• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả "kép" từ Đề án Phát triển thanh long

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc, 06/04/2016
Ngày cập nhật: 8/4/2016

Đề án phát triển cây thanh long huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đến năm 2015 (sau đây gọi là Đề án) được xác định là bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. Theo đánh giá của UBND huyện, bước đầu Đề án được triển khai thuận lợi, hiệu quả kinh tế của cây trồng này mang lại gấp từ 8 - 10 lần so với sản xuất lúa. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tại các xã trong vùng Đề án cũng đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và giúp bộ mặt nông thôn tươi sáng hơn.

Hiệu quả “kép”

Bất kỳ ai đến huyện Chợ Gạo đều không khó để nhận thấy thanh long là một trong những giống cây trồng chủ lực của vùng đất này. Hai bên đường, những vườn thanh long xanh ngút ngàn như một lần nữa khẳng định đây chính là nơi giống cây trồng này đã và đang bám rễ và sẽ góp phần giúp vùng đất này ngày một phát triển.

Theo những người dân Chợ Gạo, cây thanh long đã bén duyên với vùng đất này đã khá nhiều năm. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay giống cây này đã khẳng định được vị thế của mình khi ngày càng được nhiều người chọn trồng để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ cũng đã vươn lên làm giàu từ đó.

Cây thanh long đã góp phần giúp vùng nông thôn huyện Chợ Gạo ngày càng khởi sắc.

Ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo cho biết: “Năm 2007, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 07/NQ-HU về lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây thanh long đến năm 2012 và định hướng phát triển cây thanh long đến năm 2015.

Điều này cho thấy lãnh đạo huyện đã sớm nhận ra tiềm năng và quyết tâm đầu tư, phát triển giống cây này. Đến năm 2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3788/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển cây thanh long huyện Chợ Gạo đến năm 2015. Đây được xem là một bước tiến lớn giúp cây thanh long Chợ Gạo tiếp tục vươn lên”.

Đề án được triển khai trên địa bàn 12 xã: Quơn Long, Tân Thuận Bình, Long Bình Điền, Song Bình, Đăng Hưng Phước, Thanh Bình, Trung Hòa, Tân Bình Thạnh, Lương Hòa Lạc, Mỹ Tịnh An, Phú Kiết và Hòa Tịnh với tổng diện tích đạt từ 4.500 - 4.600 ha (đến năm 2015).

Trong thời gian thực hiện, huyện đã tập trung đầu tư trên nhiều lĩnh vực: Hỗ trợ vốn (giúp nông dân mua giống, làm trụ, dựng trại thực nghiệm để nhân giống), chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT), tổ chức thu mua, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất (nâng cấp hệ thống điện, giao thông, thủy lợi).

Theo đánh giá, các công trình được thực hiện trong Dự án đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc tưới tiêu, vận chuyển hàng hóa trong vùng sản xuất; bộ mặt nông thôn cũng được cải thiện hơn.

Chính vì thế, các nông hộ trong vùng rất phấn khởi. Chú Nguyễn Văn Điền, nông dân ở xã Quơn Long chia sẻ:

“Tôi trồng thanh long không nhiều nên không có cơ hội làm giàu từ thanh long. Nhưng việc nâng cấp các tuyến đường, tuyến kinh đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc đi lại, vận chuyển nông sản, cũng như nước tưới cho hoa màu. Bà con xung quanh đây ai cũng rất vui”.

Riêng với các hộ trồng thanh long, ngoài việc được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, còn được hỗ trợ trên nhiều khía cạnh như: Vay vốn để phát triển sản xuất, chuyển giao KH-KT, đầu ra sản phẩm. Ngoài ra, còn có nhiều đề tài, dự án được triển khai nhằm đưa người dân tiếp cận với công nghệ và hướng đến việc sản xuất bền vững như:

Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao phát triển 100 ha thanh long Chợ Gạo”; chuyển giao quy trình trồng thanh long theo tiêu chí VietGAP; “Thí điểm trồng thanh long VietGAP tại xã Mỹ Tịnh An và xã Lương Hòa Lạc”…

Đặc biệt, trong suốt quá trình thực hiện Đề án, các hộ nông dân thường xuyên được tham dự các buổi hội thảo, chuyển giao KH-KT. Từ đó, nhiều hộ kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn và áp dụng trên mảnh đất của mình, qua đây có không ít người đã vươn lên làm giàu.

Ông Nguyễn Văn Nam (ấp Bình An, xã Song Bình) cho biết: “Gia đình tôi trồng thanh long đã gần 10 năm nay. Lúc đầu, tôi chỉ trồng theo cảm tính, biết gì làm nấy nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau này, do được chuyển giao KH-KT và hỗ trợ vốn nên việc đầu tư, quy hoạch và trồng có phần bài bản hơn. Thu hoạch từ cây thanh long tốt hơn trước rất nhiều”.

Vượt khó, nâng cao hiệu quả

Tuy hiệu quả từ Dự án khá cao, nhưng phải nhìn nhận là quá trình triển khai, Dự án đã gặp phải không ít khó khăn như:

Việc sản xuất thanh long một số nơi chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, còn lạm dụng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật làm tăng chi phí đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu, bệnh gây hại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hàng hóa; đầu ra của sản phẩm thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP chưa ổn định, chưa kích thích nông dân trong việc nhân rộng mô hình;

Chưa có doanh nghiệp xuất trực tiếp sản phẩm trái thanh long, chỉ xuất tiểu ngạch hoặc thông qua các doanh nghiệp xuất ủy thác theo hợp đồng; giá thanh long thường không ổn định, làm cho một số nông dân chưa an tâm trong sản xuất;

Tổ chức kinh tế hợp tác, các HTX, THT sản xuất, tiêu thụ thanh long hoạt động hiệu quả chưa cao, thiếu nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, kho lạnh dự trữ thanh long còn ít và chưa ký được hợp đồng bán sản phẩm ổn định;

Dịch vụ cung ứng vốn tín dụng trong những năm gần đây tuy đã được cải thiện, nhưng nhìn chung còn nhiều vướng mắc như điều kiện và thủ tục vay còn phức tạp, thời gian cho vay chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất của cây thanh long nên số lượt hộ nông dân tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất còn nhiều hạn chế;

Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất trong vùng đề án rất lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách gặp khó khăn, việc huy động vốn trong nhân dân chưa thực hiện được nên các hạng mục công trình phục vụ cho yêu cầu sản xuất theo Đề án chưa được thực hiện một cách đồng bộ (nhất là việc đầu tư các công trình đường điện trung thế, hạ thế phục vụ nhu cầu xông điện thanh long cho ra hoa trái vụ);

Nhà nước chỉ đầu tư đường dây điện trung thế, còn việc đầu tư bình hạ thế, đường dây điện hạ thế đều chủ yếu là nông dân tự đầu tư trong khi khoản kinh phí này cũng rất lớn…

Với những khó khăn này, ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu để tháo gỡ dần những khó khăn, giúp người trồng thanh long có thể an tâm sản xuất, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp thanh long Chợ Gạo có thể đứng vững trên thị trường.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân xử lý sản phẩm an toàn, sử dụng phân hữu cơ đúng quy trình; việc trồng, chăm sóc phải hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm (trái ít nhưng đạt chuẩn, giá sẽ cao hơn); tiếp tục công tác quảng bá, xây dựng các THT, câu lạc bộ, HTX thu hút người dân đến với tinh thần tự nguyện và phát huy hết sức mạnh của các đơn vị này; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng tải trọng cầu, mở rộng thêm một số tuyến đường để giảm chi phí vận chuyển, giúp người dân chủ động trong xử lý rải vụ…

Được biết, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững trong sản xuất. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện sẽ tiếp tục phát triển diện tích thanh long theo vùng quy hoạch (đầu tư trồng mới từ 2.400ha - 2.900ha, nâng tổng diện tích thanh long trong vùng Đề án vào năm 2020 đạt từ 6.500 - 7.000ha; trong đó có từ 30% - 40% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP);

Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng và giá trị cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu; tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, THT sử dụng nhãn hiệu chứng nhận xuất xứ hàng hóa thanh long Chợ Gạo (đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận) để quảng bá, tiếp thị;

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, nhu cầu, thị hiếu khách hàng để chủ động trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Việc tổ chức thu mua, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm cũng được huyện hết sức chú trọng. Tính đến cuối năm 2015, toàn huyện hiện có 1 Hợp tác xã (HTX sản xuất và tiêu thụ thanh long xã Mỹ Tịnh An);

4 Tổ hợp tác (THT sản xuất thanh long Trường Thọ - xã Mỹ Tịnh An, THT Lương Phú - xã Lương Hòa Lạc, THT sản xuất Thanh Long Hưng Ngãi - xã Đăng Hưng Phước và THT sản xuất thanh long - xã Quơn Long) có tổng diện tích 103,4ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hàng năm, HTX, THT tổ chức thu mua từ 6.000 - 10.000 tấn sản phẩm thanh long của các hộ nông dân. Có 2 doanh nghiệp (Công ty TNHH Long Việt và Doanh nghiệp tư nhân Chín Sơn) thu mua, đóng gói với sản lượng tiêu thụ trên 300 tấn thanh long/tháng và 44 cơ sở thu mua nhỏ với sản lượng tiêu thụ từ 50 - 100 tấn thanh long/tháng.

Tính từ năm 2009 đến cuối năm 2015, diện tích cây thanh long của huyện Chợ Gạo được trồng mới 2.335ha, cải tạo 589ha (nâng tổng diện tích thanh long toàn huyện lên 4.200ha, tăng 2,3 lần so với năm 2008), trong đó có 4.091ha trong vùng đề án, đạt 89,9% kế hoạch và 109ha ở các xã ngoài vùng đề án.

Năng suất bình quân cũng không ngừng được nâng lên (năng suất bình quân năm 2008 đạt 17,9 tấn/ha/năm và năm 2015 năng suất bình quân đạt trên 30 tấn/ha/năm); tổng sản lượng đạt trên 96.000 tấn, tăng gấp 2,9 lần so với năm 2008.

MINH CHÂU

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang