• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tìm giải pháp hạn chế thiệt hại cho tôm nuôi nước lợ

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 02/12/2015
Ngày cập nhật: 3/12/2015

Mới đây, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị quản lý nuôi và phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ tại Bạc Liêu. Hội nghị đã đánh giá tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, những khó khăn, vướng mắc cũng như công tác nghiên cứu, giám sát dịch bệnh. Qua đó, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp người nuôi tôm giảm thiệt hại.

Quang cảnh hội nghị quản lý nuôi và phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ. Ảnh: M.Đ

Theo báo cáo của Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT, trong 11 tháng của năm 2015, dù dịch bệnh trên tôm nuôi có chựng lại so với các năm trước, nhưng tỷ lệ thiệt hại đã lên đến hơn 7,6% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Theo đó, có gần 50.000/667.000ha tôm nuôi bị thiệt hại do ảnh hưởng của môi trường, thời tiết và các loại dịch bệnh. Một số loại dịch bệnh tôm được xác định là: đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, đỏ thân… Cục Thú y nhận định, từ nay đến hết năm 2015, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại chỉ tăng nhẹ do vụ tôm chính đã kết thúc.

Bạc Liêu là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của cả nước với 124.000ha, có 33 nhà máy chế biến thủy sản, nhiều trại tôm giống quy mô. Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhưng thời gian qua, tôm nuôi luôn đối mặt với dịch bệnh. Bên cạnh đó, vật tư nông nghiệp, thuốc thú y thủy sản phục vụ nuôi tôm chưa đảm bảo chất lượng, giá cả lên xuống thất thường, người nuôi chưa xây dựng được chuỗi giá trị cho con tôm… Những vấn đề đó khiến không ít người nuôi tôm gặp khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 30.000ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong đó 70% diện tích thiệt hại do ảnh hưởng thời tiết, hạn hán. Ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Bộ NN&PTNT cần có các giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại cho tôm nuôi, nhất là dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời có dự đoán, dự báo kịp thời để người nuôi tôm chủ động, tránh bị thiệt hại”. Cùng quan điểm với Bạc Liêu, đại biểu các tỉnh, thành khác cũng đưa ra cảnh báo tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ sẽ tăng cao nếu không có giải pháp kịp thời.

Ngân sách cho phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2015 của các tỉnh, thành trong cả nước là gần 54 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách phòng chống dịch bệnh cho động vật trên cạn là hàng ngàn tỷ đồng. Năm 2015, có 48/63 tỉnh, thành trong cả nước có kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản và 33 tỉnh đã bố trí kinh phí. Trong đó, những tỉnh phân bổ ngân sách nhiều nhất là Cà Mau (gần 5 tỷ đồng), Bạc Liêu (gần 3,2 tỷ đồng)... Tuy nhiên, nếu so với giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm sú và tôm thẻ năm 2014 gần 4 tỷ USD, thì kinh phí cho phòng chống dịch bệnh thủy sản vẫn còn quá ít.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Vũ Văn Tám cho biết: “Trung ương chỉ hỗ trợ khi nào địa phương hết nguồn kinh phí và hết khả năng dập dịch, chứ không phải cứ xảy ra dịch bệnh thì địa phương lại yêu cầu Trung ương hỗ trợ”.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng nêu ra một số giải pháp trong công tác quản lý nuôi và phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ trong thời gian tới. Đó là kiểm soát tốt chất lượng con giống, mà cụ thể là cần tăng cường kiểm tra chất lượng tôm bố mẹ nhập khẩu; hướng dẫn người nuôi cách nhận biết và chọn giống tốt; kiểm soát tốt các cơ sở sản xuất giống; công bố các cơ sở sản xuất con giống không đạt chất lượng để người dân biết. Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần quan tâm đến công tác rà soát vùng nuôi, đầu tư cho các dự án thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng. Khuyến khích nhân rộng một số mô hình nuôi tôm có hiệu quả như mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính...

Ý kiến ngành chức năng

Để nông dân bớt khó khăn trong nuôi tôm

Tại hội nghị quản lý nuôi và phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ (do Bộ NN&&PTNT vừa tổ chức tại Bạc Liêu), các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị trong quản lý và phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ. Báo Bạc Liêu trích một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

* Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu: Cần hướng dẫn người dân cách phòng trị bệnh trên tôm

Từ đầu năm đến nay, Bạc Liêu có hơn 30.000ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong đó có 70% diện tích thiệt hại do ảnh hưởng thời tiết, hạn hán. Vì thế, Bộ NN&PTNT cần định hướng, chỉ đạo cơ quan chức năng trong việc quan sát môi trường, dự báo thời tiết.

Hiện nay, giá tôm giảm trong khi giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản tăng. Do vậy, Bộ NN&PTNT cần đẩy mạnh quản lý giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản; đề xuất Chính phủ hỗ trợ người nuôi tôm liên kết trong sản xuất; chỉ đạo các viện, trường nghiên cứu sâu về một số bệnh trên tôm nuôi để khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi tôm cách phòng trị bệnh nhằm giảm thiệt hại trên tôm nuôi…

* Ông Trần Đình Luân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng: Vận động người nuôi tôm thành lập tổ hợp tác

Để nuôi tôm có hiệu quả cần tổ chức lại sản xuất, vận động người nuôi tôm liên kết, thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX). Thông qua các THT, HTX hình thành vùng tôm nguyên liệu để thuận tiện trong việc tiêu thụ sản phẩm, hạn chế việc thương lái ép giá.

Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ tăng cường quản lý chất lượng tôm giống nhằm hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung sử dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tiết kiệm nước. Đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu việc gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh từ việc xả thải nước trong nuôi tôm…

* Ông Trương Minh Út, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau: Tăng cường kiểm tra, quản lý thuốc thú y thủy sản

Thời gian qua, nắng hạn kéo dài, mặn xâm nhập làm tôm nuôi bị thiệt hại. Bên cạnh tôm nuôi bị thiệt hại do thời tiết, nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do chất lượng tôm giống, thuốc thú y, thức ăn thủy sản…

Do đó cần tăng cường kiểm tra, quản lý thuốc thú y thủy sản nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi tôm. Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp với các tỉnh, thành tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi.

Minh Đạt - Minh Châu (lược ghi)

Các tin mới

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang