• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quýt Bắc Kạn trên đường hội nhập

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 31/12/2015
Ngày cập nhật: 4/1/2016

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả Việt Nam đã triển khai thành công dự án Xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho quýt Bắc Kạn. Sau 3 năm có Chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhân dân đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho quýt Bắc Kạn.

Tư thương tỉnh ngoài tới Bắc Kạn thu gom quýt tại xã Quang Thuận (Bạch Thông). Ảnh: Văn Lạ

Quá trình phát triển sản xuất của quýt Bắc Kạn

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật và chỉ đạo các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây trồng phù hợp để mở rộng diện tích canh tác theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quýt là một trong những cây trồng tiêu biểu trong quá trình phát triển diện tích và nhanh chóng trở thành hàng hóa có giá trị.

Trước những năm 2000, người dân trong tỉnh trồng cam quýt theo kiểu tự phát, sử dụng để ăn và một phần mang bán nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy đây là cây trồng đặc sản, có giá trị kinh tế cao, giai đoạn 2005 - 2010, UBND tỉnh đã ban hành chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Năm 2012, Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn Địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm Quýt Bắc Kạn. Vùng chỉ dẫn địa lý bao gồm 12 xã: Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong (Bạch Thông); Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên (Chợ Đồn); Thượng Giáo, Địa Linh, Chu Hương, Mỹ Phương, Cao Trĩ, Yến Dương (Ba Bể). Theo tiêu chuẩn giới thiệu trong Chứng nhận chỉ dẫn địa lý, quýt Bắc Kạn có nhiều điểm đặc biệt hơn so với các loại quýt khác trên thị trường, như: Vỏ quả màu vàng tươi, ít hạt, sơ bã tan, ăn có vị ngọt và chua dịu, mùi thơm hấp dẫn, giá trị dinh dưỡng cao.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với một số cây trồng nông nghiệp chính, trong đó có cây quýt. Với sự nỗ lực tập trung chỉ đạo của các cấp, ngành việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhân giống cây quýt Bắc Kạn đã thu được nhiều kết quả khả quan. Đến nay diện tích cam, quýt của tỉnh đạt khoảng 2.200ha, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2005. Đã hình thành vùng canh tác quýt hàng hóa tập trung tại các huyện như Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể. Trong đó riêng huyện Bạch Thông chiếm tới 50% diện tích trồng cam, quýt của cả tỉnh. Theo ước tính, hiện tổng sản lượng quýt của tỉnh là gần 10.000 tấn/năm, đối với những diện tích thâm canh cao thì năng suất đạt 120 - 150 tạ/ha; sản lượng đạt trên 14.000 - 18.000 tấn, mang lại giá trị sản xuất trên 100 tỷ đồng cho nông dân.

Nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ

Từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý, sản phẩm Quýt Bắc Kạn đã từng bước khẳng định chỗ đứng ở thị trường trong tỉnh, từng bước mở rộng ra tiêu thụ ở ngoài tỉnh. Tuy vậy, chủ yếu sản phẩm vẫn được tiêu thụ trong tỉnh là chính. Phần còn lại được tư thương một số tỉnh vùng Đông Bắc thu mua. Đến vụ thu hoạch quýt, trên các trục đường từ xã Quang Thuận, Dương Phong (Bạch Thông) đến các xã Đông Viên, Phương Viên (Chợ Đồn)... các tiểu thương tấp nập tới thu mua quýt Bắc Kạn mang đi tiêu thụ tại các tỉnh như Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh và Lạng Sơn... tổng lượng quýt bán ra của người dân trên thị trường mỗi ngày trung bình khoảng 100 tấn. Do chưa có đầu mối bao tiêu số lượng lớn và ổn định nên giá quýt Bắc Kạn lên xuống thất thường, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.

Tại chợ đầu mối quýt tại thôn Boóc Khún, xã Quang Thuận (Bạch Thông) vào giữa giờ sáng, chúng tôi thấy người trồng quýt tấp nập thồ các sọt quả ra bày bán. Một vài xe ô tô của thương lái ngoại tỉnh đã về chờ sẵn. Chủ hàng đi ngã giá, mặc cả để mua gom từng chút một. Mua buôn ra tỉnh ngoài, họ đều chọn mua quả có kích thước và chất lượng tốt nhất. Bà Nguyễn Thị Thuận, người dân trong thôn cho hay: Nếu được thu mua đồng loạt với số lượng lớn thì rất tốt. Còn không, sau khi thu hái, vận chuyển ra trung tâm xã, mỗi nhà lại phải cắt cử người ngồi chờ trực bán lẻ từng dậu quýt thì rất mất thời gian và hiệu quả kinh tế cũng không cao.

Thời gian qua, sau khi quýt có chỉ dẫn địa lý, tỉnh đã tiếp tục quan tâm, đầu tư nhiều cách để xây dựng thương hiệu hàng hóa cho loại quả đặc sản này. Cụ thể như: Triển khai các đề tài nghiên cứu cải tạo giống, phòng chống sâu bệnh, áp dụng quy trình kỹ thuật chuẩn trong canh tác quýt... Tháng 10/2015, tỉnh đã giao cho Hội Nông dân tỉnh quản lý Chỉ dẫn địa lý sản phẩm quýt Bắc Kạn. Hội đã triển khai xây dựng một số nội dung như: Quy chế cấp, cấp lại, thu hồi, gia hạn Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm Quýt; in và đề ra quy chế sử dụng hệ thống tem nhãn của Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm Quýt; quy trình kiểm soát chất lượng nội bộ của Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm Quýt; quy định cơ cấu, tổ chức nhân sự của Ban quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý Quýt Bắc Kạn; Quy chế hoạt động của Ban quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý Quýt Bắc Kạn. Cùng với đó, Sở Công thương đã phối hợp giới thiệu, quảng bá sản phẩm quýt Bắc Kạn tại các hội chợ, sự kiện thương mại trong và ngoài tỉnh...

Đồng chí Hà Thiêm Doanh- Chủ tịch UBND xã Quang Thuận cho biết: Sự trợ giúp của tỉnh đã giúp địa phương rất nhiều trong mở rộng diện tích và tiêu thụ cam, quýt. Đã có một số doanh nghiệp thương mại, siêu thị tại Hà Nội liên hệ với địa phương để bàn hướng thu mua sản phẩm. Mới đây xã đã vận động thành lập HTX Đại Hà để đứng ra làm đầu mối thu mua gom sản phẩm.

Ông Cao Xuân Lãng- Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết thêm: HTX Đại Hà trụ sở tại thôn Nà Kha, xã Quang Thuận gồm 9 thành viên. Hiện HTX đang tiến hành thương thảo hợp đồng với đối tác là một số chuỗi siêu thị thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (SAIGON CO.OP). Hiện nay hàng mẫu đã được gửi đi, HTX đang đợi phản hồi từ phía doanh nghiệp. Ông Lãng cho biết thêm, dù các điều khoản hợp đồng khá khó khăn cho phía địa phương, song xã vẫn quyết tâm động viên HTX Đại Hà khắc phục, đáp ứng trong phạm vi có thể được. Thời gian tới, nếu được tiêu thụ tại các siêu thị, đối tác chắc chắn sẽ đòi hỏi sản phẩm có chất lượng và mẫu mã khắt khe hơn. Các điều kiện ấy, xã và người dân hoàn toàn có thể đáp ứng được. Chỉ khi các khâu tổ chức liên kết sản xuất được gắn với khâu tiêu thụ, phối hợp với các đối tác ở thị trường lớn mới giúp sản phẩm quýt Bắc Kạn xây dựng được thương hiệu, tăng lượng tiêu thụ và đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.

Sản xuất cây ăn quả đặc sản là hướng đi mà tỉnh Bắc Kạn xác định có tầm quan trọng trong việc tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn, tạo công ăn việc làm nhằm thu hút được lực lượng lao động dư thừa ở nông thôn, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo và chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc tại địa phương. Thời gian tới, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương duy trì và phát triển ổn định diện tích quýt hiện có.

Tập trung phát triển theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo 1.000ha cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGap. Tất cả mọi điều kiện đã sẵn sàng, để nhãn hiệu hàng hóa quýt Bắc Kạn ra được thị trường lớn, giờ phụ thuộc rất nhiều vào chính những người nông dân. Ngoài việc thay đổi tập quán canh tác theo hướng thâm canh, áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap để kiểm soát chất lượng sản phẩm, thì người dân và các HTX cần làm quen với những đòi hỏi khắt khe của thị trường. Có vậy quýt Bắc Kạn mới có cơ hội vươn xa hơn ra những thị trường lớn./.

Đăng Bách - Văn Lạ

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang