• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sôi động chợ cá Giao Hải (Nam Định)

Nguồn tin: Báo Nam Định, 02/10/2015
Ngày cập nhật: 3/10/2015

Trừ những ngày biển động, chợ cá Giao Hải (Giao Thủy, Nam Định) đều đặn họp 2 phiên/ngày. Buổi sáng, chợ họp từ khoảng 5 - 7 giờ, buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 15 giờ 30 theo giờ những con thuyền đánh bắt hải sản trở về. Là kênh tiêu thụ sản phẩm chủ yếu, quan trọng của gần 1.000 phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân các xã Giao Hải, Giao Long…, chợ cá Giao Hải góp phần tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động.

Nếu trời đẹp, biển yên, tầm 6 giờ sáng và 14 giờ 30 chiều hằng ngày là thời điểm chợ cá Giao Hải rộn ràng nhất. Trên mặt đê, hàng trăm xe máy xếp dài khoảng 1,5km và xe tải nhỏ (loại từ 0,5 đến 1,5 tấn) nằm chờ lấy hàng. Dưới bờ kè thoai thoải, hàng trăm người đang dõi mắt đợi “mảng” chở hàng từ tàu vào bờ. Chỗ khác, từng nhóm xúm vào hối hả trả giá, lựa hàng tôm, cua, cá tươi rói vừa đánh dưới biển lên. Xen giữa những chiếc xe máy, ô tô “biển 18” trong tỉnh còn có cả những chiếc xe máy, thậm chí cả ô tô mang “biển 17” của tỉnh Thái Bình bên cạnh. Hóa ra, không chỉ có những thương lái của các xã lân cận (Giao Hải, Giao Nhân, Giao Long) trong huyện, trong tỉnh mà chợ cá Giao Hải còn thu hút cả những thương lái Thái Bình sang thu mua hải sản. Khoảng hơn một năm trở lại đây, anh Vũ Xuân Thủy, phường Hoàng Diệu, Thành phố Thái Bình (Thái Bình) thường sang chợ cá Giao Hải mua hàng để phân phối đi các nơi. Sau một thời gian chạy xe máy làm ăn phát triển, mối hàng nhiều lên, anh quyết định đầu tư một xe tải loại 0,5 tấn để đi chợ. Từ ngày có ô tô, anh trở thành khách quen của gần chục tàu đánh bắt lớn, mỗi chuyến đi biển thu được nhiều loại đặc sản như: tôm thuyền, cá, mực…, chủ tàu lại điện thoại trước để anh đánh xe sang nhận hàng. Mỗi chuyến xe anh thu mua được từ 30 - 400kg hải sản các loại. Không có điều kiện như anh Thủy, chị Trần Thị Thoan, xóm 7, xã Bình Định, huyện Kiến Xương (Thái Bình) thường chạy xe máy, qua đò Thị trấn Ngô Đồng đến chợ cá. Một người, một xe máy với 3 thùng xốp được chằng buộc kỹ càng, mỗi chuyến tối đa chị chở được khoảng 200kg, trong đó chỉ có khoảng 80-100kg hải sản, còn lại là nước và đá bảo quản. Hàng ở chợ cá Giao Hải có cả “hàng sủi” bảo đảm tươi sống đến tận chợ và “hàng canh” là các loại cá, tôm nhỏ, mặc dù không còn sống nhưng vẫn còn tươi. Cũng như phần đông thương lái mua hải sản ở bến cá Giao Hải, mỗi buổi chợ, trừ các loại chi phí, thu nhập của chị Thoan tối thiểu cũng “kiếm” được từ 200 nghìn đồng trở lên.

Thương lái thu mua hải sản tươi sống ở chợ cá Giao Hải.

Nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Thủy, xã Giao Hải có 1,8km bờ biển và vùng bãi triều rộng gần 600ha, trong đó có hơn 200ha bãi bồi. Khai thác hải sản là nghề truyền thống thế mạnh của xã. Toàn xã hiện có gần 500 phương tiện tàu thuyền công suất từ 24 - 320CV thường xuyên bám biển khai thác các loại tôm, cá theo mùa. Ban đầu, sản phẩm đánh bắt về ngư dân phải mang đến các chợ xung quanh để tiêu thụ. Khoảng chục năm trở lại đây, số phương tiện đánh bắt nhiều lên, lượng hải sản khai thác mỗi ngày cũng tăng lên với đa dạng chủng loại và nhu cầu của thị trường về hải sản tươi sống cũng tăng cao, nhiều thương lái đã ra tận mép nước thu mua ngay khi thuyền vừa về bến. Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện, hiện nay tuyến đê biển xã Giao Hải đã được kè bê tông kiên cố cả ở phía biển và trong đồng, mặt đê được cứng hóa toàn bộ; hệ thống đường giao thông nông thôn cũng được chú trọng tu sửa, nâng cấp thuận tiện cho việc lưu thông. Do vậy, chợ cá Giao Hải nhanh chóng phát triển, mỗi phiên thu hút hàng trăm lượt thương lái từ khắp các nơi trong huyện, trong tỉnh và ngoại tỉnh về thu mua hải sản phân phối đi các nơi. 4 giờ 30, chợ đã đón những tốp người đầu tiên. Ông Mai Văn Bính ở xóm 19, xã Giao Long, chủ tàu công suất 114CV cho biết: Ông có 1 tàu đóng năm 2004, thời đó trị giá 21 cây vàng (khoảng trên 150 triệu đồng) chuyên về bến buổi sáng. Ở chợ cá Giao Hải, phiên chợ sáng là đợi các tàu vỏ - tàu mực (công suất máy từ 100 - 320CV) xuất bến từ khoảng 12 giờ trưa hôm trước. Ngư trường cách bờ 14 - 15 hải lý, sau 2 tiếng chạy liên tục mới buông neo, thả trã - lưới để đánh bắt mực, tôm vỏ (tôm thuyền), các loại cá. Mỗi tàu thường có 3 người, trong đó gồm 1 chủ tàu và 2 “hóp” (người làm thuê). Những tàu này thường đánh liên tục từ 12 - 14 tiếng, tầm 3 giờ sáng mới thu trã, rút neo vào bờ. Phiên chợ sáng thường nhiều hàng hơn, khoảng 70 - 100kg tôm, cá, mực các loại. Mỗi chuyến thường bán được từ 7 - 10 triệu đồng tiền hàng. Trừ chi phí (dầu máy, trả lương, khấu hao máy móc, ăn uống), mỗi chuyến chủ tàu lãi được từ 4 - 4,5 triệu đồng. Thường thì cứ tầm 5 - 6 giờ sáng là các tàu này lần lượt về bến. Ồn ào, náo nhiệt khoảng gần 2 tiếng thì vãn chợ, các loại tôm, cá lần lượt được đưa vào các thùng xốp, buộc chắc chắn trên xe máy hay xe tải nhỏ để kịp tỏa đi khắp các nơi tiêu thụ. Phiên chợ chiều thường bắt đầu từ khoảng 13 giờ 30 đến 16 giờ. Các tàu của phiên chợ chiều thường xuất bến từ khoảng 2 giờ đêm. Từ cửa Ba Lạt ra khơi khoảng 1 tiếng (cách bờ khoảng 7 - 8 hải lý) thì buông neo, thả trã. Anh Trần Văn Bằng, chủ tàu cá 200CV đóng năm 2010 trị giá gần 1 tỷ đồng cho biết: Tùy theo thời tiết, một tháng ít nhất tàu anh cũng phải có 20 chuyến ra khơi. Cũng như các tàu công suất máy trên 100CV đánh xa bờ khác, mỗi chuyến đi biển ngoài chủ tàu còn phải có ít nhất 2 thuyền viên trả lương theo tháng (6 triệu đồng/người/tháng). Mỗi chuyến đi biển khoảng 12 tiếng, trừ 2 tiếng đi - về, còn 10 tiếng khai thác hải sản với 3 lần thả trã (cứ 3 tiếng thả - thu trã một lần), chi phí hết khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/chuyến. Vì đánh gần bờ, thời gian ngắn nên lượng hải sản khai thác được chỉ bán được khoảng 5 - 6 triệu đồng/chuyến; riêng những ngày vào mùa mực, mùa sứa (từ tháng 4 - 7 hằng năm) có chuyến kỷ lục tàu anh đánh được trên 1 tạ mực (tương đương 12 triệu đồng tiền hàng), lãi ròng từ 80 - 120 triệu đồng/tháng. Không chỉ đầu tư phương tiện đánh bắt, anh Bằng còn đầu tư 3 máy làm đá cây công suất tối đa 10 tấn (khoảng 200 cây đá). Một phiên chợ thường tiêu thụ được từ 30 - 60 cây đá cho thương lái bảo quản hải sản, có thêm khoản thu không nhỏ.

Ngoài khoảng 100 phương tiện có công suất trên 100CV, ở bến cá Giao Hải còn quy tụ trên 600 phương tiện công suất nhỏ từ 24 - 32CV đánh bắt ven bờ, xuất bến từ 4 - 5 giờ sáng và cũng về bến tầm chiều để kịp phiên chợ. Với mức đầu tư từ 80 - 100 triệu đồng/tàu, thường chỉ cần 1 lao động thường xuyên nên những tàu đánh gần bờ mỗi chuyến chỉ thu được từ 1 - 2 triệu đồng tiền hàng, phần lớn là các loại tôm, cá nhỏ nên lợi nhuận chỉ được từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/chuyến.

Ước tính, bến cá Giao Hải hiện có gần 1.000 phương tiện đánh bắt các loại cập bến; trong đó có gần 100 phương tiện công suất máy lớn, thu hút trên 1.200 lao động địa phương (các xã Giao Nhân, Giao Hải, Giao Long) và cả các tỉnh bạn như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng. Với thu nhập bình quân hằng tháng từ 50 - 80 triệu đồng (đối với tàu công suất máy trên 100CV), 15 - 20 triệu đồng (công suất máy từ 24 - 32CV), trong hai vụ cá hằng năm (vụ cá nam từ tháng 4 đến tháng 8; vụ cá bắc từ tháng 8 đến tháng 12), nghề đánh bắt hải sản mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương. Chợ cá Giao Hải đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động với mức thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng/người/ngày; là kênh phân phối hải sản tươi sống quan trọng, giúp ngư dân yên tâm, phấn khởi sau mỗi chuyến đi biển.

Thành Trung

Các tin mới

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang