• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Về Hoàng Tân... treo hà

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 23/03/2015
Ngày cập nhật: 24/3/2015

Từ cuối tháng Giêng đến hết tháng 3 hàng năm, người dân xã Hoàng Tân (Quảng Yên, Quảng Ninh) lại tất bật với việc cắm cọc, treo hà. Sở dĩ, hà chỉ được treo trong khoảng thời gian này vì theo quan niệm của người dân nơi đây, con hà thơm ngon là do bọt nước “hoá” mà thành (ấu trùng hà bám vào vỏ rồi phát triển thành con hà). Ngoài thời gian này, hà sẽ không hoá, mà có hoá thì cũng gầy. Hà hoá mạnh nhất, béo nhất là khi được treo trước dịp tết thanh minh. Treo lên rồi chỉ chờ ngày thu hoạch. Ấy vậy mà, nghề nuôi hà cũng thật lắm công phu.

Những dây vỏ hà được xâu công phu sẽ là nơi cho hà trú.

Mắc giàn dụ... hà

Trên chiếc xe máy cà tàng vừa chở tôi cùng 2 bao vỏ hà đã đục lỗ, xỏ dây, Bùi Văn Liêm, thôn 1, xã Hoàng Tân đưa tôi đến khu vực bãi Con Mèo để trải nghiệm một ngày làm ngư dân với công việc mắc chuông gió dụ hà. Từ thôn 1 ra bãi Con Mèo chỉ ước chừng 3km nhưng chúng tôi phải đánh vật với con đường trơn, trượt trong tiết mưa xuân lất phất bay.

Chợt nghĩ đến những ngõ, xóm phủ kín vỏ hàu, hà và vỏ điệp tại những làng quê ven biển trong tỉnh mà tôi đã đi qua, tôi hỏi Liêm “Sao đoạn đường này không rải vỏ hà cho dễ đi?”. Liêm nói với tôi “Là đường ra đầm, người dân trong xã đã rải đá mạt nhưng chỉ ít ngày là trôi hết xuống vệ đường. Ngày trước, khi chưa có nghề treo hà dây, vỏ hà trong xã không biết đổ đi đâu cho hết. Rải đường không hết. Vỏ hà phải chôn xuống đất. Nhưng nay, mỗi bao vỏ hà giá bình quân 50.000 - 60.000 đồng. Vỏ đẹp, đều lên tới 90.000 đồng một bao. Thậm chí có người còn đào vỏ hà được chôn cách đây từ 1 - 2 năm để bán”. Đường khó đi là thế, nhưng theo lời Liêm nói, cứ dịp tháng 11, 12 âm lịch, trên những con đường như thế này người Hoàng Tân ra bãi thu hoạch hà cứ nườm nượp như đi trảy hội.

Cảnh tượng đầu tiên “đập” vào mắt tôi tại bến đò Con Mèo là hàng chục người dân cả trai lẫn gái, người già, trẻ nhỏ khệ nệ ôm, vác những bó cọc tre từ triền đê xuống những con đò nhỏ xíu ngỡ chừng khi tôi ngồi lên đó, con đò có thể chìm bất cứ lúc nào. Lạ lẫm với những gì diễn ra trước mắt, tôi mải mê chụp ảnh. Tiếng một ông lão vang lên giữa tiếng cười nói râm ran: “Vất vả lắm nhà báo ơi. Treo hà thật lắm công phu. Áo rách vai, tai lấm đất”.

Qua lời kể của anh Liêm tôi được biết, đó là bác Lê Xuân Tuyết, ở thôn 2, xã Hoàng Tân, một giáo viên đã nghỉ hưu, giờ chuyển sang nghề treo hà, quanh năm gắn bó với triền bãi quê hương.

Con đò nhỏ, mái tóc pha sương hì hụi mái chèo trên dòng nước ngược, bác Tuyết cho hay: Cái gì thả xuống vùng nước này con hà cũng bám, cũng “hoá”. Từ cái lốp xe đến hòn đá, cứ thả xuống là có hà. Trước đây, người dân Hoàng Tân nuôi hà bằng cách cắm thân và rễ cây vẹt thành luống rồi cuối năm đi thu. Cây thì mọc chậm. Người chặt thì nhiều nên xã cấm không được chặt rừng ngập mặn để nuôi hà. Phá rừng ngập mặn ảnh hưởng đến môi trường nên 3 năm gần đây, người dân trong xã chuyển sang nuôi hà bằng cách bắc giàn, treo dây. Từ các bãi gần đê, nay các giàn hà đã kéo dài ra phía biển với diện tích hàng trăm ha”.

Nước cạn. Đò rời bến. Sau mỗi sải chèo tôi như dần lạc vào mê hồn trận, giữa cánh đồng những giàn, những cọc chi chít, cơ man nào là hà. Hà trên giàn. Hà dưới bãi. Vỏ hà đẹp, đều thì được đục lỗ, xỏ dây treo lên giàn; vỏ xấu thì người nuôi hà đổ xuống bãi thành từng luống.

Anh Trần Đức Hiệp, thôn 4 cho hay: “Với diện tích bãi triều của gia đình rộng hơn 10ha, bình quân mỗi năm gia đình tôi treo mới từ 4 - 5ha hà. Mấy năm trước, hà nuôi gần bờ, do treo dày quá mà con hà gầy, chậm lớn. Con hà lọc nước mà lớn nên năm nay tôi đưa giàn ra xa hơn hy vọng con hà sẽ lớn nhanh và béo hơn. Vừa sửa giàn, vừa treo. Từ sáng đến giờ, hai vợ chồng tôi đã treo được gần 2.000 dây”. Về đầu ra cho con hà, anh Hiệp cho hay: Một năm hà cho thu hoạch từ tháng 10 năm trước đến tháng 7 âm lịch năm sau. Tuy nhiên, hiện nay tại Hoàng Tân, mọi người thu hà quanh năm. Với diện tích bãi triều hơn 10ha, cả treo dây và thả bãi, năm vừa rồi nhà tôi thu hơn 20 tấn hà. Bán ngay tại bãi cũng được từ 9.000 - 10.000 đồng/kg. Nếu chịu khó ngồi đập vỏ, gỡ ruột thì bán cũng được khoảng 100.000 đồng/kg.

Mới làm nghề treo hà dây được một năm, nhưng năm nay, gia đình chị Lê Thị Ninh, thôn 5, Hoàng Tân đã mạnh dạn cắm cọc, mở rộng thêm giàn để nuôi hà. Chị Ninh cho biết: Những năm trước, gia đình tôi chủ yếu là thả hà bãi hoặc cắm cây vẹt cho hà bám. Thấy mọi người làm hà treo vừa dễ nuôi vừa thuận cho việc thu hoạch nên gia đình tôi cũng treo 5.000 dây và đã cho thu hoạch kha khá. Năm nay, hai vợ chồng mạnh dạn đầu tư mở rộng giàn để treo mới 2 vạn dây. Thu nhập từ nghề nuôi hà không thật lớn, nhưng nhờ những bãi cọc này mà người dân quê tôi giờ cũng không còn nghèo nữa!.

Những cọc tre đầu tiên được cắm chắc chắn theo hàng lối.

Treo hà cũng lắm công phu...

Được biết, toàn xã Hoàng Tân hiện có khoảng 600ha bãi triều có thể đóng cọc làm giàn treo hà. Trong khi diện tích đang khai thác hiện nay mới chỉ chiếm khoảng một phần ba. Các hộ có bãi hà rải khắp các thôn, nhưng nhiều nhất ở các khu vực: Cái Mây, Cái Núi, Cái Cống, Cái Gàn, Gành Sy, Con Mèo, Chương Cát, Hang Luồn, Bắc Hòn Dáu v.v.. Theo ước tính, hiện nay toàn xã có khoảng hơn 200ha đang nuôi hà bằng hình thức bắc giàn treo dây. Ước chừng mỗi năm thu được trên dưới 800 tấn hà vỏ. Nhờ con hà mà đời sống nhân dân ở đây đang thay đổi từng ngày. Tuy nhiên, nghề nuôi hà cũng không nhàn hạ gì. Nói như bác Tuyết thì đây là nghề “Áo rách vai, tai lấm đất”.

Nuôi hà bãi đã nhiều năm, làm nghề hà treo dây mới được 3 năm nhưng Liêm đã khá thành thạo với nghề. Theo Liêm, cứ 1 vạn dây hà cần đến 500 cọc, 45 bó dóc (6 - 10 cây/bó), 150 cây ngang và 1 triệu tiền dây xâu vỏ. Nếu thuê toàn bộ thì chi phí cho việc treo 1 vạn hà khoảng 25 triệu đồng. Tuy nhiên, hầu hết người dân nơi đây đều lấy công làm lãi. Từ vệ sinh vỏ hà, đục lỗ, xỏ dây đến cắm cọc, buộc giàn, treo hà và thu hoạch, mỗi thành viên trong gia đình một việc. Cứ 1ha bãi triều sẽ treo 5.000 dây vỏ hà; cách 5cm treo 1 dây, mỗi dây treo từ 6 - 8 vỏ hà. Đầu tư ban đầu khoảng 8.000 - 10.000 đồng/cọc; khoảng 0,5 - 1m bãi triều cắm 1 cọc. Sau khoảng 2 - 3 năm sẽ phải thay cọc mới. Dây vỏ đã treo, khi thuỷ triều lên, ấu trùng hà trôi theo con nước, bám vào những vỏ hà treo sẵn ở dây, rồi cứ thế lớn lên. Năm ngoái, vợ chồng Liêm treo 2 vạn dây, đến cuối năm thu được 1 vạn, thu về khoảng 60 triệu đồng. Việc xâu vỏ hà cũng không đơn giản. Vỏ hà phải được vệ sinh, phơi khô rồi mới đục lỗ, xỏ dây. Theo kinh nghiệm của người dân, nếu vỏ hà không được vệ sinh, phơi khô thì khi treo lên hà sẽ không bám, nếu có bám thì cũng thưa, không lớn đều và không béo. Xâu dây vỏ hà người già, trẻ nhỏ đều có thể làm được. Người nào chịu khó mỗi ngày có thể xỏ được từ 700 - 800 dây vỏ. Mỗi dây vỏ hà với giá bán bình quân 700 - 1.000 đồng. Tuỳ theo dây 7 hay 10 vỏ. Thông thường thì dây hà chỉ khoảng 7 - 8 vỏ, ít người treo dây 10 vỏ. Nghề treo hà thật vất vả. Ngay từ sáng sớm khi nước cạn, người làm hà đã phải ra bãi. Vận chuyển cọc, bó dóc lên thuyền và căng dây cắm cọc, buộc giàn. Người khoẻ thì một ngày buộc được khoảng 2 - 3 bao vỏ tương đương với khoảng 2.000 dây. Buộc từ khi nước cạn đến khi thuỷ triều lên ngang lưng. Có người chăm chỉ, khi nước lên cao có thể ngồi trên giàn mà buộc dây vỏ. Theo đánh giá của nhiều hộ dân trong xã Hoàng Tân, so với khai thác tự nhiên và nuôi hà bãi, hà treo dây đem lại hiệu quả gấp 10 lần, trong khi chi phí đầu tư lại không nhiều. Thấy được hiệu quả kinh tế cao của mô hình này, nên ngày càng có nhiều người dân nuôi. Đến nay, Hoàng Tân có trên 300 hộ nuôi hà treo dây với diện tích hơn 200ha.

Từ sáng sớm đến đầu giờ chiều, tôi và Liêm đã treo được hơn 1.500 dây vỏ. Nhận thấy tôi đã thấm mệt. Lấy lý do nước đã lên, Liêm giục tôi nhanh chân lên đò về bến. Mặc dù đã chùn chân, lưng ê ẩm nhưng nghe tiếng leng keng phát ra từ những dây hà vừa treo lên tôi ngỡ như tiếng kêu của ngàn vạn chiếc chuông gió đang ngân vang giữa biển chiều. Mọi mỏi mệt dần tan biến. Một niềm vui nho nhỏ len lỏi trong tôi. Hy vọng những giàn chuông này sẽ mở ra một hướng làm giàu cho người dân nơi đây.

Hữu Việt

Các tin mới

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang