• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vui, buồn quả mận Tam hoa

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 21/06/2015
Ngày cập nhật: 22/6/2015

Có người bạn ở Hà Nội lên chơi, tôi bảo ra điều chắc chắn: “Ông chờ tôi mua yến mận Tam hoa, đặc sản của Lào Cai về làm quà gia đình”. Vậy nhưng, long dong phóng xe máy qua những dãy hàng bán hoa quả tại một số chợ trên địa bàn thành phố Lào Cai, tôi không thể tìm được một cửa hàng nào bán loại mận này.

Đóng gói quả mận Tam hoa trước khi vận chuyển đi tiêu thụ.

Tôi thầm thắc mắc: Đang mùa thu hoạch mận mà sao lại có hiện tượng này? Trong lúc còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, tôi chỉ còn nước méo mặt biếu vị khách quý mấy cân mận không phải sản xuất tại Lào Cai kèm theo lời xin lỗi.

Và trong sự tò mò ấy, tôi đã dành sự quan tâm về quả mận Tam hoa Bắc Hà, bắt đầu từ chính sự khan hiếm trên thị trường thành phố Lào Cai ngay thời điểm vào vụ thu hoạch mận. Lần mò, hẹn hò mãi, cuối cùng tôi cũng gặp được chị Dung, trú tại phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, người mà giới kinh doanh thường gọi là “Dung hoa quả”.

Chị Dung vốn buôn bán hoa quả quanh năm, suốt tháng, mùa này chị “chạy” vải từ Bắc Giang đi Lào Cai, buôn mận Lào Cai về chợ Long Biên, Hà Nội rồi lại nhập hoa quả miền Nam từ Hà Nội lên Lào Cai. “Mận Tam hoa năm nay mất mùa, giá đắt nhưng dễ bán”, chị Dung nhận định.

Để có đủ lượng hàng cam kết với khách hàng ở Hà Nội, chị Dung thường xuyên phải có mặt ở vùng mận Bắc Hà, gõ cửa từng nhà để đặt mua mận, thậm chí có nhà chị chỉ mua được vài chục kg. Nếu mùa mận trước, chị Dung chỉ mua tại vườn từ 8 đến 11 nghìn đồng/kg mận quả đẹp thì năm phải trả với giá 30 đến 40 nghìn đồng/kg.

Không chỉ có chị Dung mà còn khá nhiều người kinh doanh hoa quả mang mận Tam hoa Bắc Hà về Hà Nội bán, đó là lý do trực tiếp khiến quả mận trở nên khan hiếm ngay tại thị trường của tỉnh. Điều dễ hiểu là với giá mận nói trên, nhiều khách hàng là người dân tại Lào Cai sẽ giật mình và không dễ chấp nhận bỏ tiền túi mua mận Tam hoa.

Anh Vàng Văn Chanh ở thôn Na Áng A, xã Na Hối, huyện Bắc Hà, phấn khởi cho chúng tôi biết: Năm nay thời tiết không ủng hộ, quả mận không đẹp, số lượng ít chỉ bằng một nửa năm trước nhưng anh bán tại vườn chưa lúc nào dưới 40 nghìn đồng/kg, thậm chí thời điểm đầu vụ lên đến 70 nghìn đồng/kg.

Dù mận được tiêu thụ ở đâu nhưng giá bán mới là điều người trồng mận quan tâm nhất. Trong niềm vui của mùa thu hoạch, nhiều người dân Bắc Hà đã bắt đầu nghĩ tới việc trở lại mở rộng đất trồng mận và chăm sóc tốt hơn diện tích mận vốn cho thu hoạch nhiều năm trước đây.

Giống như nhiều loại cây ăn quả khác, mận cũng có những vụ xen kẽ bị mất mùa, giảm năng suất nhưng chỉ năm 2015 mới có giá cao ngất ngưởng như thế, trong khi chất lượng quả mận không thay đổi, thậm chí do thời tiết mà mẫu mã xấu hơn, ít độ ngọt hơn.

Điều gì khiến quả mận Tam hoa có giá trị cao như vậy trong khi chỉ cách đây vài vụ, người trồng mận vẫn thường trực sự lo lắng và lao đao trong các kỳ thu hoạch vì thiếu người mua, giá bán quá thấp? Ngoài sản lượng thấp thì điều mà nhiều chuyên gia, nhà chuyên môn khẳng định là danh tiếng quả mận đã làm nên giá trị của nó.

Chưa lúc nào mặt hàng mận Tam hoa Bắc Hà được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như mấy năm trở lại đây. “Hữu xạ tự nhiên hương”, song nỗ lực của huyện Bắc Hà, ngành nông nghiệp Lào Cai trong xây dựng hình ảnh quả mận Tam hoa là không thể phủ nhận.

Từ cách đây 2 năm, Sở Khoa học và Công nghệ Lào Cai, UBND huyện Bắc Hà phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ NN&PTNT) đã có nhiều cố gắng trong hình thành nhãn hiệu mận Bắc Hà, trong đó chủ đạo là quả mận Tam hoa. Năm 2015 là năm đầu tiên mận tam hoa Bắc Hà được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chất lượng, trên mạng Internet đã có vô vàn kết quả nhãn hiệu, thương hiệu mận Tam hoa Bắc Hà với các lời ngợi ca tốt đẹp về sản phẩm này.

Bên cạnh đó, việc duy trì và mở rộng giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà vào mùa thu hoạch mận cũng góp phần quan trọng trong xây dựng hình ảnh huyện Bắc Hà và sản phẩm hoa quả địa phương trong lòng hàng vạn du khách khi tới tham dự giải.

Chung vui cùng bà con vùng trồng mận Tam hoa Bắc Hà vừa có một mùa thu hoạch được giá bán nhưng người viết bài này có chút băn khoăn. Ngành nông nghiệp Bắc Hà thống kê toàn huyện có 500 ha mận, trong đó chủ yếu là mận Tam hoa nhưng kỳ thực việc thống kê chính xác sẽ rất khó khăn. Lý do là sau bao nhiêu thăng trầm, đến nay “cao nguyên trắng” đã không còn nguyên nghĩa của nó. Bắc Hà không còn những vườn mận, đồi mận bạt ngàn, tít tắp mà phân tán khắp các khu vườn, chân ruộng, chân đồi. Cách đây vài năm, nhiều hộ đã chặt cả loạt mận hàng chục năm tuổi để trồng ngô, trồng cỏ chăn nuôi vì giá mận bấp bênh. Những quy hoạch xây dựng hạ tầng cũng đã lấy đi nhiều diện tích mận...

Mận Tam hoa Bắc Hà là sản phẩm đặc trưng vùng miền, chất lượng sẽ thua kém rất nhiều khi trồng ở nơi khác, thậm chí chỉ giữ được chất lượng tốt tại thị trấn Bắc Hà và một số xã lân cận.

Thực tế thì chất lượng quả mận Tam hoa Bắc Hà ngày nay cũng đã kém hơn trước đây rất nhiều, một số vị cao niên tại địa phương khẳng định là quả mận bây giờ nhỏ, đắng hơn, cây mận nhiều sâu bệnh hơn. Điều đó thật dễ hiểu bởi cây mận Tam hoa đã có mặt ở Bắc Hà hơn 40 năm, nguồn gen đã có những biến đổi, nhất là dưới sự tác động của khí hậu, thời tiết và cả chế độ chăm sóc của người trồng mận.

Tôi đem chuyện này trao đổi với một số người công tác trong ngành nông nghiệp thì được biết cho đến nay, việc bảo tồn, phát triển cây ăn quả này mới chỉ dừng lại ở việc cải tạo vườn bằng những quy trình hết sức giản đơn như chặt tỉa cành, tăng cường chăm sóc.

Trong một ngày nào đó, biết đâu việc tìm nguồn gen gốc của mận Tam hoa cũng là không thể cho dù việc đầu tư nghiên cứu sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì? Điều đó đòi hỏi ngành chuyên môn, địa phương... cần tích cực bảo vệ nguồn gen quý, cải tạo vườn mận để mận Tam hoa Bắc Hà mãi giữ được thương hiệu.

CAO CƯỜNG

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015

Xem các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146

Xem các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang