• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhiều quốc gia muốn nhảy vào “sân chơi” xuất khẩu cá tra

Nguồn tin: Báo Công Thương, 27/11/2014
Ngày cập nhật: 28/11/2014

Hiện nay, nghề nuôi cá tra không chỉ diễn ra tại 4 nước vùng hạ lưu sông Mê Kông như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào, mà nhiều nước khác trên thế giới cũng đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất loài cá này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Sản xuất cá tra đang được nhiều nước trên thế giới chú ý

Nhiều nước tham gia sản xuất cá tra

Ngành sản xuất cá tra Việt Nam mới phát triển cách đây chưa đầy 20 năm với diện tích nuôi chỉ gần 6.000 ha nhưng đến nay sản phẩm cá tra đã được xuất khẩu sang 149 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt khoảng 1,8 tỷ USD/năm. Hơn nữa, sản xuất cá tra còn đem lại việc làm cho hàng chục ngàn lao động với hàng trăm doanh nghiệp tham gia sản xuất trực tiếp cũng như cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ. Chính vì vậy, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã đẩy phát triển sản xuất cá tra để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, đồng thời tiến tới cạnh tranh với cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới.

Năm 2008, Philippines bắt đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam với khối lượng bình quân hàng năm khoảng 600 tấn với giá trị 1,65 triệu USD. Để giảm giá trị nhập khẩu cá tra từ Việt Nam, giải quyết các vấn đề an ninh lương thực của Chính phủ, cũng như thực hiện các chương trình dự án mang lại việc làm cho người dân, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) đã triển khai thực hiện các dự án cá tra. Hiện DTI đã có 6 dự án về sản xuất cá tra sinh thái, nhà máy chế biến cá tra và thức ăn nuôi cá, đồng thời cũng quản lý 48 dự án mở rộng ngành cá tra đang được thực hiện ở nhiều khu vực trong nước.

Trong thời gian tới, Philippines phấn đấu đưa ngành cá tra nội địa mở rộng ra 15 thị trường mới và tạo liên kết với 8 thị trường, phát triển 38 sản phẩm mới, trong đó có 26 thực đơn, 22 sản phẩm giá trị gia tăng, 3 thương hiệu cho cá tra (La Pangga, Santa Marta và Carm Foods). Với kế hoạch phát triển bài bản dành cho cá tra, DTI đặt ra mục tiêu sẽ đưa diện tích nuôi cá tra trong nước lên 270 ha, cung cấp 614 tấn cá philê và tạo 2.700 việc làm.

Tại Jamaica, hoạt động nuôi cá tra đang dần phát triển tại nước này. Hiện nay, các nhà đầu tư đang chuẩn bị các bước cần thiết để bắt đầu sản xuất cá tra, nhất là các nhà sản xuất cá rô phi, các nhà đầu tư muốn XK cá sang Mỹ và các thị trường khác. Đầu năm 2014, ông Leroy Santiago, TS Di truyền học đã giới thiệu ngành công nghiệp sản xuất cá tra có giá trị lên tới 1,8 tỷ USD của Việt Nam cho các nhà đầu tư tiềm năng của nước này nhằm nâng cao tính cạnh tranh của Jamaica trong XK cá tra.

Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động sản xuất cá tra vẫn còn khá mới mẻ tại Jamaica. Theo một số nhà đầu tư tại nước này, hiện nay việc xác định chi phí nuôi cá vẫn chưa được rõ ràng nhưng việc nuôi thử nghiệm cá tra vẫn được tiến hành. Cá tra nguyên liệu sẽ được sử dụng để chế biến cá tra philê (chiếm khoảng 40%), lượng phụ phẩm còn lại khoảng 60% sẽ được sử dụng để chế biến thức ăn chăn nuôi cho heo và gia cầm.

Không chỉ Jamaica, Puerto Rico cũng đang có kế hoạch phát triển nuôi loài cá này. Một nhà sản xuất tại Puerto Rico cho biết đã sẵn sàng để sản xuất cá tra, bởi đây cũng là một trong những loài cá thịt trắng giống như cá rô phi.

Indonesia sẽ vượt Việt Nam về xuất khẩu cá tra!?

Gần đây, ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận, hiện nay cá tra không còn là sản phẩm độc quyền của Việt Nam. Ấn Độ hàng năm cũng sản xuất được 500 ngàn tấn cá tra nhưng chưa tham gia xuất khẩu vì còn phục vụ thị trường nội địa; Indonesia cũng bắt đầu có kế hoạch sản xuất loài cá này…

Tại Indonesia, sông Batanghari ở Jambi được nhận định là khu vực đầy tiềm năng để trở thành khu vực sản xuất cá tra lớn nhất nước do khu vực này có điều kiện thủy triều tương tự như sông Mê Kông. Theo Tổng cục Nuôi trồng thủy sản Indonesia (DGFC), nước này đang xây dựng kế hoạch đẩy mạnh sản xuất cá tra để đạt mục tiêu trở thành nước sản xuất cá tra hàng đầu thế giới. Với lợi thế về mạng lưới sông, hồ, ao nuôi và nguồn cá tra bố mẹ, Indonesia sẽ đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ kỹ thuật để tăng sản lượng nuôi cá tra.

Điều này có liên quan tới chính sách của Bộ Thủy sản Indonesia khi chỉ đạo chọn cá tra làm mặt hàng chủ lực cho ngành công nghiệp thủy sản. Cá tra cũng được Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia (MMAF) coi là một trong những mặt hàng chủ chốt trong ngành nuôi trồng thủy sản. Indonesia sẽ đẩy mạnh sản xuất cá tra mỗi năm và phát triển thành ngành công nghiệp. Cá tra được xác định cho dù xuất ra thị trường thế giới hay tiêu thụ nội địa đều có tiềm năng lợi nhuận, bởi người tiêu dùng Indonesia cũng ưa chuộng loài cá này.

Chưa kể đến lợi thế là các doanh nghiệp Indonesia trước khi tấn công bất cứ thị trường nào thì công tác nghiên cứu thói quen tiêu dùng cuối của người tiêu dùng tại thị trường đó rất được các doanh nghiệp coi trọng nên khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường rất cao. Theo một doanh nghiệp XK thủy sản hàng đầu Indonesia, doanh nghiệp nước này không ngần ngại bỏ thời gian và chi phí ra nghiên cứu khâu tiếp thị bán hàng, tiến hành khảo sát, đánh giá thị trường, từ những thông tin nhỏ nhưng quan trọng như: người tiêu dùng cuối cùng tại Mỹ hay EU thích quy cách đóng gói sản phẩm thế nào, cách thức họ chế biến cá ra sao…; từ đó, doanh nghiệp sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với thị trường.

Trước những tiềm năng và lợi thế nói trên, theo đánh giá của Fis, Indonesia có tiềm năng nuôi cá tra không thua gì Việt Nam và quốc gia này có chiến lược xây dựng thương hiệu cá tra rất hiệu quả từ việc quan tâm đến chất lượng và hệ thống phân phối, nên chẳng bao lâu sản xuất cá da trơn của Indonesia sẽ vượt qua Việt Nam.

Ngoài ra, Thái Lan cũng đang đầu tư nuôi cá da trơn và có kế hoạch phát triển mạnh sản phẩm này. 10 năm qua, Thái Lan được xem là một nước thành công trong XK thủy sản. Do đó, việc phát triển nuôi cá da trơn của Thái Lan sẽ là một thách thức lớn đối với các nước sản xuất cá da trơn nói chung hay cá tra nói riêng như Việt Nam.

Thành Công

 

Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản khác:

31/12/2014

31/12/2014

30/12/2014

30/12/2014

29/12/2014

29/12/2014

29/12/2014

27/12/2014

26/12/2014

26/12/2014

Xem tiếp

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang