• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lấn, chiếm đất để làm hồ nuôi tôm tại các địa phương ven biển: Cần xử lý dứt điểm

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 14/07/2015
Ngày cập nhật: 16/7/2015

Phá rừng phòng hộ để làm hồ nuôi tôm ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An). Ảnh: A.NGỌC

Việc nuôi tôm cao triều ở Phú Yên trong thời gian qua đã mang lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình quản lý đất đai, một số địa phương đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất làm hồ nuôi tôm trái phép, có địa phương không kiên quyết xử lý nên diện tích lấn chiếm ngày càng tăng, diễn biến ngày càng phức tạp.

Lấn, chiếm đất tại nhiều địa phương

Theo đoàn thanh tra liên ngành, ở huyện Đông Hòa, tại khu vực sông Ngọn, xã Hòa Hiệp Nam mặc dù không được quy hoạch nuôi tôm, nhưng các hộ dân đã lấn chiếm đất làm hồ nuôi tôm trái phép. Đến cuối năm 2013, tại đây có 101 hồ nuôi tôm trái phép, với tổng diện tích khoảng 65ha. Ngoài ra, từ đầu năm 2014 đến tháng 1/2015, một số hộ dân tiếp tục lấn chiếm rừng phòng hộ ở khu vực này, với diện tích khoảng 9,75ha. Tại thị trấn Hòa Hiệp Trung, UBND tỉnh đã quy hoạch đất nuôi trồng thủy sản là 5ha, UBND huyện cho 11 hộ gia đình thuê đất trong thời hạn 3 năm. Tuy nhiên, UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung thu thêm 352 triệu đồng tiền ủng hộ ngân sách thị trấn đối với 11 hộ này là sai quy định. Xã Hòa Hiệp Bắc có 14,82ha không được quy hoạch (khu vực nuôi tôm của Trung đoàn Không quân 910 là 12,7ha, khu vực địa phương quản lý nhưng bị lấn chiếm là 2,12ha). Có 6 trường hợp làm hồ nuôi tôm trên đất quy hoạch làm đường gom và vỉa hè đường Hùng Vương nối dài, với diện tích 172,5m2.

Tại TP Tuy Hòa, ở phường Phú Đông, UBND tỉnh thu hồi 74.708,8m2 đất và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân để triển khai dự án Hạ tầng khu đô thị mới Nam Tuy Hòa (giai đoạn 1). Do dự án này chưa triển khai nên các hộ dân tiếp tục sử dụng đất để nuôi tôm nhưng địa phương chưa có biện pháp quản lý. Đối với hai hộ dân tự đào, ủi đất bãi bồi ven biển làm hồ nuôi tôm trái phép gồm Vi Minh Phúc và Đặng Tòng, UBND phường Phú Đông và TP Tuy Hòa đã xử lý vi phạm hành chính, nhưng hai hộ này vẫn chưa tháo dỡ trả lại đất nguyên trạng. Phường Phú Thạnh có ba hộ dân được UBND thị trấn Phú Lâm (cũ) cho thuê đất bãi triều ven biển làm hồ nuôi tôm, thời hạn thuê đất 8 năm (đến 8/2008), với diện tích 31.680m2. Sau khi hết thời hạn, các hộ này không tự tháo dỡ hồ trả lại đất mà vẫn tiếp tục nuôi tôm đến nay. UBND phường Phú Thạnh không xử lý và cũng không kiến nghị UBND TP Tuy Hòa xử lý.

Tại phường 6 không có quy hoạch đất nuôi trồng thủy sản nhưng có hai hộ tự ý hút cát làm hồ nuôi tôm ở khu vực gần cửa Đà Diễn từ năm 2001, với diện tích 10.500m2. UBND phường 6 đã xử lý vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Cam, nhưng đến năm 2002 UBND phường 6 lại ký hợp đồng cho ông Trần Văn Sinh thuê 5.500m2 và ông Nguyễn Trung San thuê 5.500m2. Ngày 26/3/2007, UBND TP Tuy Hòa yêu cầu chấm dứt nuôi tôm, nhưng đến nay hai hộ này vẫn không chấp hành.

Còn với khu sản xuất giống thủy sản Bình Kiến, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất giao cho TP Tuy Hòa quản lý, nhưng đến nay vẫn còn một số hộ dân sử dụng nuôi tôm với diện tích hơn 29.060m2. Đến ngày 29/8/2014, UBND TP Tuy Hòa cho phép tồn tại. Ngoài ra, có ba hộ tự ý cơi nới khu vực này làm trại nuôi tôm từ năm 2000 đến nay với diện tích 2.798,5m2. Xã An Phú cũng không có quy hoạch nuôi trồng thủy sản nhưng các hộ dân đã sử dụng đất làm hồ nuôi tôm tại xứ đồng Khe, thôn Chính Nghĩa, với diện tích 14.903m2. UBND tỉnh đã quyết định thu hồi đất khu vực này để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Sao Việt. Các hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng đến nay vẫn còn nuôi tôm.

Tại huyện Tuy An, ở các xã ven biển đều xảy ra tình trạng lấn chiếm đất trái phép để làm hồ nuôi tôm. Ở xã An Mỹ có chín trường hợp tự san ủi đất làm hồ nuôi tôm trái phép ở khu vực rừng phòng hộ và rừng sản xuất thuộc thôn Giai Sơn, với diện tích hơn 15.950m2. UBND xã và huyện đã xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế nhưng các hộ trên không chấp hành. Một số hộ dân ở xã An Chấn gồm Huỳnh Xuân Sỹ, Nguyễn Thị Kim Mai, Huỳnh Tấn Trọng và Lại Thành Hướng đã lấn, chiếm đất trái phép với diện tích 9.628m2, nhưng UBND xã không kiểm tra xử lý theo thẩm quyền. Trong đó, ông Huỳnh Xuân Sỹ là đảng viên, Phó chủ tịch HĐND xã An Chấn, có các hành vi nhận chuyển nhượng đất, thuê đất và tự san ủi, đào đất làm hồ nuôi tôm trái phép. Năm 2009, UBND huyện Tuy An đã xử lý vi phạm hành chính, buộc ông Sỹ tháo dỡ hồ nuôi tôm nhưng đến nay ông Sỹ không chấp hành. Còn ở xã An Ninh Đông, từ năm 1992 đến nay, trên địa bàn xã có 48 hộ lấn, chiếm đất rừng phòng hộ với diện tích 36.598m2 làm thành 54 hồ nuôi tôm trái phép. Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông và Chủ tịch UBND huyện Tuy An đã có quyết định xử phạt hành chính, buộc khôi phục lại tình trạng đất nhưng các đối tượng không chấp hành. UBND huyện Tuy An chưa có biện pháp kiên quyết, không tổ chức cưỡng chế. Tại xã An Ninh Tây có chín trường hợp lấn, chiếm đất trái phép làm hồ nuôi tôm, tổng diện tích là 7.111m2 và có bảy trường hợp tự ý cơi nới thêm diện tích tại khu vực lạch Vạn Củi làm hồ nuôi tôm từ năm 1992 đến nay. Đối với ba trường hợp tự ý chuyển đổi hình thức hồ chìm sang hồ nổi, tổng diện tích là 2.436m2, tháng 10/2014, UBND xã An Ninh Tây đã báo cáo nhưng đến nay UBND huyện Tuy An chưa có ý kiến chỉ đạo. Còn tại xã An Hải có 22 hộ tự ý lấn, chiếm đất cát ven biển, đất rừng phòng hộ làm hồ nuôi tôm trái phép, với tổng diện tích 123.700m2 nhưng UBND xã không kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.

Cần xử lý nghiêm và dứt điểm

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự có kết luận xử lý việc lấn chiếm đất nuôi tôm trái phép tại các địa phương ven biển. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, đối với diện tích bị lấn, chiếm làm hồ nuôi tôm trái phép tại khu vực sông Ngọn, huyện Đông Hòa có kiến nghị cho phép quy hoạch vùng nuôi tôm với diện tích khoảng 60ha là không phù hợp. Tỉnh yêu cầu huyện Đông Hòa thực hiện đúng quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Việc UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung thu tiền đóng góp ủng hộ ngân sách xã của 11 hộ gia đình, cá nhân, với số tiền hơn 352 triệu đồng là không đúng quy định. Tỉnh giao chủ tịch UBND huyện Đông Hòa chỉ đạo làm rõ số tiền đã thu được sử dụng vào mục đích gì? Đối với xã Hòa Hiệp Bắc, diện tích bị lấn, chiếm trái phép là 2,12ha, trong đó có một số trường hợp sử dụng đất trong quy hoạch làm đường gom và vỉa hè đường Hùng Vương từ năm 2000 đến nay, cho phép tồn tại tạm thời. Đối với ông Dương Bình Thanh làm tường rào bằng xi măng cách mép bỏ vỉa đường Hùng Vương từ 1,5 đến 3,2m, chiều dài khoảng 430m buộc phải tự tháo dỡ, trả lại đất vỉa hè đường Hùng Vương. Nếu ông Thanh không chấp hành thì UBND xã Hòa Hiệp Bắc tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định pháp luật.

UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các phường 6, Phú Đông, Phú Thạnh chấm dứt ngay các hợp đồng cho thuê đất làm hồ nuôi tôm không đúng thẩm quyền, đồng thời kiểm điểm nghiêm túc. Về thu tiền thuê đất, tỉnh giao chủ tịch UBND TP Tuy Hòa làm rõ số tiền đã thu sử dụng vào mục đích gì? UBND phường Phú Đông có biện pháp đối với các hộ gia đình, cá nhân đang thả tôm trên diện tích 74.708,8m2 mà tỉnh đã thu hồi để thực hiện dự án Hạ tầng khu đô thị mới Nam Tuy Hòa (giai đoạn 1). UBND xã Bình Kiến kiểm tra, rà soát lại các trường hợp đang sử dụng đất tại khu sản xuất giống thủy sản cũ, nếu phù hợp thì lập thủ tục trình UBND TP Tuy Hòa quyết định cho thuê đất có thời hạn theo quy định. UBND xã An Phú phải kiên quyết xử lý, tổ chức cưỡng chế đối với ba hộ gia đình lấn, chiếm 14.903m2 đất cát ven biển.

UBND các xã An Mỹ, An Chấn, An Ninh Đông và An Ninh Tây kiên quyết xử lý và tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp mà Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBND huyện Tuy An đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai nhưng đến nay vẫn không chấp hành. UBND xã An Chấn kiểm tra số diện tích tăng 9.628m2 so với quyết định của UBND huyện Tuy An cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất một lúa nhiễm mặn sang đất nuôi trồng thủy sản có hành vi lấn chiếm trái phép phải kiên quyết xử lý đúng quy định. Đối với ông Huỳnh Xuân Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Việc UBND các huyện Đông Hòa, Tuy An và TP Tuy Hòa để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất nuôi tôm trái phép như hiện nay là do chính quyền địa phương yếu kém, thiếu kiên quyết xử lý các sai phạm ngay từ ban đầu, cần kiểm điểm rút kinh nghiệm. UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện Tuy An, Đông Hòa và TP Tuy Hòa làm rõ các nội dung sau: Đối với diện tích đã lấn, chiếm nuôi tôm trái phép, cần rà soát kỹ danh sách cụ thể từng hộ để xử lý. Các trường hợp phá rừng phòng hộ để nuôi tôm thì phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Sau xử lý phải trả lại nguyên trạng ban đầu. Đối với diện tích 5,4ha thuộc dự án nuôi tôm tại xã Hòa Hiệp Bắc của Sở KH-CN, giao Sở TN-MT rà soát, làm rõ diện tích này hiện nay đã giao cho tổ chức, cá nhân nào sử dụng để có hướng xử lý. Tại khu vực sông Ngọn, tỉnh giao Sở NN-PTNT phối hợp các ngành liên quan cần tính toán, rà soát lại nếu hợp lý thì xem xét bổ sung quy hoạch cho huyện Đông Hòa. Việc giao đất, cho thuê đất sai thẩm quyền, lợi dụng chức quyền lấn chiếm đất nuôi tôm trái phép (đối với cán bộ) thì phải xử lý nghiêm.

UBND tỉnh giao UBND các huyện Tuy An, Đông Hòa và TP Tuy Hòa có kế hoạch xử lý dứt điểm tình trạng nuôi tôm trái phép nêu trên, chậm nhất đến tháng 12/2015. Đối với diện tích đất nuôi tôm thuộc khu vực Trung đoàn Không quân 910, tỉnh giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở Xây dựng, NN-PTNT xác định lại diện tích này, xác định rõ đối tượng đang sử dụng đất hiện nay

ANH NGỌC

Các tin mới

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang