• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làm giàu từ nuôi cá trắm đen

Nguồn tin: Báo Nam Định, 16/10/2015
Ngày cập nhật: 17/10/2015

Về xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc, Nam Định) dịp này sẽ được ngắm những vuông ao xây gạch, đường đi, lối lại đổ bê tông phẳng phiu, sạch sẽ với hệ thống cống tưới, tiêu nước, dưới ao lao xao cá quẫy; những dãy chuồng trại lợn, gà, xung quanh được trồng cây thế, cây cảnh, cây ăn quả, rau… xanh mát. Đây là kết quả chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng uỷ, chính quyền xã trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới cho năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất… Đặc biệt, mô hình nuôi cá trắm đen đang là nguồn lợi, tạo sinh kế bền vững cho người dân nơi đây.

Ở vùng chuyển đổi của cánh đồng Ngút - Lướt có một mô hình nuôi cá trắm đen mang lại hiệu quả kinh tế cao của anh Trần Văn Quyên được nhiều người trong vùng biết đến. Nhờ tinh thần ham học hỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hiện nay anh đã là chủ một khu trang trại rộng lớn và là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương. Đầu năm 2003, khi UBND xã có chủ trương khuyến khích, vận động bà con nhân dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình trang trại, anh Quyên đã bàn bạc với gia đình đấu thầu hơn 2ha đất để xây dựng mô hình kinh tế mới. Lúc bấy giờ, nhiều người trong xã cho rằng gia đình anh quá “liều” khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng đổ xuống khu đất mà bao lâu nay có cho cũng không ai dám làm. Nhưng với niềm tin và sự ủng hộ của người thân, sự giúp đỡ của bạn bè, anh bắt tay vào cải tạo khu đất thành khu trang trại khang trang, sạch sẽ. Những năm đầu mới bắt tay vào làm, do thiếu vốn và không nắm được nhu cầu của thị trường cũng như kỹ thuật sản xuất nên gia đình anh gặp không ít khó khăn. Để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm, anh thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tích cực thăm quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm với chủ các mô hình trang trại có hiệu quả. Đến nay, anh đã xây dựng được 8 ao nuôi loại cá có hiệu quả kinh tế cao là trắm đen. Tất cả các ao đều được kè bê tông để bảo vệ bờ, chống thất thoát nước. Ngoài ra, anh còn duy trì nuôi thường xuyên 30 - 40 con lợn/lứa, kết hợp trồng cây cảnh và một số loại cây ăn quả… Hiện nay, từ mô hình trang trại tổng hợp, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 300 triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá trắm đen, anh Quyên cho biết: Cá trắm đen là loài cá dễ nuôi, mang tính bền vững và hiệu quả kinh tế cao. Thức ăn của cá trắm đen được tận dụng từ ốc, cám công nghiệp, con gion, dắt biển… Do ăn chất đạm cao nên môi trường và nguồn nước nuôi cá trắm đen phải sạch, mực nước sâu phải trên 1,5m để tăng lượng ô-xy trong ao và tạo độ mát nước ở tầng đáy cho cá. Để cá thả có tỷ lệ sống cao thì người nuôi phải chú ý ngay từ khâu chọn con giống có chất lượng tốt, kỹ thuật đưa cá từ ao giống ra ao nuôi, mật độ thả 4 con/m2. Trong đó, quan trọng nhất là yếu tố khoa học kỹ thuật, cần chú ý phòng bệnh cho cá, vệ sinh ao nuôi thường xuyên như tiến hành phơi ải, rắc vôi khử trùng sau mỗi vụ thu hoạch... Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đàn cá của gia đình anh hiếm khi bị bệnh, lớn nhanh, sau gần 1 năm nuôi có thể đạt cân nặng trung bình hơn 5 kg/con. Cá trắm đen có ưu điểm thịt chắc ngọt, có giá trị dinh dưỡng cao hơn các loại cá khác. Là thức ăn tốt cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai và người bị bệnh tim mạch. Vì vậy, thịt cá trắm đen rất được ưa chuộng trên thị trường. Cứ vào mùa thu hoạch, thương lái đến tận nhà anh để mua. Mỗi năm gia đình anh xuất bán 10 - 15 tấn cá với giá bình quân 100 nghìn đồng/kg, thu lãi gần 200 - 250 triệu đồng.

Mỗi năm gia đình anh Trần Văn Quyên, xóm 1, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) thu lãi 200 - 250 triệu đồng từ nuôi cá trắm đen.

Trước đây đã có hộ dân ở Mỹ Hà nuôi cá trắm đen xen với các loại cá truyền thống, nhưng vì nuôi ghép, số lượng ít, nên hiệu quả kinh tế không cao. Được cán bộ Sở NN và PTNT, Phòng NN và PTNT huyện hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc cá trắm đen, một số hộ đã chuyển sang nuôi chuyên canh cá trắm đen. Kết quả cho thấy cá phát triển tốt, không bị bệnh, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi các đối tượng cá truyền thống. Thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi cá trắm đen. Đến nay, ở Mỹ Hà có hơn 20 hộ nuôi cá trắm đen với tổng diện tích 20ha. Bắt đầu từ tháng 2, các hộ nông dân Mỹ Hà đồng loạt xuống giống cho đến tháng 10 bắt đầu cho thu hoạch rải rác đến hết tháng 1 năm sau là kết thúc vụ nuôi. Cá trắm đen Mỹ Hà được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… Đặc biệt, vào dịp giáp Tết còn cung ứng số lượng lớn cho làng cá kho Nhân Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Do có thị trường tiêu thụ và giá cả ổn định nên các hộ nuôi luôn yên tâm đầu tư sản xuất. Qua các vụ nuôi, nông dân Mỹ Hà đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, hiện hầu hết các hộ tổ chức nuôi cá trắm đen theo hình thức bán thâm canh, thâm canh năng suất cao. Theo hạch toán của các hộ nuôi cá trắm, mỗi ha nuôi có thể cho năng suất cá đạt từ 10 - 12 tấn, doanh thu đạt trên 1 - 1,2 tỷ đồng và cho thu lãi 150 - 200 triệu đồng/ha. Nghề nuôi cá trắm đen đang góp phần giúp nhiều hộ dân nơi đây ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ nguồn thu nhập này, giúp các hộ nông dân có vốn để đầu tư, phát triển cơ sở sản xuất và nhất là ổn định cuộc sống. Với mục đích để nuôi chuyên canh cá trắm đen ngày càng hiệu quả hơn, các hộ nuôi cá trắm đen trong toàn xã đã liên kết, tương trợ lẫn nhau trong việc ứng dụng công nghệ nuôi cá trắm đen công nghiệp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y và xử lý dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Các hộ thường xuyên tổ chức sinh hoạt để nhận xét, đánh giá, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và rút kinh nghiệm nuôi thả trong hợp tác sản xuất. Chúng tôi đến thăm trang trại của anh Trần Duy Nhẫn, xóm 3, vào thời điểm gia đình anh bắt đầu thu hoạch cá. Không khí kéo lưới nhộn nhịp, khẩn trương, tất bật. Anh Nhẫn phấn khởi cho biết: “Trước đây mỗi lần thu hoạch cá, gia đình tôi phải thuê 6 - 8 lao động kéo lưới với tiền công mỗi người là 200 nghìn đồng/ngày. Thực hiện liên kết sản xuất, các hộ đã hợp tác đổi công lao động vì thế gia đình tôi không phải thuê lao động thu hoạch cá nữa. Mỗi lần thu hoạch cá, gia đình tôi tiết kiệm được không dưới 2 triệu đồng”. Có thể nói, việc thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất của các hộ nuôi cá trắm đen tại xã Mỹ Hà đã đem lại hiệu quả cao. Qua hợp tác sản xuất, các hộ nuôi đã tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, số lượng nhiều, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Thành công từ nuôi cá trắm đen đã góp phần đa dạng hóa con nuôi thủy sản ở Mỹ Hà, đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho nông dân. Hiện các hộ nuôi cá trắm đen đang mong muốn được hướng dẫn thành lập CLB nuôi cá trắm đen để phát huy hiệu quả hoạt động, khai thác tốt tiềm năng mặt nước sẵn có của địa phương, góp phần phát triển nghề nuôi cá trắm đen bền vững.

Ngọc Ánh

Các tin mới

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang