• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiềm năng của cây vải Ea Sô

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 23/09/2016
Ngày cập nhật: 26/9/2016

Nhiều hộ dân xã Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi các diện tích cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng vải, đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành cây đặc sản có thế mạnh của địa phương.

“Bén duyên” từ sự mạnh dạn chuyển đổi của nông dân

Trước đây, người dân xã Ea Sô luôn quan niệm vùng đất này chỉ trồng được các loại cây như mía, sắn, ngô, đậu, song năng suất hằng năm vẫn đạt thấp, giá cả lại bấp bênh nên đời sống kinh tế của bà con khá khó khăn. Năm 2001, ông Nguyễn Văn Hòa ở thôn 1 đã tiên phong đưa 20 cây giống vải U Hồng từ tỉnh Hải Dương vào vườn nhà trồng thử nghiệm. Qua quá trình chăm sóc, đúc rút kinh nghiệm, ông Hòa nhận thấy cây trồng này phát triển khá tốt trên vùng đất Ea Sô. Sau 3 năm, cây ra quả đều và năng suất không thua kém vải được trồng ở Hải Dương. Từ đó ông bắt đầu nhân rộng ra toàn bộ 5 sào vườn nhà, đồng thời chiết cành bán giống, mách bảo kỹ thuật cho bà con trong xã cùng làm.

Ông Nguyễn Văn Hòa (thôn 1, xã Ea Sô, huyện Ea Kar) đang chăm sóc vườn vải.

Gia đình ông Đinh Văn Đá ở thôn 2 cũng là một trong những hộ nhân rộng mô hình trồng vải thành công trên địa bàn xã. Hiện nay, gia đình ông có 2 ha vải đang cho thu hoạch ổn định. Ông Đá cho biết, trước đây, toàn bộ 2 ha đất của gia đình chỉ trồng mía và ngô nhưng năng suất thấp. Ông đã thử nghiệm với nhiều loại cây khác nhau song cũng không hiệu quả. Khi thấy bà con trong xã mở rộng diện tích vải U Hồng, năm 2010 ông cũng mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ đất vườn sang loại cây này. Theo ông Đá, cây vải rất dễ trồng và chăm sóc, chi phí giống, phân bón ban đầu chỉ khoảng 25 triệu đồng/ha (bằng 60% chi phí đầu tư trồng mía), sau 3 năm cây bắt đầu cho thu hoạch quả và cứ thế mỗi mùa vụ, tán cây phát triển rộng thì năng suất càng tăng lên. Riêng mùa vải năm 2015, ông Đá thu khoảng 15 tấn quả, lãi trên 500 triệu đồng.

Cây kinh tế mũi nhọn

Hiện nay, tổng diện tích vải ở xã Ea Sô là 600 ha. Những hộ trồng vải nơi đây đã tự liên kết thành lập Câu lạc bộ Vải Ea Sô (hiện đã có 36 hộ thành viên với diện tích trên 100 ha). Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nguyễn Văn Hòa khẳng định: Đây là sân chơi để người trồng vải thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, trao đổi kỹ thuật với nhau, qua đó ngày càng nâng cao chất lượng quả, đồng thời, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Thị trường tiêu thụ của quả vải Ea Sô đã vươn ra khắp cả nước, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… được người tiêu dùng đánh giá rất cao và giá bán luôn ổn định.

Ông Võ Đức Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sô chia sẻ: Có thể khẳng định, từ khi cây vải được nhân rộng phát triển trên địa bàn thì đời sống kinh tế của bà con trong xã cũng từng bước khấm khá lên. Cây vải trở thành cây kinh tế mũi nhọn của địa phương, góp phần giúp người dân vươn lên thoát nghèo, trong đó có những hộ làm giàu từ cây trồng này như gia đình ông Đinh Văn Đá, Nguyễn Văn Tuấn (thôn 2), ông Nguyễn Văn Hòa (thôn 1), Nguyễn Văn Hậu (thôn 5), mỗi năm thu nhập từ 400 - 600 triệu đồng.

Ông Đinh Văn Đá (thôn 2, xã Ea Sô, huyện Ea Kar) đang chăm sóc vườn vải.

Trao đổi với ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar, được biết, hiện nay cây vải đang được quy hoạch và phát triển chủ yếu tại địa bàn xã Ea Sô và một phần của xã Ea Sar, trở thành cây đặc sản có thế mạnh kinh tế của địa phương. Những năm trước, huyện cũng có chủ trương phát triển cây trồng này tại một số xã khác nhưng hiệu quả kém, năng suất thấp, chất lượng quả nhỏ và chua nên không nhân rộng.

Ông Cư cũng cho biết, hằng năm, Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh, huyện và chính quyền xã Ea Sô tổ chức từ 3-5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây vải và khâu thu hái bảo quản quả để người dân ứng dụng. Đơn vị cũng khuyến khích địa phương thành lập các tổ, hợp tác xã, câu lạc bộ vải để tăng cường việc quản lý về diện tích, sản lượng và chất lượng vải giúp loại cây này phát triển ổn định. Bên cạnh đó, Phòng NN-PTNT huyện cũng đang đề xuất Sở Khoa học - Công nghệ tham mưu UBND tỉnh ra quyết định công nhận Thương hiệu vải Ea Sô nhằm đem lại giá trị đích thực cho loại cây đặc sản của địa phương.

Vải Ea Sô ra quả to đều, mọng nước, cùi dày hạt nhỏ, có vị ngọt đậm và thơm, lại cho thu hoạch vào khoảng tháng 4 dương lịch, sớm hơn mùa vải ở các tỉnh phía bắc khoảng 1 - 1,5 tháng nên rất được thị trường ưa chuộng, giá bán luôn cao từ 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Lê Thành

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang