• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nâng cao uy tín dâu tây Đà Lạt

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 04/05/2016
Ngày cập nhật: 5/5/2016

Để nâng cao hơn nữa uy tín sản phẩm dâu tây trên thị trường cạnh tranh đang có chiều hướng phức tạp, bên cạnh việc chọn những giống mới phù hợp với điều kiện sản xuất của mình, người nông dân Đà Lạt cần được chuyển giao, cập nhật quy trình kỹ thuật tiên tiến để đạt những tiêu chí về hình dáng, kích thước và chất lượng an toàn.

Dâu tây Đà Lạt đang được khuyến khích sản xuất gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn

Nhiều giống, nhiều giá khác nhau

Theo Phòng Kinh tế Đà Lạt, dâu tây được đưa về từ nước Pháp trồng đầu tiên ở Đà Lạt trong những năm 40 của thế kỷ 20, tên khoa học là Fragaria Vesca L, trái nhỏ, màu đỏ nhạt, mùi ngọt thơm đặc trưng. Đến thập niên 60, phát triển thêm nhiều giống dâu tây nhập về từ Mỹ, trái có màu đỏ đậm, đạt năng suất cao hơn, nhưng ít vị thơm như các giống dâu Pháp. Khoảng 30 năm sau đó - năm 1995, một công ty của Pháp đã chọn một trong 20 giống dâu tây trồng thử nghiệm thành công với kích thước trái lớn, cứng và chắc, hương vị chua chua, ngọt ngọt khác biệt, vận chuyển đường xa với tỷ lệ hư hỏng không đáng kể, năng suất thu hoạch đã tăng lên vượt trội khi đối chứng với các giống dâu tây trước đó canh tác trên cùng một vùng khí hậu Đà Lạt và các vùng phụ cận. Giống dâu tây này có tên Fragaria x ananassa, nông dân Đà Lạt quen gọi là giống dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm và đã liên tục mở rộng diện tích sản xuất, thu hoạch quanh năm không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, mà còn tiêu thụ xuất khẩu đến các nước châu Á và châu u.

Nông dân “kiêm” thương lái Vương Đình Phi ở đường Thánh Mẫu, Đà Lạt, nhớ lại: “Thời điểm năm 1997 - 2000, tôi thu mua mỗi ngày trên dưới 1 tấn dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm tươi của nông dân Đà Lạt thu hoạch tại vườn rồi đóng trong hộp nhựa, vận chuyển về Sài Gòn bán hết trong ngày hôm sau. Khách hàng Sài Gòn mua dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm của tôi gồm các quày hàng bán sỉ ở nhiều khu vực chợ đầu mối cùng lực lượng bán lẻ lưu động thường trực với hơn 10 sinh viên làm thêm. Tuy nhiên, sau năm 2000, diện tích dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm ở Đà Lạt tăng tự phát quá nhanh bằng cách nhân giống “cây ngó” (cây con mọc ra từ rễ cây mẹ) thiếu tuyển chọn, nên sức đề kháng yếu, dẫn đến xuất hiện nhiều loại bệnh gây hại, làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm thu hoạch. Thêm vào đó, ngay trên thị trường trong nước bắt đầu lưu thông, bày bán nhiều loại dâu tây Trung Quốc giá rẻ, khiến cho phần lớn người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn với dâu tây Đà Lạt. Bởi vậy, tôi quyết định tạm dừng công việc thương lái để tập trung làm công việc nông dân chuyển đổi các giống dâu tây mới, sản xuất theo hướng công nghệ cao trong nhà kính”.

Trong nhà kính, ông Phi chọn các giống dâu tây Nhật trồng ban đầu dưới đất phủ màng ni lông. Từ năm 2012 đến nay, ông Phi chuyển sang trồng trên giàn giá thể xơ dừa, trấu... cách mặt đất gần 1m, diện tích ổn định với 3.000m². Toàn bộ quy trình tưới nước, bón phân hữu cơ đều tự động hóa nhỏ giọt. Tính riêng trong dịp trước và sau Tết Bính Thân năm 2016, ông Phi đón khách du lịch khắp nơi vào tham quan, chụp hình lưu niệm và trực tiếp hái chọn dâu tây Nhật ăn tươi tại chỗ, hoặc mua về làm quà với giá từ 250 - 300.000 đồng/kg. Như vậy, với hàng chục ký dâu tây tươi nhà kính của ông Phi bán ra mỗi ngày, giá mỗi ký cao hơn từ 5 - 6 lần so với giá dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm trồng ngoài trời ở Đà Lạt và các vùng phụ cận.

Cần những tiêu chí chất lượng an toàn

Đánh giá chung cho thấy: Hiện nay, việc canh tác dâu tây trong nhà kính chưa được nông dân Đà Lạt áp dụng đại trà, chỉ mới phát triển trên diện tích nhỏ khoảng chục ha. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trang này như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung; sản xuất chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật chưa đồng bộ... Thống kê diện tích dâu tây Đà Lạt đang biến động hàng năm từ 100 - 120ha, nhưng ưu thế về năng suất, chất lượng và thị trường tiêu thụ ổn định lại thuộc về diện tích chỉ chục ha sản xuất trong nhà kính; còn lại hầu hết diện tích sản xuất ngoài trời vì không có thương hiệu bảo hộ độc quyền, chưa xây dựng thành những chuỗi sản phẩm liên kết, nên tình trạng được mùa, mất giá vẫn xảy ra. Mặt khác, phần lớn sản phẩm dâu tây ngoài trời Đà Lạt khi đưa ra thị trường tiêu thụ không thông qua quy trình kiểm định chất lượng, lại chịu ảnh hưởng trước tình trạng giả mạo, lạm dụng địa danh Đà Lạt của các mặt hàng dâu tây từ nơi khác còn len lỏi đưa về.

Để nâng cao uy tín của sản phẩm dâu tây Đà Lạt trên thương trường trong và ngoài nước, Phòng Kinh tế Đà Lạt đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng thực hiện quy trình xây dựng nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ độc quyền. Khi nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận (sau khoảng 12 tháng thẩm định hồ sơ), người sản xuất sẽ được gắn nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” trên sản phẩm của mình, nếu hội đủ các tiêu chí an toàn về nguồn giống, môi trường sinh thái, quy trình canh tác, hình thức và chất lượng sản phẩm thu hoạch…

Thiết nghĩ, trong thời gian đón chờ nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” được chính thức công nhận hiệu lực sử dụng, ngành nông nghiệp Đà Lạt cần phối hợp với các cơ quan chuyên ngành, tích cực hỗ trợ nông dân triển khai những giải pháp về lựa chọn, cải tạo các loại giống dâu tây đạt năng suất và chất lượng cao để xây dựng các vườn thực nghiệm đầu dòng. Đồng thời, tăng cường công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề trồng và chăm sóc dâu tây; vận động nông dân sản xuất dâu tây tập trung theo mô hình liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, khuyến khích phát triển ngày càng nhiều những mô hình trồng dâu tây kết hợp với du lịch sinh thái vườn tại các doanh nghiệp, hộ gia đình, qua đó có thêm cơ hội quảng bá rộng rãi thương hiệu “Dâu tây Đà Lạt” được “bảo chứng” chất lượng an toàn.

VĂN VIỆT

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang