• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Casep Cà Mau, “bà đỡ” giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu thủy sản

Nguồn tin: Nhân Dân, 06/08/2015
Ngày cập nhật: 7/8/2015

Thành lập năm 1999, hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cà mau (CASEP) trải qua bốn nhiệm kỳ hoạt động. Thời gian qua, casep cà mau ngày càng phát huy vai trò trụ cột, là chiếc cầu nối tập hợp cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến xuất khẩu thủy sản cà mau; đồng thời đúc kết được những kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển hội ngày càng vững mạnh.

Trong nhiệm kỳ qua, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản (XKTS) đối mặt hàng loạt cơ hội lẫn thử thách gay gắt, đó là thị trường xuất khẩu tôm biến động khó lường và phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ mạnh hơn; sự gia tăng tranh chấp thương mại, vụ kiện chống bán phá giá tôm, chống trợ cấp; các rào cản kỹ thuật với những tiêu chuẩn khắt khe, bất hợp lý tại các thị trường nhập khẩu lớn… Trên sân nhà, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với những thách thức như chi phí đầu vào tăng cao, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng, chất lượng nguyên liệu chưa được kiểm soát và cạnh tranh đầu vào gay gắt. XKTS có lúc rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn, hơn 30% doanh nghiệp thủy sản của Cà Mau buộc phải đóng cửa ngưng hoạt động. Phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó, bằng hoạt động của mình, Casep Cà Mau cùng các doanh nghiệp hội viên đã đồng hành phối hợp hành động, vượt lên nhiều khó khăn, thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh đề ra trên lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Trong 5 năm 2011 - 2015, tổng sản lượng chế biến hàng xuất khẩu đạt 507.574 tấn, trong đó chế biến tôm đông 449.115 tấn. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 5,470 tỷ USD, vượt 470 triệu USD; chiếm hơn 16% giá trị kim ngạch XKTS cả nước, riêng tôm chiếm hơn 31% cả nước. Điểm nổi bật là sau nhiều năm phấn đấu với nhiều lần lỡ hẹn, năm 2013 XKTS tỉnh Cà Mau đã chính thức vượt mốc 1 tỷ USD; năm 2014 là 1.285 triệu USD và dự kiến năm 2015 là 1.356 triệu USD, trở thành tỉnh duy nhất của Việt Nam đạt kim ngạch XKTS hơn 1 tỷ USD. Nhìn chung, nếu lấy năm 2015 so với năm 2010, Cà Mau đã đạt được con số khá ấn tượng, sản lượng chế biến hàng xuất khẩu tăng 1,41 lần, trong đó mặt hàng tôm tăng 1,45 lần, hàng thủy sản khác tăng 1,13 lần, hàng GTGT tăng 1,42 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 1,61 lần. Cơ cấu sản phẩm có sự chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng, nâng dần giá trị gia tăng; tôm tuy vẫn là mặt hàng chủ lực chiếm 88,5% về lượng, 96,17% về giá trị, song cơ cấu mặt hàng tôm đã có sự thay đổi lớn. Nếu như năm 2010, tôm sú chiếm 71%/tổng lượng tôm, thì năm 2015 tỷ trọng này giảm còn 46%; tôm thẻ chân trắng tăng tốc trở thành mặt hàng dẫn đầu về sản lượng, chiếm tỷ trọng gần 50%/tổng lượng tôm trong khi trước chỉ khoảng gần 5%; hàng thủy sản ngoài tôm tăng 1,13 lần, trong đó hàng phối chế không đủ cung cấp cho nhu cầu của thị trường. Thông qua công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, cơ cấu thị phần, thị trường có sự chuyển dịch rõ nét. Năm 2010, Cà Mau xuất khẩu sang 30 nước và vùng lãnh thổ; đến năm 2015 con số này đã lên khoảng 60 nước; trong đó có ba thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản chiếm tỷ trọng 62%. Cà Mau tiếp tục kiên trì vừa mở thêm được thị trường mới, vừa tập trung xuất khẩu mạnh vào những thị trường trọng điểm truyền thống; nhanh nhạy, linh hoạt chuyển hướng thị trường, điều chỉnh thị phần và phương thức mua bán phù hợp với từng thị trường. Kết quả trên đã nâng vị thế hàng thủy sản của tỉnh Cà Mau trên thị trường; đóng góp đáng kể vào thắng lợi chung của ngành thủy sản Việt Nam; là tiền đề quan trọng để tỉnh phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu XKTS 1,65 tỷ USD. Cà Mau hiện có được thị trường xuất khẩu rộng khắp, hệ thống bạn hàng tin cậy; cơ cấu thị phần, cơ cấu sản phẩm được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn, tạo lợi thế cho chính doanh nghiệp và cho cả Casep. Tình trạng bị chi phối, phụ thuộc vào khách hàng về giá cả, về cơ cấu sản phẩm… gần như không đáng kể. Kết quả này góp phần làm cho xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng với tốc độ nhanh, liên tục trong nhiều năm qua, sức cạnh tranh của doanh nghiệp vì thế cũng đã khá hơn nhiều so với trước.

Cà Mau đã có bước tiến dài về nâng cao năng lực chế biến phát triển cả về quy mô, trình độ công nghệ với thiết bị khá hiện đại, công nghệ tiên tiến; về cơ bản đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt và ngày càng cao của thị trường, nhất là những thị trường khó tính, được đánh giá ngang tầm với các nước trong khu vực và vượt trội hơn so với nhiều tỉnh bạn. Đến nay, toàn tỉnh có 38 nhà máy chế biến TSXK, trong đó có 32 nhà máy chế biến tôm, bốn bột cá và hai nhà máy chế biến chả cá, với công suất thiết kế khoảng 207 nghìn tấn/năm, trong đó công suất chế biến hàng thủy sản xuất khẩu 186 nghìn tấn/năm, tăng 1,2 lần so với năm 2010. Hầu hết doanh nghiệp đều được các tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ ISO các loại, code EU, áp dụng HACCP và đều được công nhận đạt chuẩn an toàn VSTP. Một số doanh nghiệp đã ứng dụng rộng rãi Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP), quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt toàn cầu (GlobalGAP), xây dựng các vùng nuôi an toàn sinh học ứng dụng các tiêu chuẩn ASC, BMP, CoC… nuôi trồng thủy sản có chứng nhận và bước đầu hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi; truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản đến nay đã có hơn 10 nghìn ha được chứng nhận tôm sinh thái. Sự thay đổi này đã góp phần thay đổi cơ cấu, chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo ra năng lực sản xuất mới để đủ sức cạnh tranh đạt hiệu quả cao của ngành công nghiệp chế biến XKTS tỉnh Cà Mau. Đến cuối năm 2014, tỉnh Cà Mau đã có bảy doanh nghiệp hội viên phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu thi đua về xuất khẩu thủy sản đề ra đến 2015, cụ thể là các Công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản: Minh Phú, Quốc Việt; Anh Khoa, Cases, Hòa Trung, Minh Cường và Trọng Nhân. Trong đó có ba doanh nghiệp đứng trong tốp 20 doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về XKTS, đó là: Minh Phú, Quốc Việt, Casep. Đặc biệt, ba doanh nghiệp này chiếm gần 66,5% doanh số XKTS của tỉnh, trở thành những doanh nghiệp lớn, mạnh, có năng lực cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế; được công nhận và xếp thứ hạng cao. Các doanh nghiệp ăn nên làm ra đã tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội tại địa phương với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Để phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó; nhiều năm qua Casep Cà Mau nỗ lực xây dựng tổ chức hội là chiếc cầu nối giúp cộng đồng doanh nghiệp Cà Mau nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu thủy sản. Đến nay, hội có 25 hội viên chính thức, bao gồm 19 doanh nghiệp chế biến TSXK và một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Phương thức làm việc của hội được đổi mới, ngày càng sát với hội viên, hiệu quả hơn; nhất là khi gặp khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; về thực hiện chủ trương, chính sách… Từ đó, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với nhau bằng thư điện tử; tập trung giải quyết có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề bức xúc của toàn hội và của từng hội viên như: sử dụng lao động, BHXH, BHYT; ưu đãi đầu tư, thuế; đất đai, môi trường; phát triển nguyên liệu, chống sử dụng hóa chất kháng sinh; hỗ trợ xúc tiến thương mại, điện cho sản xuất… và các hỗ trợ cần thiết khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Với trách nhiệm của mình, Casep đã thắt chặt mối quan hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan hữu quan, làm tốt vai trò cầu nối; tạo thêm thuận lợi và uy tín cho hội viên trong quan hệ với đối tác…

Tỉnh Cà Mau xác định thủy sản vẫn là ngành mũi nhọn, là động lực phát triển kinh tế - xã hội; là lĩnh vực tỉnh tập trung chỉ đạo, đầu tư; trong đó quan tâm đến chế biến XKTS và đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp. Tỉnh phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản đến năm 2020 là 1,65 tỷ USD. Theo đó, tỉnh triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung đầu tư lớn cho nuôi trồng, khai thác thủy sản. Cách làm là: nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất lúa tôm, có chính sách thỏa đáng đẩy mạnh nuôi tôm công nghiệp và gắn với điều chỉnh quy hoạch để phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, trở thành lợi thế để người dân đẩy mạnh nuôi tôm và sẽ bảo đảm tăng sản lượng nguyên liệu tôm trong thời gian tới. Để đạt mục tiêu này, nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp chế biến TSXK Cà Mau thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn với lực lượng doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh và hội nhập thành công; tạo ra sự chuyển đổi sâu sắc bằng chất lượng, hiệu quả, công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, thân thiện với môi trường; trong đó lấy hiệu quả làm mục tiêu, lấy lợi ích của người sản xuất nguyên liệu làm động lực để phát triển bền vững. Đồng thời, gắn với việc xây dựng Casep Cà Mau vững mạnh, thật sự trở thành tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên.

Tại Đại hội lần 5, Casep Cà Mau đề ra một số nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm từ nay đến năm 2020: Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản; nâng cao năng lực chế biến, tạo ra bước đột phá mới về chất lượng, hiệu quả và cơ cấu sản phẩm; chủ động cân đối đủ nguyên liệu sạch cho chế biến; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng hoạt động Hội, thực hiện tốt chủ trương, pháp luật của Nhà nước, giải quyết và kiến nghị giải quyết các yêu cầu bức xúc của hội viên và xây dựng cơ sở vật chất, tài chính Hội. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, nhất là từ khi gia nhập WTO đặt ra hàng loạt vấn đề cần được tiếp cận, nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, đòi hỏi sự hợp tác phải cao hơn, tốt hơn để tăng cường khả năng cạnh tranh mà không một doanh nghiệp nào có thể cho phép mình đứng ngoài cuộc. Do đó, việc liên kết, hợp tác để hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa lớn, là đòi hỏi của thị trường, là một tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Qua đó, các doanh nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh đã rút được nhiều kinh nghiệm. Với lợi thế đó, cộng với quyết tâm đổi mới nhanh hơn trên nhiều lĩnh vực như: nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tổ chức lại sản xuất, đổi mới công nghệ, đào tạo lại nguồn nhân lực, v.v. thì các doanh nghiệp chế biến XKTS Cà Mau hoàn toàn có đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, điều quan trọng là nâng cao vai trò, năng lực hoạt động, phát huy tinh thần đoàn kết, tập hợp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Casep Cà Mau đối với hội viên, cộng đồng doanh nghiệp; khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm; tăng cường liên kết chặt chẽ giữa người nuôi tôm với doanh nghiệp… Kiên trì quan điểm đa thị trường, đa phương thức, xem thị trường là nhân tố quyết định; nhất là các thị trường lớn, tin cậy và tiềm năng; giảm bớt khâu trung gian nhằm tăng giá trị, hiệu quả và tiêu thụ sản phẩm trong mọi tình huống. Đổi mới phương thức hoạt động XTTM theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả hơn. Phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, các Hiệp hội bạn làm tốt công tác dự báo, thông tin hai chiều về tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến thị trường phục vụ tốt cho xuất khẩu. Phối hợp xây dựng thương hiệu tập thể cho con tôm Cà Mau; xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín sản phẩm thủy sản của Cà Mau trên thị trường thế giới. Xây dựng và thực hiện Chương trình gắn nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện sản xuất và thực lực của từng doanh nghiệp. Xác định tôm vẫn là mặt hàng chế biến xuất khẩu chủ lực: chú trọng ATVSTP; tăng sản lượng chế biến hàng giá trị gia tăng, hàng phối chế nhằm tăng sản lượng và giá trị hàng hóa và mặt hàng ngoài tôm mà tỉnh có thế mạnh. Đưa tỷ trọng hàng giá trị gia tăng lên 75% và đưa tỷ lệ sử dụng công suất thiết bị chế biến lên 70% vào năm 2020.

Casep Cà Mau nỗ lực xây dựng hội trở thành một tổ chức có thực lực đủ mạnh và là chỗ dựa tin cậy của các hội viên; đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt lên khó khăn; phấn đấu đạt mục tiêu XKTS 1,65 tỷ USD của tỉnh vào năm 2020.

Ngô Văn Nga - Chủ tịch Hội Chế biến XKTS tỉnh Cà Mau Chủ tịch HĐTV, kiêm TGĐ Công ty TNHH KDCBTS VÀ XNK QUỐC VIỆT

Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản:

31/12/2015

30/12/2015

30/12/2015

29/12/2015

29/12/2015

29/12/2015

28/12/2015

25/12/2015

24/12/2015

23/12/2015

Xem tiếp

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46

Các tin năm 2014| 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang