• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhiều "cú huých" mới cho ngành thủy sản

Nguồn tin: Nhân Dân, 20/12/2014
Ngày cập nhật: 22/12/2014

Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty CP chế biến thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước năm 2014 dự báo sẽ cán đích 7,8 tỷ USD. Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra được áp dụng từ tháng 6-2014 mở ra triển vọng lập lại trật tự mới cho mặt hàng xuất khẩu chiến lược quốc gia.

Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực từ tháng 8-2014 được xem là giải pháp mang tính đột phá trong hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu, vươn khơi bám biển. Đó là những điểm nhấn quan trọng trong phát triển ngành kinh tế thủy sản năm 2014.

Xuất siêu ngoạn mục Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng xuất siêu của cả ngành nông nghiệp nước ta tính đến hết tháng 11-2014 đạt 8,2 tỷ USD. Trong đó, chủ yếu là từ ngành thủy sản với hơn năm tỷ USD. Đây là con số ngoạn mục, ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của ngành thủy sản, mà ở đó, mặt hàng chiến lược tôm và cá tra vẫn dẫn đầu. Vượt qua nhiều con số dự báo từ đầu năm đến giữa năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm nay dự kiến đạt mức 3,8 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2013 và là mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm tới hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản. EU là thị trường có sức tăng trưởng cao nhất trong nhóm các thị trường tiêu thụ chính tôm Việt Nam. Đặt trong bối cảnh năm 2014 với nhiều thách thức về thị trường và các rào cản kỹ thuật mới thấy được "sức bật" mạnh mẽ từ ngành hàng này. Cụ thể, tại thị trường chính là Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam là 6,37%, cao nhất từ trước đến nay. Mức thuế này đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu tôm vào Mỹ trong quý IV-2014.

Còn tại thị trường Nhật Bản, con tôm loay hoay đối phó với rào cản kháng sinh khi nhiều lô hàng bị kiểm tra gắt gao, thậm chí bị trả về. Đáng chú ý là, cuộc cạnh tranh gay gắt với tôm In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Ê-cu-a-đo do sản lượng tôm các nước này năm nay tăng mạnh.

Chính vì vậy, với việc chạm mốc 3,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, mặt hàng tôm đã trở thành "điểm son" của cả ngành thủy sản.

Bên cạnh tôm là cá tra - một mặt hàng xuất khẩu chiến lược thứ hai của ngành thủy sản nước ta, dự kiến cả năm 2014 đạt 1,8 tỷ USD. Mức kim ngạch này tuy chỉ tương đương năm 2013 nhưng đã vượt qua dự báo hồi đầu năm là 1,65 tỷ USD. Nguyên nhân là do năm 2014 là năm chịu "hệ lụy" kéo dài của ngành cá tra từ năm 2013 cả về sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Do người nuôi thua lỗ nặng nề từ năm trước dẫn đến tình trạng "treo ao" lan ra diện rộng khiến diện tích, sản lượng cá tra bị suy giảm. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thì gặp khó khăn về vốn và năng lực quản lý cho nên ít có khả năng đột phá lớn trong mở rộng quy mô và xúc tiến thương mại. Mặt khác, giá xuất khẩu cá tra năm 2014 cũng bấp bênh, không ổn định. Trong khi đó, sức mua giảm mạnh lại đến từ hai thị trường lớn là EU và Mỹ càng khiến xuất khẩu cá tra gặp khó khăn.

Giữ vững được con số 1,8 tỷ USD kim ngạch như năm 2013 cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng mức xuất siêu cho toàn ngành thủy sản.

"Cú huých" trên cả hai "mặt trận" nuôi trồng và khai thác Ngành thủy sản năm 2014 còn ghi dấu ấn bằng sự ra đời của những văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến cả lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Đó là Quyết định 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra; Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.

Đây là hai văn bản được kỳ vọng sẽ tạo ra một hành lang pháp lý làm nền tảng cho sự phát triển ổn định và bền vững của mặt hàng tôm và cá tra. Đặc biệt, đối với lĩnh vực khai thác, phải kể đến Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Trong đó đáng chú ý nhất là chính sách tín dụng cho ngư dân vay đóng mới tàu vỏ thép với mức cao nhất lên tới 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm. Đối với đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay cao nhất 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm. Thời hạn cho vay sẽ kéo dài trong 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm khoản vay. Lãi suất được duy trì ổn định 7%/năm. Đây là Nghị định mà thời gian soạn thảo, xin ý kiến cho đến lúc ban hành chỉ diễn ra trong vòng bốn tháng, đủ thấy tính quan trọng và cấp bách của vấn đề. Và đây cũng là Nghị định đầu tiên có nội dung hỗ trợ đồng bộ và toàn diện cho cả ngư dân và doanh nghiệp để phát triển kinh tế biển trên các khía cạnh: khai thác, phát triển dịch vụ, đầu tư hệ thống hạ tầng, tổ chức lại hoạt động khai thác, cung cấp dịch vụ. Có thể nói, Nghị định này đã tạo ra sự phấn chấn cho cả các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương, nhất là các ngư dân trên mọi miền Tổ quốc, đối tượng mà vươn khơi, bám biển là một giấc mơ lớn nhưng luôn bị bài toán vốn và lãi suất vay làm lực cản. Mặt khác, ở khía cạnh an ninh - quốc phòng trên biển, Nghị định này còn là một sự "tiếp sức" quan trọng cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hiện thực hóa những "giấc mơ" Những mục tiêu của ngành thủy sản đặt ra trong năm 2014 đến thời điểm này về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gần như đã "cán đích". Tuy nhiên, để hiện thực hóa "giấc mơ" về sự phát triển ổn định và bền vững của ngành thì vẫn còn đó nhiều trăn trở. Những "cú huých" bằng chính sách đã có nhưng vẫn chưa thật sự tạo ra sức bật cho cả lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và xuất khẩu. Như Quyết định 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra dù ra đời đúng lúc nhưng người nuôi lại không thể tiếp cận được nguồn vốn do các điều kiện cụ thể đi kèm quá phức tạp. Hay Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra đã được ban hành từ tháng 4-2014, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn khiến cả doanh nghiệp, hiệp hội và người nuôi đều lúng túng trong triển khai thực hiện. Đặc biệt, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó đáng chú ý là cho vay vốn đóng mới, cải hoán tàu vỏ thép có hiệu lực từ tháng 8-2014 kèm theo hơn 10 văn bản hướng dẫn thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa có ngư dân, tổ chức nào tiếp cận được nguồn vốn vay. Nguyên nhân của sự chậm trễ này bắt nguồn từ tất cả các bên liên quan, từ chính quyền địa phương, ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm đến Hiệp hội Nghề cá. Hầu hết các địa phương hiện mới chỉ dừng lại ở khâu thẩm định danh sách các ngư dân được tham gia chương trình. Ở một số địa phương còn xuất hiện sự "lệch pha" giữa chính quyền địa phương và ngân hàng trong việc xác định tiêu chí xét ngư dân đủ điều kiện vay vốn. Đơn giản là do đánh bắt xa bờ vẫn là một ngành mà các ngân hàng đánh giá là nhiều rủi ro và khó thu hồi vốn. Nếu trong thời gian tới, những vướng mắc này không được tháo gỡ thì có khả năng hiệu quả của chương trình sẽ đạt mức thấp.

Từ nhiều năm nay, thủy sản luôn là ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ đối với nền nông nghiệp mà còn với nền kinh tế của cả nước. Những người nông dân nuôi tôm, nuôi cá tra đã đóng góp một phần công sức to lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD.

Những ngư dân không chỉ là người sản xuất trên biển mà còn là lực lượng quan trọng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Việc đầu tư phát triển ngành thủy sản là đúng hướng và cần thiết.

Chính vì vậy, thời gian tới rất cần sự nỗ lực, chung sức phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, ngân hàng, Hiệp hội Nghề cá và ngư dân để các chính sách mang tính "đòn bẩy" đối với ngành thủy sản sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng năm 2014 đạt 7,22 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2013. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 21,85% tổng giá trị xuất khẩu.

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này 10 tháng đầu năm đạt 1,43 tỷ USD, tăng 19,97% so với cùng kỳ năm 2013. Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường khác đều tăng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với mức tăng tương ứng đạt 8,47%, 37,49% và 16,17%.

ÁNH TUYẾT

 

Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản khác:

31/12/2014

31/12/2014

30/12/2014

30/12/2014

29/12/2014

29/12/2014

29/12/2014

27/12/2014

26/12/2014

26/12/2014

Xem tiếp

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang