• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Săn cá vược Tam Giang (Thừa Thiên Huế)

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 12/03/2015
Ngày cập nhật: 15/3/2015

Chuẩn bị ống thở, máy bơm khí oxy cùng bộ "đồ nhái" xong xuôi, anh Võ Thân Hải (41 tuổi, thôn Tân An, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cầm nỏ cao su lao mình xuống nước bặt tăm, chỉ còn lại bóng khí lỏng bỏng trên mặt phá. Một ngày lao động của những "thợ săn" cá vược trên miệt Tam Giang thường bắt đầu như thế…

Một thợ lặn vừa bắn được con cá vược khá lớn trên vùng phá Tam Giang

Thu nhập “khủng”

Hẹn mãi, cuối cùng cũng gặp được anh Hải khi anh vừa ở Quảng Ngãi làm thợ lặn trục vớt phế liệu trở về. Ngỏ ý xin cùng tham gia một chuyến “săn” cá vược ở vùng phá Tam Giang, lấn cấn một hồi, anh bảo: “Tui chưa đi may xưa nơi. Thôi có chú, đầu xuân ta làm một chuyến ra phá cũng được.”

Chiếc thuyền máy nẹt pô, xé sóng hai giờ đồng hồ từ vùng biển Thuận An, ngược ra vùng phá Tam Giang đến Điền Hải - một “cứ điểm” bắn cá vược xưa nay của dân ngư nghiệp. Nhóm anh Hải thường đi có 4 người, duy chỉ anh là thợ lặn, cũng là nhóm duy nhất ở biển Thuận An làm nghề “săn” cá vược. Đến nơi, neo thuyền vững chãi, anh đi kiểm tra những “chuôm” được kết bằng tre, bỏ lá chuối lên trên để “dụ” cá vược đến ở. Những loại “chuôm” này thường được các thợ đặt nhiều ngày trước, bởi đặc tính cá vược thích bóng râm. Dưới “chuôm”, các thợ săn ở đây kết sẵn hàng chục bao cát, nối dây dài vài chục mét, thả lặn xuống phá để làm “đường” đi mỗi khi thợ lặn xuống phá chờ phục kích để bắn cá. Anh Hải bảo: “Mần cái nghề ni suốt ngày không dầm mình ở dưới nước thì cũng tắm nắng. Anh em ai nấy đen nhẻm. Được cái thu nhập cao chú à. Mỗi chuyến trúng thì 10 triệu đồng/ngày, còn bình thường thì được 5 - 7 triệu đồng/ngày”.

Anh Hải là thợ lặn chính và cũng là chủ thuyền cùng máy móc, ngư cụ nên mỗi chuyến anh được hưởng lợi nhuận 50%; số còn lại chia đều cho các anh em. Mỗi “thợ săn” cá vược trên miệt Tam Giang mỗi ngày cũng kiếm được 1 - 2 triệu đồng. Đến với nghề “săn” cá vược cũng đã ngót nghét hơn 20 năm, anh Hải ngồi kể chuyện nghề của mình: “Xưa, cá vược được xem là loài cọp nước, cá thần, đến nỗi ngư dân nhắc đến nó đều không dám gọi tên. Với cư dân sông nước, đi làm nghề mà gặp cá vược bắn lên thuyền là xem như vận rủi, phải cúng quảy bằng cá giấy ở các miếu thờ “ngài” ở trên phá. Bởi thế, năm tui 20 tuổi, sắm bộ đồ nghề đi bắn cá vược, ông già tui một mực không chịu, bảo mi đi thì… tau chết. Thuyết phục dần, tui nói giờ người ta nuôi đầy ra đó. Mà đúng sau này người ta nuôi thiệt, giờ cá trở thành đặc sản.”

Anh Hải nhớ mãi chuyến đầu tiên ra phá bắn được con cá vược chừng 5kg, mừng… hết lớn. Kéo cá lên thuyền lậy quậy thế nào cá xé thịt rách mang tẩu thoát. Lâu dần với nghề, anh đúc rút kinh nghiệm, trang bị thêm máy móc để mỗi chuyến đi săn an toàn, hiệu quả hơn.

Trên thuyền anh Hải gồm 1 máy nén khí oxy, ống dẫn khí dài 200m, một bộ “đồ nhái” cùng bộ nỏ bắn cá rất công phu. Được “mục sở thị” bộ nỏ mới thấy hết được sáng tạo của bà con làm ngư nghiệp từ nhiều đời nay trên phá Tam Giang. Bộ nỏ cấu tạo gồm một thanh gỗ, nối tiếp dưới một thanh sắt dài chừng hơn 1m. Phía đầu thanh sắt có gắn một mũi tên dài chừng 5cm, nối với một đoạn dây khá dài. Thanh sắt được kéo căng bởi cả trăm sợi dây thun. Khi ở dưới nước, đã lên “đạn” sẵn, thợ săn bóp mạnh cần khóa cho mũi tên bắn ra hướng về con cá. Cá bị mũi tên xuyên qua, sẽ mặc sức vùng vẫy, kéo đoạn dây dài lúc nào kiệt sức sẽ vớt cá lên bờ. Mấy chục năm làm nghề, chưa bao giờ anh Hải bắn cá vược dưới 5kg. Bởi theo anh, bắn cá vược nhỏ, giá trị kinh tế không cao, sau mỗi lần bắn phải trồi lên mặt nước rất vất vả; cá vược nhỏ để sinh sôi, mình làm nghề thì phải giữ nghề lâu dài. Cái lý của anh - vốn con nhà ngư nghiệp xem ra đơn giản mà hiệu quả!

Mặc xong bộ đồ nhái, anh Hải lao mình xuống nước, trên mặt phá chỉ còn sủi bọt tăm. Chiếc máy ép khí nổ inh ỏi, liên hồi. Để lặn được xuống nước, trên vai mỗi thợ thường “gánh” thêm từ 10 - 12kg chì. Sức nặng của chì kéo thợ xuống nước, họ lần theo đường dây dưới “chuôm” đã có sẵn. Ở phá Tam Giang, thông thường lặn sâu 15 - 16m mới có cá vược. Những người còn lại trên bờ chia nhau công việc. Người thì phăn ống khí dài 200m để thợ săn dưới nước có thể di chuyển; người thì canh chừng máy nổ, kiểm tra ống khí; người thì chuẩn bị vợt bắt cá…

Tháo chì thoát thân

Chuẩn bị nỏ để đi săn cá

Làm nghề riết từ tháng giêng cho đến tháng 7 - 8 âm lịch, mùa lụt bão thì ngưng nghỉ. Các thợ lặn lại sửa soạn lễ cúng gồm áo, mũ, cá giấy để cúng “ngài” cho một năm thuận buồm xuôi gió, làm nghề bình an, kiếm được nhiều cá tôm. Bình quân mỗi chuyến đi của nhóm anh Hải bắn được từ 10 - 15 con cá vược. Cá càng to giá trị kinh tế càng cao, từ 90 - 110 nghìn đồng/kg.

Để có thu nhập đều đặn, mỗi chuyến đi săn của nhóm thợ là mỗi lần hiểm nguy. Giữa năm 2013, một thợ của nhóm anh Hải bị ngạt khí, khi trồi lên khỏi mặt nước, va vào thành cầu dẫn đến tử vong. Theo kinh nghiệm của anh Hải, dong thuyền đi phải chọn ngày “kết nước”. Tức là nước dù triều lên hay xuống đều phải là “nước dùi” (nước êm). “Bởi thuyền đi ra phá là thuyền nhỏ, cả khối tài sản của mình cùng tính mạng anh em nên không thể không thận trọng được”- anh Hải đúc kết.

Bắn được cá đã khó, mang cá lên bờ lại khó hơn. Nhiều con cá vược kích thước lớn (40 - 50kg) rất hung dữ, chúng vốn được mệnh danh là loài “cọp nước” trên phá Tam Giang. Vì thế, để không gây nguy hiểm cho thợ lặn khi ở dưới mực nước sâu, thường những “thợ săn” cho cá vẫy vùng đến kiệt sức mới đưa cá lên bờ.

Mấy chục năm trong nghề, không biết bao nhiêu lần anh Hải phải tháo bỏ chì để trồi lên mặt nước thoát thân. Những lúc, máy nén khí oxy bị hỏng hay ống dây dẫn khí bị gấp, làm thợ săn bên dưới bị ngạt thì họ phải tìm cách nhanh tay xoay xở để không bỏ xác cho thủy thần! Anh Trần Văn Tuấn (43 tuổi, thôn Tân An), đi cùng nhóm thợ anh Hải cho biết: “Mình có nhiệm vụ trực máy, canh chừng đường ống thì không được rời mắt. Bởi chỉ một chút lơ đễnh, sơ xuất là phương hại đến đồng nghiệp ở bên dưới.”

Với thợ lặn săn cá vược trên vùng Tam Giang, nguy hiểm nhất không phải là quá trình lặn mà quá trình trồi lên mặt nước. Anh Hải kinh nghiệm: “Ở vùng sâu 15 - 16m như khu vực bọn tui thường đánh bắt thì còn đỡ. Chứ sâu 30 - 40m như nhiều nơi tui biết, trồi lên bờ mà vội vàng thì bể phổi, thổ huyết chết như chơi. Trước khi xuống cũng như trước khi lên khỏi mặt nước, mọi công việc đều chuẩn bị kỹ càng, chậm rải. Nghề ni không thể sơ suất được”.

Cũng theo anh Hải, mỗi khi xảy ra sự cố, điều đầu tiên là thợ lặn phải hết sức bình tĩnh, vì càng hoảng loạn càng mất năng lượng. Tháo chì khỏi người để dễ dàng di chuyển. Tìm đến điểm đặt chuông, lần theo đường dây có sẵn lên là an toàn nhất. Dù biết là hiểm nguy, nhưng mấy chục năm, anh Hải vẫn sống được với nghề, nuôi 3 đứa con ăn học và có nhà cửa khang trang tại thôn Tân An. “Làm nghề gì thì cũng có nguy hiểm của nó. Quan trọng là mình phải hết sức thận trọng, không làm càn, không tham mùa biển động, cá nhiều mà thiệt thân”, anh trải lòng.

HÀ NGUYÊN

Các tin mới

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang