• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng nấm linh chi dưới tán vải thiều: Thêm cơ hội làm giàu cho người trồng vải Bắc Giang

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 19/12/2015
Ngày cập nhật: 21/12/2015

Ngày 18-12, Báo Bắc Giang điện tử tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến "Trồng nấm linh chi (NLC) dưới tán vải thiều". Tại buổi tọa đàm đã có nhiều kiến thức về khoa học, kỹ thuật cũng như những vấn đề liên quan đến tiêu thụ, nhân rộng mô hình mới này đã được các đại biểu làm rõ.

Quang cảnh buổi tọa đàm trực tuyến.

Dự buổi tọa đàm có giáo sư Phạm Văn Lầm, chuyên viên cao cấp, Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT); thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm trồng và chế biến cây dược liệu (Viện Dược liệu Việt Nam); nhà khoa học Nguyễn Tiến Ky, Chánh văn phòng Viện Nghiên cứu đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ (Viện hàn lâm khoa học Việt Nam), ông Nguyễn Văn Thịnh, chủ vườn nấm linh chi, thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa (Tân Yên) cùng đại diện Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Trung tâm Khuyến nông lâm tỉnh và Trung tâm giống nấm Bắc Giang.

Phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Bắc Giang

Tại buổi tọa đàm, nhà khoa học Nguyễn Tiến Ky, Viện Nghiên cứu đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ (ITC) chia sẻ câu chuyện về ngày đầu tìm ra NLC ở Bắc Giang. Đó là vào cuối những năm 90, đoàn cán bộ Viện ITC cùng Trung tâm trồng và chế biến cây dược liệu (Viện Dược liệu Việt Nam) vào khu vực rừng tây Yên Tử (Lục Nam, Sơn Động) tìm kiếm NLC về bảo tồn giống. Phân tích NLC tìm được ở đây cho thấy có chất lượng tốt nhất toàn quốc.

Từ thực tế chuyến đi cộng với kinh nghiệm học hỏi từ mô hình trồng NLC của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trên phôi gỗ trong nhà kính, Viện ITC xây dựng đề tài trồng NLC từ phôi gỗ nhưng lại tiến hành dưới tán vải thiều, tán cây rừng. Quá trình thực hiện đề tài, các nhà khoa học đã đúc kết rằng NLC ưa trồng trên thân gỗ mục, khí hậu nhiệt đới từ 22 - 28 độ C, ẩm ướt, cần độ che phủ lớn. Điều kiện này rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Bắc Giang, một địa phương có diện tích rừng, vải thiều lớn.

Đại diện các cơ quan liên quan của tỉnh Bắc Giang đưa ra những câu hỏi với các nhà khoa học nhằm làm rõ những vấn đề xoay quanh trồng nấm linh chi dưới tán vải thiều và tán cây rừng.

Trên cơ sở đó, năm 2013, Viện ITC kết hợp với Sở KH&CN Bắc Giang vận động hai hộ dân: ông Đỗ Văn Thắng, thôn trại 3, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) và ông Nguyễn Văn Thịnh, thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa (Tân Yên) trồng thử nghiệm vài chục phôi nấm. Được trồng trong môi trường tự nhiên, điều kiện chăm sóc đúng quy trình, bước đầu hai mô hình thử nghiệm đã thành công. Đến nay, hai hộ đã từng bước nhân rộng mô hình của gia đình mình, đồng thời mở rộng thêm 5- 6 gia đình trồng NLC dưới tán vải, tán rừng lim, đem lại hiệu quả thiết thực.

Hiệu quả kinh tế

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Thịnh, hộ trồng nấm đã chia sẻ kinh nghiệm của mình. Năm 2013, từ 56 phôi nấm ban đầu do Viện ITC cung cấp trồng thí điểm. Phôi nấm được tiếp xúc với đất, cùng với ánh sáng tự nhiên dưới tán vải thiều nên chất lượng tốt hơn và năng suất cao gấp 3 lần so với trồng trong nhà. Ông Thịnh nói: "Khi trồng phải đào rãnh rộng từ 40 - 50cm, xếp một lượt gỗ keo xuống dưới sau đó đặt bịch nấm lên trên rồi chèn gỗ xung quanh, rắc kín mùn cưa lim và lá vải lên trên, tạo điều kiện cho nấm phát triển. Mỗi ngày, tôi tưới nước 2 lần (tạo độ ẩm 80 - 90%), để phôi nấm sinh trưởng tốt". Cách trồng khá đơn giản tận dụng dưới tán vải thiều, không phải làm nhà, làm giàn nên chi phí thấp hơn. Sau 3 tháng trồng, phôi nấm bắt đầu cho thu hoạch.

Mô hình trồng nấm linh chi dưới tán vải thiều được thực hiện có hiệu quả tại gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh, thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa (Tân Yên).

Ông Nguyễn Văn Thịnh hạch toán: Một nghìn bịch nấm chi phí đầu tư ban đầu khoảng 40 triệu đồng, một năm cho thu hoạch 4 - 5 lần, đạt khoảng 32kg nấm. Với giá bán 1,1 triệu đồng/kg nấm, mỗi năm thu khoảng 35 triệu đồng. Mỗi lần trồng sẽ cho thu hoạch 3 năm. Trừ chi phí, lãi khoảng 22 triệu đồng/năm. Theo ông Thịnh, diện tích trồng không cần nhiều, mỗi gốc vải đã có thể đặt 500 bịch nấm. Từ những bịch nấm đầu tiên, đến nay trong vườn ông Thịnh trồng 1.600 bịch đã và đang cho thu hoạch. Ngoài ra, ông Thịnh còn hướng dẫn một số hộ ở Yên Thế trồng dưới tán rừng lim, nấm phát triển mạnh hơn dưới tán vải thiều. Ông Thịnh rất yên tâm về đầu ra. NLC trồng ra đến đâu, người dân xung quanh đã đến tận nhà đặt mua luôn đến đó. Mô hình của ông không cung cấp đủ so với nhu cầu cần có trên thị trường.

Theo giáo sư Phạm Văn Lầm, ưu điểm của trồng NLC là tận dụng đất trống dưới tán vải, rừng tự nhiên hoặc rừng trồng. Nấm chỉ ăn trên gỗ mục, góp phần làm tốt cho đất, lại ngăn cỏ không mọc dưới gốc cây vải; chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch ba năm. Hơn nữa, không tốn kém xây dựng nhà xưởng. Đây là một hướng đi đầy triển vọng cho ngành nông - lâm nghiệp Bắc Giang, bởi tỉnh có tiềm năng về rừng, đất đai, khí hậu, lại có những cây dược liệu bản địa quý không những trong nước mà thị trường thế giới cũng rất cần. Toàn tỉnh có khoảng 33 nghìn ha vải thiều, chỉ cần trồng 1/5 diện tích dưới tán vải thì Bắc Giang không những là thủ phủ của vải thiều mà còn trở thành vùng cung cấp nguồn NLC lớn trong cả nước.

Triển vọng cho nấm linh chi

Tại buổi tọa đàm, đại diện Sở KH&CN, Trung tâm Khuyến nông lâm tỉnh và Trung tâm giống nấm Bắc Giang cũng trao đổi làm rõ một số vấn đề xoay quanh trồng NLC dưới tán vải thiều. Về vấn đề chăm sóc vải khi bị sâu hại mà lại không gây ảnh hưởng đến nấm, giáo sư Phạm Văn Lầm nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết là chăm sóc vải thiều chỉ được sử dụng chế phẩm sinh học hoặc thảo mộc, tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật. Tức là phải áp dụng các biện pháp sản xuất sạch trong canh tác vải thiều. Như vậy, việc phát triển NLC sẽ khích lệ sản xuất vải thiều sạch.

Đây cũng là vấn đề cấp thiết của người tiêu dùng. Với loại nấm này, đòi hỏi người trồng phải kiên trì, tỉ mỉ, thường xuyên thăm nom, bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm của phôi nấm, có rào ngăn gia súc, chuột bọ phá hoại. Đặc biệt, không để môi trường quá ẩm, sẽ gây mốc xanh trên nấm, ảnh hưởng đến tiến độ sinh trưởng. Trong trường hợp mốc xanh xuất hiện, cần sử dụng bột lá khô của cây lim xanh hoặc xà cừ rắc trên bề mặt hoặc dùng chế phẩm thảo mộc ANISAFSH 01 phun nồng độ 0,1%. Việc bón phân cho cây vải cũng không bị ảnh hưởng khi người trồng chỉ trồng nấm ở một bên gốc cây, còn phía bên kia có thể đào hố bón vải bình thường. Vào mùa đốn tỉa vải, nhất là thời kỳ đốn đau (thường sau 2 năm/lần), người trồng nên dùng lưới đen che phía trên những khu vực trồng nấm khi cây chưa tạo tán.

Một số bạn đọc ở huyện Yên Thế và Tân Yên và Lục Ngạn cũng gửi câu hỏi đến buổi tọa đàm nêu băn khoăn về nguồn cung cấp giống nấm khi có nhiều hộ dân cùng trồng ở số lượng lớn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Ky khẳng định, phôi nấm do Viện ITC cung cấp; còn nguyên liệu trồng NLC, người dân hoàn toàn có thể tận dụng mùn cưa từ những loại cây gỗ rất phổ biến ở Bắc Giang như lim, keo, dẻ…

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa rất tin tưởng vào chất lượng nấm linh chi trồng dưới tán vải thiều và thị trường đầu ra của nấm linh chi.

Vấn đề chất lượng NLC trồng dưới tán vải thiều và như đầu ra cho sản phẩm này cũng được các đại biểu đưa ra bàn luận trong trường hợp sản lượng lớn với quy mô được mở rộng. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa cho biết, qua đánh giá bước đầu thì chất lượng NLC trồng dưới tán vải thiều, nhất là dưới tán cây rừng tốt hơn là trồng nhân tạo trong nhà vì điều kiện sinh trưởng, phát triển của nấm gần như tự nhiên, có điều kiện tạo ra những thành phần quý vốn có của nó. Về tiêu thụ NLC, hiện nay cũng như thời gian tới, nhu cầu trong nước rất cao. Hiện tại, dược liệu cung cấp cho các công ty sản xuất dược trong nước không đủ, phải nhập ngoại tới 80 – 90%.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, vai trò đồng hành cùng người dân của chính quyền địa phương, nhà quản lý là rất quan trọng để đưa Bắc Giang trở thành vùng đất tiềm năng cung cấp NLC. Thông tin Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam vừa chấp thuận danh mục thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2016 và tổ chức xét duyệt xong thuyết minh Đề tài "Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trồng NLC dưới tán vải thiều" của Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Bắc Giang (thực hiện trong 2 năm 2016 - 2017) cũng được các nhà khoa học cung cấp thêm tại buổi tọa đàm. Với đề tài này, sẽ mở ra nhiều triển vọng cho cây NLC tại Bắc Giang.

Nấm linh chi (còn gọi là nấm lim, thần tiên, nấm trường thọ) là loại dược liệu quý hiếm. Nấm ở dạng hóa gỗ 1 năm đến nhiều năm, hình tròn dẹt, hình quạt, dầy từ 3-10cm, mặt nấm có các vân tròn xung quanh, mép lượn sóng, phân bố ở các tỉnh Lào Cai, Sapa, Đà Lạt. Nấm có công dụng chống suy nhược thần kinh, mất ngủ, viêm phế quản, viêm gan, bệnh tim mạch, xương khớp, hỗ trợ chống ung thư... rất tốt cho sức khỏe con người. (Thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm trồng và chế biến cây dược liệu (Viện Dược liệu Việt Nam))

Bắc Giang có diện tích hơn 33 nghìn ha vải thiều. Đây là tiềm năng cho việc trồng NLC dưới tán vải, không chỉ đem lại quả vải ngon, sạch mà còn sản xuất ra loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao.

Nhóm PV báo Điện tử

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015

Xem các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146

Xem các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang