• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhiều giống cây trồng chống chịu hạn, mặn

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc, 08/04/2016
Ngày cập nhật: 10/4/2016

Mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây ăn trái. Ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại (phải) kiểm tra cây sầu riêng ở tỉnh Bến Tre bị nhiễm mặn.

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 294 ngàn ha cây ăn trái (chiếm 38% diện tích cả nước), sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn (chiếm 44% sản lượng trái cây của cả nước).

Địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất ĐBSCL là Tiền Giang: 72.795ha, kế đến Vĩnh Long (39.000ha), Bến Tre (32.000ha), Sóc Trăng (26.200ha). Hiện nay, nước mặn đã xâm nhập đến hầu hết những vùng trồng cây ăn trái ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng...

Tại Bến Tre, rãnh mặn trên 2‰ đã xâm nhập sâu vào các sông chính lên đến trên 60km. Trên sông Hàm Luông nước mặn đã lên đến huyện Chợ Lách với độ mặn 2,4‰ (đo ngày 8-3-2016), đây là vùng sản xuất cây giống và cây ăn trái lớn (sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, cây có múi...) của tỉnh Bến Tre.

Do độ mặn trên sông Hàm Luông (Bến Tre) ở mức cao nên đã chảy sang sông Tiền và làm ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho vùng trồng cây ăn trái tập trung của huyện Cai Lậy và huyện Châu Thành (Tiền Giang) như: Sầu riêng (8.500ha), sapô (2.000ha), vú sữa (3.170ha)...

* Phóng viên (PV): Để nhận biết cũng như phòng ngừa và “giải độc” khi cây bị nhiễm mặn, ông có hướng dẫn gì cho bà con nông dân?

* Tiến sĩ Võ Hữu Thoại: Bà con nông dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời, ngăn chặn nước mặn hoặc lấy nước ngọt vào vườn.

Tùy theo giống cây ăn trái mà khả năng chống chịu mặn của cây khác nhau. Để tránh thiệt hại cho cây trồng khi tưới nhầm nguồn nước bị nhiễm mặn, bà con nông dân cần biết khả năng chịu mặn của chủng loại cây trồng trên vườn của mình.

Cụ thể, nhóm cây mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn dưới 1‰): Bơ, chuối, khế, nhãn, đu đủ, chanh dây, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt; nhóm cây chịu mặn trung bình (chống chịu được nồng độ mặn từ 2‰ - 3‰): Sơri, ca cao, cây có múi, ổi, khóm, vú sữa; nhóm cây chống chịu khá với mặn (chống chịu được nồng độ mặn 4‰ - 5‰): Mít, xoài, mãng cầu Xiêm, na; nhóm cây chống chịu tốt với mặn (chống chịu được nồng độ mặn > 5‰): dừa, sapô, me, nho.

Nếu sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn để tưới cho cây ăn trái và nồng độ muối hòa tan trong nước cao hơn khả năng chịu mặn khiến cây bị sốc mặn, rụng lá, hoa, trái hàng loạt và có thể dẫn đến chết cây.

Để giúp cây sớm phục hồi, nông dân cần mạnh dạn tỉa bỏ bớt hoặc toàn bộ số trái trên cây (tùy theo mức độ ảnh hưởng của mặn ít hay nhiều). Song song đó, bà con cần sử dụng nguồn nước ngọt để tưới nhằm rửa trôi lượng muối đã tích tụ trong đất, đồng thời bón phân hữu cơ, phân lân để phục hồi bộ rễ cây trồng.

* PV: Viện Cây ăn quả miền Nam có khuyến cáo gì đối với người trồng cây ăn trái lúc này?

* Tiến sĩ Võ Hữu Thoại: Trong điều kiện hạn, mặn như hiện nay, nông dân cần củng cố hệ thống đê bao của mỗi vườn cho chắc chắn để tránh nước mặn xâm nhập vào. Dự trữ nước ngọt trong mương, túi nilon để tưới cho cây ăn trái trong những tháng nước mặn.

Để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu cần nước của cây nên tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trong giai đoạn này. Không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái. Tủ gốc giữ ẩm cho cây trồng bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô.

Tăng cường bón phân hữu cơ và kali nhằm làm tăng hàm lượng K+ trong cây để tỷ lệ K/Na cao, từ đó hạn chế sự thu hút Na+ vào cây, hạn chế cây bị ngộ độc do Na+. Bón phân lân để cung cấp P cho cây, hạn chế sự thu hút các ion Cl- quá nhiều trong cây. Không nên bón phân có chứa Natri và Cl vì sẽ tăng độ độc cho cây.

Có thể phun phân bón lá có chứa Kali, Canxi, magiê, Silic giúp cây tăng đề kháng, tăng khả năng chịu hạn, chống chọi với nhiễm mặn, cứng cây, không đổ ngã. Trên chân đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón loại vôi nung (CaO) để vừa rửa mặn vừa hạ phèn, không nên bón các loại phân chua như super lân, DAP, (NH4)2SO4, KCl… làm cho đất càng chua.

* PV: Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, Viện Cây ăn quả miền Nam có nghiên cứu ra loại cây trồng nào thích nghi với vùng thường xuyên chịu hạn, mặn và đem lại kinh tế cho người dân?

* Tiến sĩ Võ Hữu Thoại: Việc khai thác hiệu quả vai trò của gốc ghép đối với khả năng chống chịu mặn trên cây ăn trái được xem là những giải pháp khả thi để ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Trong thời gian vừa qua, Viện Cây ăn quả miền Nam đã nghiên cứu bước đầu trong việc lai tạo và thanh lọc các dòng/giống cây trồng bản địa, có khả năng chống chịu với hạn và mặn để làm gốc ghép cho cây có múi và xoài.

Kết quả đã chọn được 8 dòng/giống cây có múi và con lai gồm: Tắc (Bến Tre), Sảnh (Bến Tre), Bòng (Huế), bưởi Bung (Bến Tre), bưởi Hồng Đường (TP. Cần Thơ), bưởi Đường Hồng (Bình Dương) và 2 con lai (Tắc x B. Lông Cổ Cò) và (Tắc x B. Da Xanh) chống chịu mặn tốt ở nồng độ mặn NaCl 8‰ sau 56 ngày xử lý mặn.

Trồng ngoài đồng tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang cho thấy 5 dòng/giống cây có múi: Sảnh, Bòng, bưởi Bung, bưởi Hồng Đường, bưởi Đường Hồng tiếp hợp tốt với bưởi Da xanh, trong đó nổi bật là bưởi Da xanh ghép trên gốc ghép Sảnh và Bòng có sức sinh trưởng mạnh; đồng thời thể hiện chống chịu mặn tốt trong điều kiện thực tế, cho năng suất và phẩm chất trái bưởi da xanh tương tự như trái bưởi da xanh trồng bằng nhánh chiết trong điều kiện bình thường.

Ông Nguyễn Thành Nhơn (trái), Giám đốc HTX xoài cát Hòa Lộc kiểm tra vườn xoài của xã viên khi vào cao điểm hạn, mặn.

Một nghiên cứu thanh lọc khả năng chịu mặn trên 8 giống xoài địa phương và nhập nội: Xoài Canh Nông (Khánh Hòa), xoài Châu Hạng Võ (Trà Vinh), xoài Cát Hòa Lộc (Tiền Giang), xoài Cát Chu (Đồng Tháp), xoài 13-1 (Israel), xoài Ghép xanh (Tiền Giang), xoài Thanh ca (Tiền Giang), xoài Thơm (An Giang).

Kết quả đã chọn lọc 5 giống xoài Châu Hạng Võ, xoài Thơm, Ghép xanh, Canh Nông và giống xoài 13-1 được đánh giá chống chịu mặn tốt ở nồng độ NaCl 13‰ sau 60 ngày xử lý mặn ở điều kiện nhà lưới. Mô hình trồng ngoài đồng cho thấy xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu ghép trên gốc ghép xoài 13-1, xoài Châu Hạng Võ và xoài Ghép xanh chống chịu tốt với mặn.

Một nghiên cứu thanh lọc khả năng chịu hạn trên 30 giống/dòng cây có múi địa phương, con lai cây có múi và nhập nội cũng được thực hiện tại nhà lưới của Viện Cây ăn quả miền Nam và trồng ngoài đồng tại huyện Tri Tôn - An Giang.

Kết quả đã chọn lọc 4 dòng/giống: Trúc (An Giang), bưởi Chua (Đồng Nai), bưởi Đỏ (Long An), bưởi Thanh Trà (Long An) được đánh giá chống chịu hạn tốt và có thể làm gốc ghép cho cây có múi thương phẩm (cam Sành, cam Mật, bưởi). Các tổ hợp này có thể được trồng ở những vùng khô hạn, thiếu nước tưới vào mùa nắng, cây có thể chịu được khô hạn khoảng 30 ngày.

* PV: Xin cảm ơn ông!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang