• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

2 cây nhãn da bò kháng bệnh chổi rồng

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 09/05/2015
Ngày cập nhật: 12/5/2015

Trong khi nhà vườn trồng nhãn da bò khu vực ĐBSCL đang đau đầu với dịch bệnh chổi rồng thì tại vườn của ông Tô Văn Bảy (Bảy Tô, 56 tuổi, ngụ ấp An Thạnh, xã An Bình - Long Hồ - Vĩnh Long) có 2 cây nhãn da bò không nhiễm bệnh và đang tươi tốt.

Ông Bảy Tô so sánh 2 loại nhãn, kết quả thử nghiệm, cây nhãn Ido bị nhiễm chổi rồng nhưng nhãn da bò Thái thì hoàn toàn không có.

Thật bất ngờ, khi giữa vườn nhãn mênh mông với những tán nhãn bị bệnh chổi rồng “giơ chà” héo hắt thì lại có 2 cây nhãn cao lớn đang vươn lộc xanh tốt, chuẩn bị đâm bông. Dẫn chúng tôi tham quan vườn nhãn, ông Bảy phấn khởi, huyên thuyên kể chuyện về 2 cây nhãn này.

Ông Bảy Tô nhớ lại, vào năm 1997, có dịp đi tham quan Hội chợ Nông nghiệp được tổ chức ở Khu du lịch Trường An (xã Trường An- TP Vĩnh Long), ông mua được 2 cây nhãn da bò Thái đem về trồng, nhưng không nhớ mua của cơ sở cây giống nào.

Cùng lúc, ông cũng trồng trên 300 cây nhãn da bò Huế mua giống từ các nhà vườn ở địa phương. Đến năm 2001, ông áp dụng kỹ thuật cho ra hoa, trái. Sau khi trồng và thu hoạch được vài mùa thì vườn nhãn có dấu hiệu bị bệnh chổi rồng. Mức độ nhiễm bệnh ngày càng nhiều và dĩ nhiên ngày thất thu.

Đang lo mất mùa, mất vườn nhãn nuôi sống gia đình thì ông không khỏi ngạc nhiên khi giữa hàng trăm cây nhãn trong vườn đều bị bệnh chổi rồng thì chỉ có 2 cây ông trồng ở đầu liếp lại tươi tốt và cho trái rất sai.

“2 cây nhãn này cho ra trái khác với da bò Huế, vì nó có vị ngọt thanh, cơm dày, độ đường cao. Tui thử nghiệm sấy 10kg nhãn da bò Huế thì cho ra 1kg cơm nhãn thành phẩm, còn nhãn da bò Thái cho ra tới 1,3kg cơm nhãn thành phẩm”- ông Bảy Tô tự tin khẳng định.

Thấy được sức sống mạnh và kháng bệnh chổi rồng của 2 cây nhãn này, ông Bảy bắt đầu nhân giống trồng thử nghiệm. Ông Bảy chiết cành ra trồng xen kẽ vào những cây nhãn da bò đang bị bệnh chổi rồng, có nhiều cây ông “nhét” dưới gốc của các cây nhãn da bò cổ thụ bị nhiễm bệnh gần như 100%. Kết quả thật mỹ mãn, tất cả những cây ông chiết trồng từ 2 cây nhãn da bò Thái nói trên hoàn toàn không có dấu hiệu gì của bệnh chổi rồng.

Trong vòng 3 năm nay, ông đã nhân rộng ra được 450 cây trên 15 công vườn nhà. “Hiện một số cây chiết ra trồng đã cho ra hoa, kết trái. Tôi đã báo cáo với ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long. Hay được thông tin này, Trung tâm Giống nông nghiệp và Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam cũng đã nhiều lần xuống tận vườn để nghiên cứu.

Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã chiết mang về 5 cây để trồng thử nghiệm và đến nay hoàn toàn chưa bị chổi rồng. Nhằm giúp người dân cải tạo lại vườn nhãn vốn từng là loại trái cây đặc sản của vùng này, tôi cũng đã bàn bạc với UBND xã An Bình, nếu được chứng nhận nhãn kháng bệnh chổi rồng, tôi sẽ bán rẻ cho bà con để trồng rộng rãi, thay thế cho những vườn nhãn đang bị chổi rồng trầm trọng như hiện nay.

Đó cũng là cách để giúp bà con phục hồi vườn nhãn vốn là nguồn thu chính của người dân xứ cồn này” - ông Bảy Tô chia sẻ.

Ở nước ta, bệnh chổi rồng trên nhãn xuất hiện rất nghiêm trọng tại các vùng trồng nhãn trên cả nước (miền Đông, Tây Nam Bộ), đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL với diện tích nhiễm là 27.151ha (chiếm 60% diện tích nhãn của cả vùng ĐBSCL).

Bệnh xuất hiện trên nhiều giống nhãn khác nhau, trong đó nhãn tiêu da bò bị nhiễm nặng nhất. Cho đến nay, bệnh chổi rồng lây lan rất nhanh làm cho diện tích trồng nhãn nhiễm bệnh tăng nhanh, gây thiệt hại lớn đến sinh trưởng, năng suất giảm trầm trọng, nhiều nơi mất năng suất 100%, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng nhãn. Diện tích nhãn nhiễm bệnh phải đốn bỏ ở nhiều địa phương tăng nhanh (Vĩnh Long hiện đã có 1.644ha đốn bỏ).

Sau 3 năm tổ chức phòng trị với tổng kinh phí hỗ trợ cho 7 tỉnh ĐBSCL gần 174 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ nông dân cắt tỉa là 114 tỷ, hỗ trợ cho diện tích đốn bỏ chuyển sang cây trồng khác là 1,877 tỷ, còn lại là hỗ trợ tiền phun thuốc, có 93.724 hộ nông dân được hỗ trợ, phát 224.303 tờ rơi, tổ chức 1.181 lớp tập huấn cho 51.412 lượt nông dân tham dự, tổ chức 66 mô hình phòng chống dịch, cấp 45.057 sổ tay hướng dẫn phòng chống dịch nhưng dịch bệnh vẫn không hề thuyên giảm mà có phần nặng hơn.

TS Nguyễn Thị Tuyết Mai - Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Trên từng giống cũng có diễn biến khác nhau, như trên nhãn tiêu da bò tỷ lệ nhiễm đến 100%, nhãn Idor 10 - 20%. Cũng có những giống kháng như xuồng cơm vàng, nhãn long không hề nhiễm bệnh, hoặc hiện nay cũng có một số cây nhãn da bò (cao sản Thái Lan) ở cù lao Long Hồ 17 năm tuổi, nằm trong vùng dịch, trồng dưới tán cây nhãn da bò nhiễm bệnh 100% hoặc trồng cạnh nhãn Ido bị nhiễm chổi rồng nhưng chưa thấy có triệu chứng nhiễm bệnh…” bà nói tiếp: “Hiện chúng tôi đã kết hợp với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam thực hiện đề tài “Khảo sát, đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển khả năng kháng bệnh chổi rồng của 2 cây nhãn da bò Thái” ở vườn nhà ông Bảy Tô.

Chúng tôi đang phân loại, ghi nhận tình hình sinh trưởng, năng suất và khả năng kháng bệnh như thế nào. Trong năm nay, chúng tôi sẽ có kết quả khảo nghiệm. Nếu đạt kết quả cao, chúng tôi sẽ cấp giấy chứng nhận cho loại nhãn này. Tuy nhiên, tôi cũng khuyến cáo bà con nông dân chưa vội ồ ạt trồng loại nhãn này khi chưa đưa ra kết quả cuối cùng”.

7 tỉnh ở ĐBSCL có diện tích nhiễm bệnh nặng cao và đã công bố dịch là Vĩnh Long (nặng nhất với 7.843ha, chiếm 95% diện tích trồng nhãn toàn tỉnh), Tiền Giang (7.095ha, chiếm 82,7% diện tích), Đồng Tháp (hơn 3.560ha, chiếm 74% diện tích), Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ và Hậu Giang.

BÁ HÙNG

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015

Xem các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146

Xem các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang