• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khi vườn tạp sinh lời

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 24/06/2016
Ngày cập nhật: 26/6/2016

Trước đây, không ít hộ nông dân không chú tâm đến đất vườn, bỏ hoang, không chăm sóc hoặc chỉ trồng một số cây ăn trái, vài bụi chuối dùng trong gia đình, không đem lại nguồn thu nhập. Nhưng những năm gần đây, nhiều nông dân tận dụng lợi thế đất vườn, cải tạo vườn tạp, đầu tư trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế. Những mảnh vườn kém hiệu quả ngày nào, với sự tính toán, bàn tay chăm sóc của nông dân đã trở thành những mảnh vườn cho thu nhập bạc trăm triệu.

Ông Nguyễn Văn Hiên (ấp Nhà Máy A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) gia đình chỉ có vài công ruộng, thu hoạch mỗi năm từ cây lúa may mắn lắm thì đủ gạo ăn trong gia đình, chẳng đem lại đồng nào dư dả. Trồng rẫy tuy có thu nhập nhưng không ổn định, lại bị gián đoạn do mất thời gian cải tạo đất nên việc lo cho 2 đứa con ăn học gặp nhiều khó khăn.

Nhận thấy, để có điều kiện lo các con ăn học đến nơi đến chốn, vực dậy kinh tế gia đình, phải tìm mô hình sản xuất khác. Qua tìm hiểu, biết được mấy năm nay, cây chuối và dừa dâu Bến Tre có giá trị kinh tế khá cao, đầu ra khá ổn định, ông quyết định phá bỏ vườn cây ăn trái kém hiệu quả, lên liếp trồng dừa xen canh chuối. Lúc đầu, ông trồng 700 gốc dừa, sau khi dừa bắt đầu lớn, ông trồng xen 1.800 gốc chuối xiêm trắng.

Tuy trồng xen canh 2 loại cây trồng, nhưng theo ông Hiên, kỹ thuật chăm sóc không khó. Ðể cả dừa và chuối đều phát triển tốt, yếu tố đầu tiên là phải trồng dừa trước vài năm, để dừa phát triển rồi mới trồng xen chuối. Khoảng cách giữa cây dừa này đến cây dừa khác là 7 m, trong khoảng đất trống đó trồng xen 2 bụi chuối. Ðến khi chuối lớn lên, cho thu hoạch, chỗ nào chuối con mọc gần gốc dừa thì nhổ bỏ.

200 gốc xoài đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập 200 triệu đồng/năm cho ông Huỳnh Công Lý (Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời).

Hiện dừa đang phát triển tốt, hứa hẹn 2 năm sau sẽ cho thu nhập đáng kể. Còn hàng ngàn gốc chuối đã cho thu hoạch hơn 1 năm nay. Ông Hiên cho biết, trung bình mỗi tháng thu hoạch 4.500-6.000 nải chuối, giá từ 3.000-5.000 đồng/nải, thu nhập đều đều mỗi tháng 10 triệu đồng, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng. Riêng bắp chuối, mỗi tháng cũng thu hoạch khoảng 500 bắp chuối, thu nhập 4-5 triệu đồng.

“Nếu làm phép tính so sánh thì tôi dám chắc kinh tế vườn chuối cao hơn so với cây lúa. Tôi cho giá chuối thấp nhất còn lúa thì trúng 50 giạ/công, thu nhập từ chuối vẫn cao hơn gấp đôi. Còn nếu tính theo năng suất lúa thực tế của gia đình tôi hằng năm thì cao gấp 3 lần”, ông Hiên bộc bạch.

Bà Trần Thị Ðịnh, vợ ông Hiên, phấn khởi cho biết thêm: “Nhờ chuyển sang trồng chuối, thu nhập cao, ổn định nên vợ chồng tôi nuôi con ăn học mới thoải mái. Một đứa học đại học, một đứa học trường chuyên, nếu không có thu nhập từ chuối mà dựa vào lúa không thì không đời nào nuôi nổi”.

Nếu ông Hiên vươn lên từ cây chuối thì ông Tám Lý (Huỳnh Công Lý, Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) phát triển kinh tế gia đình nhờ chuyển sang trồng xoài. Năm 2010, ông Tám Lý cải tạo vườn, lên liếp trồng thử 100 gốc xoài Ðài Loan da đỏ và xanh, giống Bến Tre. 2 năm sau, vườn xoài bắt đầu cho thu hoạch, do vụ đầu, năng suất còn thấp nên thu nhập chỉ đạt 50 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Tám Lý quyết định mở rộng quy mô vì các thương lái cho biết, hiện giống xoài này cung không đủ cầu, sản lượng bao nhiêu họ đều bao tiêu, giá khá cao và đây là mặt hàng được xuất khẩu sang Trung Quốc. Hơn 3 năm sau, vườn xoài của ông đã có hơn 1.000 gốc xoài, trong đó đã cho thu hoạch 200 gốc.

Không giấu được niềm phấn khởi khi triển vọng từ cây xoài ngày một khả quan, ông Tám Lý chia sẻ: “Tính đến nay, tôi đã thu hoạch 4 vụ rồi, thương lái làm ăn rất đàng hoàng, chặt chẽ. Giá cả tương đối cao, vụ đầu tiên thu hoạch 1 kg có giá 52.000 đồng, vụ vừa rồi tôi trúng xoài nhưng thu hoạch trễ nên giá giảm còn 20.000 đồng/kg. Vào lúc nghịch mùa, 200 gốc xoài cho thu hoạch 6 tấn, còn thuận mùa từ 8-10 tấn. Mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng”.

Thích thú trước lời mời gọi “Chú cứ trồng đi và vận động bà con trồng thêm. Bao nhiêu tấn xoài, chúng cháu đều thu mua, vì giống xoài này đang xuất khẩu sang Trung Quốc. Hơn nữa, khi thời tiết bên đó không trồng được thì bên mình lại phù hợp” và lợi nhuận mang lại “nửa héc-ta xoài lợi nhuận cao gấp 10 lần 1 ha lúa”, ông Tám Lý đang dự định trồng thêm 500 gốc xoài nữa. Mạnh dạn mở rộng quy mô nhưng ông Tám Lý không làm liều, chủ quan, bởi ông đã có sự tính toán kỹ lưỡng. “Trong trường hợp thương lái không thu mua để xuất khẩu thì tôi cũng không lo sợ, vì mình vẫn có thể tiêu thụ nội địa. Tôi cho giá thấp gì thì 1 kg xoài cũng 10.000 đồng, cao hơn lúa, mà giống xoài này bán ở đây không bao giờ thấp hơn 20.000 đồng/kg. Làm ăn mình phải tính toán, đặt ra nhiều tình huống để có sự chủ động”.

Người phụ đất chớ đất không phụ người, đó là suy nghĩ chung của những lão nông như ông Hiên, ông Tám Lý. Và thực tế qua câu chuyện vươn lên phát triển kinh tế gia đình của họ đã khẳng định rằng thời buổi ngày nay, muốn làm giàu, ngoài cần cù, chịu khó, nông dân cần dám nghĩ dám làm, lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương, đa canh trong sản xuất./.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Phong trào cải tạo vườn tạp trồng dừa, chuối, cây ăn trái, hoa màu trong hội viên nông dân những năm qua phát triển rộng khắp. Phải khẳng định rằng hiệu quả mang lại rất cao. Thu nhập từ vườn cây ăn trái mỗi hộ từ 150-200 triệu đồng/ha/năm, còn hoa màu cao hơn từ 200-250 triệu đồng/ha/năm”.

Ngọc Minh

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang