• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Măng cụt lạ… “tấn công” xứ sở trái cây

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 09/09/2016
Ngày cập nhật: 12/9/2016

Măng cụt được bày bán trên quốc lộ 60.

Mặc dù nhà vườn ở Chợ Lách (Bến Tre) khẳng định mùa măng cụt của họ đã kết thúc không lâu sau mưa đầu mùa, đồng thời, do ảnh hưởng của thiên tai hạn mặn năm 2016, ngành nông nghiệp của huyện này khẳng định sản lượng măng cụt năm nay đã giảm hơn phân nửa. Thế nhưng, từ nhiều ngày qua, trên tuyến quốc lộ 60 (đoạn qua 2 huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc) có đến vài chục sạp măng cụt bày bán ven đường với số lượng dồi dào, ước lên đến cả chục tấn mỗi ngày, được người bán khẳng định đều là măng cụt có xuất xứ từ Chợ Lách!

Bao nhiêu cũng có

Người đi đường sẽ rất dễ dàng mua được loại măng cụt Cái Mơn với số lượng bao nhiêu cũng có. Chúng được bày bán hấp dẫn khiến nhiều người đi đường không cưỡng lại được trước loại trái cây đặc sản của xứ Chợ Lách đã rất nổi tiếng từ lâu. Bên cạnh đó còn có sầu riêng “Cái Mơn” múi no tròn, nứt gai thơm lừng như mời mọc. “Tôi đọc báo thấy năm nay Bến Tre mình gặp đợt hạn mặn khủng khiếp nhất trong 100 năm qua, cảm thấy buồn cho nông dân quê mình! Về quê lần này tưởng sẽ không mua được trái cây nào làm quà quê cho bên chồng nhưng thật không ngờ vẫn còn nhiều như vậy. Tôi nghĩ họ hàng bên chồng tôi sẽ vui với những loại trái cây đặc sản quê mình” - chị Trần Bích Hạnh, 35 tuổi, quê huyện Thạnh Phú, lấy chồng ở TP. Đà Năng phấn khởi sau khi chị tự do lựa chọn mua 20kg măng cụt và 10 trái sầu riêng ở một sạp thuộc xã Tân Thành Bình. Chị Hạnh chia sẻ thêm: “Tôi chọn măng cụt ở Bến Tre không hoàn toàn vì trái quê mình mà mua và chủ yếu bởi trái tươi, ít mủ, vị ngọt thanh, cơm cũng dày hơn”.

Trong dịp lễ Quốc khánh vừa qua, mặt dù tuyến quốc lộ 60 thường xuyên đông nghẹt xe cộ nhưng có rất nhiều người đã cố chen vào mua cho bằng được những loại trái cây đặc sản xứ mình để mang đi. Do giá cao nên nhiều người đã lân la từ sạp hàng này qua sạp hàng khác hy vọng mua giá thấp hơn vì họ không biết giá bán tại các sạp này đều được “niêm yết” rồi. “Tôi không hiểu những người bán ở đây có “đạp chân” nhau không mà họ cứ bán với cùng một giá cao và một đồng cũng không bớt, rất lạnh lùng” - anh Bùi Văn Ngơi, quê ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú, đi làm hồ ở TP. Hồ Chí Minh thắc mắc.

Người tiêu dùng đang mua măng cụt “Chợ Lách”.

Ngày 7-9-2016, chúng tôi quay trở lại lân la hỏi thăm về giá cả, nguồn gốc của trái cây bán ở đây. Vẫn như bao nhiêu lần trước, các tiểu thương chắc nịch trả lời: “Các chủ vườn ở Chợ Lách làm ăn lâu năm với mình mót từng trái trên cây để dành cho mình bán, chứ măng xứ khác bán ở đây ai mà mua”.

Quốc lộ 60, đoạn qua xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc là nơi tập trung những sạp trái cây dạo ven đường. Một vị lãnh đạo xã này cho biết, qua theo dõi tình hình đã biết được lúc đêm khuya sẽ có chiếc xe tải nhỏ giao hàng cho những tiểu thương này bán. Chủ của những người giao hàng trái cây thì địa phương chưa điều tra được. “Hơn 80% người bán sạp ngoài ấy từ nơi khác tới theo thời vụ, chủ yếu là ngoài tỉnh thì làm gì có chuyện là mối làm ăn lâu năm với chủ vườn trên Chợ Lách được” - vị này đặt vấn đề.

Nhà vườn “thèm” trái

Chúng tôi đến “tổng đà” của măng cụt ở các xã Vĩnh Thành, Long Thới, Sơn Định (Chợ Lách) thì cả ngày mua được chẳng bao nhiêu. Ông Thái, chủ vườn măng cụt gần 10 công ở xã Long Thới cho biết, bản thân ông thèm măng cụt mấy ngày qua nhưng ra vườn tìm mãi cũng không còn sót trái nào trên cây. “Năm nay nước mặn muốn hết tháng Tư nên măng cụt bị nghẽn bông lại gần hết. Đến nỗi lúc Tết Đoan ngọ, măng cụt lên đến hơn 70 ngàn đồng/kg tại vườn mà còn không có bán thì nay làm gì còn. Hơn nữa, mưa đều rồi, măng còn mủ nhiều lắm” - ông Thái khẳng định.

Những nhà vườn mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cho biết tình hình vụ măng cụt năm nay hệt như lời ông Thái. Cũng trong chuyến đi tìm mua măng cụt, chúng tôi còn chứng kiến nhiều chủ vườn đã đốn hạ loại cây này để trồng cây khác, hay một số chủ vườn đã trồng cây khác bên cạnh vì hiệu quả kinh tế cây măng cụt không còn hấp dẫn người trồng, lại rất dễ mẫn cảm với nước mặn. Sầu riêng, chôm chôm ở một số nơi cũng cùng chung số phận như măng cụt vì quá “nhát” mặn.

Mang câu chuyện này chia sẻ với một cán bộ công tác ở Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) được biết, hơn 1 tháng trước, ông có nhờ một số người quen biết ở địa phương mua 40kg măng cụt để biếu người bà con xa nhưng chờ hơn tuần lễ mới đủ số lượng. Trong khi đó, ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách thì khẳng định, trên địa bàn huyện, diện tích cây măng cụt lên đến hơn ngàn héc-ta nhưng vụ cho trái năm nay rất ít vì ảnh hưởng hạn mặn và đã kết thúc vụ từ hơn tháng qua. “Cũng có một số vườn áp dụng kỹ thuật cho trái rải vụ nhưng không có ai dại gì cho trái vào mùa mưa, do nếu thời tiết ẩm ướt trái măng cụt sẽ có rất nhiều mủ” - ông Liêm cho biết thêm.

Cũng nhận định như ông Liêm, bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Chợ Lách) cho biết, chẳng những măng cụt tại Chợ Lách đã không còn từ lâu mà ngay cả các tỉnh Vĩnh Long, Bình Dương cũng như vậy. “Có thể măng cụt được bày bán với số lượng đến hàng chục tấn ven quốc lộ 60 có xuất xứ từ Thái Lan, vì đất nước này có nguồn măng cụt lớn và đang có hướng phát triển vào thị trường nông sản Việt Nam” - bà Vy phán đoán.

Ông Huỳnh Quang Đức - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (thuộc Sở NN&PTNT) cho biết, măng cụt ở Bến Tre, Vĩnh Long hay các tỉnh miền Đông Nam Bộ hoặc ở Thái Lan đều chung giống. Vì vậy, chất lượng trái ngon hay không là phụ thuộc vào cách canh tác của người trồng. “Do nền đất cao nên măng cụt miền Đông thậm chí ít mủ hơn măng cụt miền Tây nhưng căn bản vẫn phụ thuộc vào thời vụ mà người nông dân cho trái. Nếu bị mưa nhiều thì trái măng cụt sẽ có nhiều mủ và măng cụt của Thái Lan cũng vậy”.

Trái cây đặc sản Bến Tre đang bị lợi dụng danh tiếng trên thị trường

“Măng cụt bán ven quốc lộ 60 nhiều khả năng không phải của từ nhà vườn Chợ Lách. Nhưng câu chuyện ở đây là vì sao các tiểu thương lại một mực khẳng định rằng của Chợ Lách? Theo tôi, chỉ vì tiếng tăm trái cây Chợ Lách, Bến Tre từ lâu đã có một sự tin cậy khá cao trong lòng người tiêu dùng nên mới có việc chất lượng trái măng cụt tuy căn bản không cao hơn loại trái này ở các tỉnh khác mà vẫn bị lợi dụng làm “tấm bình phong”.

Rõ ràng vấn đề ở đây là câu chuyện về giá trị của nhãn hiệu hay cao hơn là thương hiệu hàng nông sản trong lòng người tiêu dùng. Vậy, nếu chính quyền cứ “đủng đỉnh” trong việc xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản thì không sớm thì muộn những loại hàng nông sản có thế mạnh của Bến Tre sẽ rơi vào tay kẻ khác và họ sẽ đủ điều kiện thao túng gây nhiều bất lợi cho người nông dân; doanh nghiệp trong tỉnh cũng sẽ đương đầu với khó khăn vì sẽ không còn chủ động được nguồn cung nữa và giá cả hàng hóa của họ trên thị trường cũng sẽ rất nhiêu khê, thậm chí thị trường của họ cũng bị thu hẹp dần và riêng nông dân là chịu đủ. Nhưng cũng cần nói thêm là hiện chưa quá muộn để hành động nhằm không để xảy ra viễn cảnh ấy lúc thị trường hội nhập sâu” - một vị nguyên là lãnh đạo tỉnh phân tích.

Mã Phương

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang