• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất khẩu cá tra- không còn dễ dãi

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 07/04/2015
Ngày cập nhật: 8/4/2015

Xuất khẩu (XK) cá tra trong quý I/2015 chưa có dấu hiệu phục hồi do thị trường vẫn trầm lắng, nội tại ngành cá tra còn nhiều bất cập và đang chịu tác động của một số chính sách mới.

Tuy nhiên, XK cá tra vẫn có nhiều cơ hội đột phá với điều kiện tái cơ cấu ngành sản xuất- chế biến- XK cá tra theo quy chuẩn chất lượng và không còn dễ dãi nữa.

Trong năm 2015, các cơ sở nuôi cá tra sẽ được cấp mã số nhận diện ao nuôi.

Bấp bênh vùng nuôi

Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2015, XK cá tra chưa có dấu hiệu hồi phục, XK chỉ có thể tăng từ quý II, sau khi một số hội chợ thủy sản quốc tế diễn ra. VASEP dự báo XK cá tra trong năm 2015 có thể đạt khoảng 1,76 tỷ USD, tương đương năm 2014.

“Từ năm 2012 - 2013 và hơn nửa năm 2014, người nuôi cá tra luôn bán dưới giá thành 2.000 - 4.000 đ/kg, đến cuối năm 2014 mới bắt đầu có lời.

Theo tôi, khó khăn thời gian qua là do các nhà máy chế biến cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua tranh bán, thả nổi chất lượng, hạ giá XK để có đơn hàng rồi quay lại ép giá nông dân” - ông Hồ Văn Vàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - cho rằng đó là nguyên nhân khiến ngành kinh tế quan trọng của ĐBSCL mất lợi thế cạnh tranh và phát triển thiếu ổn định.

Từ góc độ thực tế sản xuất, ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Tân Phát (Mang Thít) đúc kết: “Nuôi cá tra hiệu quả mà không hiệu quả”.

Theo ông, hiệu quả vì hiện nay Vĩnh Long đã quy hoạch vùng sản xuất, tháo gỡ khó khăn kịp thời. Tuy nhiên, những yếu tố gây “không hiệu quả” thời gian qua lại “trội” hơn ở 3 khâu: con giống, thức ăn và “đầu ra” con cá.

Ông Nguyễn Văn Hồng phân tích: “Hiện nguồn giống cá tra phải đi mua ở các tỉnh khác, chất lượng không ổn định nên hao hụt rất cao, có khi lên đến 50%. Chưa kể môi trường thay đổi đột ngột làm con giống khó thích nghi.

Tuy thức ăn chăn nuôi đã được miễn 5% thuế VAT nhưng thực tế giá thức ăn phục vụ nuôi thủy sản chưa có dấu hiệu giảm và chất lượng thức ăn chưa được quản lý tốt, làm tăng chi phí sản xuất. Tiêu thụ cá khó khăn, một số nhà máy lợi dụng chiếm dụng vốn, quỵt tiền mua cá của nông dân”.

Mặt khác, dịch bệnh trên cá ngày càng nhiều nhưng thuốc điều trị hầu hết xuất xứ từ Trung Quốc chất lượng… tùm lum, điều trị kém hiệu quả… Từ thực trạng đó, “nông dân vùng nuôi cá Mang Thít từng làm giàu nhờ cá tra, nhưng giờ bấp bênh, khó khăn quá” - ông trăn trở.

Không riêng vùng nuôi Mang Thít, trên đây cũng là thực trạng chung của ngành cá tra. Phân tích của Sở Nông nghiệp và PTNT cho thấy:

“Người nuôi chủ yếu chạy theo tín hiệu giá cả thị trường, khi giá tăng thì đầu tư vào sản xuất, ngược lại khi giá giảm bỏ trống hoặc kéo dài thời gian (cho ăn cầm chừng), đợi giá lên đầu tư tiếp, dẫn đến tình trạng thừa thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến XK, tính ổn định thị trường trong sản xuất thấp. Đa số người nuôi tự liên hệ bán với các nhà máy khác nhau với hình thức ai mua cao thì bán, không ký hợp đồng liên kết”.

Bộc lộ nhiều thách thức, hạn chế như vậy, nhưng ngành sản xuất, chế biến, XK cá tra hiện đang có nhiều cơ hội đột phá từ tái cơ cấu ngành hàng theo quy chuẩn chất lượng và phải được xem là ngành sản xuất có điều kiện.

Tạo cơ hội đột phá từ tái cơ cấu

Ông Trần Trung Ngươn - Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam - cho biết kim ngạch XK cá tra giảm tại thị trường EU, Mỹ.

Với mức thuế chống bán phá giá gần 1 USD/kg cho 24 doanh nghiệp cá tra Việt Nam đẩy giá cá tra bán tại Mỹ tăng cao, dự kiến chỉ còn 3 doanh nghiệp Việt Nam có thể XK vào Mỹ. Nhiều khả năng XK cá tra vào Mỹ sẽ giảm nữa trong năm 2015.

Mặt khác, theo ông Trần Trung Ngươn, trước Việt Nam XK cá tra độc quyền, nhưng nay đã xuất hiện đối thủ cạnh tranh mới Thái Lan, Campuchia, Lào và tới đây Indonesia… cũng sẽ tham gia thị trường này.

Ông Trần Trung Ngươn cho biết, trước khó khăn này, hiện XK cá tra đã chuyển hướng sang các thị trường khác như: Trung Quốc, Mexico, Brazil, ASEAN… và có được kết quả khá khả quan.

Đặc biệt thị trường mới là Nga, “người tiêu dùng Nga rất ưa thích sản phẩm cá tra nên cơ hội thâm nhập thị trường này rất lớn” - ông nói và lưu ý: “Với điều kiện cá tra chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất chất lượng, quản lý dư lượng kháng sinh…”

Ngành hàng cá tra hiện rất yếu và thiếu liên kết.

Sản xuất có điều kiện đối với ngành cá tra không phải là yêu cầu tất yếu để đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn là vấn đề cấp thiết để phát triển bền vững. “Ngành cá tra không thể sản xuất tùy tiện được nữa”- ông Hồ Văn Vàng bảo vậy và cho rằng từ thực tế sản xuất, Hiệp hội Cá tra Việt Nam được thành lập kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nuôi.

Đồng thời, cùng với Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng xây dựng kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng cá tra với những giải pháp quản lý vùng nuôi và đưa vào ngành sản xuất có điều kiện.

Thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ và Thông tư 23 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ông Hồ Văn Vàng cho biết một trong những nội dung quan trọng là khuyến khích người nuôi phải đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đảm bảo 100% cơ sở được cấp nhận diện ao nuôi và tiếp nhận đăng ký diện tích, sản lượng cá tra.

Hiệp hội Cá tra có vai trò theo dõi chất lượng sản phẩm XK của các nhà máy, sẽ dùng biện pháp cấm XK đối với những nhà máy có sản phẩm XK bị trả về quá 3 lần… Từ đây, Hiệp hội Cá tra có thể theo dõi số lượng đăng ký thả nuôi, lịch XK hàng ngày, thị trường để kịp thời cảnh báo, điều chỉnh lịch thời vụ, số lượng XK, yêu cầu của từng thị trường…

“Theo tôi, những ràng buộc, điều kiện đối với sản xuất - chế biến - XK cá tra theo Nghị định 36 là khó. Nhưng đó là điều kiện để từng bước củng cố chất lượng, hướng sản xuất theo kế hoạch, chứ không thể tự phát, dễ dãi mãi được” - ông Hồ Văn Vàng bảo vậy.

Ông Trần Trung Ngươn: Ngành cá tra phải nâng cao chất lượng, sản xuất theo quy trình đạt chuẩn và xây dựng chuỗi liên kết đảm bảo quyền lợi các thành viên trong chuỗi đó. Đây là việc phải làm

Ông Hồ Văn Vàng: Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu mô hình chuỗi liên kết theo hướng nuôi gia công khá thành công tại Đồng Tháp. Ngân hàng đầu tư vốn thông qua cho doanh nghiệp liên kết nông dân mua thức ăn, nhà máy chế biến hỗ trợ đầu ra và đảm bảo cho người nuôi có lời.

Theo tôi, với việc thực hiện tái cơ cấu ngành cá tra theo hướng chuỗi liên kết, Vĩnh Long cũng cần liên kết với một số nhà máy chế biến ở các tỉnh bạn như Đồng Tháp để đầu tư chuỗi sản xuất cho các hợp tác xã ở Vĩnh Long. Qua đó, giúp nông dân chí thú làm ăn có điều kiện phục hồi sản xuất, tháo gỡ khó khăn

TRẦN PHƯỚC

Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản:

31/12/2015

30/12/2015

30/12/2015

29/12/2015

29/12/2015

29/12/2015

28/12/2015

25/12/2015

24/12/2015

23/12/2015

Xem tiếp

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46

Các tin năm 2014| 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang