• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngư tặc lộng hành

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 29/10/2015
Ngày cập nhật: 1/11/2015

Ngư tặc không trừ bất cứ một thủ đoạn nào, từ đánh bắt bằng giã cào, xung điện đến cả bằng mìn… Trong khi lực lượng chức năng quá mỏng, phương tiện thiếu thốn nên gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đánh bắt bằng lừ xếp Trung Quốc - nghề mang tính hủy diệt vẫn còn phổ biến

Mất trộm trên ao nhà

Về các vùng đầm phá những ngày này rất dễ nhận thấy hoạt động đánh bắt tại các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) diễn ra công khai. Tại Khu bảo vệ thủy sản Cồn Sầy thuộc xã Hương Phong (TX Hương Trà) vào một buổi sáng, nhiều chiếc thuyền nhỏ ngang nhiên đánh bắt cá ngay trong khu bảo vệ. Ông La Tiềm, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Đông Phong, xã Hương Phong chỉ tay về phía những chiếc thuyền nhỏ, bảo: “Đó là những ghe đang đánh bắt cá trái phép. Mặc dù chúng tôi đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, xử phạt nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Nếu xua đuổi ban ngày thì họ lén lút khai thác vào đêm khuya. Không chỉ đánh bắt ngay trong vùng cấm, họ còn sử dụng các loại lừ xếp Trung Quốc, xung điện có tính hủy diệt để khai thác”.

Tại vùng đầm phá huyện Quảng Điền thời gian gần đây, ngư tặc không chỉ lộng hành trong các khu bảo vệ mà còn cả những vùng nuôi trồng thủy sản của người dân. Lợi dụng các lực lượng sơ hở, thiếu cảnh giác, ngư tặc ngang nhiên đánh bắt cá tôm trong các khu bảo vệ NLTS; “tấn công” luôn cả các ao hồ nuôi tôm, cá của người dân. Có thời điểm chỉ trong vòng một tháng, ngư tặc đã 5 lần vào ao hồ của người dân thôn Mai Dương (xã Quảng Phước) đánh bắt trộm. Chi hội Nghề cá thôn Mai Dương thường bị thiệt hại lớn do nạn ngư tặc lộng hành, có khi họ cướp đi nhiều trộ chuôm, ước thiệt hại vài chục triệu đồng. Các ao hồ nuôi tôm, cá của hộ ông Hoàng Đạo, Đặng Phước Vĩnh, Nguyễn Thành… ở thôn Mai Dương từng bị thiệt hại lớn, thậm chí mất trắng do ngư tặc.

Không chỉ NLTS trên đầm phá mà ngay cả vùng biển cũng đang bị xâm hại. Ông Trần Văn Hà, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá ven bờ xã Vinh Thanh (Phú Vang) bức xúc: “Khi chưa có tàu giã cào, tôm cá ở gần bờ nhiều lắm. Mỗi ngày bà con đánh bắt thu được vài triệu đồng. Từ ngày xuất hiện tàu giã cào, NLTS ngày càng ít dần, thậm chí cạn kiệt”. Đánh bắt hủy diệt đã đành, tàu giã cào còn kéo luôn cả ngư lưới cụ của người dân, gây thiệt hại lớn. Trong số khoảng 70 thuyền đánh bắt gần bờ của ngư dân xã Vinh Thanh đều bị giã cào tàn phá lưới cụ, có hộ bị thiệt hại đến 50 triệu đồng, hộ ít nhất cũng 15 triệu đồng.

Phản ánh của người dân vùng biển xã Phong Hải (Phong Điền), thời gian gần đây tình trạng đánh bắt hải sản bằng mìn diễn ra khá phổ biến. Hầu hết các tàu đều ở các tỉnh khác, họ kích mìn nổ chỉ cách bờ chưa đầy cây số. Có ngày, chỉ cách vài giờ đồng hồ, người dân lại nghe tiếng nổ lớn. Ông Hoàng Hữu Đạo ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải lo lắng: “Cứ đánh bắt bằng mìn thế này thì cá tôm liệu có còn cho các thuyền nan đánh bắt gần bờ? Cứ mỗi lần mìn nổ, cá nổi đầy trên mặt biển, họ chỉ vớt cá lớn, còn cá nhỏ trôi dạt vào bờ”. “Chính tàu đánh bắt bằng giã cào, bằng mìn khiến hải sản ngày càng cạn kiệt. Ngày trước, mỗi chuyến đánh bắt chở về đầy ắp tôm, cá nhưng nay chỉ đủ bữa ăn, may ra bán được vài trăm ngàn đồng”, ông Võ Viên ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải tiếp lời.

Chống trả lực lượng thi hành công vụ

Khu bảo vệ thủy sản Cồn Sầy được thành lập từ giữa năm 2014 với diện tích 33 ha, giao cho Chi hội Nghề cá Đông Phong quản lý. Từ khi khu bảo vệ ra đời, người dân rất phấn khởi, ý thức được lợi ích mà chính họ là người hưởng thụ, chung tay cùng chính quyền địa phương ra sức bảo vệ NLTS tại đây. Ông La Tiềm trăn trở: “Thách thức lớn nhất hiện nay là lực lượng hội viên mỏng, lại thiếu phương tiện và kinh phí mua nhiên liệu nên công tác tuần tra, xử lý vi phạm không thường xuyên. Hoạt động của ngư tặc thường vào đêm khuya nên rất khó phát hiện. Thuyền đò tuần tra chủ yếu mượn của ngư dân, nhưng công suất nhỏ không thể đuổi bắt kịp các xuồng máy đuôi tôm, hay đò công suất lớn.

Manh động hơn là ngư tặc không ngần ngại chống trả lực lượng đang làm nhiệm vụ. Cách đây mấy năm, ông Võ Đà, Công an thị trấn Sịa (Quảng Điền) bị ngư tặc đâm trọng thương khi truy bắt. Ông Nguyễn Khôi, Trưởng thôn Mai Dương, xã Quảng Phước lo lắng: Ngư tặc thường đi theo băng nhóm rất đông, tỏ ra thách thức lực lượng chức năng. Trong khi phương tiện của các chi hội nghề cá còn thô sơ, lực lượng lại mỏng không đảm bảo cho việc truy bắt. Nhiều lần phát hiện, các đối tượng thông báo với nhau kéo đến hàng chục người, sử dụng dao, kiếm, gậy sắt chống trả quyết liệt rồi nổ máy tẩu thoát”. Đó là có lực lượng chức năng, còn với người dân khi phát hiện có ngư tặc chỉ biết đứng nhìn, truy hô. Đến khi báo tin lực lượng chức năng đến thì bọn chúng đã tẩu thoát. Đây chính là khó khăn, thách thức khiến nạn ngư tặc vẫn tồn tại và ngày càng manh động.

Đánh bắt hải sản trên biển, theo quy định, nghề giã cào chỉ được đánh bắt cách bở 40 hải lý trở ra. Nhưng nhiều tàu công suất lớn ở Đà Nẵng, Quảng Nam… vẫn ngang nhiên đánh bắt chỉ cách bờ một vài hải lý. Tại vùng biển xã Vinh Thanh, lực lượng chức năng đã từng xử phạt một số tàu từ vài chục triệu đến 50 triệu đồng, nhưng vẫn còn nhiều vụ vi phạm không thể phát hiện kịp thời để truy bắt, xử lý. Ông Đào Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh chia sẻ: “Phương tiện của người dân, cũng như các lực lượng chức năng còn thô sơ, công suất nhỏ, trong khi các tàu giã cào, đánh bắt bằng mìn công suất lớn từ 400CV trở lên nên công tác truy bắt, xử lý vi phạm rất khó. Các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ còn nhiều hạn chế, chỉ được sử dụng roi điện là không ăn thua”.

TS Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS tỉnh cho rằng, một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế, ngăn chặn vấn nạn ngư tặc là cấp quyền quản lý, khai thác thủy sản trên đầm phá, ven biển cho người dân, các chi hội nghề cá; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ NLTS. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 20 khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá và một số vùng biển được cấp cho các địa phương quản lý, song vẫn còn rất hạn chế so với mặt nước đầm phá, ven biển trên địa bàn tỉnh…

Hoàng Triều

Các tin mới

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang