• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vất vả mùa dưa tết

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 11/12/2016
Ngày cập nhật: 12/12/2016

Tháng cuối năm, xã biên giới Ia R’vê (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) nắng như đổ lửa. Bên những con đường phủ đầy bụi đỏ là cánh đồng dưa hấu rộng hàng trăm héc-ta của nông dân từ Phú Yên, Bình Định lên canh tác với hy vọng có một mùa xuân no ấm...

Mỗi vườn dưa thường có 4 - 5 người chăm sóc, sống chen chúc trong những căn chòi tạm bợ, tềnh toàng rộng chừng chục mét vuông với vài tấm ván bìa ghép lại thành giường ngủ. Bể chứa nước sinh hoạt là hố đất trải bạt. Nhà vệ sinh, nhà tắm quây tạm bợ bằng mấy vỏ bao phân. Bếp ăn kê bằng vài viên gạch vỡ. Hai ba ngày họ mới đi chợ một lần.

Chị Tiền đang chuẩn bị cơm chiều bên chòi dưa.

Cuối năm trời nắng đẹp, ít mưa nên rất thuận lợi để trồng dưa, khi dưa vụ sớm vươn dây phủ kín cánh đồng cũng là lúc dưa vụ tết bắt đầu đan luống. Đây là năm thứ 2 liên tiếp anh Hà Nguyên Lạc (37 tuổi, ở huyện Sơn Hòa, Phú Yên) lên Đắk Lắk thuê đất trồng dưa. Vụ trước, do giá dưa rớt thảm hại, sau 3 tháng vất vả, trừ hết chi phí, vợ chồng anh lỗ gần 200 triệu đồng. Lỗ nhưng không làm dưa thì cũng chẳng biết làm gì để sống, vụ này anh Lạc lại dốc hết vốn liếng ra thuê 4,5 ha đất tiếp tục “đánh bạc với dưa”. Một mình làm không xuể, anh phải thuê thêm ba thanh niên trai tráng, khỏe mạnh ở gần nhà lên làm cùng.

Theo anh Lạc cho biết, riêng ở quê anh đã có hàng chục hộ cùng lên Đắk Lắk thuê đất trồng dưa, hộ ít thì vài ba héc-ta, hộ nhiều cả chục héc-ta. Hằng ngày, người chăm sóc dưa phải dậy từ 1 – 2 giờ sáng, mỗi người một máy bơm chia ra tưới cả vườn dưa. Tưới xong thì sửa dây dưa, không để dây quấn chồng lên nhau, gây khó khăn trong việc tuyển trái và ảnh hưởng tới khả năng quang hợp của cây. Để cho trái dưa to, tròn đều, mỗi dây dưa chỉ để lại một trái trên dây chính. Tuyển dưa rất khó, không phải ai cũng làm được. Tuyển sớm quá thì dễ vặt nhầm dưa tốt, tuyển muộn quá sẽ làm yếu dây dưa, sau này quả khó to, khó đẹp. Mỗi lần chọn trái xong lại phải chỉnh sửa cho trái nằm ngay ngắn, lấy rơm khô lót bên dưới trái dưa cẩn thận. Khi trái dưa được khoảng 2 – 3 kg, phải sửa thêm lần nữa mới mong có được trái dưa hấu như ý.

Cạnh vườn dưa của anh Lạc là 1,7 ha dưa của người anh ruột Hà Hoàng Tiến. Cẩn thận lót rơm xuống dưới những trái dưa vụ sớm to gấp đôi trái trứng ngỗng, người đàn ông 49 tuổi ấy trải lòng, vất vả bao nhiêu anh cũng chịu được nhưng xa quê, nhớ vợ nhớ con nhiều hôm không thể nào chợp mắt. Trước đây anh vẫn thuê đất ở gần nhà để làm dưa nhưng “dưa đất lạ, mạ đất quen”, sau vài năm sẽ phải kiếm đất khác để trồng. Năm nay anh quyết định trồng dưa vụ sớm vì dễ bán hơn, tuy giá thấp một chút nhưng an toàn, dưa tết tính may rủi rất lớn.

Việc chăm sóc dưa đòi hỏi rất tỉ mỉ, cẩn thận.

Thiếu ngủ triền miên, sau hơn 2 tháng làm thuê, anh Nguyễn Văn Linh (25 tuổi, Sơn Hòa, Phú Yên) sụt mất 4 kg, mắt lúc nào cũng thâm quầng. Kéo tay áo “khoe” những nốt nhỏ li ti chi chít, anh Linh cười “Muỗi đốt đấy. Ra ruộng muỗi vây, về chòi muỗi đốt. Vừa ăn cơm vừa đập muỗi mỏi tay”. Công việc vất vả nên ăn tối xong, nông dân thường đi nghỉ sớm. Trời nóng, nằm chen chúc trong căn chòi chật hẹp, muỗi vây tứ phía nên giấc ngủ chẳng bao giờ liền mạch. Chuyện sinh hoạt hằng ngày trong những chòi dưa tưởng đơn giản thế mà phức tạp, nhất là những chòi có cả chị em phụ nữ. Ăn ở tạm bợ nên cái gì cũng phải giữ kẽ rất khổ sở.

Gia đình anh Nguyễn Văn Lành (25 tuổi, quê Sơn Hòa, Phú Yên) chỉ có mấy sào đất ruộng nên vất vả quanh năm mà cũng chỉ đủ ăn. Tháng 10 vừa qua nghe bạn bè rủ rê, anh khăn gói lên Đắk Lắk trồng dưa thuê cho người đồng hương. Đi làm thuê, ngoài được nuôi cơm, mỗi tháng một nông dân khỏe mạnh như anh có thể được chủ trả cho 5 triệu đồng. Đưa cánh tay áo lau vạt mồ hôi chảy dài trên má, anh Lành chia sẻ: “Chăm dưa như chăm con mọn, lơ là một chút là sâu bệnh ngay. Nhận lương của người ta cũng phải làm cho tròn trách nhiệm. Chỉ mong sao dưa được mùa được giá, hết vụ dưa chủ còn cho thêm được vài đồng về quê ăn tết”.

Có kinh nghiệm nhiều năm thuê đất làm dưa, năm nay vợ chồng anh Phạm Văn Sen và chị Tạ Thị Tiền (Nhơn Tâm, An Nhơn, Bình Định) gửi con cái cho người thân, xa quê lên đây thuê gần 6 ha đất trồng dưa. Ngày ngày chị Tiền vừa làm dưa vừa lo chợ búa cơm nước cho nhóm thợ. Chị nhẩm tính, mỗi héc-ta dưa một mùa mất 8 triệu đồng, chi phí nhân công mất khoảng 30 triệu đồng, phân bón, máy cày, xăng dầu, cơm nước… sơ sơ mỗi sào dưa chi phí không dưới chục triệu. Với 6 ha dưa chị phải bỏ ra khoảng 600 triệu đồng. Chị tâm sự: “Với chi phí như vậy, giá dưa phải trên 5.000 đồng/kg, chúng tôi mới bắt đầu có lãi. Nghề làm dưa, may rủi nhờ trời, vừa xuống giống mà gặp trời mưa coi như bỏ vụ, vì cây bị thối rễ không sinh trưởng được. Đen đủi nhất là lúc sắp thu hoạch gặp mưa dầm, nước đọng, chỉ qua một đêm là dưa "nổ" trắng ruộng, tiền bạc đổ sông đổ biển hết”. Để tiết kiệm chi phí, mấy năm nay, mỗi lần đi làm dưa, chị Tiền còn mang cả giống rau, vài cặp gà, cặp chó đi theo. Chị bảo, rau gieo xuống chỉ nửa tháng là được ăn, tội gì không trồng. Con chó vừa làm bạn cho vui vừa giúp mình trông coi vườn dưa. Cơm thừa canh cặn thì đem cho gà, hết vụ dưa, thịt gà làm cơm đãi thợ.

Nhìn đám dưa hơn 2,5 ha của mình đang bắt đầu đậu quả, anh Đinh Xuân Huy (33 tuổi, Sơn Hòa, Phú Yên) tâm sự: “Bao nhiêu công sức, của cải đổ vào vụ dưa nhưng may lắm cũng chỉ dư được vài đồng. Thậm chí có năm hết vụ dưa, tôi trở về quê với hai bàn tay trắng, thấy vợ con nheo nhóc đợi chồng về sắm tết mà đau xót vô cùng. Hy vọng năm nay trời thương”.

Việt Hùng

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang