• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sò lông, ốc chết dạt vào bờ do ô nhiễm môi trường?

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 10/03/2015
Ngày cập nhật: 11/3/2015

Như Báo SGGP đã đưa tin, gần 1 tuần nay, hàng chục tấn sò lông, ốc và nhuyễn thể các loại bất ngờ bị chết hàng loạt ở ngoài biển rồi bị sóng đánh trôi dạt vào bờ biển ở các xã Kỳ Ninh, Kỳ Khang, Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Bước đầu, Phòng NN-PTNT huyện xác định có khả năng là do ô nhiễm môi trường nước biển.

Người dân ở xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh thu dọn, chôn lấp sò lông và các loại ốc chết trôi dạt vào bờ biển.

Lần đầu tiên xác sò lông, ốc chết tấp đầy bờ biển

Ngày 9-3, từ TP Hà Tĩnh vượt hơn 60km chúng tôi có mặt tại địa bàn xã Kỳ Ninh. Đây là địa phương đang có mật độ xác sò lông, ốc mỡ, ốc hương và một số loại nhuyễn thể khác bị chết trôi dạt tấp vào bờ biển dày đặc lớn nhất ở huyện Kỳ Anh. Dọc khu vực bãi biển của xã kéo dài gần 9km, bề rộng 50 - 60m, hàng chục đoàn viên thanh niên, phụ nữ mang theo cào sắt, cuốc, xẻng đang tập trung đào nhiều hố sâu, thu gom vỏ sò lông, ốc… chết rồi đem chôn lấp lại để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Có mặt trên bãi biển, anh Nguyễn Xuân Trường (26 tuổi, Phó Bí thư Đoàn xã Kỳ Ninh) cho biết, gần 1 tuần nay không hiểu tại sao ở vùng biển này đột nhiên xuất hiện con sò lông, ốc mỡ, ốc hương… chết trôi dạt vào đây nhiều như vậy. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, xã đang chỉ đạo đoàn thanh niên, hội phụ nữ huy động nhân lực khẩn trương thu dọn, chôn lấp. Tuy nhiên, do số lượng quá lớn, lại kéo dài hàng cây số, nên việc thu dọn, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, hễ cứ chôn lấp xong mớ sò lông, ốc chết này ngày hôm nay, là sáng ngày hôm sau từ ngoài biển sóng biển lại đánh trôi dạt vào đây xếp thành từng lớp dày đặc. Hiện tại xã cũng chưa biết chính xác nguyên nhân vì sao sò lông, ốc chết.

Qua quan sát tại hiện trường, các lớp vỏ sò lông, ốc mỡ, ốc hương, ốc sắt và một số loài nhuyễn thể khác chết trôi dạt vào phủ khắp bãi biển ở xã Kỳ Ninh, khu vực này cách nhà dân khoảng 150 - 200m. Thậm chí có nhiều địa điểm lớp vỏ sò lông, ốc chết chất dày từ 7 - 20cm kéo dài hàng chục mét và nhiều đống vỏ lớn được người dân thu gom lại để chuẩn bị đem đi chôn lấp. Mặc dù, mấy ngày nay chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng ra quân thu gom đào hố chôn lấp, tuy nhiên vẫn chưa thể xử lý hết. Vì vậy, hiện tại không chỉ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mà còn trực tiếp gây ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch của địa phương.

Ngư dân Hoàng Xuân Việt (58 tuổi, ở xóm Tam Hải 2, ở xã Kỳ Ninh, chủ thuyền cá 15CV) cho biết, sò lông, các loại ốc mỡ, ốc hương, lệch biển… bị chết trôi dạt nhiều vào bờ biển Kỳ Ninh, đây là hiện tượng rất lạ từ trước đến giờ chưa thấy. Không chỉ trên bãi cát mà cả ở phía ngoài mặt nước biển cách hàng chục mét, sò lông, các loại ốc cũng chết chất thành đống. Bà Nguyễn Thị Tuần (84 tuổi, ở xóm Tam Hải 2, ở xã Kỳ Ninh) cũng cho biết, từ nhỏ đến giờ đây là lần đầu tiên chứng kiến sò lông, ốc mỡ… chết tấp vào đây nhiều bất thường như thế.

Sò lông, các loại ốc và nhuyễn thể chết trôi dạt vào phủ trắng bãi biển ở xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh.

Thủy triều đỏ

Chiều 9-3, trao đổi với PV Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngay sau khi phát hiện có hiện tượng sò lông, ốc mỡ… tự nhiên chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển xã Kỳ Phú, Kỳ Khang và đặc biệt là tập trung dày đặc ở xã Kỳ Ninh, huyện đã trực tiếp cử cán bộ xuống địa bàn kiểm tra. Trước mắt mới chỉ nhận định nguyên nhân ban đầu là do môi trường nước biển bị ô nhiễm, nhất là vào những ngày đầu năm 2015 có hiện tượng thủy triều lên có màu đỏ, đục. Kể từ đó, nghêu nuôi của người dân ở trên địa bàn chết hàng loạt, nay đến sò, ốc… biển chết. Huyện đang chỉ đạo chính quyền các địa phương khẩn trương tổ chức người dân thu gom, đào các hố chôn lấp để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Chiều cùng ngày, ông Phạm Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngay sau khi biết thông tin sò, nghêu chết hàng loạt ở Hà Tĩnh, Chi cục Thú y đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng của trung ương và chính quyền địa phương vào cuộc kiểm tra, bước đầu nhận định nguyên nhân có khả năng do ô nhiễm môi trường, hiện các cơ quan này vẫn đang tiếp tục phối hợp kiểm tra để làm rõ thêm.

Báo SGGP cũng đã đăng bài “Điêu đứng vì nghêu chết hàng loạt”, phản ánh về tình trạng từ đầu năm mới 2015 đến nay hàng chục hộ dân ở các xã Cẩm Lĩnh, thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), xã Kỳ Ninh, Kỳ Hà (huyện Kỳ Anh) nuôi nghêu bất ngờ nghêu bị chết hàng loạt, gây thiệt hại từ 400 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/hộ. Cụ thể, tại các bãi nuôi ở xã Cẩm Lĩnh diện tích 16ha, với số lượng thiệt hại là 118,2 tấn của 7 hộ dân, còn tại thị trấn Thiên Cầm là 22,6ha, với số lượng thiệt hại là 167,24 tấn của 14 hộ dân. Tại thời điểm này các bãi nuôi đã thả giống từ 3 - 10 tháng, mật độ thả giống 330con/m2 (kích cỡ 400 - 450con/kg), cỡ nghêu đạt khoảng 50 - 60con/kg. Còn tại xã Kỳ Hà và Kỳ Ninh nghêu chết hàng loạt với tỷ lệ chết lên tới 90%, với tổng diện tích 29ha/15 hộ. Tại thời điểm này các bãi nuôi đã thả giống từ 12-24 tháng, mật độ thả giống 70 - 145 con/m2 (kích cỡ 300 - 650 con/kg), cỡ nghêu đạt khoảng 40 - 60 con/kg.

DƯƠNG QUANG

Các tin mới

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang