• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hợp lực tìm thị trường cho trái cây nhiệt đới

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 12/09/2016
Ngày cập nhật: 14/9/2016

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 307.000 ha cây ăn trái, cho sản lượng hằng năm khoảng 3,5 triệu tấn trái; trong đó có trên 120.000 ha trồng các loại cây đặc sản như: sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, cam sành, chôm chôm… Tuy nhiên, các loại trái cây này chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn, số lượng nên chưa thể cạnh tranh về giá so với trái cây nhập khẩu. Làm thế nào để trái cây ĐBSCL có vị trí vững chắc ở thị trường thế giới là vấn đề trăn trở của ngành chức năng và chính quyền địa phương các tỉnh, thành trong khu vực.

Cam sành Mỹ Lợi A đạt tiêu chuẩn GAP từ lâu, nhưng vẫn phải bán trôi nổi, thị trường tiêu thụ chưa ổn định.

Gian nan tìm thị trường

Thời gian qua, ngành chức năng tập trung xây dựng vùng sản xuất các loại cây ăn trái theo hướng an toàn (GAP). Tuy nhiên, phong trào nổi lên một thời gian và lắng xuống do nông dân khó tìm được đầu ra ổn định, doanh nghiệp và nông dân không tìm được tiếng nói chung... Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tiền Giang, hiện nay, trên địa bàn tỉnh này có nhiều loại nông sản đạt tiêu chuẩn GAP. Trong đó, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) đạt tiêu chuẩn Global GAP vào tháng 6-2008 nhưng đã hết thời gian tái chứng nhận lại. Hàng loạt nông sản được chứng nhận VietGAP như: khóm Queen của Hợp tác xã (HTX) Tân Lập chứng nhận VietGAP ngày 28-8-2009, với diện tích 22 ha cho 30 hộ; chôm chôm Java của Tổ hợp tác (THT) chôm chôm Tân Phong chứng nhận VietGAP ngày 6-7-2011 cho 16,6 ha của 34 hộ nông dân; nhãn tiêu da bò của THT Nhị Quí chứng nhận VietGAP vào ngày 5-9-2011 cho 15,3 ha của 27 hộ; thanh long của THT thanh long Chợ Gạo chứng nhận VietGAP vào ngày 12-1-2011 cho 19,74 ha của 21 hộ... Tuy nhiên, các HTX, THT này sau đó cũng không có kinh phí để đăng ký tái chứng nhận trở lại.

Còn tại tỉnh Vĩnh Long, phong trào xây dựng vùng sản xuất GAP cho nông sản cũng khá rầm rộ. Sở NN&PTNT tỉnh này đã triển khai hỗ trợ nông dân xây dựng nhiều mô hình cây ăn trái theo quy trình GAP như: mô hình kiểu mẫu đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 38 ha xoài Xiêm Núm ở xã Trung Chánh, 30 ha xoài cát Chu ở xã Quới Thiện, 10 ha nhãn tiêu da bò, 5 ha cam sành, 5,7 ha xoài Tứ Quý. Ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long còn xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình Global GAP cho 39 ha bưởi Năm Roi, 41 ha chôm chôm Java. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều mô hình được chứng nhận VietGAP hay Global GAP này cũng đang "sống lây lất" vì không có kinh phí tái chứng nhận, nông dân bắt đầu quay lưng với Mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.

Ngoài ra, vấn đề liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hiện nay còn rất lỏng lẻo, kém bền vững. Sản xuất manh mún, nhà vườn vẫn còn chạy theo phong trào, không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng "trồng, chặt" liên tục xảy ra. Ông Huỳnh Văn Hừng, xã Quơn Long (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) canh tác 1 ha thanh long theo quy trình VietGAP cho biết: "Nông dân vùng chuyên canh chúng tôi thường "tự sản, tự tiêu" là chính, nhất là khi đến đợt thu hoạch rộ phải chạy tìm thương lái, thậm chí đem sản phẩm bán lẻ tại các chợ". Còn người trồng bưởi Năm Roi (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đạt tiêu chuẩn Global GAP cũng than vãn về quy trình canh tác quá khó mà đầu ra thì lại bấp bênh. Ông Nguyễn Văn Nhị, ấp Mỹ Hưng 2, cho biết: "Trước đây khi bưởi Năm Roi còn xuất khẩu mạnh thì giá cả tăng đáng kể, nông dân phấn khởi cải tạo, chăm sóc vườn cây trái sum suê. Nhưng mấy năm gần đây, chứng nhận Global GAP hết hạn mà HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa vẫn chưa có kinh phí để tái chứng nhận nên bưởi đạt chuẩn phải bán với giá cào bằng với giá bưởi thường".

Theo ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, trong sản xuất trái cây, đa số nhà vườn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa theo chuỗi giá trị. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP chưa nhiều, do chi phí chứng nhận cao và phải tái chứng nhận sau 2 năm; giá bán giữa sản phẩm sản xuất theo quy trình GAP và sản xuất theo truyền thống gần như ngang nhau, gây khó khăn cho người dân khi tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Mặt khác, do thiếu thông tin về thị trường nên người sản xuất rất lúng túng trong việc quyết định đầu tư. Sản xuất chưa theo yêu cầu thị trường và công tác dự báo thị trường của ngành chức năng còn nhiều yếu kém trên thực tế, nên chưa trở thành công cụ hướng dẫn sản xuất.

Thương lái thu mua thanh long ở huyện Chợ Gạo.

Cần liên kết chặt chẽ

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản là chìa khóa tiến đến nền sản xuất hàng hóa lớn, phát triển nông nghiệp hiện đại. "Tổ chức sản xuất như thế nào và thực hiện ra sao để đảm bảo đầu ra cho nông dân thì nông dân sẽ tích cực tham gia liên kết"-chia sẻ của ông Nguyễn Văn Của, THT sầu riêng Bình Hòa B (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Theo ông Của, nông dân trồng sầu riêng theo quy trình Global GAP rất khó khăn nhưng khi thu hoạch thì phải bán đổ, bán tháo cho thương lái, giá cả sản phẩm trong mô hình ngang bằng với giá nông sản ngoài mô hình. Chính điều đó, nông dân chán nản, quay lại phương thức sản xuất truyền thống và xin ra khỏi mô hình. Ông Dương Cánh Dân, THT kinh tế vườn Hòa Lợi (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, nhà nước và doanh nghiệp cần hỗ trợ THT các vấn đề quan trọng và cần thiết như: xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bao tiêu chặt chẽ trên cơ sở các bên đối tác cùng có lợi…

Mới đây, tại diễn đàn khuyến nông @ tổ chức ở Tiền Giang, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt (Hiệp hội Rau quả Việt Nam) cho rằng: "Chúng ta cần phát huy vai trò doanh nghiệp trong liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Có vậy mới giúp ngành cây ăn trái phát triển mạnh, bền vững". Bà Nguyễn Thị Hồng Dung, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu Bảy Ngũ Hiệp (tỉnh Tiền Giang) cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng với điều kiện nông sản phải đạt chất lượng và đủ số lượng. Thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đã chấp nhận nhập trái cây Việt Nam như: thanh long, chôm chôm, bưởi, chuối... Đây là những thị trường lớn, bán được giá cao nhưng đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Vì vậy, chúng tôi mong rằng doanh nghiệp và nông dân cần nhận thức rõ được tầm quan trọng của sự liên kết để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá thành hạ".

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam khẳng định, phải thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất giữa các địa phương với nhau thành vùng sản xuất hàng hóa có định hướng, có điều tiết và quản lý tốt. Phải có nhạc trưởng để điều tiết tất cả các địa phương trong vùng cho sản phẩm đó. Tuy giữa các tỉnh, thành ĐBSCL cũng có những điểm khác biệt mang tính đặc thù riêng, nhưng nhìn chung về những điểm cơ bản như hình thức tổ chức sản xuất, chủng loại hàng hóa, thị trường tiêu thụ có những điểm rất tương đồng. Vì vậy, trái cây đồng bằng muốn khẳng định vị trí vững chắc trên thị trường thế giới phải liên kết "4 nhà" thật chặt và có liên kết giữa các tỉnh, thành ĐBSCL với vùng Đông Nam bộ.

Khải Ca

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang