• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mùa cá cơm hấp

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 28/02/2015
Ngày cập nhật: 2/3/2015

Nghề làm cá cơm xuất khẩu từ lâu đã trở thành một nghề không chỉ mang lại thu nhập mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân ở các làng biển Hòn Rớ, Cửa Bé (TP. Nha Trang).

Các ngư dân đang đập những con cá cơm dính trên lưới, sau đó chuyển lên bờ

Nhộn nhịp các lò hấp

7 giờ sáng tại cảng Hòn Rớ, khung cảnh khá nhộn nhịp. Lúc này, tàu của anh Đinh Văn Bảy (xã Phước Đồng) cập cảng sau gần 6 giờ đánh lưới trên biển. Vừa cập cảng, anh Bảy vội giục người nhà giũ cá cơm ra khỏi lưới để kịp bán cho bạn hàng là các lò hấp cá cơm xuất khẩu. Người nhà anh Bảy giăng mảnh lưới lớn dính đầy cá cơm rồi dùng những thanh gỗ bọc vải đập vào lưới cho cá rơi xuống, ở dưới được hứng bởi tấm lưới khác lớn hơn, sau đó dùng thúng, rổ lớn múc cá chuyển lên bờ. Theo chia sẻ của anh Bảy, không giống những loại cá khác phải đánh theo mùa, cá cơm có thể đánh bắt quanh năm, nhưng mùa cá cơm nhiều nhất là từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm. Có chuyến biển trúng lớn, anh đánh bắt được gần 1 tấn cá cơm, hôm nào biển động thì chỉ được khoảng 50kg.

Sau khi được đưa về lò, cá phải được rửa sạch trước khi đưa vào nồi hấp, công đoạn rửa cá yêu cầu sự khéo léo, tỉ mỉ.

Khi cá cơm vừa được đưa hết lên bờ cũng là lúc xe của những lò hấp cá đến thu mua. Theo chỉ dẫn của anh Bảy, chúng tôi tìm đến khu chợ cá Cửa Bé (phường Vĩnh Trường), nơi có lò hấp cá cơm của ông Mai Thành Quyến. Mới đến đầu ngõ, mùi cá hấp đã tỏa ra thơm nồng. Bên trong xưởng, gần 40 người đang tất bật với việc rửa cá, hấp cá. Hàng tấn cá cơm tươi xanh vừa cập bến được đưa về lò, sơ chế và hấp ngay để giữ được độ tươi, vị thơm. Nhanh tay đưa vỉ cá mới ra khỏi nồi hấp đi phơi, chị Đào Thị Phượng (thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng) cho biết: “Tôi gắn bó với nghề này gần 20 năm. Với chị em chúng tôi, công việc này không quá nặng nhọc nhưng lại có thu nhập ổn định”.

Để có được mẻ cá cơm hấp chất lượng, theo kinh nghiệm của chị Phượng, cá cơm tươi được đưa vào lò phải qua các công đoạn: rửa sạch, hấp, phơi và sau cùng là đưa vào kho bảo quản, chờ ngày xuất khẩu. Ở công đoạn rửa, cá được trải mỏng lên các vỉ lưới, nhúng vào bể nước, sau đó phải nhanh tay làm sạch, nhưng phải nhẹ tay nếu không cá sẽ bị nát, mất đầu... không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau khi rửa, cá được cho vào nồi hấp 3 - 5 phút là có thể lấy lên đi phơi. Công đoạn nặng nhọc nhất của việc hấp cá là đưa một lần gần 20 vỉ cá vào nồi hấp. Sau khi hấp, cá được đưa ra khỏi lò, “vi hành” trên những chiếc xe đẩy để đi “tắm nắng”. Nếu buổi sáng, lò cá cơm thơm nức mùi cá hấp thì buổi chiều, sau khi được “tắm nắng”, cá đã khô giòn.

Còn nghi ngút khói, những vỉ cá được phơi ngay để kịp khô trong ngày

Tạo thêm nhiều việc làm

Ông Mai Thành Quyến cho biết, gia đình ông đã gắn bó với nghề này gần 20 năm. Ngày trước, cũng như bao gia đình khác ở Vĩnh Trường, gia đình ông chuyên nghề làm nước mắm. Nhận thấy kết hợp làm cá cơm xuất khẩu vừa có thêm thu nhập, vừa tạo việc làm cho các hộ dân xung quanh, ông đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, tìm kiếm nguồn hàng. Đến nay, cơ sở làm cá cơm Hạnh Quyến của ông đã có thương hiệu, khách gần, xa đều biết. Vừa thúc giục mọi người khẩn trương làm việc cho kịp nắng để phơi cá, ông Quyến vừa chia sẻ: “Thật ra, làm nghề này thu nhập không cao hơn nhiều so với làm mắm, nhưng do cần nhân công nhiều nên nghề này tạo được nhiều việc làm cho người dân địa phương. Ở đây, ngoài lò hấp của gia đình tôi còn có 5 cơ sở lớn nhỏ khác; mỗi cơ sở có thể giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30 công nhân với thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày/người”.

Những vỉ cá đã khô được cho vào các sọt lớn, chuyển đến xưởng phân loại và đưa vào kho, chờ ngày xuất khẩu.

Trong câu chuyện với những người làm nghề hấp cá cơm, chúng tôi được biết nghề này đã làm thay đổi cuộc sống của không ít người dân phường Vĩnh Trường và xã Phước Đồng nhờ thu nhập khá ổn định. Bà Nguyễn Thị Cúc (phường Vĩnh Trường) cho biết, nhờ nghề hấp cá cơm mà cuộc sống của gia đình bà với hơn chục người ổn định hơn trước. “10 năm trước, tôi chuyên gánh mắm, cá thuê, thu nhập ít ỏi nên bữa no, bữa đói. Từ khi làm ở cơ sở hấp cá, công việc ổn định, đời sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn, có ít tiền dành dụm lúc ốm đau”. Còn chị Lê Thị Gái (thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng) chia sẻ: “Vợ chồng tôi làm nghề biển, thu nhập bấp bênh, nay nhờ có mấy lò hấp cá cơm, tuy làm công nhưng có tháng làm nhiều, thu nhập của 2 vợ chồng được gần 10 triệu đồng”.

Không chỉ vậy, những lúc cá cơm xuất khẩu nhiều, cuộc sống của những ngư dân chuyên nghề khai thác cá cơm như anh Đinh Văn Bảy cũng khấm khá hơn. Anh Bảy tâm sự: “Trước kia, tôi chuyên lặn bắt tôm, ốc, công việc nguy hiểm nhưng thu nhập không cao. Vào mùa khai thác cá cơm, cuộc sống của gia đình tôi khá hơn nhiều. Hiện nay, cá cơm đưa về bán cho các lò hấp với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với bán cho các nhà thùng làm nước mắm. Vì vậy, chuyến biển chỉ cần khai thác được 5 tạ cá là thu nhập hơn 10 triệu đồng”.

Vẫn còn trăn trở

Trong câu chuyện với chủ các cơ sở chế biến cá cơm xuất khẩu, chúng tôi vẫn thấy còn nhiều trăn trở, nhất là việc ổn định đầu ra cho sản phẩm và nguồn vốn lưu động để sản xuất. Hiện nay, cá cơm hấp, phơi khô chủ yếu được xuất sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc, nhưng giá bán lại khá bấp bênh, không ổn định, có khi bị ép giá. “Mất mùa được giá, được mùa mất giá, nghịch lý đó cũng có ở nghề này. Giá cá thành phẩm xuất khẩu thường khoảng 7 USD/kg, nhưng có thời điểm họ ép xuống còn 2 USD/kg, chúng tôi cũng chẳng biết kêu ai” - ông Mai Thành Quyến bộc bạch. Anh Đinh Văn Bảy lại có nỗi lo khác: “Có thời gian các cơ sở cá cơm không xuất được hàng, không lấy hàng nên tàu đi về chỉ có thể mang cá ra chợ bán hoặc bán cho các cơ sở làm mắm, có khi lỗ nhiều quá tôi ở nhà, chẳng buồn đi biển nữa”.

Mặt trời đã quá đỉnh đầu, trên sân phơi, hàng nghìn vỉ cá lấp lánh dưới nắng. “Tôi chỉ mong cá làm xong có đầu ra, vừa đỡ khổ cho tôi mà anh em cũng có việc làm, chứ cá không bán được thì tiền đâu trả cho nhân công” - ông Mai Thành Quyến nói. Việc ổn định đầu ra là ước mong của các chủ lò hấp cá cơm. Nhưng điều này không dễ dàng và cần có sự giúp đỡ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương. Hy vọng, với sự nỗ lực của ngư dân, cùng sự quan tâm của chính quyền các cấp, nghề hấp cá cơm ở đây sẽ ngày càng khởi sắc hơn.

VĨNH THÀNH

Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản:

31/12/2015

30/12/2015

30/12/2015

29/12/2015

29/12/2015

29/12/2015

28/12/2015

25/12/2015

24/12/2015

23/12/2015

Xem tiếp

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46

Các tin năm 2014| 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang