• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cá da trơn Mỹ nếm đòn “Gậy ông đập lưng ông”

Nguồn tin: Thương Mại Thủy Sản, 17/06/2015
Ngày cập nhật: 18/6/2015

Năm 2008, đối phó với sự cạnh tranh từ việt nam, các nhà sản xuất cá da trơn mỹ đã làm điều không tưởng. Họ kiên quyết đòi hỏi phải có những quy định khắt khe hơn đối với ngành sản xuất của họ nhằm làm cho một loài cá thịt trắng mà gần đây đã vượt qua cá tuyết và cua trở thành món thủy sản phổ biến thứ 6 tại mỹ sớm biến mất khỏi bàn ăn trên đất mỹ.

Vấn đề an toàn thực phẩm hay chỉ là bảo hộ sản xuất?

Cá tra được nuôi và chế biến ở khu vực Đông Nam Á, chủ yếu là ở Việt Nam và là loài cá nước ngọt có họ với cá da trơn (catfish) của Mỹ. Thực tế, cá tra khi NK vào Mỹ đã được ghi nhãn là “catfish” cho đến khi bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra lệnh cấm ghi tên đó trên nhãn sản phẩm vào năm 2002.

Hiện tại, cá tra NK vào Mỹ hầu như không hề có bất kỳ một vấn đề nghiêm trọng nào về an toàn thực phẩm (ATTP), hoặc ít nhất là không có vấn đề gì quá lớn so với bất kỳ loài cá nào khác. Tuy vậy, người nuôi cá da trơn Mỹ, những người chủ yếu tập trung ở tiểu bang Mississippi và một vài bang miền Nam khác, lại đang cố gắng hô hào và thúc ép phải áp đặt một tiêu chuẩn thanh tra, kiểm soát cá da trơn NK một cách chặt chẽ và chi tiết hơn nữa. Họ liên tục cho rằng các vấn đề về chất lượng ATTP liên quan đến cá tra Việt Nam sẽ làm ảnh hưởng và phá hoại đến danh tiếng của ngành cá da trơn nội địa Mỹ.

Năm 2008, Quốc hội Mỹ đã bắt đầu tiến trình thay đổi luật ATTP để Bộ Nông nghiệp nước này (USDA) sẽ giám sát cá tra NK thay cho Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của họ vẫn làm trước đó. Động lực đằng sau sự thay đổi này chính là nhờ vào những tác động của Thượng nghị sĩ Thad Cochran thuộc Đảng Cộng hòa tại tiểu bang Mississippi, một trong bang sản xuất cá da trơn lớn nhất ở Mỹ.

Việc tiếp quản sẽ chính thức hoàn thành khi USDA đưa ra một bộ quy chuẩn cuối cùng nhằm thanh tra và kiểm soát cá da trơn và cá tra, dự kiến vào tháng 4/2015. Nhìn chung, USDA sẽ yêu cầu các nước khác muốn XK cá tra và cá da trơn vào Mỹ sẽ phải thiết lập một hệ thống quản lý chất lượng tương tự như Mỹ, một tiêu chuẩn cao mà các nước khác có thể mất nhiều năm mới đáp ứng được.

Mặc dù đã bị cấm ghi nhãn “catfish” trên sản phẩm, cá tra vẫn công khai được gọi tên, bày bán và tiếp thị trên thị trường với danh xưng là “catfish”, ông Dickie Stevens, Giám đốc điều hành của Hội sản xuất cá nheo Mỹ (Consolidated Catfish Producers – CCP), đồng thời cũng là một công ty kinh doanh thủy sản với thương hiệu “Delta Pride and Country Select”, cho biết.

“Ngoài phạm vi nước Mỹ, các vấn đề về chất lượng và vệ sinh ATTP còn nhiều thiếu sót và lỏng lẻo”, ông Stevens nói “vì vậy, danh tiếng ngành cá da trơn nội địa của chúng ta cũng theo đó bị bôi đen bởi những sự tương đồng liên quan đến một loài cá NK”.

Tuy nhiên dưới góc nhìn khác, nhiều người lại nhìn thấy đây là một hành vi bảo hộ sản xuất nội địa rất rõ ràng. Cuộc chiến cá da trơn “không phải là về vấn đề ATTP và cũng sẽ không bao giờ là như vậy”, bà Lisa Weddig, một chuyên gia pháp lý tại Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ cho biết. “Trong nhiều năm qua, liên tục có nhiều nỗ lực nhằm ngăn cản cá tra NK với mục đích bóp nghẹt sự cạnh tranh công bằng. Luận điệu rêu rao về cái gọi là “ATTP” trong vấn đề này thực chất chỉ là một cách để lấp liếm và che mắt mọi người”.

Với hương vị nhẹ và có mức giá vừa phải, cá tra đã có được một sự gia tăng thị phần cực kỳ nhanh chóng trong thập kỷ qua. Theo Cục Khí quyển và Đại dương quốc gia (Mỹ) lượng cá tra philê đông lạnh xuất sang Mỹ đã tăng từ 7 triệu pounds (khoảng 3.200 tấn) năm 2004 lên đến 215 triệu pounds (khoảng 97.500 tấn) vào năm 2014. Cũng theo cơ quan này, NK cá tra hiện đạt giá trị hơn 300 triệu USD/năm.

Cùng giai đoạn đó, sản xuất cá da trơn nội địa Mỹ lại giảm gần 50% từ 630 triệu pounds (khoảng 286 ngàn tấn) trong 2004 xuống còn 340 triệu pounds (khoảng 154 ngàn tấn) trong năm 2012 (Lưu ý: Dữ liệu về hai loài không thể so sánh trực tiếp vì cá tra tính theo trọng lượng philê đông lạnh trong khi cá da trơn tính theo trọng lượng cá nguyên con).

Hiện tại, các công ty NK thủy sản tại Mỹ sẽ phải đối mặt với nguồn cung cá tra bị gián đoạn khi người nuôi và các công ty chế biến ở Việt Nam phải cố gắng để đáp ứng các quy chuẩn NK mới mà USDA sắp ban hành. Điều này có thể hạn chế sự tăng trưởng dài hạn của một loài cá được xem như là một ngôi sao đang lên trong ngành thủy sản thế giới.

“Một vài các công ty sản xuất cá da trơn ở miền Nam (Mỹ) có những quan điểm thật ích kỷ và quá thiển cận”, ông Bill DiMento, Giám đốc Công ty High Liner Foods, chuyên sản xuất bánh mì sandwich cá cho các nhà hàng thức ăn nhanh ở Mỹ như Burger King hay Wendy, nhận xét.

“Việt Nam rõ ràng cũng sẽ không chịu ngồi yên. Và cuối cùng, vấn đề cũng sẽ được đem ra khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó Việt Nam có thể cáo buộc Mỹ đang vi phạm các điều khoản của WTO”, ông James Bacchus, luật sư thuộc hãng Greenberg Traurig, đại diện pháp lý cho Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định.

“Một dự luật được coi là bất hợp pháp nếu nó ra đời nhằm mục đích ngăn cản cơ hội cạnh tranh bình đẳng trên thị trường nội địa của các sản phẩm NK”, ông Bacchus nói.

“Gậy ông đập lưng ông”

Hiện nay, trong khi Chính phủ Mỹ đang gấp rút hoàn thiện các quy định thanh tra, kiểm tra thì chính những người nông dân nuôi cá da trơn của Mỹ mới bẽ bàng nhận ra, họ có thể sẽ phải trả giá nhiều hơn so với lợi ích mà họ nhận được từ chính cái chính sách mà họ đã đòi hỏi và ao ước có được này.

Ông John Sackton, một nhà phân tích về ngành công nghiệp thủy sản nhận định, việc kiểm tra nghiêm ngặt hơn có thể sẽ khiến ngành cá da trơn Mỹ phải tiêu tốn hơn 1 triệu USD để thực hiện và đáp ứng các quy định mới. Thậm chí, có khả năng điều này cũng sẽ khiến nhiều người nuôi cá da trơn ở Mỹ phải bỏ nghề và hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm ở khu vực nông thôn miền Nam nước Mỹ.

“Tôi không nghĩ rằng họ thực sự có nhận thức sâu sắc và đầy đủ về vấn đề này”, ông David Acheson, một cựu ủy viên tại FDA và cũng đã từng làm việc tại USDA cho biết. “Các nhà sản xuất cá da trơn luôn đòi hỏi có quy định chặt chẽ hơn, nhưng tôi nghĩ rằng nhiều người trong số họ vẫn ngây thơ khi nghĩ rằng quy định đó sẽ chỉ áp dụng cho các nhà sản xuất nước ngoài”.

Thực tế, nhiều công ty thủy sản của Mỹ cũng sẽ bị buộc phải tuân thủ các yêu cầu từ cả FDA và USDA. Ngay cả khi nguồn cung cấp cá tra đang bị gián đoạn, cá da trơn nội địa Mỹ cũng sẽ bắt buộc phải tuân theo các quy định mới nặng nề hơn. USDA có thể sẽ yêu cầu thanh tra thực địa và có thể yêu cầu các công ty thủy sản Mỹ phải mở văn phòng riêng cho các thanh tra viên tại thực địa, chịu trách nhiệm về chi phí ăn ở của họ cùng hàng loạt các yêu cầu rắc rối khác.

Bà Kim Gorton, Giám đốc điều hành công ty thủy sản Slade Gorton tại thành phố Boston cho biết, bà sẽ xem xét việc loại bỏ hoàn toàn cá da trơn ra khỏi danh sách kinh doanh để né tránh các quy định bổ sung. “Việc thanh tra cá da trơn này hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì cả, nó chỉ khiến chi phí kinh doanh của chúng tôi tăng lên và lợi bất cập hại”, bà Gorton khẳng định.

Theo ước tính, chương trình thanh tra mới của USDA sẽ tiêu tốn khoảng 14 triệu USD một năm. Thực tế, tháng 2/2015, Văn phòng Giám sát Tài chính của Chính phủ Mỹ đã khẳng định rằng các chương trình thanh tra cá da trơn thực sự là một chương trình “sử dụng không hiệu quả các nguồn tài chính từ thuế”.

Một số nhà lập pháp, đáng chú ý nhất là Thượng nghị sĩ John McCain, Đảng Cộng hòa bang Arizona, và Jeanne Shaheen, Đảng Dân chủ của New Hampshire, gọi là kế hoạch thanh tra cá da trơn của USDA là lãng phí và chỉ nhằm bảo vệ sản xuất cá trong nước. Họ đã cố gắng vận động để bãi bỏ việc thanh tra cá da trơn trong dự luật Farm Bill, nhưng việc sửa đổi đã thất bại khi các nhà lập pháp khác tại các tiểu bang sản xuất cá da trơn đã làm đủ mọi cách để dự luật được thông qua. Thượng nghị sĩ Thad Cochran, Đảng Cộng hòa của Mississippi, tiểu bang sản xuất cá da trơn lớn nhất, cho biết, thanh tra là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng trong nước và rằng, việc thiếu thanh tra, kiểm soát nghiêm ngặt có thể cho phép cá tra nhập vào Mỹ chứa kháng sinh cấm hoặc hóa chất khác.

Dickie Stevens, chủ tịch CCP cho biết ông không lo lắng về việc thanh tra của USDA. “Chúng tôi có thể sẽ phải đối phó với mọi quy định mới,” ông nói “nhưng những nhà máy ở nước ngoài không đáp ứng được những quy định này thì tốt nhất họ đừng nên phí sức cố công bán cá tra vào Mỹ nữa”.

Trong khi đó, ông Bari Cain, chủ tịch của Hiệp hội cá nheo Mỹ (CFA), trụ sở tại tiểu bang Mississippi, vẫn lạc quan cho biết, nông dân sẽ có thể đáp ứng được các yêu cầu kiểm tra mới và đảm bảo “mức ATTP cao nhất cho người tiêu dùng Mỹ”.

Ông Gavin Gibbons, phát ngôn viên của Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ nhận định, ngành cá da trơn của Mỹ có thể phải lấy làm hối tiếc vì đã đẩy các chương trình thanh tra lên cao và ngày một khắt khe hơn.

“Đây là một ví dụ điển hình cho sự cần thiết phải suy tính thật cẩn trọng đối với những gì bạn yêu cầu hay đòi hỏi. Bằng việc cố gắng điều chỉnh sự cạnh tranh công bằng trong kinh doanh, họ có thể sẽ tự đẩy chính mình ra khỏi ngành kinh doanh đó”, ông Gibbons nói.

Trần Duy tổng hợp

Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản:

31/12/2015

30/12/2015

30/12/2015

29/12/2015

29/12/2015

29/12/2015

28/12/2015

25/12/2015

24/12/2015

23/12/2015

Xem tiếp

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46

Các tin năm 2014| 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang