• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng cây ăn trái theo quy trình VietGap: Vẫn chưa nhân rộng được trong nông dân

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 10/03/2015
Ngày cập nhật: 11/3/2015

BR-VT hiện có 7.851ha cây ăn quả. Thời gian qua, nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh như nhãn xuồng cơm vàng, bưởi da xanh, thanh long… được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Tuy nhiên, việc canh tác còn phân tán, không kiên trì thực hiện quy trình sản xuất VietGap nên các loại trái cây này chưa thâm nhập được vào các siêu thị hoặc các chợ đầu mối.

Thanh long hiện được trồng rộng rãi tại huyện Xuyên Mộc và huyện Tân Thành với diện tích 104ha, nhưng đầu ra sản phẩm vẫn phải “núp bóng” thương hiệu thanh long Bình Thuận.

Sản xuất theo quy trình VietGap: Không dễ!

Thời gian qua, ngành nông nghiệp BR-VT đã quy hoạch vùng sản xuất các loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh như nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, bưởi da xanh, thanh long. Trong số đó, mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng của HTX nông nghiệp và dịch vụ Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) được đánh giá là khá thành công với việc canh tác theo quy trình VietGap - quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam gồm những nguyên tắc, trình tự thủ tục hướng dẫn cá nhân và tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế an toàn cho người sản xuất lẫn người sử dụng.

Ông Đào Văn Hiếu, Chủ nhiệm HTX Nhân Tâm cho biết, để có được sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap là sự nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp và người nông dân khi chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật mới. Tuy nhiên, việc làm này không dễ dàng thực hiện được. Cụ thể, nhãn xuồng cơm vàng của BR-VT được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa năm 2006 (nhãn hiệu tập thể cho 236 thành viên trồng nhãn) nhưng vẫn chưa có cá nhân hoặc tổ chức nào khai thác và sử dụng. Giai đoạn này, cây nhãn bị người nông dân chặt bỏ vì tình trạng rớt giá kéo dài. HTX Nhân Tâm được hình thành từ năm 2008 và đề nghị được khai thác sử dụng nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn xuồng cơm vàng”. Sau 1 năm sử dụng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm này, HTX Nhân Tâm bị thua lỗ nặng và mất gần 70% số vốn của HTX. Để phát triển, năm 2009, HTX Nhân Tâm thay đổi mẫu mã bao bì và chất lượng bằng quy trình sản xuất sạch (GAP), lúc bấy giờ mới được nhiều đầu mối tiêu thụ chấp nhận và HTX bắt đầu có lãi.

Bưởi da xanh là cây ăn trái mới của BR-VT có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, việc sản xuất theo quy trình VietGap vẫn đang gặp khó khăn do thiếu vốn, kỹ năng sản xuất của người nông dân.

Ông Đào Văn Hiếu cho biết: “Mục tiêu hàng đầu của HTX là củng cố chất lượng sản phẩm. Do vậy, năm 2010, HTX đề nghị Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật hỗ trợ thực hiện quy trình sản xuất theo VietGap và dự án được thực hiện vào năm 2012”. Tháng 11-2013, sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng của HTX Nhân Tâm được chứng nhận VietGap. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên và duy nhất về cây ăn trái đến nay của tỉnh đã được công nhận. Vì vậy, hiện nay sản phẩm của HTX Nhân Tâm đã có chỗ đứng trên thị trường, được các siêu thị lớn như Co.op Mart, Metro và nhiều hệ thống bán lẻ khác tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… bao tiêu sản phẩm. Đến năm 2013, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” cho nhãn xuồng cơm vàng của HTX Nhân Tâm sản xuất. Theo Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ duy nhất HTX Nhân Tâm cung cấp ra thị trường dòng sản phẩm trái cây có đầy đủ các thông tin: Mã vạch, địa chỉ đơn vị sản xuất, mã số lô hàng để có cơ sở truy nguyên nguồn gốc…

Chỉ mới dừng lại ở “mô hình”

Với cây ăn trái, Sở NN-PTNT đã định hướng phát triển theo quy hoạch, thâm canh, rải vụ, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Trong đó, các loại cây ăn trái chủ lực như mãng cầu ta, bưởi da xanh, thanh long… được áp dụng quy trình canh tác và chứng nhận VietGap để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường. Vì vậy, từ 5 năm trước, ngành nông nghiệp đã bắt đầu triển khai các mô hình VietGap trên những cây ăn trái chủ lực với mục tiêu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh với quy mô lớn. Thế nhưng, VietGap trên cây thanh long, mãng cầu ta… vẫn chỉ dừng lại ở mô hình trình diễn mà chưa thể nhân rộng, ngoại trừ nhãn xuồng cơm vàng của HTX Nhân Tâm.

Thanh long được xác định là cây trồng có tiềm năng của tỉnh, nhưng đến nay chỉ có 10ha sản xuất theo quy trình VietGap.

Theo nhận định của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, bên cạnh việc canh tác manh mún, việc áp dụng quy trình VietGap đòi hỏi kỹ thuật chặt chẽ, tốn chi phí và công sức… trong khi giá bán sản phẩm không tăng so với canh tác truyền thống đã làm nản lòng người nông dân. Cụ thể, BR-VT có gần 600ha mãng cầu (kế hoạch đến năm 2020 sẽ tăng lên 17.000ha với sản lượng 10.000 tấn/vụ), mặc dù được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, nhưng do thiếu chứng nhận VietGap nên đầu ra chưa ổn định; người nông dân chưa phát huy hết lợi thế của cây mãng cầu.

Ông Lê Văn Ai (xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) cho biết: “Tôi có 6 sào mãng cầu, năm 2012, tôi bắt đầu áp dụng quy trình canh tác theo VieGap, sau 1 năm năng suất vẫn ổn định từ 4,5 - 5 tấn. Tuy nhiên, sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGap vẫn bị đánh đồng về giá bán, chất lượng như những hộ canh tác theo phương pháp truyền thống. Trong khi đó, chi phí lao động tăng (công lao động) khoảng 50% và nhiều yêu cầu ngặt nghèo khác nên tôi không duy trì sản xuất theo quy trình VietGap”. Đây cũng là tình trạng tương tự xảy ra với các hộ sản xuất theo VietGap ở các địa phương khác với cây mãng cầu, vì vậy, VietGap vẫn là mô hình lý tưởng trên lý thuyết. Trên thực tế, người nông dân vẫn đang tiếp tục sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Tương tự, tổng diện tích trồng cây thanh long của tỉnh là 104ha, nhưng đến nay cũng chỉ có khoảng 10ha được sản xuất theo quy trình VietGap. Sở NN-PTNT cho biết, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc là địa phương có diện tích thanh long lớn nhất tỉnh, người trồng thanh long tham gia quy trình VietGap được hỗ trợ trên 30% tổng chi phí sản xuất. Nhưng, ghi nhận từ những hộ dân tham gia quy trình VietGap, nếu sản xuất theo quy trình này, chi phí giảm khoảng 30% do giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, năng suất tăng nhưng vẫn chưa được nhân rộng vì người dân thiếu vốn, kỹ thuật. Do diện tích trồng thanh long theo hướng VietGap còn ít nên thanh long của BR-VT hiện vẫn còn phụ thuộc vào đầu ra của thanh long Bình Thuận và qua nhiều thương lái dẫn đến lợi nhuận của người nông dân bị giảm.

Nhận định của các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, để nhân rộng các mô hình sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGap, trước hết, người nông dân phải tập làm quen với việc sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Đây là là điều kiện bắt buộc để có những sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng. Và đây cũng chính là việc người nông dân góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm mà họ là người trực tiếp sản xuất ra. Mặt khác, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác còn tạo được ý thức về môi trường, tính cộng đồng, ý thức gắn kết trách nhiệm với sản phẩm mình sản xuất.

Theo định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 đối với cây ăn trái, Sở NN-PTNT đã đưa ra chương trình xây dựng chuỗi giá trị trên một số cây trồng ăn trái chính. Theo đó, ngành nông nghiệp quy hoạch vùng và tổ chức sản xuất theo quy trình VietGap; kết nối với DN trong xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tổ chức thu mua, sơ chế sản phẩm. Cụ thể, với cây mãng cầu ta, đến năm 2020 sẽ phát triển diện tích sản xuất lên 1.700ha, sản lượng 10.000 tấn/vụ. Trong năm 2015 sẽ xác lập quyền chỉ dẫn địa lý (nguồn gốc hàng hóa) với nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu ta BR-VT”. Với cây ăn quả có tiềm năng phát triển như bưởi da xanh và thanh long, hình thành nhãn hiệu tập thể với hướng sản xuất an toàn.

QUANG NGUYỄN

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015

Xem các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146

Xem các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang