• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thanh Hóa: Phát triển cây có múi trên vùng đồi Như Xuân

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 21/04/2016
Ngày cập nhật: 22/4/2016

Vườn cam của người dân tại làng Má, xã Bãi Trành (Như Xuân).

Từ “đánh thức” những vùng đồi hoang

Theo tuyến đường Hồ Chí Minh, chúng tôi về các xã phía Tây Nam của huyện Như Xuân (Thanh Hóa), đi đến đâu cũng bắt gặp màu xanh trải dài tít tắp của những đồi cam. Một lớp nông dân mới, năng động, dám nghĩ, dám làm đã xuất hiện trên mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Bằng hướng đi phù hợp các “lão nông” của huyện nghèo Như Xuân đang “đánh thức” những vùng đồi hoang hóa, giàu tiềm năng bị “ngủ quên” bấy lâu nay.

Đến xã Bãi Trành, chúng tôi cảm nhận và chia sẻ cùng người nông dân ở đây với niềm lạc quan hơn, khi trúng đậm vụ cam trong dịp Tết Bính Thân 2016. Men theo con đường đất dốc thoai thoải đặc thù của địa hình vùng miền núi, chúng tôi vào thăm vườn cam của gia đình anh Đàm Duy Vinh, ở làng Má. Anh Vinh phấn khởi cho biết: - Gia đình tôi trồng hơn 2ha cam xã Đoài và cam Vân Du. Ngoài ra, tôi còn tận dụng diện tích đất ven bờ rào trồng thêm 1ha chanh đào. Vào dịp Tết vừa rồi, gia đình tôi thu hoạch 0,5ha cam, sản lượng đạt hơn 5 tấn quả, bán được hơn 70 triệu đồng. Vụ cam thu hoạch đầu tiên chưa có lãi, vì phải bù vào chi phí đầu tư ban đầu, từ năm 2017 trở đi mới thu lãi. Tin rằng, với thị trường tiêu thụ hiện nay, chỉ vài năm nữa việc làm giàu trên vùng đồi của người dân ở Như Xuân không còn là điều quá khó khăn nữa.

Thêm “gia vị” cho câu chuyện về cây cam giữa chủ và khách, anh Phạm Văn Tuấn, trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, chỉ tay về phía khu đồi bỏ hoang trước mặt, nói: - Trong vài năm tới những quả đồi hoang kia sẽ được phủ màu xanh của cam, bưởi! Riêng xã Bãi Trành được quy hoạch khoảng 100ha để trồng cam, bưởi, chanh đào. Những hộ trồng cam như gia đình anh Vinh ở huyện Như Xuân không hiếm. Hiện nay, trên địa bàn huyện Như Xuân có khoảng 385 hộ dân ở 15 xã tham gia trồng cam, bưởi với diện tích 107,86ha.

Khác với xã Bãi Trành, khi cây cam bén rễ trên đất xã Xuân Hòa lại gắn với câu chuyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm khắc phục những bất lợi của thời tiết khô hạn hằng năm. Vừa hướng dẫn chúng tôi đi thăm các vườn cam trên địa bàn, anh Lê Chí Liệu, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa chia sẻ: - Vào mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau) vùng đồi này trở nên khô hạn, không khác gì sa mạc. Những năm trước đây tự nhiên ở Xuân Hòa nguồn nước luôn dồi dào. Nhưng do rừng bị tàn phá, nguồn sinh thủy cũng cạn kiệt và nước tưới cho cây trồng trở nên khó khăn. Vì vậy, xã phải tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn. Vườn cam đường canh của anh Chử Thanh Hải, ở thôn 8, đang được xem là mô hình điểm để bà con xã Xuân Hòa học tập làm theo. Vốn là người gốc ở Hà Tây (Hà Nội), do cái “cơ duyên” trời định, anh Hải đã chọn vùng đất đồi xa xôi và còn lắm gian khó này làm nơi sinh nghiệp.

Tiếp chúng tôi, với giọng nói đặc trưng của người mạn ngoài, anh Hải mộc mạc chia sẻ: - Sau khi khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Xuân Hòa thấy phù hợp với cây cam đường canh, tôi quyết định sẽ gắn bó với vùng đất này. Khoan hãy nói đến số tiền đã đầu tư! Vốn liếng mà tôi và người thân trong gia đình mang đến vùng đất Xuân Hòa sinh nghiệp không gì khác ngoài kinh nghiệm sau những tháng ngày trồng cam ở tỉnh Hòa Bình. Theo tính toán của anh Hải, vườn cam chưa nhiều quả, vì vậy thu hoạch cam vụ đầu tiên năng suất thường thấp, chăm sóc thêm một năm nữa cây cam cho từ 50 đến 70 kg quả/cây. Với giá tiêu thụ của thị trường như hiện nay, 1ha cam sẽ cho thu nhập 500 triệu đồng. Ưu điểm nổi bật trong khâu chăm sóc vườn cam của anh Hải là hệ thống tưới phun bán tự động được lấy từ các giếng khoan, vừa bảo đảm việc cung cấp nước vừa có tác dụng rửa sương muối hàng ngày cho cây cam.

Nhờ sự chia sẻ, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền xã Xuân Hòa nên năm 2014, anh Hải thầu lại 8ha đất trồng mía kém hiệu quả của các hộ dân ở thôn 8 để trồng 8.000 cây cam đường canh.

Xã Xuân Hòa có tổng diện tích tự nhiên 11.676ha; trong đó trên 6.000ha do các đơn vị, doanh nghiệp quản lý. Hiện tại, xã quản lý hơn 5.000ha, chủ yếu là đất đồi. Thực hiện chủ trương của huyện về chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, từ năm 2010 đến nay, xã đã vận động người dân chuyển đổi gần 2.000ha trồng mía, sắn có độ dốc trên 30 độ sang trồng gỗ lớn theo đề án của huyện và cao su. Đặc biệt, năm 2015 xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi 30ha đất đồi dốc đang trồng mía, sắn kém hiệu quả sang trồng cam đường canh và cam Vinh. Trong những năm tới cấp ủy đảng, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền mở rộng diện tích các loại cây ăn quả như: bưởi diễn, cam Vinh, chanh đào nhằm khai thác hiệu quả vùng đất dốc, khô hạn. Việc chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng một số loại cây hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao là hướng đi mới cho người dân trong xã.

... Đến việc hình thành những vùng chuyên canh, có thương hiệu

Cách đây khoảng gần một năm, trong lễ ký kết hợp tác nghiên cứu và phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giữa Viện Khoa học Nông nghiêp Việt Nam và Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn, GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đã đánh giá, vùng đất nằm dọc đường Hồ Chí Minh, trải dài từ Hòa Bình đến Hà Tĩnh hội tụ đầy đủ các điều kiện để hình thành và phát triển một “xa lộ” nông nghiệp công nghệ cao. Ý tưởng này được thực hiện, khu vực từ miền Tây Thanh Hóa đến miền Tây Nghệ An những “thành phố nông nghiệp” hiện đại với “thành phố sữa – thịt”, “thành phố rau – quả”... Trong đó, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua khu vực tỉnh Thanh Hóa, bắt đầu từ xã Thạch Quảng (Thạch Thành) và kết thúc ở xã Bãi Trành (Như Xuân) với tiềm năng đất đai, khí hậu rất phù hợp để phát triển cây có múi. Do đó, các địa phương phải sớm hình thành vùng chuyên canh cây có múi đặc sản như: cam, bưởi Luận Văn, bưởi Diễn, đặc biệt là sớm xây dựng được thương hiệu “cam vàng xứ Thanh”.

Thực tế đã khẳng định, ở nhiều tỉnh đã hình thành những vùng chuyên canh cây có múi lớn như: cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Xã Đoài (Nghệ An), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh)... và xây dựng được thương hiệu riêng, mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người nông dân. Không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo mà nghề trồng cam, bưởi đã đưa nhiều hộ nông dân trở thành triệu phú ở các vùng đồi. Không giống các tỉnh bạn, cây có múi ở vùng đất Như Xuân chỉ mới phát triển được vài năm gần đây. Vì vậy, sự gia tăng về diện tích và sản lượng của cây có múi trên địa bàn huyện còn manh mún, bấp bênh. Trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện Như Xuân thực hiện quy hoạch hàng năm trồng mới từ 130 - 150ha cam, bưởi gắn với cải tạo vườn tạp trong các hộ gia đình. Với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững vùng cây ăn quả có múi, chính quyền huyện Như Xuân và các ngành liên quan cần hỗ trợ nông dân đầu tư thâm canh theo tiêu chuẩn VietGap để nâng cao giá trị kinh tế. Không những vậy, Như Xuân cần học tập kinh nghiệm của những vùng trồng cam nổi tiếng như: Cao Phong (Hòa Bình), Đoan Hùng (Phú Thọ), Hàm Yên (Tuyên Quang) nhằm lựa chọn một số diện tích gắn với chỉ dẫn địa lý tiến tới xây dựng thương hiệu riêng. Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp để xây dựng mô hình liên kết với nông dân sản xuất cây có múi, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế theo hướng bền vững và phù hợp với hội nhập quốc tế.

Trần Thanh

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang