• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hòa Bình: Duy trì chất lượng đặc thù của sản phẩm - giải pháp phát triển bền vững thương hiệu cam Cao Phong

Nguồn tin: Báo Hòa Bình, 12/05/2015
Ngày cập nhật: 17/5/2015

Được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong tiếp tục mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân huyện Cao Phong (Hòa Bình).

Duy trì chất lượng đặc thù của sản phẩm cam mang chỉ dẫn địa lý “Cao Phong”, đây được xác định là thách thức lớn, đồng thời là giải pháp trọng tâm nhằm củng cố những giá trị bền vững giúp cam Cao Phong (Hòa Bình) phát triển trở thành một thương hiệu mạnh.

Cam Cao Phong là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh đã đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Cụ thể, có 4 giống cam được bảo hộ CDĐL “Cao Phong” gồm: CS1 (cam lòng vàng), Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và cam Canh. Trao đổi về kết quả này, Thạc sỹ Bùi Kim Đồng, Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện cây lương thực và cây thực phẩm cho biết: Mặc dù đều có nguồn gốc di thực nhưng các giống cam trồng tại huyện Cao Phong phù hợp với điều kiện khí hậu, nông hóa và thổ nhưỡng nên vẫn duy trì được những đặc tính di truyền tốt của giống gốc, thậm chí còn thể hiện một số ưu thế về chất lượng (mọng nước, ngọt, hình thái đẹp) được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Đây chính là cơ sở để Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam.

Cũng theo Thạc sỹ Bùi Kim Đồng: Cùng với những cơ hội chưa từng có, nhiều thách thức đang đặt ra đối với sản phẩm cam Cao Phong mang chỉ dẫn địa lý. Trong đó, thách thức hàng đầu là duy trì được chất lượng đặc thù của sản phẩm. Chất lượng đặc thù được xem là yếu tố quan trọng của sản phẩm chỉ dẫn địa lý, mang lại ưu thế cạnh tranh và quyết định đến sự sống còn của sản phẩm trên thị trường. Nguy cơ suy giảm chất lượng sản phẩm đối với cam Cao Phong có thể xảy ra theo hai chiều hướng. Một là: CDĐL làm tăng hiệu quả kinh tế, người sản xuất vì lý do lợi nhuận có thể sử dụng tem nhãn CDĐL cho cả những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn chất lượng hoặc sử dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất làm thay đổi chất lượng đặc thù của sản phẩm. Điều này sẽ làm mất uy tín của sản phẩm trên thị trường và giảm lượng người tiêu dùng. Hai là: Chất lượng đặc thù của cam Cao Phong chỉ duy trì được khi trồng tại vùng bảo hộ, nếu mở rộng sản xuất ngoài khu vực địa lý được xác định, tính đồng đều về chất lượng đặc thù sẽ không duy trì được.

Được biết, vùng CDĐL được bảo hộ cho sản phẩm cam Cao Phong gồm địa bàn thị trấn Cao Phong, các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Tân Phong và Thu Phong. Sản phẩm chỉ duy trì được chất lượng đặc thù khi trồng tại khu vực địa lý này, tức trồng trên các đồi thấp và tương đối bằng phẳng độ dốc <10O; đất trồng phải là đất Feralit phát triển trên đá macma axit có màu vàng nâu, dày trên 1,2m hoặc đất Feralit phát triển trên đá vôi, có màu vàng nâu nhạt, thoát nước tốt, dày trên 1,3m. Chất lượng của cam Cao Phong đăng ký CDĐL được xây dựng dựa trên các phân tích cảm quan và sinh hóa, so sánh với một số sản phẩm cùng loại. Trong đó, chất lượng cảm quan của các sản phẩm được mô tả: Cam CS1 có vỏ quả và tép màu vàng đậm, vỏ quả nhẵn, núi tinh dầu lộ rõ; mùi thơm đặc trưng, mọng nước, vị ngọt đậm; hình dáng quả cầu đều. Cam Xã Đoài lùn mọng nước, thơm; quả hình cầu đều, màu vàng cam; vỏ nhẵn, túi tinh dầu lộ rõ; tép màu vàng nhạt; vị ngọt. Cam Xã Đoài cao mọng nước, thơm, quả hình cầu đều hơi lồi về cuối; vỏ quả màu vàng cam và nhẵn, túi tinh dầu nhìn rõ; tép màu vàng nhạt; vị ngọt. Cam Canh vỏ nhẵn và mỏng; mọng nước; quả hình cầu dẹt; vỏ đỏ vàng (khi chín); túi tinh dầu không rõ; múi ít hạt, vách múi dai nhưng dễ tan, ít xơ bã; vị ngọt mát. Cùng với những đặc điểm trên, chất lượng sinh hóa và cơ lý của cam Cao Phong cũng được nêu rõ trong bảng đăng ký chất lượng tiêu chuẩn. Đây chính là cơ sở để quản lý chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường và chống các hành vi làm sai lệch chất lượng đã đăng ký.

Về định hướng phát triển thương hiệu Cam Cao Phong, ông Phạm Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Cùng với quyết tâm phát triển thương hiệu cam Cao Phong, huyện sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp trọng tâm là duy trì chất lượng đặc thù của sản phẩm, sử dụng và bảo vệ tốt CDĐL giúp củng cố vị thế của sản phẩm trên thị trường. Trong những năm tiếp theo, huyện Cao Phong tiếp tục xác định cây cam là cây trồng mũi nhọn trong sản xuất hàng hóa của huyện. Định hướng đến năm 2017, toàn huyện duy trì diện tích cam 1.500 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 20.000 tấn, giá trị thu nhập trên 500 triệu đồng/ha.

Thu Trang

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015

Xem các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146

Xem các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang