, tuy nhiên lúc này do cây giống đắt quá nên tôi chưa liên hệ với lái để đặt mua” - một cán bộ xã Tiên Long nói với chúng tôi.

Tạt vào khu vườn 8 công của ông Văn Công Đáo (82 tuổi, ấp Tiên Chánh, xã Tiên Long), nhiều thân cây chôm chôm nằm ngổn ngang do bị đốn chặt từ nhiều ngày qua, đốt nhánh chỉ còn lại tàn tro ngay tại vườn. Một số cây gần nhà được giữ lại để dành ăn thì lưa thưa trái trên cành. Ông Đáo dự kiến sẽ chặt bỏ toàn bộ vườn chôm chôm để trồng bưởi da xanh. “Cả đời tôi sang hèn cũng nhờ vào chôm chôm! Mỗi năm tôi thu hoạch bao nhiêu là trái, sâu bệnh gì tôi cũng hiểu rõ mồn một. Vậy mà nay buộc lòng phải đốn hạ vì theo dự báo của các ngành chức năng, tôi nghĩ không thể “chung thuyền” với chôm chôm nữa rồi!”- ông Đáo nói với giọng buồn rười rượi, dõi mắt hướng về những gốc chôm chôm hơn 20 năm tuổi đang nằm la liệt trong vườn.

Đến ấp Tiên Chánh, Tiên Đông và cả cồn Tiên Lợi, chúng tôi cũng chứng kiến và nghe lời tâm tình hết sức ray rứt của nhiều hộ nông dân khi nói về “cuộc chia tay” với cây sầu riêng và chôm chôm.

Ông Nguyễn Văn Vàng - Phó chủ tịch UBND xã Tiên Long cho biết, xã được bao bọc bởi hệ thống sông, kênh rạch - toàn diện tích đất giống bán đảo, cộng với cồn Tiên Lợi. Trong khi đó, hệ thống đê bao chưa hoàn chỉnh, các cống chưa có hệ thống ngăn mặn nên dễ dàng bị mặn xâm nhập. Đợt hạn mặn lịch sử vừa qua đã khiến cho 550/789ha cây ăn trái của 1.318/1.995 hộ làm nông bị ảnh hưởng, trong đó phần lớn là các vườn chôm chôm và sầu riêng - hai loại cây ăn trái chủ lực của xã và là trái cây đặc sản của tỉnh, bị thiệt hại nặng nhất. Nguyên nhân là do hai loại cây này rất mẫn cảm với nước mặn.

Phó chủ tịch UBND xã Tiên Long Nguyễn Văn Vàng chia sẻ kinh nghiệm gần 20 năm trồng bưởi da xanh của mình: “Giá bưởi tuy cao nhưng thường không ổn định. Mặt khác, để chăm sóc được trái loại I không dễ dàng nên thường chỉ có khoảng 1/3 trong số trái của mỗi cây đạt, trong khi giá của những loại khác nhau chênh lệch rất lớn. Vậy nên 1ha bưởi da xanh, với thời giá đắt đỏ như thời gian qua, mỗi tháng sẽ thu khoảng 20 triệu đồng và thu hoạch được 11 tháng trong năm. Trong khi đó, nếu là 1ha sầu riêng, mỗi năm sẽ cho khoảng 25 tấn trái và lợi thế là thu hoạch đúng 1 lần trong năm, giá khoảng 30 - 35 ngàn đồng/kg - cây chôm chôm cũng đạt năng suất như vậy nhưng giá thấp hơn chút ít. Tôi đã tính rồi, cây bưởi da xanh khó có thể so sánh được với 2 loại cây truyền thống này”.

“Dù biết người dân chọn cách chặt bỏ hai loại cây trên là vội vàng nhưng xã không dám đến khuyên người dân giữ cây lại vì hệ thống đê bao hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh, rủi mặn tiếp tục xâm nhập và gây thiệt hại nữa thì không biết ăn nói sao với bà con” - ông Vàng nói tiếp. Thực trạng tương tự cũng đã và đang xảy ra ở nhiều xã của huyện Châu Thành và Chợ Lách.

Phân vùng sản xuất

Ông Nguyễn Hữu Thiết - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triên nông thôn huyện Châu Thành cho biết, hiện nay, huyện vẫn ưu tiên phòng, chống hạn mặn hơn là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Do đó, huyện vẫn khuyến khích người dân tiếp tục tích cực dưỡng cây. Còn những vườn cây đã bị nhiễm quá nặng thì mới chặt bỏ để trồng cây khác. Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 900/7.000ha cây ăn quả bị thiệt hại; con số thiệt hại có thể sẽ còn tăng lên cao hơn nữa bởi vẫn còn một số xã chưa báo số liệu.

Việc đốn bỏ cây chôm chôm, sầu riêng để trồng bưởi da xanh là một trong những hướng đi được nhiều nhà vườn chọn lựa. Tuy nhiên, một số nhà vườn cũng đang lo ngại vì thực tế đợt hạn mặn vừa qua đã khiến nhiều vườn bưởi da xanh cũng bị thiệt hại do độ mặn quá cao. Do đó, một nhà vườn tại huyện Châu Thành đã chuyển sang trồng thử cây mãng cầu xiêm trên khoảng 2 công đất của mình vì loại cây này có thể sống được trong điều kiện đất bị nhiễm mặn. Ngoài ra, nhiều nhà vườn khác tại huyện Chợ Lách cũng đã tham khảo các ngành chức năng để chuyển hướng sang trồng loại cây này.

Việc nông dân chọn cây mãng cầu xiêm đã khiến nhiều lãnh đạo địa phương băn khoăn vì thị trường của loại cây ăn trái này vẫn khá mờ mịt và rất khó để phát triển thị trường như một số loại cây ăn trái đặc sản của Bến Tre. Điều này đã được phản ánh tại buổi làm việc mới đây giữa Thường trực Tỉnh ủy với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về định hướng sản xuất ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

“Chúng tôi đã nắm tình hình thực tế, có một số nhà vườn đang tham khảo ý kiến cơ quan chức năng để trồng mãng cầu xiêm. Tuy nhiên, việc trồng loại cây này trên địa bàn huyện không có trong quy hoạch và thực tế đầu ra chưa ổn định. Theo tôi, người dân không nên nóng vội vì chủ trương của huyện là vẫn giữ ngọt địa bàn này, khi đó những nhà vườn tự chuyển đổi cây trồng sẽ bị đơn độc, sản phẩm không bán được”, Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết.

Ông Liêm cho biết thêm, hạn mặn đã khiến 6.000ha cây ăn trái trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 500ha chôm chôm và sầu riêng bị ảnh hưởng, thiệt hại từ 30% - 100%.

Nhiều nông dân của một vài xã cánh trên (gần huyện Châu Thành) của huyện Bình Đại đã canh tác cây mãng cầu xiêm từ lâu. Chia sẻ về kinh nghiệm qua theo dõi nông dân trồng loại cây này, ông Võ Văn Quân - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại nói: “Nếu dùng gốc mãng cầu trồng trên mô thì cây khỏe, sống lâu hơn nhưng trái chua; nếu trồng gốc bình bát sau khi tháp xong mang vào trồng thì cho trái ngọt hơn… và cũng tùy vào mục đích sử dụng mà thương lái cho giá mua loại mãng cầu chua hay ngọt. Trên cơ bản thì rất khó dự báo tương lai của loại cây này nhưng cũng chưa đến mức nói là rủi ro lớn”.

Việt Phương

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang