• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vấn vương hương bưởi

Nguồn tin: Báo Yên Bái, 20/2/2015
Ngày cập nhật: 23/2/2015

Đất trời đã chuyển sang xuân. Làn mưa mỏng mảnh trải khắp không gian, hồi sinh cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm để những cây bưởi Đại Minh (huyện Yên Bình, Yên Bái) dồn sức cho mùa mới.

Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên (người ngoài cùng, bên trái) - Phó chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại xã Phù Nham, huyện Văn Chấn. (Ảnh: Ngọc Đồng) Sau một mùa vụ bội thu, tưởng như cây đã kiệt cỗi đi trong dáng vẻ khẳng khiu, bàng bạc lá, vậy mà, qua vài tháng, lại xanh tốt, căng tràn sức sống, sẵn sàng tiếp nối vòng quay cần mẫn. Nơi đầu cành những chấm nhỏ lấm tấm như những hạt đỗ xanh cứng cỏi cựa mình, dần đến hành trình đơm hoa - kết trái.

Trong câu chuyện với những ông chủ thu vài trăm triệu đồng mùa bưởi năm 2014 không ai là không nhắc lại một thời khó khăn của cây bưởi vùng này. Những gần chục năm trời, từ năm 2001 đến 2009, cây bưởi mất mùa. Cả vùng bưởi ngon ngọt có tiếng bỗng cứ như những cây dại trơ khác.

Ông Nguyễn Mạnh Ân - Trưởng thôn Quyết Tiến 12, người say sưa và tâm huyết với cây bưởi Đại Minh trầm ngâm nhớ lại: “Sau 7 năm liên tục mất mùa, trong hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu HĐND tỉnh tại thôn Quyết Tiến 11, tôi đã mạnh dạn kiến nghị tỉnh vào cuộc hỗ trợ nông dân chúng tôi về khoa học kỹ thuật (KHKT) để cứu lấy cây bưởi”.

Ông Ân lý giải: “Ruộng đất đã ít, cây bưởi vô giá trị cứ chềnh ềnh trong vườn mất bao diện tích. Hoa vẫn cứ nở trắng mà chẳng đậu quả. Càng trông, càng vô vọng. Nhiều nhà đã chặt bưởi, chuyển đổi cây trồng khác, trong đó, có cả những cây bưởi cổ”. Rồi năm 2009, Viện Rau quả Trung ương và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã cử cán bộ kỹ thuật vào nằm vùng với bà con. Mà theo cách nói của Trưởng thôn Ân là: “Để cứu trợ cây bưởi”. Ông Ân bảo: “Đang lúc khó khăn, nhiều người có quan điểm không phải mất công, mất của với cây bưởi làm gì nữa. Nhưng tôi thì vẫn cứ tin là phục hồi được, tin vào KHKT”.

Sự thay đổi bắt đầu từ việc cắt tỉa cành, bón phân theo quy trình và quan trọng hơn cả là thụ phấn chéo cho cây theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn. Ngay năm đầu tiên thí điểm kỹ thuật ấy, cây bưởi đã cho quả trở lại. Ai nấy đều vui mừng, như người đi lạc tìm được lối về. Cũng kể từ đó, mỗi năm, cây bưởi ở đất Đại Minh này một thêm giá trị cứ lúc lỉu, trĩu cành. Năm 2014 đánh dấu một năm được mùa và được giá nhất của cây bưởi Đại Minh. Xã có 15 thôn, 873 hộ dân thì 14 thôn, 623 hộ trồng bưởi với tổng diện tích trên 132ha, trong đó, trên 97ha đã cho thu hoạch. Vụ bưởi năm 2014, xã thu khoảng 20 tỷ đồng từ bưởi. Đó quả là một con số đáng mơ ước với nhiều địa phương trong tỉnh.Chủ tịch UBND xã Đại Minh Trần Văn Quang cho biết:

Xác định xây bưởi là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương, xã đã xây dựng quy hoạch phát triển, phấn đấu đạt 150ha. Nhưng nói thật cũng hết đất trồng bưởi rồi. Xã đã báo cáo huyện xin chuyển đổi một số diện tích đất đồi rừng sản xuất độ dốc bảo đảm phù hợp sang trồng bưởi, đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hoàn thiện hồ sơ xin đăng ký thương hiệu bưởi Đại Minh, hướng tới xây dựng một vùng cây ăn quả có múi chất lượng và giá trị.

Bưởi có giá, người dân Đại Minh chẳng những đã thoát nghèo mà trở nên giàu có. Quanh ngôi nhà mới xây khang trang của gia đình anh Trần Văn Hiệp ở thôn Quyết Tiến 12 đều trồng bưởi. Có những cây bưởi gần trăm năm tuổi một vòng tay người ôm không xuể. Tán đan tán, quả sai trĩu cành. Nếu như những năm đầu mới áp dụng phương pháp thụ phấn cả vườn bưởi chỉ thu về trên dưới 10 triệu đồng thì năm 2011 đã là 50 triệu đồng, năm 2012, 80 triệu đồng, năm 2013, con số này là 155 triệu đồng và vụ bưởi năm 2014, vợ chồng anh vừa thu về 240 triệu đồng.

Bên ấm trà nóng, trong dáng vẻ của người nông dân nhàn nhã sau mùa thu hoạch, anh Hiệp hào hứng: “Năm nay được mùa, được giá, vui lắm cô ạ! Như vậy là giá trị của bưởi Đại Minh đã được khẳng định. Đấy cô xem, cái nhà, cái xe, tiện nghi sinh hoạt hay đầu tư cho con cái học hành cũng là nhờ bưởi cả. Chẳng giấu gì cô, vợ chồng tôi mua được mảnh đất gần 500 triệu đồng ngoài đường lớn coi như của để dành cũng là tiền bán bưởi đấy chứ!”. Chà chà, “của để dành” ở nhà nông mà ngót nửa tỷ bạc, quả là đáng nể.

Tôi xuýt xoa chia vui với vợ chồng anh Hiệp. Điều đáng nói là những vườn bưởi mang về nguồn thu bảy, tám mươi triệu đồng đến vài trăm triệu đồng không chỉ dừng lại vài hộ mà là con số hàng trăm hộ. Đó là hộ ông Tạ Văn Tân ở thôn Quyết Tiến 11 thu trên 400 triệu đồng. Ngay Trưởng thôn Nguyễn Mạnh Ân cũng thu trên 200 triệu đồng. Hay gia đình anh Nguyễn Văn Đông - Trưởng thôn Quyết Tiến 11 cũng là một trong những hộ thắng lớn từ vụ bưởi năm qua. Anh Đông bỗng trở nên nổi tiếng ở Đại Minh này khi bán 16 cây bưởi Đại Minh được 230 triệu đồng. Quả thật, đó là một giá trị bất ngờ nhưng có lý ở chỗ đó là những cây bưởi lâu năm, rất sai và ngon đã lọt tầm ngắm các thương lái.

Tôi vào nhà anh Đông khi những trái bưởi Đại Minh đã được thương lái thu hái hết. Nhưng vườn bưởi Diễn lúc lỉu những quả thì vẫn vàng rực trước nhà đẹp như tranh vẽ. Chị Nga vợ anh Đông xởi lởi “80 gốc bưởi Diễn này được trồng từ năm 2007 - những năm bưởi Đại Minh mất mùa. Ai cũng can ngăn, người thì bảo hâm, người bảo chở củi về rừng. May mà giờ quả bưởi ngày càng được thị trường ưa chuộng nên có giá”. “Vậy là thắng lớn chị nhỉ!” - tôi cắt ngang. Chị Nga cười to. Niềm vui và sự tự tin đong đầy trong ánh mắt. Vườn bưởi Diễn mới 7 năm tuổi, cây thấp lúp xúp mà toàn quả là quả được đặt mua với giá 105 triệu đồng. Vậy là tổng thu từ bưởi Diễn và bưởi Đại Minh của gia đình chị thành 335 triệu đồng. Chưa hết chị Nga lại chỉ sang mảnh đất cách nhà một con suối bảo: “Anh chị lại mới mua 400 triệu đồng 2 mẫu đất bên kia, tiếp tục trồng bưởi Diễn em ạ. Giống đã ươm sẵn rồi.”.

Tôi hình dung, vậy là diện tích bưởi Diễn trên đất Đại Minh tiếp tục được mở rộng. Đó cũng là hướng đi nhiều hộ trồng bưởi ở đây lựa chọn như một sự cân bằng sinh thái, đáp ứng yêu cầu phải thụ phấn chéo của cây bưởi Đại Minh mà vẫn mang lại giá trị kinh tế cao.

Mùa thu hoạch bưởi, Đại Minh nhộn nhịp xe vào, xe ra, bao lớn, bao bé tỏa đi khắp miền. Vợ chồng anh Trương Văn Hiếu, chị Nguyễn Thị Thuỷ ở thôn 1 cả mấy tháng trời chỉ đi hái bưởi thuê cho thương lái mỗi công được trả 200 nghìn đồng mà không hết việc. Cái không khí thu hái bưởi cũng thật đặc biệt. Rôm rả, náo nhiệt. Đến vài chục người trong vườn bưởi nhưng tất cả đều mau lẹ và khéo léo. Dụng cụ chòi bưởi được thiết kế rất chuyên nghiệp, nhẹ nhàng đón trái bưởi rời cành. Người trên cây, người dưới gốc nhịp nhàng người tung, kẻ đón thật tài tình.

Năm 2014 hộ gia đình anh Đông, chị Nga thôn Quyết Tiến 11 xã Đại Minh thu trên 300 triệu đồng từ bưởi.

Câu chuyện về giống bưởi quý trên đất Đại Minh vốn ngon ngọt, thơm mát từng được tiến vua vẫn còn truyền tụng. Anh Lê Quang Khải ở thôn 9, thị trấn Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), một thương lái quen chuyên mua bưởi ở Đại Minh cho hay, vài năm trở lại đây, mỗi năm gia đình bỏ vốn hàng chục tỷ đồng đặt cọc mua bưởi từ lúc quả còn non ở nhiều vùng, trong đó, có đất Đại Minh này. Anh bảo: “Bưởi có nhiều loại, nào Đại Minh, Đoan Hùng, bưởi Diễn, bưởi Sửu lại cả Sửu xanh, Sửu vàng với giá 50.000 - 70.000 đồng/quả, gấp rưỡi giá bưởi Đại Minh. Nhưng bưởi Đại Minh vẫn được thị trường ưa chuộng. Càng những cây bưởi lâu năm quả càng ngon, càng ngọt và đặc biệt còn có vị thơm. Gần tết, khách đặt hàng nhiều, chẳng có mà bán”.

Từ lâu, bưởi Đại Minh đã mặc nhiên mang một thương hiệu trong lòng thực khách gần xa, song người trồng bưởi ở đây thì vẫn mong chờ một thương hiệu chính thức cho trái bưởi quê mình để vừa khẳng định giá trị đích thực vừa đến đúng tay thực khách mà không bị lẫn với bất cứ một loại bưởi nào. Giêng, Hai lại đến mùa hoa bưởi. Cả vùng đất Đại Minh như một miền cổ tích. Những vườn hoa bưởi cứ nối tiếp chạy dài bung trắng một vùng. Không chỉ cảm nhận bằng giác quan mà điều đặc biệt chính là ở không gian khi nồng nàn khi thoang thoảng, dịu ngọt hương hoa. Sao mà không lưu luyến, sao mà chẳng vấn vương! Để rồi năm tiếp năm, mùa lại mùa hứa hẹn dâng đời trái ngọt.

Ngọc Tú

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015

Xem các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146

Xem các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang