• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thọ Xuân mùa quả ngọt

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 21/11/2016
Ngày cập nhật: 23/11/2016

Trang trại của gia đình anh Nguyễn Trí Tám, xã Xuân Thành (Thọ Xuân) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Anh.

Đông về se sắt heo may, cảm nhận bao nhiêu thứ tinh túy thảo thơm của đất trời đã gieo vào lòng trái quả. Chúng tôi háo hức tìm về vùng trồng cam ngon nổi tiếng trên đất Xuân Thành (Thọ Xuân, Thanh Hóa), đúng mùa cây gọi quả ngọt.

Con đường bê tông phẳng lỳ đưa chúng tôi vào khu vườn đầy cây trái trĩu cành, lúc lỉu những quả. Anh Nguyễn Trí Tám – một chủ trang trại trẻ tuổi, năng động nhất nhì vùng này dẫn chúng tôi tham quan một lượt, mời chúng tôi thưởng thức vị cam tươi lịm ngọt vừa mới hái trong vườn.

Anh Tám tâm sự, khoảng chục năm trước, nơi đây vốn là ruộng lúa nhưng thuộc khu đất cao nên cằn cỗi, khó tưới và cho năng suất thấp. Anh đã mạnh dạn xin xã cho thuê đất lâu năm để chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị cao hơn. Xã đồng ý, song, gia đình anh ngăn cản, cho rằng ngoài cây lúa, còn cây nào khác có thể sinh trưởng được trên đất này? Nhưng anh không nản chí, mà càng quyết tâm thực hiện ước mơ của mình “cải tạo đất xấu thành đất màu mỡ, biến tấc đất kém giá trị thành tấc vàng”.

Nghĩ là làm, chẳng bao lâu người ta đã thấy cả một vùng đất rộng 5 ha được anh đầu tư làm kinh tế trang trại. Trước tiên là cải tạo đất, tăng cường các loại phân bón để tăng độ màu mỡ cho đất, tạo luống, đào mương, xẻ rãnh đưa nước về tưới mát cho cây, rồi anh ra tận tỉnh ngoài chọn mua giống cây ăn quả về trồng. Người nông dân như anh đã khiến cho đất phải được “thở”, cây phải được sinh sôi, nảy nở, đơm hoa, kết trái theo đúng lẽ tự nhiên của nó. Sau 8 năm dày công chăm bón, trang trại của gia đình anh đã được phủ xanh cả một vùng, với hơn 2.000 gốc cam Vinh, hơn 300 gốc bưởi Diễn. Ngoài ra, anh còn kết hợp chăn nuôi khoảng 1.500 con lợn thịt và 200 con lợn nái để lấy phân bón cho cây, nuôi đàn gà đẻ trứng, đào ao thả cá... Riêng trồng cây ăn quả đã cho năng suất 30 tấn/1ha, với giá bán tại vườn là 32 nghìn đồng/kg, anh đã có lãi 500 triệu đồng/1ha/năm và còn tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên cùng với hàng chục lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

“Những ông chủ miệt vườn dám nghĩ, dám làm như anh Tám, anh Dũng, anh Thoại... xuất hiện ngày càng nhiều, càng chứng minh chuyện làm giàu không khó của nông dân thời nay” - Ông Hà Đình Thuần, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, khẳng định – Nhờ công cuộc xây dựng nông thôn mới, xã đã tập trung chuyển đổi hàng chục ha đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả (có múi). Quy hoạch được vùng cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa khoảng 25 ha, với hàng chục hộ và trang trại tham gia trồng và tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để bà con áp dụng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.

Nhìn ra toàn huyện, vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung, quy mô lớn đã được hình thành tại các xã: Xuân Thành, Xuân Trường, Bắc Lương, Thọ Xương. Các hộ đã có ý thức sản xuất hàng hóa, đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Sau thời gian trồng từ 5 - 10 năm, các hộ đã có thu nhập bình quân 400-500 triệu đồng/ha; sau trồng 10 năm trở lên có thu nhập bình quân 500 - 700 triệu đồng/ha; cá biệt có hộ cho thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên. Với cái đà đó, toàn huyện tiếp tục phấn đấu đến năm 2020 diện tích trồng mới cây ăn quả tập trung chuyên canh trong vùng quy hoạch khoảng 200 ha (chuyển từ đất lúa, mía kém hiệu quả, đất đồi bãi, vườn tạp), gồm cam các loại, bưởi Diễn và bưởi Luận Văn (50 ha), năng suất bình quân đạt từ 20 - 25 tấn/ha trở lên, giá trị trên một đơn vị diện tích cao hơn so với các cây trồng khác.

Bên cạnh phát triển vùng cây ăn quả, huyện đã bước đầu hình thành các vùng chuyên canh hàng hoá tập trung quy mô lớn như: vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao có diện tích 6.500 ha, năng suất bình quân đạt trên 67 tạ/ha; vùng trồng ngô trên 4.000 ha, năng suất bình quân 53 tạ/ha; vùng mía nguyên liệu có diện tích gần 3.000 ha, năng suất bình quân 62,5 tấn/ha; các vùng sắn nguyên liệu, ớt xuất khẩu, rau an toàn,... cũng đang được duy trì ổn định và phát triển.

Tuy vậy, các vùng sản xuất tập trung ở Thọ Xuân cũng đang gặp không ít khó khăn, bất cập, đó là: Qui trình kỹ thuật trồng, chăm sóc yêu cầu khắt khe nghiêm ngặt, thời gian kiến thiết cơ bản từ 3- 4 năm, đến năm thứ 5 mới bắt đầu cho thu hoạch ổn định nên nhiều hộ sản xuất không đủ khả năng đầu tư phát triển và mở rộng diện tích. Công tác tích tụ, chuyển đổi đất khó khăn, diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung, mặc dù đã qua “dồn điền, đổi thửa lần 2”. Bình quân đất nông nghiệp trên đầu người thấp, dẫn đến việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất còn hạn chế, chất lượng sản phẩm không đồng đều, hiệu quả kinh tế chưa cao. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tuy đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đầu tư cho chế biến và công nghệ sau thu hoạch chưa được quan tâm, cơ sở chế biến nông sản hầu như chưa có, chủ yếu sơ chế ở dạng thô dẫn đến sức cạnh tranh thấp. Liên kết “bốn nhà” trong sản xuất theo chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn; chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ. Người nông dân sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm, nặng tư tưởng bảo thủ, việc tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế...

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Huy Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững, huyện Thọ Xuân đã xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp, như: Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, quy hoạch mới và quản lý quy hoạch, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Quy hoạch liên kết giữa các vùng sản xuất có điều kiện tương đồng, đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm có cùng lợi thế, tạo khối lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chất lượng. Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích tích tụ ruộng đất bằng các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tuyên truyền, vận động các hộ có đất trong vùng quy hoạch nhưng không có khả năng sản xuất, chuyển đổi, chuyển nhượng cho các hộ, các tổ chức có khả năng sản xuất để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tạo môi trường thuận lợi, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Huyện cũng đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, có chính sách hỗ trợ tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững sẽ tạo bước đột phá về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh các sản phẩm, mở rộng các hình thức liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Xác định công tác tích tụ đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là tạo điều kiện để tổ chức lại sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là khâu đột phá. Tin tưởng trong vài năm tới, huyện sẽ cơ bản hình thành được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, từng bước ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, có sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, tiến tới xây dựng thương hiệu một số sản phẩm có lợi thế của huyện. Viễn cảnh tươi sáng cho bức tranh nông nghiệp của Thọ Xuân đang dần mở ra trước mắt chúng tôi, đặc biệt với những người nông dân, hứa hẹn mùa quả ngọt đang về...

Ngọc Anh

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang