• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trang trại yến sào

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc, 22/10/2014
Ngày cập nhật: 23/10/2014

Một trang trại nuôi chim yến có quy mô lớn, được đầu tư bài bản đã được hình thành ngay trung tâm nuôi yến ở xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Đây là trang trại nuôi chim yến đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Chủ của trang trại này là ông Trần Văn Thiết, nhiều người gọi thân mật là ông Mười Thiết, một trong những người đầu tiên gây nuôi và khai thác tổ yến trên địa bàn tỉnh.

Mấy mươi năm gắn bó với nghề nuôi chim yến, mái tóc đã lấm chấm bạc, ông Mười Thiết kể lại rằng, từ những năm 1980, gia đình làm nghề thợ mộc, một số chim yến đã vào nhà ông lưu trú. Những ngày đầu ông chưa biết đó là chim yến và hiển nhiên chưa biết giá trị của tổ yến mang lại. Vì vậy, có đôi lúc ông cùng anh em làm thợ bắt những con chim lưu trú ở nhà ông để bỏ đi.

“Nhưng có điều lạ là, chim đến lưu trú ngày càng đông đúc hơn và tui phát hiện ra tổ ở những góc khuất của nhà mình. Mãi đến vài năm sau tui mới biết đó là tổ của chim yến. Việc gây nuôi chim yến của gia đình bắt đầu từ đó. Cứ thế chim yến về lưu trú ở khu vực Long Bình ngày càng đông, trong đó có khu vực gia đình nhà tui” - ông Mười Thiết cho biết.

Ông Mười Thiết bên trang trại nuôi chim yến đang được xây dựng mở rộng.

Tổ yến khai thác được ngày càng nhiều đã giúp ông cải thiện được kinh tế gia đình và mở rộng quy mô nuôi. Và cứ thế những ngôi nhà nuôi chim yến của gia đình ông Mười Thiết cứ “lù lù” mọc lên ngay chính quê hương ông.

Không những ông, mà những người con của ông cũng đã theo nghề nuôi chim yến để lấy tổ. Muốn đầu tư lớn ông bắt đầu tìm hiểu về cơ chế tồn tại, sinh trưởng và đặc biệt là cách dẫn dụ sao cho có hiệu quả nhất. Ông đã đi nhiều nơi để tìm hiểu mô hình các ngôi nhà nuôi chim yến để học hỏi kinh nghiệm.

Bao nhiêu năm gắn bó với nghề, ông Mười Thiết nghiệm ra rằng, người ta ví nghề nuôi yến giống như việc đi “xây mỏ vàng trắng” là không sai. Bởi nghề này cần vốn đầu tư rất lớn, mà đến khi có sản phẩm rồi thì lãi cũng rất cao. Vấn đề là thời gian nhanh hay chậm và kinh nghiệm của nghề. Bởi vốn để xây dựng mỗi căn nhà nuôi chim yến tùy theo quy mô nhưng thấp nhất cũng không dưới 1 tỷ đồng.

Theo ông Mười Thiết, việc xây dựng nhà dẫn dụ yến vào ở đã khó, tạo môi trường cho chim yến sinh sôi, nảy nở lại càng khó hơn. Bởi sự thành công của người nuôi yến được quyết định bởi tốc độ tăng đàn trong ngôi nhà yến của mình. Yến ở nhiều, sinh sản nhanh thì có nhiều tổ yến, mà điều này cần khoảng thời gian từ 3 - 5 năm trở lên. Những người có vốn ít, cầm cự thời gian lâu không nổi, rất dễ phải bỏ cuộc.

“Ở đây cũng có vài hộ mới xây nhà yến xong đã phải bán lại cho người khác do thiếu vốn. Mặc dù nuôi yến chỉ dành cho những người có vốn, nhưng thật ra những hộ nghèo, ít vốn cũng kiếm sống được quanh năm từ những nghề phụ xung quanh nghề yến này. Những người làm nghề phụ hồ, những nhà thầu xây dựng nhỏ cũng có cuộc sống ổn định hơn nhờ nhận xây nhà yến” - ông Mười Thiết cho biết.

Nuôi yến tại xã Long Bình, nhưng hơn 10 năm nay, ông Mười Thiết đã dời về cơ ngơi mới tại TX. Gò Công. Mỗi ngày 2 lượt đi về, ông cùng các con luân phiên vào Long Bình trông coi những ngôi nhà yến. Ông cho biết, mỗi tháng định kỳ thu hoạch tổ yến 3 lần, mỗi lần cách đều nhau 10 ngày để tránh làm kinh động đến chim yến.

Tổ yến của gia đình được bán dưới 2 dạng: tổ yến thô, chưa làm sạch và tổ yến đã làm sạch. Giá cả cũng chênh nhau khá xa. Ông Mười Thiết cho biết, thực tế từ cuối năm 2013 đến nay tổ yến đã 3 lần giảm giá, chứ vào cuối năm 2013 giá tổ yến loại 1 còn trên 30 triệu đồng mỗi kg. Còn khi chim yến mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh, giá tổ yến có thể lên đến trên 50 triệu đồng/kg.

Những ngày gần đây, chúng tôi được ông dẫn tham quan trang trại nuôi chim yến của ông khi đang trong quá trình xây dựng mở rộng. Trên khu đất rộng lớn, trang trại nuôi chim yến được thiết kế nuôi ngay cả ở dưới tầng hầm. Ông Mười Thiết cho chúng tôi biết, thay vì tầng hầm cũng phải san lấp bằng cát nên tốn không ít chi phí và làm cho ngôi nhà phải chịu tải lớn, nên ông thiết kế để chim yến vào ở.

Và thực tế đã mang lại hiệu quả. Trang trại nuôi chim yến của ông hiện có gần 3 triệu con, với số lượng tổ yến được thu hoạch hàng năm trên 100 kg và trở thành khu liên hợp nuôi chim yến có quy mô lớn nhất, nhì của tỉnh. Dù không được tiết lộ tổng vốn đầu tư cho trang trại nuôi chim yến, nhưng ước tính sơ bộ ít nhất cũng vài tỷ đồng. Vừa qua, ông cũng đã đăng ký với ngành chức năng về mô hình trang trại nuôi chim yến của gia đình.

Chúng tôi cũng được giới thiệu cơ sở sơ chế yến sào của gia đình tại TX. Gò Công. Theo ông Mười Thiết, tổ yến màu trắng như thường thấy gọi là yến quan, loại này rất phổ biến. Riêng yến huyết thì rất hiếm gặp và vì hiếm nên giá cũng rất cao, có thể gấp rưỡi tổ yến bình thường. Tổ yến tuy đắt tiền nhưng rất nhẹ, mỗi tổ thường nặng khoảng 7 - 8 gram, có loại trên 10 gram.

Bản thân yến sào đã là thực phẩm bổ dưỡng, không cần quá cầu kỳ, chỉ cần chưng cách thủy với đường phèn là có thể dùng được. Với giá trị dinh dưỡng được lưu truyền từ cổ chí kim, yến sào ngày càng được ưa chuộng trong ẩm thực cũng như trong y học.

Từ khi nghề nuôi chim yến được hình thành, người ta bắt đầu phân chia chim yến thành 2 loại khác nhau là yến đảo và yến nhà. Yến nhà là thành tựu của những quốc gia nuôi yến hàng đầu trên thế giới như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… trong việc thuần dưỡng và dẫn dụ yến đảo về nuôi trong đất liền. Ở Việt Nam, Công ty Yến sào Khánh Hòa là đơn vị nghiên cứu, ứng dụng thành công việc nuôi yến nhà. Từ đó, các tỉnh, thành khác cũng bắt đầu phát triển nghề nuôi này…

PHƯƠNG ANH

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
27/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang