• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đi tìm sò huyết Ô Loan

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 28/03/2015
Ngày cập nhật: 1/4/2015

Không còn gì để bàn cãi về độ khoái khẩu của đặc sản sò huyết đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Thế nhưng, sò huyết đầm nước lợ này hiện đang ẩn hiện chập chờn. Ngay bên bờ đầm là các loại sò huyết từ vùng khác… trà trộn danh tiếng.

Trung tâm ăn nhậu đặc sản bên đầm Ô Loan - Ảnh: H.PHIÊN

Sò huyết nào cũng “Ô Loan”?

Vạm vỡ, thịt dày, đặc biệt là huyết nhiều, thơm tuyệt…, sò huyết Ô Loan đã được công nhận đầu bảng “làng” sò huyết. Hàng bao năm nay, nghề mò sò huyết là nguồn sống của hàng trăm hộ dân 5 xã xung quanh đầm Ô Loan gồm An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Hải và An Ninh Đông. Năm 1997, đặc sản sò huyết “number one” này là một trong những yếu tố để đầm nước lợ Ô Loan (rộng khoảng 1.500ha) được công nhận di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Khoảng mươi năm trước, mặt đầm rất quen thuộc với hình ảnh từng nhóm người (đa phần là phụ nữ, trẻ em) ngâm mình xuống đầm nước, rồi bước dọ dẫm, khi chạm vật “nhám nhám, tròn tròn” là dùng ngón chân quắp lên. Hết sò gần bờ thì họ bơi sõng ra xa để tiếp tục ngâm mình “đạp”.

“Hồi nẳm, chỉ cần xách rổ ra “đạp đạp” non buổi là có thể kiếm chục ký sò huyết, bán cả triệu bạc. Còn mấy năm nay, sò rất ít. Các loại sò, ốc khác cũng giảm hẳn. Thiên hạ săn dữ quá, họ toàn dùng cào sắt để bới sạch sò huyết cả lớn lẫn nhỏ! Mặt đầm thì ngày càng bị lấn chiếm nuôi tôm, ô nhiễm nặng lắm… Dân Ô Loan bây giờ phải đi ăn sò nơi khác nhập về, nghĩ mà buồn…”, ông Trần Văn Mai, một ngư dân ở bên bờ đầm phía An Hòa, nói.

Theo chân một cô bạn thổ địa, tôi lân la mấy vựa bán thủy sản tươi sống ngay bờ đầm Ô Loan, khu vực xã An Cư. Chỗ quen biết nên một bà “đầu nậu” nói với cô bạn: “Thôi đừng mua em ơi, không ngon đâu! Sò huyết này nhập về từ nơi khác, chớ không phải của Ô Loan mình…”. “Sao thấy nói sò huyết Ô Loan vẫn có?”. “Thì với người lạ, mình nói đại là sò Ô Loan cho dễ bán”.

Rồi bà “đầu nậu” cho hay, hiện chỗ bà chỉ có sò huyết được nhập về từ các tỉnh hai đầu Phú Yên. Bà bán “thiệt giá” các loại sò huyết này từ 25.000 đến 60.000 đồng/kg. “Sò huyết chính hãng Ô Loan phải từ 100.000 đồng/kg trở lên. Sò huyết Ô Loan có vỏ trắng xám, mập, nhiều huyết đỏ, rất thơm ngọt. Còn sò mấy nơi khác có vỏ hơi đỏ hoặc đen, thịt mỏng, huyết ít, ăn hổng ngọt bằng…”, bà này cho hay.

Một điểm bán đặc sản nước lợ bên đầm Ô Loan - Ảnh: H.PHIÊN

Vì sao và…

Lý giải về sự ngon của sò huyết Ô Loan, kỹ sư thủy sản Biện Minh Tâm, Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên, nói: “Môi trường nước lợ đặc trưng và chế độ dinh dưỡng tự nhiên trong đầm luôn ở mức rất cao nên thủy sản luôn có điều kiện dồi dào để phát triển. Đầm Ô Loan là vực nước nằm cuối con sông Cái, có cửa thông ra biển nên môi trường nước thường xuyên có sự giao hòa mặn, ngọt thông thoáng, là điều kiện lý tưởng để các thủy đặc sản sinh sôi phong phú và kết tinh những phẩm chất khác biệt. Không những sò huyết, một số thủy sản khác của đầm như hàu, tôm, cua, cá,… đều có hương vị đặc biệt. Nói chung… con gì vớt lên từ Ô Loan cũng thơm ngon!”.

Thạc sĩ Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên lý giải thêm, sự ngon của sò huyết Ô Loan là do môi trường thức ăn đa dạng các loài vi tảo, khoáng chất, dinh dưỡng; sò huyết ở đây có cơ hội sinh sôi mạnh mẽ, con sò dày thịt, huyết nhiều, đỏ tươi. Khảo sát từ năm 2008, sò huyết ở đầm này còn không đáng kể, dần đi vào tuyệt chủng. Lý do được đưa ra là người dân quanh đầm dùng đủ mọi cách để khai thác tận diệt; tình trạng xây cất lấn chiếm, xả thải vô tội vạ, dẫn đến ô nhiễm môi trường đầm; phần lớn mặt đầm đã bị đắp kè nuôi tôm, xả nhiều loại hóa chất ra môi trường đầm…

Đáng chú ý, khu vực đầm liên thông ra cửa biển An Hải đang bị bồi lấp nghiêm trọng. Điều này đã chặn đứng sự thông thoáng luân chuyển mặn, ngọt cho Ô Loan. Hiện trạng tù đọng, ngọt hóa nước đầm kéo dài đã làm chết hàng loạt loài thủy sản nước lợ; dễ thấy nhất là sự “phơi xác” cạn kiệt của các loài sò, ốc, hàu… Dự án khai thông cửa đầm Ô Loan đã được xác lập lâu rồi nhưng việc triển khai vẫn mãi dùng dằng, lập dập…

Ô Loan nuôi sò… Bến Tre

Theo thạc sĩ Hiệp, từ năm 2009, đơn vị ông chính thức xây dựng “Mô hình nuôi và bảo vệ sò huyết đầm Ô Loan”. Đó là việc nhập sò huyết từ Bến Tre về thả vào môi trường tự nhiên đầm Ô Loan. Sau nhiều đợt thả hàng trăm ký con giống, đến năm 2011, sò huyết trong đầm Ô Loan đã xuất hiện nhiều trở lại. Đến năm 2012, lượng sò huyết ở đầm này lại “tụt áp”, trung tâm trên đã thử nghiệm sản xuất giống sò huyết tại chỗ và tiếp tục thả 2 triệu con giống xuống Ô Loan. Tuy nhiên, việc sản xuất giống sò huyết tại Phú Yên cũng không mấy thành công. Đến năm 2014, cơ quan thủy sản tỉnh triển khai cho dân khoanh nuôi thử nghiệm 2ha sò huyết tại Ô Loan. Sò cũng lại gom nhập về từ Bến Tre và các tỉnh miền Tây Nam Bộ khác. Ngay vụ đầu, hai ngư dân ở An Hải được chọn nuôi tiên phong là ông Lê Hữu Phước và ông Lê Kim Nhường cho biết đều có lãi. Năm nay, 12 hộ ở An Hải tiếp tục được đầu tư nuôi sò huyết theo mô hình trình diễn.

“Tôi được cấp 7,5 tạ giống thả trên 1ha mặt nước, nuôi 5 tháng, thu được khoảng 1 tấn sò huyết thương phẩm, giá bán cho thương lái là 150.000 đồng/kg, lãi khoảng 80 triệu đồng. Nuôi rất khỏe nhưng sò hay bị chết nhiều vào mùa mưa lũ. Lạ cái là sò Bến Tre nhưng về sống ở Ô Loan thì cũng có chất lượng ngon như sò chính gốc. Thời gian gần đây, nếu có sò huyết Ô Loan trên thị trường thì chắc chắn chỉ là sò từ các vùng nuôi thí điểm mà thôi…”, ông Phước nói.

HÙNG PHIÊN

Các tin mới

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang