• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hướng nào cho mãng cầu “bay”?

Nguồn tin: Báo Tây Ninh, 05/03/2015
Ngày cập nhật: 7/3/2015

Bỏ công đi tìm hiểu về việc phát triển thương hiệu của các loại đặc sản ở Tây Ninh, chúng tôi có dịp chia sẻ tâm tư nguyện vọng của nhiều bà con nông dân trồng mãng cầu, đó là được ngành chức năng tỉnh nhà quan tâm hỗ trợ trong việc đưa trái mãng cầu đặc sản ra nước ngoài để nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, việc xuất khẩu mãng cầu Tây Ninh chỉ mới có một vài cá nhân thực hiện được. Nhiều người khác vẫn loay hoay chuyện đầu ra cho trái mãng cầu thương phẩm.

Phân loại sản phẩm mãng cầu trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Sang Canada thì được, vào siêu thị thì không

Trò chuyện với chúng tôi, bà Năm- năm nay 77 tuổi, chủ một vựa mãng cầu có tên là Hoa Lam được xem là vựa mãng cầu lớn nhất ở khu vực xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh cho biết, gia đình bà có thâm niên trong nghề thu mua mãng cầu của nông dân đem bán đã hơn 30 năm nay. Vì thế bà đã chứng kiến khá nhiều thời điểm thăng trầm của sản phẩm mãng cầu trái vốn được xem là đặc sản của tỉnh Tây Ninh. Theo bà Năm, giá cả trái mãng cầu cũng thất thường lắm, chủ vựa lớn như bà cũng có lúc không thể đoán được nên có mùa đành phải chịu lỗ cả tỷ đồng do mãng cầu rớt giá. Đơn cử như đợt tết nguyên đán vừa qua, từ ngày 20 đến 27, giá mãng cầu loại 1 bán đi các tỉnh khoảng 50.000 đồng/kg; vậy mà đến ngày 28, 29, do bị “dội hàng” tại chợ đầu mối thành phố Hồ Chí Minh nên giá mãng cầu rớt xuống chỉ còn 30.000 đồng/kg. Cũng may là năm nay tình trạng rớt giá chỉ diễn ra trong 2 ngày, sau đó giá mãng cầu tăng trở lại, hiện giờ thì ổn định ở mức từ 45.000 đến 50.000 đồng/kg (loại 1). Còn nhớ tết năm trước, do mãng cầu dội hàng ở chợ đầu mối quá nhiều nên giá rớt xuống chỉ còn khoảng 25.000 đồng/kg khiến bà Năm bị lỗ hơn 1 tỷ đồng. Bà Năm cho biết thêm, hiện nay vựa của bà tập trung mua mão vườn mãng cầu của người trồng một tháng trước khi thu hoạch trái. Sau khi thoả thuận mua xong, bà cho nhân công vào chăm sóc mãng cầu đến khi thu hoạch trái, đem về vựa phân loại. Mãng cầu thương phẩm được phân thành 3 loại từ loại 1 đến loại 3, mỗi loại có giá cả khác nhau. Loại 1 đương nhiên là những trái to, đẹp (một ký khoảng 3 - 4 trái). Sau khi phân loại xong thì đưa đi bỏ mối tận các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Mỗi ngày vựa của bà Năm bỏ mối hàng tấn mãng cầu đi các tỉnh, thành như thế. Bà dùng xe của gia đình để vận chuyển mãng cầu đưa đi các nơi, nhưng cũng có khi do bạn hàng cần số lượng nhiều họ tự đưa xe đến thẳng vựa của bà để nhận hàng.

Mối quan hệ giữa bà Năm và bạn hàng ở các tỉnh, thành do hai bên tự thiết lập với nhau. Theo bà Năm, với diện tích mãng cầu cũng như tay nghề kỹ thuật làm trái của bà con nông dân hiện nay thì hầu như ngày nào vựa của bà đều có mãng cầu thương phẩm để đưa ra thị trường. Chúng tôi tò mò hỏi bà Năm có từng giao mãng cầu cho siêu thị hay không, bà đáp: trước những đòi hỏi khá khắt khe của siêu thị đối với tiêu chuẩn trái mãng cầu, không chỉ bà mà nhiều thương lái khác như bà cảm thấy e ngại, bởi ngoài yêu cầu về trọng lượng của trái, còn có những điều kiện khác như người cung cấp mãng cầu phải ký hợp đồng với giá ổn định trong thời gian dài trong khi giá cả thì liên tục biến động. Vì những lý do ấy nên các thương lái ít dám ký hợp đồng cung cấp mãng cầu với siêu thị. Bà Năm cũng không giấu giếm việc hơn mấy năm qua, vựa mãng cầu của bà là vựa duy nhất ở khu vực xã Thạnh Tân có được hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Canada với số lượng gần chục tấn mãng cầu mỗi tháng. Cũng theo lời bà Năm, tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Canada không khắt khe lắm, thậm chí còn đơn giản hơn so với tiêu chuẩn đưa ra của siêu thị. Để trái mãng cầu đủ điều kiện “bay”, chỉ cần trái tròn, đẹp, không bị trầy xước, không bị sâu, rầy. Cứ mỗi tuần, công ty ở thành phố Hồ Chí Minh lên vựa mãng cầu của bà nhận hàng đem về thành phố để xuất sang Canada. Về giá cả mãng cầu xuất khẩu, bà Năm không nói cụ thể nhưng cũng cho biết, nhìn chung là cao hơn giá bán trong nước và đặc biệt là rất ổn định nên sau khi hợp đồng xuất khẩu được ký kết, bà không phải lo về chuyện giá cả lên xuống đỏng đảnh như giá thị trường trong nước. Thế nhưng cái khó là chỉ khoảng 30% trái trong vườn mãng cầu đủ tiêu chuẩn để “bay”. Chính vì thế, đôi khi vào thời điểm “cháy hàng”, vựa mãng cầu của bà Năm phải lùng mua loại mãng cầu đạt chuẩn “bay”, thậm chí chấp nhận mua với giá cao hơn giá bán để khỏi bị đền hợp đồng do không cung cấp đủ lượng hàng như cam kết! Số lượng mãng cầu “bay” được còn rất ít ỏi nên phần lớn người mua bán mãng cầu chủ yếu vẫn trông chờ vào thị trường trong nước, mặc dù đầy tính chất may rủi.

Loay hoay với thị trường trong nước

Rất “sợ” thị trường tiêu thụ mãng cầu ở thành phố Hồ Chí Minh! Đó là lời chia sẻ của chị Thuý, một chủ vựa mãng cầu cũng ở xã Thạnh Tân. Lý giải vấn đề này, chị Thuý cho rằng dù mãng cầu Tây Ninh từ lâu được xem là ngon nhất trong nước, thế nhưng khi đưa xuống chợ đầu mối tại thành phố Hồ Chí Minh rất dễ bị rớt giá. Ngoài việc các vựa trong tỉnh cùng lúc đưa ồ ạt mãng cầu về đây thì các vựa mãng cầu ở các tỉnh khác cũng nhập hàng về. Bị dội hàng, tất nhiên là các thương lái đành chấp nhận hạ giá bán. Để phần nào đối phó tình trạng này, bên cạnh việc đưa mãng cầu đến bán ở chợ đầu mối thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn các vựa mãng cầu đều tìm thêm mối ở các tỉnh, thành khác. Với họ đó mới là nguồn khách hàng bền bỉ, giá cả tương đối ổn định hơn, bù lại mức lợi nhuận thấp hơn so với chợ đầu mối thành phố Hồ Chí Minh vào những lúc không bị dội hàng.

Nhìn những tên nhãn hiệu được dán trên từng thùng mãng cầu như Loan Bồng Sơn, Nga Đông Ba… chúng tôi nêu thắc mắc với chị Thuỳ và được giải thích, đó là yêu cầu của các bạn hàng miền Trung khi lấy mãng cầu của chị. Điều này thứ nhất là có tác dụng tránh thất lạc hàng hoá của từng người. Thứ hai là các bạn hàng muốn được “độc quyền” phân phối sản phẩm mãng cầu Tây Ninh tại địa phương mình. Có bạn hàng còn yêu cầu chị Thuý không ghi số điện thoại của chị lên trên thùng mãng cầu vì sợ người khác biết được, tự liên hệ với chị để mua hàng khiến họ không còn được “độc quyền” trong việc bán mãng cầu Tây Ninh. Qua tết, mãng cầu bắt đầu “cháy hàng” do các vườn đã thu hoạch rộ vào dịp trước tết. Vì thế hiện tại dù được nhiều bạn hàng ở các tỉnh điện thoại đặt hàng nhưng chị Thuý không sao có đủ mãng cầu để giao. Chị Thuý cho biết thêm, chị cũng được đề nghị về việc đưa mãng cầu vào siêu thị nhưng cũng như bà Năm, chị thấy mình không thể đáp ứng được những yêu cầu mà siêu thị đưa ra nên đành chọn thị trường tự do cho dễ.

Một vườn mãng cầu dưới chân núi Bà thời điểm sắp thu hoạch.

Chúng tôi thử đặt vấn đề hiện nay nhiều người trồng mãng cầu than khó trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, trong khi chi phí đầu tư chăm sóc ngày càng cao mà giá cả lại nắng mưa thất thường, bà Năm cười cho rằng, ngay cả vựa mãng cầu của bà mỗi vụ bỏ ra 5 - 6 tỷ đồng để đi mua mão vườn mãng cầu của nông dân và có nhiều mối tiêu thụ khắp nơi, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài mà đôi lúc bà còn phải đau đầu với bài toán giá cả thị trường, huống chi người trồng mãng cầu chỉ đơn phương đi tìm đầu ra cho sản phẩm, chắc chắn là còn khó khăn gấp bội.

Một người dân trồng mãng cầu chia sẻ với chúng tôi, nếu mãng cầu có thị trường đầu ra, giá cả ổn định và nhất là tìm được đường xuất khẩu với số lượng lớn thì người trồng mãng cầu sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, chăm sóc để cho ra sản phẩm mãng cầu trái đạt chất lượng cao hơn. Nhiều người đã nghĩ đến việc đầu tư trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, với giá cả thất thường như hiện nay, phần lớn người trồng mãng cầu đều chọn giải pháp an toàn hơn cả là bán mão vườn mãng cầu gần thu hoạch cho dù lãi ít. Chỉ có số ít người không chịu bán mão mà “đánh liều” chờ đến thời điểm thu hoạch để bán theo giá thị trường, chấp nhận tình trạng may nhờ rủi chịu.

Có một câu hỏi vẫn còn đọng lại trong chúng tôi: lẽ nào không thể tìm ra một hướng đi sáng sủa hơn cho sản phẩm trái mãng cầu- đặc sản của tỉnh nhà? Làm sao để đưa được trái mãng cầu ra thị trường nước ngoài với số lượng lớn và giá cả ổn định? Câu hỏi này dĩ nhiên tự bản thân người trồng mãng cầu khó mà tìm ra đáp án.

NHI TRẦN - THIÊN TÂM

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015

Xem các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146

Xem các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang