• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mùa cá sặc bùn

Nguồn tin: Báo Sơn La, 26/06/2015
Ngày cập nhật: 27/6/2015

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa, để chống lũ an toàn cho vùng hạ du và điều tiết nước cho đồng bằng Bắc bộ, hồ sông Đà thủy điện Hòa Bình lại bắt đầu xả lũ. Những đàn cá trên lòng hồ vùng thượng nguồn vào mùa này buộc phải di cư vì nước rút, dẫn đến hiện tượng cá sặc bùn ở vùng trung lưu đã trở thành quy luật khi mùa lũ về...

Bắt cá lăng trên sông Đà - các tư thương thu mua cá đánh bắt từ vùng hồ sông Đà.

Những ngày cuối tháng 6, về vùng hồ sông Đà, gặp đúng dịp mùa cá sặc bùn. Buổi trưa vùng hồ nắng nóng hầm hập hơn mọi khi... bỗng chốc mây đen ùn ùn kéo về kèm theo sấm chớp phía thượng nguồn, làm mọi người khấp khởi thay vì lo lắng. Thấy tôi ngạc nhiên không hiểu ẩn ý gì anh Đinh Văn Hạnh, trưởng bản Tang Lang, xã Đá Đỏ (Phù Yên) giải thích: “Kinh nghiệm dân sông nước chắc chắn tý nữa sẽ có mưa lũ, anh không nên về vội. Đây là dịp cá sặc bùn trôi dạt từ thượng nguồn dồn về rất nhiều, nhà báo tha hồ có cái để viết!” Tôi nóng ruột sợ mưa tắc đường, đứng ngồi không yên, ra ra vào vào đầu sàn nhà ngóng trông thời tiết bỗng thấy cả bản xôn xao, nhà nhà gấp gáp chuẩn bị phương tiện, í ới gọi nhau ra sông đón đánh bắt cá, tôi cũng vội vàng bám theo.

Anh Đinh Văn Tôn ở bản Tang Lang, xã Đá Đỏ nhắc tôi nên cầm theo dao và vợt xúc cá. Chiếc thuyền sắt nhỏ gọn, gắn máy Cole nổ phành phạch ròn tan, rẽ sóng lao vun vút đưa chúng tôi ngược dòng ra bãi bồi giữa sông cắm xào đứng đợi. Ở đó đã có hàng chục thuyền của bản trên, bản dưới, có cả phụ nữ, trẻ em tham gia đã đến trước với tinh thần háo hức chờ đợi. Anh Mùi Văn Nhất, ở bản Bắc Băn, xã Bắc Phong kể: “Năm ngoái lũ về sớm, nên tầm này tháng trước, bà con đã “thu hoạch đợt 1” mùa cá sặc bùn rồi! Nhưng không phải chỗ nào, đoạn nào cũng có cá sặc bùn, nó chỉ có từ đoạn Suối Mèo (giáp xã Chiềng Sại, Bắc Yên) xuống đến khu vực bản Đá Phổ (xã Bắc Phong, Phù Yên) trong khoảng chiều dài hơn 10km mà thôi. Vì vùng này có nhiều núi đá cao án ngữ, dòng sông quanh co, nước sâu, tạo nhiều quẩn, nên cá dạt về đây rất nhiều. Có năm, có đến 3 - 4 lần cá sặc bùn như vậy vào mùa mưa lũ, có nhà bắt được vài tạ cá là chuyện thường”.

Đang mải nghe chuyện, bỗng chốc dòng sông đục ngầu, cuồn cuộn chảy dồn về, cuốn trôi những khối phù sa bồi đắp dạt qua bờ phải, dồn sang bờ trái làm thuyền máy chúng tôi cũng chao đảo theo. Bỗng phía dưới vùng nước quẩn, có tiếng người hét thật to: “Cá sặc bùn rồi!” Mọi thuyền đều đồng loạt nổ máy chạy về hướng đó và trước mặt chúng tôi cá to, cá nhỏ đen kịt chen nhau thò đầu lên bờ để thở. Đứng trên mạn thuyền, ngó kỹ xuống mặt nước đục ngầu, thấy không những cá, mà cả tôm tép cũng dạt về đây nổi lên thành từng đám như đàn kiến, đặc kín vùng nước lặng. Chúng tôi ai nấy đều háo hức nháo nhào táp thuyền vào bờ, cầm dao, vợt chạy dọc bờ mép nước thi nhau vây bắt, chọn những con cá to, rồi cùng nhau hò reo quăng lên thuyền, không phải tốn công sức bủa câu, giăng lưới. Những con cá lăng, nheo, chép, trắm, măng, mè to vài chục cân lao lên bờ, các tay thợ đánh bắt cá vùng sông nước khiêng lên thuyền một cách nhàn hạ như tháo ao cạn kiệt nước để bắt cá vậy. Có những hốc cát chưa đầy mét vuông có tới 4 - 5 con cá chép to cỡ hơn 2 chục cân/con rúc vào tránh lũ, dân chài phát hiện xúc gọn cả ổ lên thuyền, rồi nhanh tay dội can nước suối vào lòng thuyền để cho cá hồi sức trở lại.

Tuy nhiên, không phải con cá nào cũng đuối sức để dễ dàng bắt, nhất là những chú cá măng to cỡ 40 - 50 cân, vốn được mệnh danh là “cá mập trên sông” thường “giả vờ” nằm phơi mình bất động trên mặt nước, khi mọi người lao đến bắt chúng mới quật mạnh cái vây đuôi cùng vốc nước đục lẫn bùn vào mặt. Nhiều pha cười chảy nước mắt do chị em xúc trượt cá dưới chân đành vội vàng dùng váy “úp sọt”, rồi la hét nhờ mọi người trợ giúp, làm cho không khí bắt cá tưng bừng như ngày hội.

Mọi việc chỉ diễn ra trong vòng khoảng hơn 30 phút, cơn lũ bắt đầu hạ dần, số cá còn lại chưa kịp vớt đã kịp lại sức và xuôi theo dòng nước... Lúc này, nhiều thuyền cá đầy ắp, mọi người đều ướt sũng, “đánh vật” với chiến lợi phẩm “trời cho”. Những chú cá lăng, cá măng to, dài và nặng phải vất vả lắm mới lôi được lên khoang thuyền. Trời về chiều, mọi người nhổ neo vào bờ cập bến, ai cũng chạy đi, chạy lại khắp các thuyền để “khoe thành quả lao động”, những ngày này, bình quân mỗi thuyền bắt được khoảng từ 3 - 4 tạ cá. Số cá này, phần lớn bà con mang đi phố huyện bán cho tư thương; những nhà có ao thì thả vào ao vài tạ bán dần; những con cá lăng, cá chiên được tư thương mua với giá trên 500.000 đồng/kg, nên nhiều nhà trúng đậm, thu về hàng chục triệu đồng. Còn những con cá bị chết, bà con chế biến làm cá chua đặc sản hoặc phơi khô bán, ăn dần.

Buổi tối hôm đó, nhà nhà đỏ lửa, quây quầnbên mâm cơm với các món ăn đều chế biến từ cá. Những khúc cá sông to như cái đĩa hấp xả thơm lừng, đầu cá nấu chua béo ngậy, bộ lòng trứng vàng rộm thơm nồng nghi ngút khói, cụng ly cạn chén rượu ngất ngây, rôm rả kể lại cảnh bắt cá sặc bùn.

Anh Đức

Các tin mới

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[31/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[30/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

[29/12/2015]

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang