• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất khẩu cá tra và đợt “Rà soát Hoàng hôn” lần thứ 2

Nguồn tin: Thương Mại Thủy Sản, 8/2014
Ngày cập nhật: 26/8/2014

Đã hơn 10 năm trôi qua kể từ khi cá tra Việt Nam lần đầu tiên bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) tại thị trường Mỹ. Theo đúng luật, cứ mỗi 5 năm Hoa Kỳ sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ vụ kiện để làm cơ sở quyết định việc hủy bỏ hay tiếp tục áp đặt thuế CBPG. Hiện tại, đợt rà soát lần thứ 2 đã được khởi xướng, nhưng các DN cá tra Việt Nam liệu có còn thiết tha?

“Rà soát Hoàng hôn” là gì?

Đầu năm 2002, khi Mỹ khởi xướng điều tra CBPG đối với cá tra/basa Việt Nam, lần đầu tiên nhiều người Việt Nam biết đến vụ kiện CBPG ở nước ngoài. Về nguyên tắc, thuế CBPG chỉ được áp dụng trong thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, do mục tiêu của thuế này là nhằm ngăn chặn việc bán phá giá và loại bỏ các thiệt hại do việc bán phá giá gây ra, để bảo vệ ngành sản xuất trong nước nhập khẩu, nên thuế này sẽ được duy trì cho đến khi nào việc ngăn chặn và loại bỏ thiệt hại không còn cần thiết nữa. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có quy định về các điều kiện và quy trình rà soát lại việc áp dụng thuế CBPG này. Thủ tục rà soát lại cũng được quy định là tiến hành sau 5 năm.

Tại Mỹ, việc rà soát này còn có mục đích là xác định mức thuế CBPG chính thức của từng nhà XK liên quan. Hình thức rà soát cuối kỳ này còn có tên gọi là Sunset Review (Rà soát hoàng hôn – RSHH), được thực hiện gần như tự động khi hết thời hạn 5 năm kể từ khi có quyết định áp đặt thuế CBPG. Nếu cơ quan có thẩm quyền, sau khi tiến hành rà soát lại, kết luận rằng việc chấm dứt áp dụng thuế CBPG khi hết hạn 5 năm có thể dẫn tới sự tiếp tục hoặc tái phát sinh hiện tượng bán phá giá và các thiệt hại thì cơ quan này có thể ra quyết định tiếp tục áp dụng thuế CBPG. Khi đó thời hạn 5 năm áp dụng thuế CBPG lại được tính bắt đầu từ ngày có quyết định này. Ngược lại, nếu kết luận rà soát lại cho thấy không có nguy cơ tái bán phá giá hoặc thiệt hại thì quyết định áp thuế CBPG hết hiệu lực và buộc phải gỡ bỏ hoàn toàn.

Nhìn lại đợt Rà soát Hoàng hôn lần đầu đối với cá tra

Ngày 01/7/2008, theo quy định tại Điều 751(c) Luật Thuế sửa đổi năm 1930, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra thông báo về việc tiến hành “RSHH” đối với việc áp thuế CBPG sau 5 năm áp dụng cho phile đông lạnh cá tra Việt Nam. Theo đó, DOC có nhiệm vụ tính toán biên độ bán phá giá và Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) có nhiệm vụ xem xét là việc bán phá giá sản phẩm cá tra có gây ra thiệt hại vật chất đáng kể (hoặc đe dọa gây ra thiệt hại vật chất đáng kể) đối với các nhà sản xuất trong nước hay không.

Vào thời điểm đợt RSHH được khởi xướng, đã có khá nhiều kỳ vọng, bởi nếu giành được phần thắng, cá tra Việt Nam sẽ thoát hoàn toàn khỏi vụ kiện tại Mỹ và mở ra cơ hội lớn để đẩy mạnh XK vào một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, ngay tại kỳ RSHH này, DOC đã bất ngờ sử dụng Philippin, một nước nuôi cá tra với số lượng rất ít, chi phí giá thành cao, làm nước thay thế để tính toán các giá trị và biên độ phá giá thay vì sử dụng Bangladesh (nước có điều kiện nuôi, lao động, quản lý DN hay chi phí giá thành gần với Việt Nam) để so sánh.

Từ việc tùy tiện chọn quốc gia thay thế như trên, DOC khẳng định Việt Nam đã bán phá giá với biên độ vượt mức tối thiểu, cả trong giai đoạn điều tra CBPG ban đầu (năm 2002) cũng như trong các đợt rà soát hành chính (POR) và rà soát các nhà XK sau đó. Do đó, cả 6 thành viên của ITC cùng đồng ý cho rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt có thể dẫn đến việc tái diễn bán phá giá và gây hại đến ngành sản xuất cá nheo của Mỹ. Kết quả là, ngày 16/6/2009, ITC công bố quyết định tiếp tục áp thuế CBPG đối với cá tra Việt Nam thêm 5 năm nữa.

Từ thực tế trên có thể nhận thấy, với mục tiêu bảo hộ tuyệt đối cho ngành sản xuất trong nước, một khi Mỹ đã bị áp dụng thuế CBPG thì hy vọng “được tha” trong đợt “RSHH” sau 5 năm là hầu như khó có cơ hội. Và thực tế này đã được chứng minh, trong gần 20 năm qua (kể từ ngày thành lập WTO), DOC mới chỉ có 1 lần rút lại quyết định CBPG vì liên quan đến các tình huống đặc biệt.

Đến hẹn lại lên – Hiệp hội cá nheo Mỹ lại lo vận động

Đã hơn 10 năm trôi qua kể từ khi cá tra Việt Nam lần đầu tiên bị áp thuế CBPG tại thị trường Mỹ. Đến hẹn lại lên, ngày 02/6/2014 vừa qua, cả DOC và ITC đều đã đưa ra thông báo trên Công báo Liên bang của Mỹ (Federal Register) khởi xướng đợt “RSHH” lần thứ 2 đối với cá tra từ Việt Nam. Theo đó, đợt rà soát sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 01/7/2014 và quyết định cuối cùng về việc dỡ bỏ hay tiếp tục Lệnh áp thuế CBPG sẽ được công bố vào đầu tháng 7/2015.

Có lẽ, Hiệp hội các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA) là những người quan tâm và theo dõi đợt RSHH này chặt chẽ nhất. Điều này là điều tất yếu, bởi quyết định của đợt rà soát có tác động cực kỳ quan trọng, mang tính chất “sống còn” đến ngành sản xuất cá nheo Mỹ. Thực tế, CFA cũng đã “chịu” bỏ ra một khoản chi phí khá lớn cho các cuộc vận động hành lang và truyền thông rầm rộ về những gì họ gọi là “thiệt hại” do cá da trơn NK gây ra trong hơn 10 năm qua.

Ngày 18/6/2014, ngay sau khi đợt RSHH được khởi xướng, báo mạng có tên “Southeast Farm Press” đã đăng bài viết liên quan đến một báo cáo được công bố trong tháng 4/2014 “Cơ sở dữ liệu về cá nheo của Mỹ năm 2013” (2013 US Catfish Database). Đặc biệt, trong bài viết này, ông Butch Wilson, cựu chủ tịch CFA và TS. Terry Hanson, tác giả của bản báo cáo, đã cố gắng nhấn mạnh vào sự thiệt hại của ngành cá nheo Mỹ kể từ khi xuất hiện các sản phẩm cá da trơn NK.

Cụ thể, kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2003, ngành cá nheo Mỹ đã bị thu hẹp dần. Cá nheo Mỹ đã giảm từ vị trí thứ 6 (năm 2009) xuống vị trí thứ 9 (năm 2012) trong bảng xếp loại các sản phẩm thủy sản được ưa thích ở Mỹ. Tổng diện tích dành cho nuôi cá nheo ở Mỹ tiếp tục giảm rõ rệt trong năm 2013 và hiện đã giảm 62% (khoảng 49.000 ha) so với diện tích nuôi đạt đỉnh điểm vào năm 2002. Trong khi đó, sản lượng NK philê cá tra đông lạnh đã tăng từ gần 20.000 tấn năm 2002, lên đến khoảng 128.000 tấn trong năm 2013, chiếm 78% tổng doanh thu các sản phẩm philê cá da trơn đông lạnh ở Mỹ. Lượng NK các sản phẩm philê năm 2013 cũng đã tăng gần 10 lần so với chỉ cách đây 8 năm, trong khi lượng sản phẩm cá nheo chế biến của Mỹ lại giảm gần 50%.

“Chỉ khi các nhà sản xuất của chúng ta bỏ nhiều tiền hơn nữa để đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ mới và tiết giảm chi phí một cách triệt để thì may ra mới có thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm NK rẻ đến như vậy”- TS. Terry Hanson phát biểu.

Bản báo cáo "Cơ sở dữ liệu cá nheo Mỹ 2013" công bố tháng 4/2014

Bình thản đối mặt với đợt “RSHH” lần thứ 2

Hoàn toàn ngược lại với CFA, từ những kinh nghiệm của đợt RSHH lần thứ nhất và kết quả tệ hại của đợt RSHH đối với các DN tôm trong năm 2010, các DN cá tra Việt Nam hầu như khá bình thản và thờ ơ với đợt rà soát lần này, bỏ mặc những hy vọng hão huyền về việc có thể thoát ra khỏi vụ kiện CBPG. Thực tế, trải qua 10 năm sống chung với vụ kiện CBPG, có thể nói cá tra Việt Nam giờ đây đã khá “lỳ đòn” và hầu như đã sẵn sàng đương đầu với kết quả của đợt rà soát.

Theo đề xuất từ các các hãng luật, tổng chi phí cho việc theo đuổi toàn bộ đợt RSHH lần thứ 2 này đối với cá tra xấp xỉ khoảng 200.000 USD. Là những người làm kinh doanh, rõ ràng các DN cá tra Việt Nam chắc chắn sẽ không đầu tư một khoản tiền lớn như vậy vào một việc mà họ biết kết quả sẽ rất dễ bằng 0.

Trong khi đó, nỗi lo thực sự đối với các DN XK cá tra hiện nay không phải là vụ kiện CBPG mà chính là các vấn đề mới xuất hiện gần đây. Cụ thể, đó là Luật Nông nghiệp 2014 của Mỹ (Agriculture Bill) vừa mới được Tổng thống Mỹ ký ban hành.

Tóm lại, có thể khẳng định, một khi đã có chủ ý cố gắng bảo hộ nền sản xuất trong nước thì mọi nỗ lực để tháo dỡ nền bảo hộ đó là cực kỳ khó khăn, nhất là khi quyền rà soát và ra phán quyết lại đang nằm trong tay chính nước NK là Mỹ. Bởi thế, trong mọi đợt RSHH, có một câu hỏi luôn luôn được đặt ra, đó là: “Điều gì sẽ xảy ra cho ngành công nghiệp cá nheo của Mỹ nếu thu hồi lệnh CBPG?”

Thiết nghĩ, ngành nuôi cá nheo của Mỹ đã được bảo hộ 10 năm và đã đến lúc ngành này nên hoạt động độc lập, không cần đến sự "nâng đỡ" của các biện pháp bảo hộ. Bởi vì, nếu họ cứ mãi không thể hoạt động hiệu quả khi không có các biện pháp bảo hộ thì họ sẽ sớm bị loại khỏi hoạt động kinh doanh theo đúng quy luật cạnh tranh thương trường.

Trần Duy

 

Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản khác:

31/12/2014

31/12/2014

30/12/2014

30/12/2014

29/12/2014

29/12/2014

29/12/2014

27/12/2014

26/12/2014

26/12/2014

Xem tiếp

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang