• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi tôm nước lợ tại ĐBSCL: Không nên chạy theo số lượng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 07/05/2014
Ngày cập nhật: 9/5/2014

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Công ty Cổ phần C.P Việt Nam (C.P) đã tổ chức Hội nghị khách hàng khu vực ĐBSCL và giới thiệu giải pháp nuôi tôm trong mùa nóng. Tại hội nghị này, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, muốn hạn chế dịch bệnh và giữ giá bán sản phẩm tôm nuôi nước lợ ổn định, nông dân cần giữ sản lượng nuôi vừa phải, bố trí vùng nuôi, mật độ thả nuôi phù hợp theo từng điều kiện nông hộ. Đừng vì lợi trước mắt mà phát triển theo số lượng, thiếu sự quản lý và kiểm soát chặt vùng nuôi…

Nhiều rủi ro khi phát triển theo số lượng

Mùa nóng là thời điểm tôm nuôi nước lợ (tôm sú, thẻ chân trắng) dễ mắc hội chứng tôm chết sớm (EMS) và một số loại dịch bệnh nguy hiểm khác. Nguyên nhân chủ yếu do tôm đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, dẫn đến sức đề kháng yếu và dễ bị vi rút tấn công. Trong đó, đáng chú ý là khi nhiệt độ môi trường tăng cao làm nước bốc hơi nhiều, mực nước trong ao giảm, độ mặn tăng, lượng oxy hòa tan trong nước thấp và khí độc trong ao tăng cao do tôm tiêu thụ thức ăn và thải ra các chất thải cao hơn bình thường; tảo trong ao cũng dễ phát triển rồi suy tàn, sinh ra độc chất. Đặc biệt, một khi tôm đã bị hội chứng EMS sẽ rất khó điều trị và hầu như chỉ có xử trí bằng cách xuất bán tôm sớm. Những năm gần đây, tình hình phát triển nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới bị nhiều thiệt hại do hội chứng EMS và bệnh thân đỏ đốm trắng. Theo thống kê của Hiệp hội Tôm Thái Lan, tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ của nước này từ trên 2 triệu tấn vào năm 2007 đã giảm xuống chỉ còn hơn 1,81 triệu tấn vào năm 2013. Dự đoán trong năm 2014, sản lượng tôm nuôi nước lợ thế giới sẽ còn tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng của hội chứng EMS. Riêng sản lượng tôm nuôi của Việt Nam chỉ từ ở mức 170.000 tấn vào năm 2007 đã tăng lên 240.000 tấn trong năm 2013 (tăng 42%) và dự kiến con số này sẽ còn tăng trong năm nay.

Sản lượng tôm nuôi nước lợ ở Việt Nam tăng trong điều kiện sản lượng chung trên thế giới giảm là điều đáng mừng. Song, những nỗi lo cũng đã bắt đầu xuất hiện. Đó là nếu không khống chế được tình hình dịch bệnh trên tôm sẽ gây thiệt hại rất nặng nề. Đồng thời, khi sản lượng nuôi tăng cao, năng lực chế biến xuất khẩu và dự trữ hàng của các doanh nghiệp không kịp đáp ứng dễ xảy ra tình trạng bất ổn về giá. Trên thực tế, từ cuối năm 2013 và đầu 2014, giá tôm nguyên liệu xuất khẩu tăng cao đã khiến nhiều hộ dân tại vùng ĐBSCL ồ ạt phát triển nuôi tôm. Nhiều hộ muốn gia tăng sản lượng nên thả nuôi với mật độ dày nhưng không quan tâm thực hiện tốt việc cách ly mùa vụ và làm tốt vệ sinh ao nuôi cũng như thiếu các điều kiện để quản lý, chăm sóc tốt ao nuôi…Theo các chuyên gia của C.P, điều này làm cho hội chứng EMS và một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên đang có dấu hiệu bùng phát tại nhiều địa phương. Đây cũng là nguyên nhân góp phần làm cho giá tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh trở lại trong thời gian gần đây do nguồn cung tôm nguyên liệu đột ngột tăng cao khi nhiều hộ nuôi đã xuất bán tôm sớm. Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần C.P Việt Nam, đã dẫn các thông tin, số liệu thu thập được gần đây cho thấy, giá tôm nguyên liệu tại nhiều tỉnh như: Sóc Trăng, Trà Vinh… đã giảm trên dưới 40.000 đồng/kg so với năm 2013 dù gần đây giá tôm có tăng nhẹ trở lại. Do giá giảm nên nhiều người nuôi tôm cũng bị giảm lợi nhuận so với trước từ 30-50 triệu đồng/tấn tôm nguyên liệu. Chưa kể, diện tích tôm bị thiệt hại do dịch bệnh tại một số địa phương đã lên đến hàng ngàn héc-ta. Ông Nguyễn Vĩnh Phú cho rằng: “Thời gian qua, nhiều bà con đã tăng mật độ thả nuôi tôm từ 30-40 con/m2 lên 70-80 con/m2, nhưng chưa làm tốt vệ sinh ao nuôi vì muốn tái nuôi nhanh và ao nuôi chưa đáp ứng yêu cầu nuôi công nghiệp. Trong khi đó, nước ta vẫn trong diện bị ảnh hưởng của nhiều loại bệnh nguy hiểm trên tôm, nhất là EMS và bệnh thân đỏ đốm trắng…”.

Cần tính đến hiệu quả

Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, cùng với việc chủ động phòng chống dịch bệnh trên tôm, tới đây nông dân nuôi tôm vùng ĐBSCL cần chú ý duy trì sản lượng nuôi ở mức vừa phải để tránh thiệt hại do giá bán sản phẩm giảm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh trên tôm, năm 2013 tổng sản lượng tôm nuôi của Thái Lan chỉ còn khoảng 250.000 tấn, tuy nhiên trước đó có nhiều thời điểm sản lượng tôm của nước này vượt lên đến hơn 500.000 tấn. Ông Somsak Paneetatyasai, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan, chia sẻ: “Nuôi với sản lượng vừa phải, bán được giá cao và ít để xảy ra dịch bệnh sẽ cho hiệu quả cao hơn rất nhiều so với ồ ạt gia tăng sản lượng mà giá bán thấp và không kiểm soát được dịch bệnh. Thái Lan đã từng gặp tình trạng nông dân gia tăng sản lượng nuôi một cách quá mức dẫn đến giá bán tôm bị sụt giảm mạnh, chúng tôi phải điều tiết giảm sản lượng mới nâng được giá lên. Đặc biệt, hội chứng EMS cũng làm cho ngành nuôi tôm Thái Lan bị thiệt hại nặng về và để đối phó với dịch bệnh này, hiện chúng tôi phải cơ cấu lại các vùng nuôi và thực hiện an toàn sinh học trong nuôi tôm một cách triệt để”.

Theo các chuyên gia của C.P, để hạn chế tối đa bệnh EMS và một số bệnh nguy hiểm khác trên tôm nuôi, nhất là trong mùa nóng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ lúc chuẩn bị ao nuôi đến lúc thả con giống; quản lý, chăm sóc tốt ao nuôi. Trong đó, cần bố trí lại vùng nuôi một cách phù hợp, ao nuôi chỉ nên chiếm khoảng 40% trên tổng diện tích vùng nuôi, còn lại 60% là các ao lắng, ao xử lý nước và ao chứa nước đã xử lý để sẵn sàng cung cấp nước cho ao nuôi. Người nuôi cần làm tốt vệ sinh ao trước khi thả tôm gắn với các biện pháp làm hệ thống an toàn sinh học để cách ly các mầm bệnh, thực hiện thả nuôi tôm với mật số vừa phải, chăm sóc tốt tôm giống trong giai đoạn đầu bằng cách nuôi tôm trong vèo đến cỡ 1-1,5g mới thả ra ao. Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh và các hóa chất trong nuôi tôm; kiểm soát chặt chất lượng nước trong ao nuôi…Theo ông Eakavit Hopisutthisan, Phó Tổng Giám đốc cấp cao phụ trách lĩnh vực nuôi trồng, Tập đoàn C.P (Thái Lan), với cách làm trên, thời gian qua vùng nuôi của Công ty tại tỉnh Bạc Liêu đã cho hiệu quả rất tốt, tỷ lệ tôm nuôi bị thiệt hại do bệnh chỉ chiếm khoảng 10%. Hiện C.P có vùng nuôi tôm khoảng 300 ha tại tỉnh Bạc Liêu.

Nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL cũng khẳng định, thực hiện quy trình nuôi an toàn sinh học, cách ly tốt các mầm bệnh trong quá trình nuôi tôm và nuôi với mật độ vừa phải phù hợp với điều kiện từng nông hộ là rất quan trọng nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra. Ông Trương Ngọc Thành ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Với tổng diện tích nuôi tôm hơn 27ha, ông bố trí 35 ao nuôi; chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, với mật độ thả nuôi khoảng 54-63 con/m2. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, quản lý chặt chất lượng nước ao nuôi, chú trọng bổ sung các vitamin và khoáng chất cho tôm... nên kết quả nuôi đạt khá tốt. Tôm khi xuất bán có trọng lượng khoảng 41-50 con/kg. Theo anh Trương Tấn Thống ở tỉnh Cà Mau, thả nuôi tôm với mật độ vừa phải sẽ giảm được chi phí đầu tư con giống và tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình nuôi. Tôm cũng lớn nhanh và đạt tỷ trọng lớn nên bán được giá cao. Đối với những hộ mới bắt đầu nuôi hoặc điều kiện ao nuôi còn hạn chế thì không nên nuôi với mật độ 80 con/m2 mà nuôi với mật độ 30-40 con/m2 là vừa phải.

KHÁNH TRUNG

Các tin mới

[31/12/2014]

[31/12/2014]

[31/12/2014]

[31/12/2014]

[31/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[29/12/2014]

[29/12/2014]

[29/12/2014]

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Các tin năm 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang