• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Định: Khai thác, thu mua xuất khẩu cá ngừ đại dương theo chuỗi: Rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn

Nguồn tin: Báo Bình Định, 05/02/2015
Ngày cập nhật: 8/2/2015

Vừa qua, Sở NN&PTNT cùng với Công ty Kato Hitoshi General Office (Nhật Bản - sau đây viết tắt là Kato Office) đã làm việc với các chủ tàu và thuyền viên nhóm tàu thực hiện mô hình khai thác, thu mua và xuất khẩu cá ngừ đại dương (CNĐD) theo chuỗi để bàn giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Kết quả chưa như mong đợi

Ngày 31.1, có 4 tàu cá của ngư dân Nguyễn Quê và La Tình, đều ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) tham gia mô hình khai thác, thu mua và xuất khẩu CNĐD theo chuỗi đã cập cảng Quy Nhơn, mang về 100 con CNĐD được câu bằng thiết bị và công nghệ của Nhật Bản do tỉnh ta hỗ trợ. Qua kiểm tra, có 7 con cá đảm bảo chất lượng (tàu cá của ngư dân Nguyễn Quê có 4 con, ngư dân La Tình có 3 con), với tổng trọng lượng 320 kg, đã được Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) và Công ty Kato Office đưa qua Nhật Bản bán đấu giá. So với chuyến biển trước, số lượng CNĐD đạt chất lượng xuất khẩu ít hơn.

Cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định và các chuyên gia thủy sản của Nhật Bản kiểm tra, lựa chọn những con CNĐD đảm bảo chất lượng xuất khẩu sang Nhật.

Sau khi hoàn tất việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, Công ty Kato Office cùng Sở NN&PTNT đã làm việc với các chủ tàu và thuyền viên nhóm tàu thực hiện mô hình nói trên.

Ông Nguyễn Hữu Cầu, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh - người được cử làm quan sát viên trên tàu cá của ngư dân La Tình - cho biết: Nhiều thuyền viên trên tàu cá của ngư dân La Tình không tuân thủ quy trình kỹ thuật khai thác. Khi cá dính câu, thay vì sử dụng máy kéo câu và thực hiện đúng nguyên tắc “mềm nắn, rắn buông”, ngư dân lại trực tiếp cầm dây câu giằng co với cá, sau đó mới đưa máy tạo xung xuống nước để làm cho cá ngất đi. Việc sử dụng máy tạo xung của mỗi thuyền viên trên tàu cũng không giống nhau; thuyền trưởng chưa thực sự nhiệt tình trong chỉ đạo thuyền viên thực hiện quy trình. Công đoạn xử lý cá trên boong tàu cũng còn hạn chế, có con cá chưa bị ngư dân đâm trúng tâm động mạch chủ như đã hướng dẫn, nên máu cá ra không hết. Các yếu tố nói trên đã ảnh hưởng đến chất lượng cá.

Ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản của Công ty Kato Office, cho rằng ngư dân đã bắt đầu quen với công nghệ khai thác CNĐD mới đã được chuyển giao, công đoạn bảo quản sản phẩm trên tàu đã có tiến triển hơn những chuyến biển trước. Tuy nhiên, các công đoạn khác, như: Khai thác, xử lý cá ngừ vẫn còn rất nhiều hạn chế và thời gian một chuyến biển còn quá dài là nguyên nhân làm cho chất lượng cá giảm. “Ngư dân cần phải áp dụng tốt quy trình kỹ thuật từ khai thác, xử lý, bảo quản mới mong nâng cao chất lượng sản phẩm” - ông Masakazu Shoga khuyến nghị.

Ngư dân Nguyễn Quê cho biết: Các thuyền viên trên tàu của tôi đã áp dụng khá tốt thiết bị và công nghệ câu CNĐD theo kiểu Nhật Bản. Tuy vậy, do nguồn điện của máy tạo xung yếu và không ổn định, chưa có thể làm cho cá ngất trước khi lên tàu, nên việc đưa cá lên tàu và xử lý cá gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng cá. Còn ngư dân La Tình cho rằng, giá sản phẩm mà Công ty BIDIFISCO thu mua còn thấp, chưa khuyến khích được ngư dân khai thác CNĐD bằng thiết bị và công nghệ của Nhật Bản.

Tiếp tục hỗ trợ ngư dân

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, mô hình khai thác, thu mua và xuất khẩu CNĐD theo chuỗi, sử dụng thiết bị và công nghệ của Nhật Bản khác nhiều so với cách làm truyền thống của ngư dân, nên cần có thời gian để ngư dân học và áp dụng. Qua buổi làm việc với các chủ tàu tham gia mô hình, chúng tôi thấy, chỉ có ngư dân Nguyễn Quê nhiệt tình thực hiện, còn ngư dân La Tình chưa mặn mà với việc tiếp nhận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế, lượng cá ngừ khai thác nhiều nhưng chất lượng sản phẩm thấp. Sở NN&PTNT tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn ngư dân áp dụng thiết bị và công nghệ câu CNĐD theo kiểu Nhật Bản, thực hiện tốt mô hình; tham mưu UBND tỉnh có cơ chế thưởng cho ngư dân thực hiện tốt mô hình, đồng thời loại những tàu cá của ngư dân không tâm huyết với kỹ thuật mới đã được chuyển giao.

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Định về giải pháp nâng cao chất lượng CNĐD, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà cho biết: Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế nhằm nâng cao chất lượng CNĐD xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là hướng đi đúng, cần phải quyết tâm thực hiện cho bằng được. Để làm được điều đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT củng cố lại mô hình khai thác, bảo quản và tiêu thụ CNĐD theo chuỗi tại huyện Hoài Nhơn, đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng thêm một số mô hình khác tại huyện Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn, mỗi tổ khoảng 5 người, chọn những ngư dân có tâm huyết, tự nguyện tham gia mô hình.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà, ngư dân tham gia mô hình sẽ được ưu tiên vay vốn ngân hàng để đầu tư đóng tàu mới và trang thiết bị máy móc, ngư lưới cụ... theo tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ. UBND tỉnh sẽ nhập thêm các bộ thiết bị và công nghệ câu CNĐD của Nhật Bản, mua bảo hộ lao động và hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho ngư dân. Công ty BIDIFISCO tiếp tục nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng sản phẩm để đánh giá chính xác, không để ngư dân bị thiệt và công khai giá mua sản phẩm CNĐD từng loại và có chính sách cụ thể khuyến khích ngư dân nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh có cơ chế thưởng cho ngư dân thực hiện tốt mô hình, đồng thời loại những tàu cá của ngư dân không tâm huyết với kỹ thuật mới đã được chuyển giao.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT

PHẠM TIẾN SỸ

Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản:

31/12/2015

30/12/2015

30/12/2015

29/12/2015

29/12/2015

29/12/2015

28/12/2015

25/12/2015

24/12/2015

23/12/2015

Xem tiếp

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46

Các tin năm 2014| 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang